Nguyên tắc quản lý thuế đối với hộ kinh doanh theo Quyết định 420 như thế nào?

Nguyên tắc quản lý thuế đối với hộ kinh doanh theo Quyết định 420 như thế nào? Quản lý thuế đối với hộ kinh doanh theo những phương pháp ra sao?

Nguyên tắc quản lý thuế đối với hộ kinh doanh theo Quyết định 420 như thế nào?

Căn cứ theo mục 2.2 Quyết định 420/QĐ-TCT 2025 ban hành Đề án Đổi mới, nâng cao chất lượng quản lý thuế đối với hộ kinh doanh có quy định về nguyên tắc quản lý thuế đối với hộ kinh doanh như sau:

Nguyên tắc quản lý thuế đối với hộ kinh doanh được xây dựng dựa trên tính minh bạch, công bằng, hiệu quả và phù hợp với quy mô, đặc điểm kinh doanh.

Trước hết, quản lý thuế tuân theo nguyên tắc tự khai, tự nộp, tức là hộ kinh doanh có trách nhiệm kê khai trung thực doanh thu và nộp thuế đúng hạn. Đối với hộ kinh doanh nộp thuế khoán, cơ quan thuế áp dụng phương pháp khoán, xác định mức thuế dựa trên quy mô, địa điểm và ngành nghề kinh doanh. Bên cạnh đó, nguyên tắc quản lý thuế theo rủi ro được áp dụng nhằm tập trung kiểm tra, thanh tra các trường hợp có dấu hiệu trốn thuế, kê khai sai. Ngoài ra, quản lý thuế còn đảm bảo ứng dụng công nghệ thông tin, giúp đơn giản hóa thủ tục kê khai, nộp thuế và sử dụng hóa đơn điện tử.

Cơ quan thuế cũng thực hiện nguyên tắc công khai, minh bạch, công bố rõ ràng các mức thuế, chính sách thuế để hộ kinh doanh dễ dàng thực hiện. Đồng thời, Nhà nước luôn khuyến khích tuân thủ tự nguyện, hỗ trợ và tạo điều kiện cho hộ kinh doanh thực hiện nghĩa vụ thuế một cách thuận lợi, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý thuế và đảm bảo công bằng trong môi trường kinh doanh.

Nguyên tắc quản lý thuế đối với hộ kinh doanh theo Quyết định 420 như thế nào?

Nguyên tắc quản lý thuế đối với hộ kinh doanh theo Quyết định 420 như thế nào? (Hình ảnh từ Internet)

Quản lý thuế đối với hộ kinh doanh theo những phương pháp nào theo Quyết định 420?

Căn cứ theo mục 2.4 Phần 2 Quyết định 420/QĐ-TCT năm 2025 có quy định về các phương pháp quản lý thuế đối với hộ kinh doanh như sau:

- Các phương pháp quản lý thuế đối với hộ kinh doanh được triển khai nhằm đảm bảo thu đúng, thu đủ, góp phần nâng cao hiệu quả thu ngân sách nhà nước và tạo môi trường kinh doanh công bằng.

- Một trong những phương pháp quan trọng là phương pháp kê khai thuế, áp dụng cho những hộ kinh doanh có doanh thu lớn, có sử dụng hóa đơn và thực hiện đầy đủ chế độ kế toán theo quy định. Với phương pháp này, hộ kinh doanh phải tự kê khai doanh thu, chi phí và tính số thuế phải nộp. Cơ quan thuế giám sát và kiểm tra việc kê khai để đảm bảo tính chính xác và minh bạch.

- Phương pháp tiếp theo là phương pháp thuế khoán, áp dụng cho các hộ kinh doanh nhỏ, không thực hiện chế độ kế toán đầy đủ. Cơ quan thuế căn cứ vào quy mô kinh doanh, ngành nghề, địa điểm và các yếu tố liên quan để xác định mức thuế

Định hướng công tác quản ký thuế đối với hộ kinh doanh trong thời gian tới theo Quyết định 420 ra sao?

Căn cứ theo Mục 4.1 Phần 4 Quyết định 420/QĐ-TCT năm 2025 có quy định về định hướng công tác quản lý thuế đối với hộ kinh doanh trong thời gian tới như sau:

Định hướng chung của công tác quản lý thuế đối với hộ kinh doanh: “Người nộp thuế tự khai, tự nộp thuế. Cơ quan thuế chỉ kiểm tra, giám sát” nhằm hướng đến một hệ thống thuế minh bạch, hiệu quả và phù hợp với xu hướng quản lý hiện đại. Theo đó, hộ kinh doanh có trách nhiệm tự kê khai doanh thu, xác định số thuế phải nộp và thực hiện nghĩa vụ thuế đúng thời hạn. Cơ quan thuế sẽ không thực hiện ấn định thuế mà tập trung vào công tác giám sát, kiểm tra dựa trên dữ liệu và công nghệ thông tin.

(1) Định hướng quản lý thuế đối với từng loại hộ kinh doanh

- Đối với hộ kê khai: Tập trung vào việc kiểm soát chặt chẽ hóa đơn đầu vào, đầu ra và yêu cầu thực hiện đầy đủ chế độ kế toán nhằm nâng cao tính minh bạch và chính xác trong kê khai thuế.

