Lạm phát là gì? Nguyên nhân và giải pháp kiểm soát lạm phát? Ảnh hưởng của lạm phát đối với thuế như thế nào?
Lạm phát là gì? Nguyên nhân và giải pháp kiểm soát lạm phát? Ảnh hưởng của lạm phát đối với thuế như thế nào?
Hiện hành, khái niệm lạm phát chưa được định nghĩa cụ thể trong các văn bản pháp luật, nhưng có thể tìm thấy nội dung liên quan trong các quy định về chính sách tiền tệ và tài chính quốc gia.
Dưới đây là những phân tích về khái niệm, nguyên nhân và giải pháp cho lạm phát mà các bạn có thể tham khảo:
(1) Khái niệm Lạm phát là gì?
Lạm phát là sự gia tăng mức giá chung của hàng hóa và dịch vụ trong một nền kinh tế theo thời gian, dẫn đến sự suy giảm giá trị của đồng tiền. Khi lạm phát xảy ra, cùng một số tiền sẽ mua được ít hàng hóa hoặc dịch vụ hơn so với trước đây.
Ví dụ cụ thể về lạm phát:
- Năm 2015, giá một tô phở ở Việt Nam trung bình khoảng 20.000 đồng, nhưng đến năm 2024, giá đã tăng lên 50.000 đồng. Đây là biểu hiện của lạm phát, khi cùng một sản phẩm nhưng giá lại tăng lên theo thời gian.
- Ở Venezuela, do lạm phát phi mã, giá một ổ bánh mì có thể tăng gấp hàng chục lần chỉ trong vài tháng.
(2) Nguyên nhân của lạm phát:
Nguyên nhân của lạm phát có thể do nhiều yếu tố khác nhau, chủ yếu gồm:
- Lạm phát do cầu kéo: Khi nhu cầu tiêu dùng tăng cao hơn khả năng cung ứng của nền kinh tế, giá cả hàng hóa và dịch vụ sẽ tăng lên.
Ví dụ: Khi kinh tế phát triển mạnh, thu nhập của người dân tăng, họ mua sắm nhiều hơn >> giá cả hàng hóa tăng.
- Lạm phát do chi phí đẩy: Khi chi phí sản xuất tăng (lương nhân công, giá nguyên liệu, thuế...) làm doanh nghiệp phải tăng giá bán.
Ví dụ: Giá xăng dầu tăng làm chi phí vận chuyển tăng, từ đó kéo theo giá hàng hóa khác cũng tăng.
- Lạm phát do cung tiền tăng quá mức: Khi ngân hàng trung ương in thêm tiền vào lưu thông, lượng tiền nhiều nhưng hàng hóa không tăng tương ứng >> giá cả tăng.
Ví dụ: Nếu chính phủ phát hành quá nhiều tiền để chi tiêu công, đồng tiền mất giá và gây ra lạm phát.
- Lạm phát do kỳ vọng: Khi doanh nghiệp và người tiêu dùng kỳ vọng giá cả sẽ tăng trong tương lai, họ sẽ tăng giá trước hoặc mua tích trữ, làm giá thực tế tăng lên.
(3) Giải pháp kiểm soát lạm phát
- Giảm bớt lượng tiền mặt trong lưu thông:
Khi có quá nhiều tiền được bơm vào nền kinh tế, giá trị của tiền sẽ giảm đi, dẫn đến lạm phát. Để kiểm soát điều này, một giải pháp là giảm lượng tiền mặt trong lưu thông. Một trong những cách làm là tăng lãi suất tiền gửi ngân hàng và lãi suất tái chiết khấu, điều này khuyến khích người dân gửi tiền vào ngân hàng thay vì chi tiêu nhiều hơn. Nhờ vậy, lượng tiền trong nền kinh tế sẽ giảm, giúp ổn định giá cả.
- Thúc đẩy sản xuất và kinh doanh:
Lạm phát mạnh thường xảy ra khi cung không đủ đáp ứng với nhu cầu tiêu dùng. Vì vậy, một biện pháp quan trọng để giảm lạm phát là tăng cường sản xuất và đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa, dịch vụ để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Điều này có thể thực hiện bằng cách duy trì ổn định giá trị đồng tiền, ổn định kinh tế vĩ mô, và kiểm soát chặt chẽ lạm phát.
Ngân hàng Nhà nước cũng cần điều hành lãi suất và các công cụ thị trường mở một cách linh hoạt để kiểm soát sự ổn định tài chính. Họ cần quản lý tỷ giá hối đoái một cách hiệu quả và điều chỉnh khi cần thiết.
Đối với các mặt hàng do nhà nước định giá hoặc các dịch vụ công đang được thực hiện theo lộ trình thị trường, cần phải tính toán kỹ lưỡng và chuẩn bị các phương án giá phù hợp, điều chỉnh vào thời điểm thích hợp. Đồng thời, việc theo dõi sát sao cung cầu và biến động giá cả các mặt hàng cũng giúp đưa ra những quyết định điều hành đúng đắn, góp phần kiềm chế lạm phát.
(4) Ảnh hưởng của lạm phát đối với thuế như thế nào?
