Khai sai sót hồ sơ thuế có bị xử phạt vi phạm hành chính không?
Khai sai sót hồ sơ thuế có bị xử phạt vi phạm hành chính không?
Theo quy định tại khoản 4 Điều 6 Luật Quản lý thuế 2019 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý thuế như sau:
Các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý thuế
1. Thông đồng, móc nối, bao che giữa người nộp thuế và công chức quản lý thuế, cơ quan quản lý thuế để chuyển giá, trốn thuế.
2. Gây phiền hà, sách nhiễu đối với người nộp thuế.
3. Lợi dụng để chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép tiền thuế.
4. Cố tình không kê khai hoặc kê khai thuế không đầy đủ, kịp thời, chính xác về số tiền thuế phải nộp.
...
Như vậy, hành vi khai sai sót hồ sơ thuế là hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý thuế, thuộc hành vi vi phạm pháp luật bị xử phạt vi phạm hành chính.
Theo đó, Điều 12 Nghị định 125/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi khai sai sót hồ sơ thuế như sau:
- Khai sai các chỉ tiêu trong hồ sơ thuế nhưng không liên quan đến xác định nghĩa vụ thuế phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.500.000 đồng.
- Khai sai các phụ lục kèm theo tờ khai thuế nhưng không liên quan đến xác định nghĩa vụ thuế phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 2.500.000 đồng.
- Khai sai các chỉ tiêu liên quan đến xác định nghĩa vụ thuế trong hồ sơ thuế phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng
- Thực biện biện pháp khắc phục hậu quả:
- Buộc khai lại và nộp bổ sung các tài liệu trong hồ sơ thuế đối với hành vi quy định tại khoản 1, 2 và điểm a khoản 3 Điều 12 Nghị định 125/2020/NĐ-CP;
- Buộc điều chỉnh lại số lỗ, số thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ chuyển kỳ sau (nếu có) đối với hành vi quy định tại khoản 3 Điều 12 Nghị định 125/2020/NĐ-CP.
Lưu ý: Mức phạt tiền nêu trên là mức phạt đối với tổ chức. Mức phạt tiền đối với cá nhân có cùng hành vi vi phạm bằng 1/2 lần mức phạt tiền đối với tổ chức căn cứ theo khoản 5 Điều 5 Nghị định 125/2020/NĐ-CP.
Khai sai sót hồ sơ thuế có bị xử phạt vi phạm hành chính không? (Hình ảnh từ Internet)
Trường hợp nào không bị xử phạt hành chính về thuế?
Căn cứ theo Điều 9 Nghị định 125/2020/NĐ-CP quy định về trường hợp không bị xử phạt hành chính về thuế như sau:
- Không xử phạt vi phạm hành chính về thuế đối với các trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Người nộp thuế chậm thực hiện thủ tục thuế bằng phương thức điện tử do sự cố kỹ thuật của hệ thống công nghệ thông tin được thông báo trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan thuế thuộc trường hợp thực hiện hành vi vi phạm do sự kiện bất khả kháng quy định tại khoản 4 Điều 11 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012.
- Không xử phạt vi phạm hành chính về thuế, không tính tiền chậm nộp tiền thuế đối với người nộp thuế vi phạm hành chính về thuế do thực hiện theo văn bản hướng dẫn, quyết định xử lý của cơ quan thuế, cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đến nội dung xác định nghĩa vụ thuế của người nộp thuế (kể cả các văn bản hướng dẫn, quyết định xử lý được ban hành trước ngày Nghị định này có hiệu lực), trừ trường hợp thanh tra, kiểm tra thuế tại trụ sở người nộp thuế chưa phát hiện sai sót của người nộp thuế trong việc khai, xác định số tiền thuế phải nộp hoặc số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn nhưng sau đó hành vi vi phạm hành chính về thuế của người nộp thuế bị phát hiện.
