Phân chia tài sản chung là bất động sản sau ly hôn có phải nộp thuế TNCN không?
Phân chia tài sản chung là bất động sản sau ly hôn có phải nộp thuế TNCN không?
Căn cứ theo điểm a khoản 1 Điều 3 Thông tư 111/2013/TT-BTC (được bổ sung bởi Điều 12 Thông tư 92/2015/TT-BTC) quy định về các khoản thu nhập được miễn thuế như sau:
Các khoản thu nhập được miễn thuế
1. Căn cứ quy định tại Điều 4 của Luật Thuế thu nhập cá nhân, Điều 4 của Nghị định số 65/2013/NĐ-CP, các khoản thu nhập được miễn thuế bao gồm:
a) Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản (bao gồm cả nhà ở hình thành trong tương lai, công trình xây dựng hình thành trong tương lai theo quy định pháp luật về kinh doanh bất động sản) giữa: vợ với chồng; cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng, mẹ chồng với con dâu; bố vợ, mẹ vợ với con rể; ông nội, bà nội với cháu nội; ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; anh chị em ruột với nhau.
Trường hợp bất động sản (bao gồm cả nhà ở hình thành trong tương lai, công trình xây dựng hình thành trong tương lai theo quy định pháp luật về kinh doanh bất động sản) do vợ hoặc chồng tạo lập trong thời kỳ hôn nhân được xác định là tài sản chung của vợ chồng, khi ly hôn được phân chia theo thỏa thuận hoặc do tòa án phán quyết thì việc phân chia tài sản này thuộc diện được miễn thuế.
...
Như vậy, trường hợp bất động sản là tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn được phân chia theo thỏa thuận hoặc do Tòa án phán quyết thì tài sản này sẽ không phải nộp thuế TNCN.
Phân chia tài sản chung là bất động sản sau ly hôn có phải nộp thuế TNCN không? (Hình ảnh từ Internet)
Bất động sản bố mẹ tặng cho con có phải nộp thuế TNCN?
Căn cứ theo khoản 4 Điều 4 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 (được bổ sung bởi khoản 3 Điều 2 Luật sửa đổi các Luật về thuế 2014) quy định về các thu nhập được miễn thuế như sau:
Thu nhập được miễn thuế
1. Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản giữa vợ với chồng; cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng, mẹ chồng với con dâu; cha vợ, mẹ vợ với con rể; ông nội, bà nội với cháu nội; ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; anh, chị, em ruột với nhau.
2. Thu nhập từ chuyển nhượng nhà ở, quyền sử dụng đất ở và tài sản gắn liền với đất ở của cá nhân trong trường hợp cá nhân chỉ có một nhà ở, đất ở duy nhất.
3. Thu nhập từ giá trị quyền sử dụng đất của cá nhân được Nhà nước giao đất.
4. Thu nhập từ nhận thừa kế, quà tặng là bất động sản giữa vợ với chồng; cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng, mẹ chồng với con dâu; cha vợ, mẹ vợ với con rể; ông nội, bà nội với cháu nội; ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; anh, chị, em ruột với nhau.
5. Thu nhập của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, làm muối, nuôi trồng, đánh bắt thuỷ sản chưa qua chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường.
...
Như vậy, bất động sản do bố mẹ tặng cho con không phải nộp thuế TNCN.
Các loại thu nhập nào từ chuyển nhượng bất động sản phải nộp thuế TNCN?
Căn cứ theo Điều 14 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 (được sửa đổi bởi khoản 6 Điều 2 Luật sửa đổi các Luật về thuế 2014 và Điều 247 Luật Đất đai 2024) quy định về thu nhập phải nộp thuế từ chuyển nhượng bất động sản như sau:
Thu nhập chịu thuế từ chuyển nhượng bất động sản
1. Thu nhập chịu thuế từ chuyển nhượng bất động sản được xác định là giá chuyển nhượng từng lần; trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì thu nhập chịu thuế tính theo giá đất trong bảng giá đất”.
2. Chính phủ quy định nguyên tắc, phương pháp xác định giá chuyển nhượng bất động sản.
3. Thời điểm xác định thu nhập chịu thuế từ chuyển nhượng bất động sản là thời điểm hợp đồng chuyển nhượng có hiệu lực theo quy định của pháp luật.
Như vậy, các loại thu nhập phải nộp thuế từ chuyển nhượng bất động sản là giá chuyển nhượng từng lần.
Trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì thu nhập chịu thuế tính theo giá đất trong bảng giá đất.
Đối tượng phải nộp thuế TNCN được quy định ra sao?
Căn cứ theo Điều 2 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 quy định về đối tượng phải nộp thuế TNCN bao gồm:
- Đối với cá nhân cư trú là cá nhân đáp ứng các điều kiện sau:
+ Có mặt tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên tính trong một năm dương lịch hoặc tính theo 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam;
+ Có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam, bao gồm có nơi ở đăng ký thường trú hoặc có nhà thuê để ở tại Việt Nam theo hợp đồng thuê có thời hạn.
Và có thu nhập chịu thuế phát sinh trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam.
- Đối với cá nhân không cư trú là cá nhân không đáp ứng các điều kiện của cá nhân cư trú và có thu nhập chịu thuế phát sinh trong lãnh thổ Việt Nam.