Lạm phát không được quy định trực tiếp trong các văn bản pháp luật về thuế cụ thể, nhưng ảnh hưởng của lạm phát đối với thuế có thể được phản ánh gián tiếp qua các chính sách thuế và quy định về điều chỉnh mức thuế, cụ thể bao gồm:
- Thuế giá trị gia tăng (GTGT): Lạm phát làm tăng giá trị của hàng hóa và dịch vụ. Điều này dẫn đến việc số thuế GTGT mà các doanh nghiệp và người tiêu dùng phải đóng sẽ tăng lên, mặc dù sức mua thực tế của người dân lại giảm. Mặc dù nhà nước có thể điều chỉnh các mức thuế hoặc giảm tỷ lệ thuế để hỗ trợ nền kinh tế, nhưng nếu không, lạm phát sẽ làm cho người tiêu dùng phải trả nhiều hơn cho cùng một hàng hóa hoặc dịch vụ.
- Thuế thu nhập doanh nghiệp: Do lạm phát làm tăng chi phí sản xuất và giá hàng hóa, các doanh nghiệp có thể phải điều chỉnh giá bán để bù đắp chi phí. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp không thể tăng giá đủ mạnh để duy trì lợi nhuận thực tế, thì lợi nhuận sau thuế sẽ bị ảnh hưởng, từ đó tác động đến số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp.
- Luật Thuế thu nhập cá nhân: Khi lạm phát xảy ra, giá trị thực tế của tiền giảm, đồng nghĩa với việc thu nhập thực của người lao động thấp hơn. Tuy nhiên, nếu mức thuế thu nhập cá nhân không được điều chỉnh theo lạm phát, người lao động có thể phải chịu mức thuế cao hơn so với thu nhập thực tế của họ. Điều này gây ra áp lực tài chính cho người dân.
Chính phủ có thể điều chỉnh các mức thu nhập chịu thuế hoặc mức thuế suất để giảm bớt tác động của lạm phát lên người dân.
- Ngân sách Nhà nước: Lạm phát có thể ảnh hưởng đến số thu ngân sách nếu chính phủ không điều chỉnh kịp thời các quy định thuế. Mặc dù thuế có thể tăng theo giá trị danh nghĩa của hàng hóa và dịch vụ, nhưng nếu sức mua giảm, người dân và doanh nghiệp sẽ có ít khả năng chi trả, làm giảm tổng thu ngân sách.
- Các chính sách tài khóa và điều chỉnh thuế: Trong bối cảnh lạm phát, Chính phủ có thể điều chỉnh các mức thuế, giảm thuế để hỗ trợ nền kinh tế, kích cầu tiêu dùng và đầu tư, hoặc có thể tăng thuế để kiềm chế sự tăng trưởng quá nóng của nền kinh tế.
Như vậy, Lạm phát có thể tác động trực tiếp và gián tiếp đến hệ thống thuế, có thể dẫn đến các vấn đề như giảm thu nhập thực tế, làm tăng mức thuế phải trả mặc dù sức mua giảm, và làm tăng gánh nặng tài chính cho cả doanh nghiệp và người dân.
Lưu ý: Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo!
Lạm phát là gì? Nguyên nhân và giải pháp kiểm soát lạm phát? Ảnh hưởng của lạm phát đối với thuế như thế nào? (Hình ảnh từ Internet)
Xây dựng chỉ tiêu lạm phát hằng năm là nhiệm vụ của Ngân hàng nhà nước?
Căn cứ theo khoản 5 Điều 4 Luật Ngân hàng Nhà nước 2010 có quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của Ngân hàng nhà nước như sau:
Nhiệm vụ, quyền hạn của Ngân hàng Nhà nước
1. Hoạt động của Ngân hàng Nhà nước nhằm ổn định giá trị đồng tiền; bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng và hệ thống các tổ chức tín dụng; bảo đảm sự an toàn, hiệu quả của hệ thống thanh toán quốc gia; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
2. Tham gia xây dựng chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
3. Xây dựng chiến lược phát triển ngành ngân hàng trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện.
4. Ban hành hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về tiền tệ và ngân hàng; tuyên truyền, phổ biến và kiểm tra theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật về tiền tệ và ngân hàng.
5. Xây dựng chỉ tiêu lạm phát hằng năm để Chính phủ trình Quốc hội quyết định và tổ chức thực hiện.
...
Như vậy, xây dựng chỉ tiêu lạm phát hằng năm để Chính phủ trình Quốc hội quyết định và tổ chức thực hiện là một trong những nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước.
Hiện nay mức phí rút tiền mặt tại Ngân hàng Nhà nước là bao nhiêu?
Căn cứ theo Điều 3 Thông tư 35/2014/TT-NHNN (được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 1 Thông tư 27/2019/TT-NHNN) có quy định mức phí rút tiền mặt tại Ngân hàng Nhà nước được quy định như sau:
- Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được miễn phí rút tiền mặt trong tháng khi giá trị tiền mặt rút qua tài khoản thanh toán nhỏ hơn hoặc bằng giá trị tiền mặt không đủ tiêu chuẩn lưu thông nộp về Ngân hàng Nhà nước cùng nơi mở tài khoản.
- Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chịu mức phí 0,005% trên số chênh lệch dương trong tháng giữa giá trị tiền mặt rút qua tài khoản thanh toán trừ giá trị tiền mặt không đủ tiêu chuẩn lưu thông nộp về Ngân hàng Nhà nước cùng nơi mở tài khoản.