- Không xử phạt vi phạm hành chính về thuế đối với trường hợp khai sai, người nộp thuế đã khai bổ sung hồ sơ khai thuế và đã tự giác nộp đủ số tiền thuế phải nộp trước thời điểm cơ quan thuế công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế tại trụ sở người nộp thuế hoặc trước thời điểm cơ quan thuế phát hiện không qua thanh tra, kiểm tra thuế tại trụ sở của người nộp thuế hoặc trước khi cơ quan có thẩm quyền khác phát hiện.
- Không xử phạt hành vi vi phạm thủ tục thuế đối với cá nhân trực tiếp quyết toán thuế thu nhập cá nhân chậm nộp hồ sơ quyết toán thuế thu nhập cá nhân mà có phát sinh số tiền thuế được hoàn; hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh đã bị ấn định thuế theo quy định tại Điều 51 Luật Quản lý thuế 2019.
- Không xử phạt hành vi vi phạm về thời hạn nộp hồ sơ khai thuế trong thời gian người nộp thuế được gia hạn nộp hồ sơ khai thuế đó.
Trách nhiệm của người nộp thuế được quy định như thế nào?
Căn cứ theo Điều 17 Luật Quản lý thuế 2019 (được sửa đổi bởi khoản 4 Điều 6 Luật sửa đổi Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Dự trữ quốc gia, Luật Xử lý vi phạm hành chính 2024) quy định về trách nhiệm của người nộp thuế như sau:
- Thực hiện đăng ký thuế, sử dụng mã số thuế theo quy định của pháp luật.
- Khai chính xác, trung thực, đầy đủ và nộp hồ sơ thuế đúng thời hạn; chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, đầy đủ của hồ sơ thuế và các tài liệu cung cấp cho cơ quan thuế trong quá trình giải quyết hồ sơ thuế theo quy định của pháp luật về thuế.
- Nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đầy đủ, đúng thời hạn, đúng địa điểm.
- Chấp hành chế độ kế toán, thống kê và quản lý, sử dụng hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật.
- Ghi chép chính xác, trung thực, đầy đủ những hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế, khấu trừ thuế và giao dịch phải kê khai thông tin về thuế.
- Lập và giao hóa đơn, chứng từ cho người mua theo đúng số lượng, chủng loại, giá trị thực thanh toán khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ theo quy định của pháp luật.
- Cung cấp chính xác, đầy đủ, kịp thời thông tin, tài liệu liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế, bao gồm cả thông tin về giá trị đầu tư; số hiệu và nội dung giao dịch của tài khoản được mở tại ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác; giải thích việc tính thuế, khai thuế, nộp thuế theo yêu cầu của cơ quan quản lý thuế.
- Chấp hành quyết định, thông báo, yêu cầu của cơ quan quản lý thuế, công chức quản lý thuế theo quy định của pháp luật.
- Chịu trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật trong trường hợp người đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền thay mặt người nộp thuế thực hiện thủ tục về thuế sai quy định.
- Người nộp thuế thực hiện hoạt động kinh doanh tại địa bàn có cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin phải thực hiện kê khai, nộp thuế, giao dịch với cơ quan quản lý thuế thông qua phương tiện điện tử theo quy định của pháp luật.
- Căn cứ tình hình thực tế và điều kiện trang bị công nghệ thông tin, Chính phủ quy định chi tiết việc người nộp thuế không phải nộp các chứng từ trong hồ sơ khai, nộp thuế, hồ sơ hoàn thuế và các hồ sơ thuế khác mà cơ quan quản lý nhà nước đã có.
- Xây dựng, quản lý, vận hành hệ thống hạ tầng kỹ thuật bảo đảm việc thực hiện giao dịch điện tử với cơ quan quản lý thuế, áp dụng kết nối thông tin liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ thuế với cơ quan quản lý thuế.
- Người nộp thuế có phát sinh giao dịch liên kết có nghĩa vụ lập, lưu trữ, kê khai, cung cấp hồ sơ thông tin về người nộp thuế và các bên liên kết của người nộp thuế bao gồm cả thông tin về các bên liên kết cư trú tại các quốc gia, vùng lãnh thổ ngoài Việt Nam theo quy định của Chính phủ.