Cơ quan thuế triển khai các biện pháp bắt buộc hộ kinh doanh sử dụng hóa đơn điện tử, đảm bảo tất cả giao dịch mua bán hàng hóa, dịch vụ đều được ghi nhận đầy đủ, hạn chế tình trạng gian lận thuế thông qua việc không xuất hóa đơn hoặc khai báo không trung thực doanh thu. Đồng thời, nghiên cứu biện pháp để hộ kinh doanh khoán phải thực hiện chế độ kế toán theo quy định, ghi chép rõ ràng doanh thu, chi phí và lưu trữ chứng từ hợp lệ để phục vụ công tác kiểm tra, đối chiếu khi cần thiết.

- Đối với hộ khoán: Tập trung vào việc yêu cầu người nộp thuế tự khai doanh thu sát với thực tế phát sinh, đảm bảo tính minh bạch và công bằng trong thực hiện nghĩa vụ thuế.

Hiện nay, một số hộ kinh doanh có xu hướng kê khai doanh thu thấp hơn thực tế để giảm số thuế phải nộp, gây thất thu ngân sách nhà nước. Để khắc phục tình trạng này, cơ quan thuế cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đối chiếu dữ liệu từ nhiều nguồn như giao dịch ngân hàng, hóa đơn điện tử, và báo cáo của các đơn vị liên quan để kiểm tra tính chính xác của doanh thu kê khai. Bên cạnh đó, cần tiến tới bỏ hội đồng tư vấn thuế xã, phường, thị trấn do cơ chế này không còn phát huy hiệu quả trong thực tế, thiếu tính chuyên môn và không đảm bảo khả năng giám sát thuế công bằng.

- Đối với hộ kinh doanh TMĐT: Đối với các hộ kinh doanh trên sàn thương mại điện tử, cơ quan thuế yêu cầu các sàn khai và nộp thuế thay cho người bán, đảm bảo việc thu thuế diễn ra minh bạch, chính xác và tránh thất thu ngân sách. Các sàn thương mại điện tử có trách nhiệm tổng hợp dữ liệu giao dịch, doanh thu của từng hộ kinh doanh và thực hiện nghĩa vụ nộp thuế theo quy định, giúp hạn chế tình trạng trốn thuế, kê khai không trung thực.

Đối với các hộ kinh doanh không hoạt động trên sàn thương mại điện tử, cơ quan thuế thực hiện phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan như ngân hàng, cơ quan quản lý thị trường, đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông, điện lực để thu thập dữ liệu về giao dịch, dòng tiền và doanh thu thực tế. Việc xây dựng hệ thống dữ liệu tập trung sẽ giúp cơ quan thuế kiểm soát chặt chẽ đối tượng nộp thuế, phát hiện kịp thời các trường hợp kê khai không đúng thực tế, từ đó nâng cao hiệu quả quản lý thuế và đảm bảo tính công bằng trong thực hiện nghĩa vụ thuế.

(2) Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát dựa trên cơ sở dữ liệu thu thập được từ các bên liên quan (cơ quan đăng ký kinh doanh, Sàn TMĐT, Ngân hàng, đơn vị kinh doanh dịch vụ vận chuyển...)

- Để nâng cao hiệu quả quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cơ quan thuế cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát dựa trên cơ sở dữ liệu thu thập từ các bên liên quan, bao gồm cơ quan đăng ký kinh doanh, sản thương mại điện tử, ngân hàng, đơn vị kinh doanh dịch vụ vận chuyển và các tổ chức có liên quan khác.

- Việc khai thác và đối chiếu dữ liệu từ nhiều nguồn giúp cơ quan thuế có cái nhìn toàn diện về hoạt động kinh doanh của hộ kinh doanh, từ đó phát hiện các trường hợp kê khai không trung thực hoặc trốn thuế. Đối với hộ kinh doanh trên sàn thương mại điện tử, dữ liệu từ các sàn có thể cung cấp thông tin chi tiết về doanh thu và giao dịch, hỗ trợ việc xác định chính xác số thuế phải nộp. Trong khi đó, thông tin từ ngân hàng giúp kiểm soát dòng tiền, phát hiện sự chênh lệch giữa doanh thu thực tế và doanh thu kê khai.

- Các đơn vị vận chuyển cũng đóng vai trò quan trọng khi cung cấp dữ liệu về số lượng đơn hàng, doanh thu ước tính của hộ kinh doanh. Trên cơ sở các dữ liệu này, cơ quan thuế có thể áp dụng công nghệ phân tích rủi ro, tập trung kiểm tra các hộ kinh doanh có dấu hiệu kê khai sai lệch thay vì kiểm tra tràn lan, gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh hợp pháp. Việc tăng cường kiểm tra, giám sát dựa trên dữ liệu không chỉ nâng cao tính minh bạch, công bằng trong thực hiện nghĩa vụ thuế mà còn giúp giảm thất thu ngân sách nhà nước và thúc đẩy môi trường kinh doanh lành mạnh.

Cùng chủ đề
Tác giả: Ngô Trung Hiếu
Lượt xem: 0
Bài viết mới nhất

Đăng ký tài khoản Lawnet

Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;