Người có hành vi trộm mã số thuế của người khác để khai khống thu nhập có thể bị xử phạt ra sao?
Người có hành vi trộm mã số thuế của người khác để khai khống thu nhập có thể bị xử phạt ra sao?
Căn cứ theo khoản 5 Điều 143 Luật quản lý thuế 2019 có quy định về hành vi trốn thuế như sau:
Hành vi trốn thuế
...
5. Sử dụng chứng từ, tài liệu không phản ánh đúng bản chất giao dịch hoặc giá trị giao dịch thực tế để xác định sai số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được miễn, số tiền thuế được giảm, số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế không phải nộp.
6. Khai sai với thực tế hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu mà không khai bổ sung hồ sơ khai thuế sau khi hàng hóa đã được thông quan.
7. Cố ý không kê khai hoặc khai sai về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
...
Căn cứ Điều 138 Luật Quản lý thuế 2019 quy định:
Hình thức xử phạt, mức phạt tiền và biện pháp khắc phục hậu quả
1. Các hình thức xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế bao gồm:
a) Cảnh cáo;
b) Phạt tiền.
2. Mức phạt tiền trong xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế được quy định như sau:
a) Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi quy định tại Điều 141 của Luật này thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính;
b) Phạt 10% tính trên số tiền thuế khai thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc số tiền thuế khai tăng trong trường hợp được miễn, giảm, hoàn, không thu thuế đối với hành vi quy định tại điểm a khoản 2 Điều 142 của Luật này;
c) Phạt 20% tính trên số tiền thuế khai thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc số tiền thuế khai tăng trong trường hợp được miễn, giảm, hoàn, không thu thuế đối với hành vi quy định tại khoản 1 và các điểm b, c khoản 2 Điều 142 của Luật này;
d) Phạt từ 01 lần đến 03 lần số tiền thuế trốn đối với hành vi quy định tại Điều 143 của Luật này.
3. Các biện pháp khắc phục hậu quả trong xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế bao gồm:
a) Buộc nộp đủ số tiền thuế trốn, thiếu;
b) Buộc nộp đủ số tiền đã miễn, giảm, hoàn, không thu thuế không đúng.
4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Theo đó, hành vi trộm mã số thuế cá nhân của người khác để khai khống thu nhập có thể được xem là hành vi trốn thuế.
Như vậy, người có hành vi trộm mã số thuế cá nhân của người khác để khai khống thu nhập có thể sẽ bị phạt tiền từ 01 lần đến 03 lần số tiền thuế trốn.
Ngoài mức phạt tiền vừa nêu trên thì người vi phạm còn buộc phải nộp đủ số tiền thuế đã trốn.
Người có hành vi trộm mã số thuế của người khác để khai khống thu nhập có thể bị xử phạt ra sao? (Hình từ Internet)
Đối tượng nào được cấp mã số thuế cá nhân?
Căn cứ khoản 1 Điều 30 Luật Quản lý thuế 2019 quy định về đối tượng đăng ký thuế như sau:
Đối tượng đăng ký thuế và cấp mã số thuế
1. Người nộp thuế phải thực hiện đăng ký thuế và được cơ quan thuế cấp mã số thuế trước khi bắt đầu hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc có phát sinh nghĩa vụ với ngân sách nhà nước. Đối tượng đăng ký thuế bao gồm:
a) Doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thực hiện đăng ký thuế theo cơ chế một cửa liên thông cùng với đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hợp tác xã, đăng ký kinh doanh theo quy định của Luật Doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan;
b) Tổ chức, cá nhân không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này thực hiện đăng ký thuế trực tiếp với cơ quan thuế theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
...
Như vậy, đối tượng được cấp mã số thuế cá nhân là những cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc có phát sinh nghĩa vụ với ngân sách nhà nước.
Bên cạnh đó Điều 4 Thông tư 86/2024/TT-BTC (có hiệu lực từ 06/02/2025) quy định cụ thể những cá nhân được cấp mã số thuế cá nhân gồm:
- Cá nhân nước ngoài sử dụng tiền viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại của nước ngoài mua hàng hóa, dịch vụ có thuế giá trị gia tăng ở Việt Nam để viện trợ không hoàn lại, viện trợ nhân đạo;
- Cá nhân nước ngoài hành nghề độc lập kinh doanh tại Việt Nam phù hợp với pháp luật Việt Nam có thu nhập phát sinh tại Việt Nam hoặc có phát sinh nghĩa vụ thuế tại Việt Nam (sau đây gọi là Nhà thầu nước ngoài, nhà thầu phụ nước ngoài);
- Cá nhân nước ngoài không cư trú tại Việt Nam có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác với tổ chức, cá nhân ở Việt Nam (sau đây gọi là Nhà cung cấp ở nước ngoài);
- Cá nhân có trách nhiệm khấu trừ và nộp thuế thay cho người nộp thuế khác phải kê khai và xác định nghĩa vụ thuế riêng so với nghĩa vụ của người nộp thuế theo quy định của pháp luật về quản lý thuế (trừ cơ quan chi trả thu nhập khi khấu trừ, nộp thay thuế thu nhập cá nhân). Cá nhân được nhà cung cấp ở nước ngoài ủy quyền có trách nhiệm kê khai, khấu trừ và nộp thuế thay cho nhà cung cấp ở nước ngoài (sau đây gọi là Tổ chức, cá nhân khấu trừ nộp thay);
- Cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật nhưng không phải đăng ký hộ kinh doanh qua cơ quan đăng ký kinh doanh theo quy định của Chính phủ về hộ kinh doanh; cá nhân kinh doanh của các nước có chung đường biên giới đất liền với Việt Nam thực hiện hoạt động mua, bán, trao đổi hàng hóa tại chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong khu kinh tế cửa khẩu.
- Cá nhân có thu nhập thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân (trừ cá nhân kinh doanh).
- Cá nhân là người phụ thuộc theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân.
- Cá nhân được cơ quan thuế ủy nhiệm thu.
- Cá nhân khác có nghĩa vụ với ngân sách nhà nước.
Việc cấp mã số thuế cá nhân được quy định như thế nào?
Căn cứ tại khoản 3 Điều 30 Luật Quản lý thuế 2019 quy định việc cấp mã số thuế cá nhân như sau:
- Cá nhân được cấp 01 mã số thuế duy nhất để sử dụng trong suốt cuộc đời của cá nhân đó. Người phụ thuộc của cá nhân được cấp mã số thuế để giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế thu nhập cá nhân. Mã số thuế cấp cho người phụ thuộc sẽ đồng thời là mã số thuế của cá nhân khi người phụ thuộc phát sinh nghĩa vụ với ngân sách nhà nước;
- Cá nhân có trách nhiệm khấu trừ, nộp thuế thay được cấp mã số thuế nộp thay để thực hiện khai thuế và nộp thuế thay cho người nộp thuế;
- Mã số thuế đã cấp không được sử dụng lại để cấp cho người nộp thuế khác;
- Mã số thuế cấp cá nhân kinh doanh là mã số thuế cấp cho cá nhân người đại diện kinh doanh.