Lịch cấm hơn 20 tuyến đường trung tâm TP HCM từ 22 4 đến 30 4?
Lịch cấm hơn 20 tuyến đường trung tâm TP HCM từ 22 4 đến 30 4?
Ngày 21/4, Phòng Cảnh sát giao thông TPHCM (PC08) vừa có thông báo về việc cấm đường, hạn chế lưu thông trên một số tuyến đường trung tâm thành phố. Việc cấm người và xe nhằm bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông phục vụ các hoạt động Tổng hợp luyện, Sơ duyệt, Tổng duyệt và tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam.
Thời gian cấm đường:
- Tổng hợp luyện lần thứ 2, ngày 22/4: Cấm các phương tiện lưu thông, dừng đỗ từ 17h30' ngày 22/4 đến 1h ngày 23/4.
- Ngày sơ duyệt cấp nhà nước (25/4) (dự phòng ngày 26/4): Cấm các phương tiện lưu thông, dừng đỗ từ 17h30' ngày 25/4 đến 1h ngày 26/4 (khung thời gian cấm tương tự nếu sơ duyệt vào ngày dự phòng).
- Ngày tổng duyệt cấp nhà nước ngày 27/4 (dự phòng ngày 28/4): Cấm các phương tiện lưu thông, dừng đỗ từ 3h đến 12h ngày 27/4 (khung thời gian cấm tương tự nếu tổng duyệt vào ngày dự phòng)
- Ngày Lễ kỷ niệm chính thức, ngày 30/4: Cấm các phương tiện lưu thông, dừng đỗ từ 3h đến 12h ngày 30/4.
Các tuyến đường trung tâm TP HCM bị cấm, hạn chế cụ thể như sau:
[1] Cầu Ba Son, hướng từ TP Thủ Đức sang quận 1 (bắt đầu từ ngã ba đường D6 R12).
[2] Đường Nguyễn Bỉnh Khiêm (đoạn giáp đường Nguyễn Đình Chiểu đến Nguyễn Hữu Cảnh).
[3] Đường Đinh Tiên Hoàng (đoạn giáp đường Nguyễn Đình Chiểu đến Lê Duẩn).
[4] Đường Tôn Đức Thắng (đoạn từ đường Lê Duẩn đến điểm quay đầu trước số 37 Tôn Đức Thắng).
[5] Đường Mạc Đĩnh Chi (đoạn từ đường Trần Cao Vân đến Nguyễn Du).
[6] Đường Hai Bà Trưng (đoạn từ giáp đường Võ Văn Tần đến giáp Lý Tự Trọng).
[7] Đường Phạm Ngọc Thạch (đoạn từ giáp vòng xoay hồ Con Rùa đến Nhà thờ Đức Bà).
[8] Đường Pasteur (đoạn từ giáp đường Võ Văn Tần đến giáp Lý Tự Trọng).
[9] Đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (đoạn từ giáp đường Võ Văn Tần đến giáp Lý Tự Trọng).
[10] Đường Trương Định (đoạn từ giáp đường Võ Văn Tần đến giáp Lý Tự Trọng).
[11] Đường Nguyễn Du (đoạn từ đường Tôn Đức Thắng đến giáp đường Cách Mạng Tháng Tám).
[12] Đường Nguyễn Thị Minh Khai (đoạn từ đường Nguyễn Bỉnh Khiêm đến giáp Cách Mạng Tháng Tám).
[13] Các tuyến đường nằm bên trong vòng giới hạn của các tuyến đường trên như: Lê Duẩn, Nguyễn Văn Chiêm, Lê Quý Đôn, Huyền Trân Công Chúa, Lê Văn Hưu, Hàn Thuyên, Alexandre De Rhodes, Công xã Paris, Đặng Trần Côn, Thủ Khoa Huân, Nguyễn Trung Trực, Đồng Khởi...
Theo Phòng PC08, chỉ cho phép cá nhân, tổ chức đi bộ về nhà ở của cá nhân, về khách sạn để lưu trú, cán bộ nhân viên đi làm việc cấp bách tại cơ quan, đơn vị được phép đi đúng tuyến đường đến nơi đã được chứng minh trong khu vực hạn chế lưu thông.
Các trường hợp trên, người dân cần mang theo giấy tờ tùy thân để chứng minh (căn cước, hộ chiếu…) hoặc liên hệ công an phường phụ trách khu vực nơi cư trú để được hỗ trợ phương án vào khu vực hạn chế an ninh theo hướng dẫn của lực lượng làm công tác đảm bảo ANTT (phương tiện không được phép được đưa vào khu vực đã thiết lập công tác đảm bảo an ninh, do đó cần chủ động sắp xếp chỗ để phương tiện trước khi lực lượng chức năng đã thiết lập hàng rào kiểm soát người và phương tiện).
Lịch cấm hơn 20 tuyến đường trung tâm TP HCM từ 22 4 đến 30 4? (Hình từ Internet)
Ngày Giải phóng miền Nam công chức Thuế có phải làm việc?
Tại Hướng dẫn 01-HD/BTGDVTW năm 2025 về việc Tuyên truyền kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) Lễ kỷ niệm, diễu binh, diễu hành sẽ diễn ra vào ngày 30/4/2025 (tức là Ngày Chiến Thắng).
Theo đó, căn cứ tại Điều 13 Luật Cán bộ, công chức 2008 quy định về thời gian nghỉ ngơi của công chức như sau:
Quyền của cán bộ, công chức về nghỉ ngơi
Cán bộ, công chức được nghỉ hàng năm, nghỉ lễ, nghỉ để giải quyết việc riêng theo quy định của pháp luật về lao động. Trường hợp do yêu cầu nhiệm vụ, cán bộ, công chức không sử dụng hoặc sử dụng không hết số ngày nghỉ hàng năm thì ngoài tiền lương còn được thanh toán thêm một khoản tiền bằng tiền lương cho những ngày không nghỉ.
Theo quy định tại Điều 112 Bộ luật Lao động 2019 quy định về các ngày nghỉ lễ, tết trong năm như sau:
Nghỉ lễ, tết
1. Người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết sau đây:
a) Tết Dương lịch: 01 ngày (ngày 01 tháng 01 dương lịch);
b) Tết Âm lịch: 05 ngày;
c) Ngày Chiến thắng: 01 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch);
d) Ngày Quốc tế lao động: 01 ngày (ngày 01 tháng 5 dương lịch);
đ) Quốc khánh: 02 ngày (ngày 02 tháng 9 dương lịch và 01 ngày liền kề trước hoặc sau);
e) Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương: 01 ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch).
2. Lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam ngoài các ngày nghỉ theo quy định tại khoản 1 Điều này còn được nghỉ thêm 01 ngày Tết cổ truyền dân tộc và 01 ngày Quốc khánh của nước họ.
3. Hằng năm, căn cứ vào điều kiện thực tế, Thủ tướng Chính phủ quyết định cụ thể ngày nghỉ quy định tại điểm b và điểm đ khoản 1 Điều này.
Như vậy, vào ngày Giải phóng miền Nam 30 4 công chức thuế được nghĩ lễ hưởng nguyên lương.
Lưu ý: Thông tin trên chỉ mang tính tham khảo!
Có chịu thuế TNCN đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công đi làm vào dịp nghỉ lễ?
Căn cứ theo điểm i khoản 1 Điều 3 Thông tư 111/2013/TT-BTC (được bổ sung bởi khoản 4 và khoản 5 Điều 12 Thông tư 92/2015/TT-BTC) quy định như sau:
Các khoản thu nhập được miễn thuế
1. Căn cứ quy định tại Điều 4 của Luật Thuế thu nhập cá nhân, Điều 4 của Nghị định số 65/2013/NĐ-CP, các khoản thu nhập được miễn thuế bao gồm:
...
i) Thu nhập từ phần tiền lương, tiền công làm việc ban đêm, làm thêm giờ được trả cao hơn so với tiền lương, tiền công làm việc ban ngày, làm việc trong giờ theo quy định của Bộ luật Lao động. Cụ thể như sau:
i.1) Phần tiền lương, tiền công trả cao hơn do phải làm việc ban đêm, làm thêm giờ được miễn thuế căn cứ vào tiền lương, tiền công thực trả do phải làm đêm, thêm giờ trừ (-) đi mức tiền lương, tiền công tính theo ngày làm việc bình thường.
Ví dụ 2: Ông A có mức lương trả theo ngày làm việc bình thường theo quy định của Bộ luật Lao động là 40.000 đồng/giờ.
- Trường hợp cá nhân làm thêm giờ vào ngày thường, cá nhân được trả 60.000 đồng/giờ thì thu nhập được miễn thuế là:
60.000 đồng/giờ – 40.000 đồng/giờ = 20.000 đồng/giờ
- Trường hợp cá nhân làm thêm giờ vào ngày nghỉ hoặc ngày lễ, cá nhân được trả 80.000 đồng/giờ thì thu nhập được miễn thuế là:
80.000 đồng/giờ – 40.000 đồng/giờ = 40.000 đồng/giờ
i.2) Tổ chức, cá nhân trả thu nhập phải lập bảng kê phản ánh rõ thời gian làm đêm, làm thêm giờ, khoản tiền lương trả thêm do làm đêm, làm thêm giờ đã trả cho người lao động. Bảng kê này được lưu tại đơn vị trả thu nhập và xuất trình khi có yêu cầu của cơ quan thuế.
...
Như vậy, theo các quy định trên, nếu người lao động đi làm thêm ngày nghỉ lễ thì sẽ được miễn thuế TNCN đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công được trả cao hơn khi làm việc thêm giờ. Còn phần tiền lương tính theo ngày làm việc bình thường vẫn phải chịu thuế TNCN.