10:35 - 19/12/2024

Kê khai khoản thu từ lãi tiền gửi ngân hàng vào chỉ tiêu nào trên tờ khai 01/GTGT?

Trên tờ khai 01/GTGT kê khai khoản thu từ lãi tiền gửi ngân hàng vào chỉ tiêu nào?

Nội dung chính

Kê khai khoản thu từ lãi tiền gửi ngân hàng vào chỉ tiêu nào trên tờ khai 01/GTGT?

Căn cứ theo quy định tại Điều 5 Thông tư 219/2013/TT-BTC như sau:

Các trường hợp không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT
1. Tổ chức, cá nhân nhận các khoản thu về bồi thường bằng tiền (bao gồm cả tiền bồi thường về đất và tài sản trên đất khi bị thu hồi đất theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền), tiền thưởng, tiền hỗ trợ, tiền chuyển nhượng quyền phát thải và các khoản thu tài chính khác.
Cơ sở kinh doanh khi nhận khoản tiền thu về bồi thường, tiền thưởng, tiền hỗ trợ nhận được, tiền chuyển nhượng quyền phát thải và các khoản thu tài chính khác thì lập chứng từ thu theo quy định. Đối với cơ sở kinh doanh chi tiền, căn cứ mục đích chi để lập chứng từ chi tiền.
Trường hợp bồi thường bằng hàng hóa, dịch vụ, cơ sở bồi thường phải lập hóa đơn và kê khai, tính, nộp thuế GTGT như đối với bán hàng hóa, dịch vụ; cơ sở nhận bồi thường kê khai, khấu trừ theo quy định.
Trường hợp cơ sở kinh doanh nhận tiền của tổ chức, cá nhân để thực hiện dịch vụ cho tổ chức, cá nhân như sửa chữa, bảo hành, khuyến mại, quảng cáo thì phải kê khai, nộp thuế theo quy định.

Theo đó, khoản thu từ lãi tiền gửi ngân hàng được xem là các khoản thu tài chính khác của doanh nghiệp và thuộc trường hợp không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT.

Cụ thể, Công văn 53004/CTHN-TTHT năm 2024 Cục thuế TP. Hà Nội hướng dẫn như sau:

Trường hợp Công ty có các khoản thu từ lãi tiền gửi ngân hàng là các khoản thu tài chính khác thì thuộc trường hợp không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT theo quy định tại Khoản 1 Điều 5 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính. Khi lập tờ khai thuế GTGT mẫu số 01/GTGT ban hành kèm theo Thông tư số 80/2021/TT-BTC ngày 29/9/2021 của Bộ Tài chính, Công ty kê khai khoản thu từ lãi tiền gửi ngân hàng nêu trên vào chỉ tiêu [32a] trên tờ khai thuế GTGT.
Thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho hoạt động thuộc trường hợp không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT được khấu trừ toàn bộ nếu đáp ứng điều kiện khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào tại Điều 15 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính (được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 10 Điều 1 Thông tư số 26/2015/TT-BTC , Điều 1 Thông tư số 173/2016/TT-BTC).

Như vậy, khoản thu từ lãi tiền gửi ngân hàng thuộc trường hợp không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT. Tuy nhiên, khi lập tờ khai thuế GTGT mẫu số 01/GTGT, công ty phải kê khai khoản thu từ lãi tiền gửi ngân hàng nêu trên vào chỉ tiêu [32a] trên tờ khai thuế GTGT.

Ngoài ra, thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho hoạt động thuộc trường hợp không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT được khấu trừ toàn bộ nếu đáp ứng điều kiện khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào.

Nếu doanh nghiệp phát sinh thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ (kể cả tài sản cố định) sử dụng đồng thời cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT và không chịu thuế GTGT thì số thuế GTGT được khấu trừ xác định theo hướng dẫn tại điểm a khoản 9 Điều 1 Thông tư 26/2015/TT-BTC.

Kê khai khoản thu từ lãi tiền gửi ngân hàng vào chỉ tiêu nào trên tờ khai 01/GTGT?

Kê khai khoản thu từ lãi tiền gửi ngân hàng vào chỉ tiêu nào trên tờ khai 01/GTGT? (Hình từ Internet)

Mẫu 01/GTGT tờ khai thuế giá trị gia tăng theo Thông tư 80 ra sao?

Mẫu tờ khai thuế GTGT mới nhất hiện nay được quy định tại Mẫu 01/GTGT tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư 80/2021/TT-BTC như sau:

Tải tờ khai thuế 01/GTGT: Tại đây

Nguyên tắc khai thuế được quy định như thế nào?

Theo quy định tại Điều 42 Luật Quản lý thuế 2019 quy định về nguyên tắc khai thuế, tính thuế như sau:

- Người nộp thuế phải khai chính xác, trung thực, đầy đủ các nội dung trong tờ khai thuế theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định và nộp đủ các chứng từ, tài liệu quy định trong hồ sơ khai thuế với cơ quan quản lý thuế.

- Người nộp thuế tự tính số tiền thuế phải nộp, trừ trường hợp việc tính thuế do cơ quan quản lý thuế thực hiện theo quy định của Chính phủ.

- Người nộp thuế thực hiện khai thuế, tính thuế tại cơ quan thuế địa phương có thẩm quyền nơi có trụ sở.

Trường hợp người nộp thuế hạch toán tập trung tại trụ sở chính, có đơn vị phụ thuộc tại đơn vị hành chính cấp tỉnh khác nơi có trụ sở chính thì:

Người nộp thuế khai thuế tại trụ sở chính và tính thuế, phân bổ nghĩa vụ thuế phải nộp theo từng địa phương nơi được hưởng nguồn thu ngân sách nhà nước.

- Đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác được thực hiện bởi nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam thì:

Nhà cung cấp ở nước ngoài có nghĩa vụ trực tiếp hoặc ủy quyền thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

- Nguyên tắc kê khai, xác định giá tính thuế đối với giao dịch liên kết được quy định như sau:

+ Kê khai, xác định giá giao dịch liên kết theo nguyên tắc phân tích, so sánh với các giao dịch độc lập và nguyên tắc bản chất hoạt động, giao dịch quyết định nghĩa vụ thuế để xác định nghĩa vụ thuế phải nộp như trong điều kiện giao dịch giữa các bên độc lập;

+ Giá giao dịch liên kết được điều chỉnh theo giao dịch độc lập để kê khai, xác định số tiền thuế phải nộp theo nguyên tắc không làm giảm thu nhập chịu thuế;

+ Người nộp thuế có quy mô nhỏ, rủi ro về thuế thấp được miễn thực hiện quy định tại điểm a, điểm b khoản 5 Điều 42 Luật Quản lý thuế 2019 và được áp dụng cơ chế đơn giản hóa trong kê khai, xác định giá giao dịch liên kết.

- Nguyên tắc khai thuế đối với cơ chế thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế được quy định như sau:

+ Việc áp dụng cơ chế thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế được thực hiện trên cơ sở đề nghị của người nộp thuế, sự thống nhất giữa cơ quan thuế và người nộp thuế theo thỏa thuận đơn phương, song phương và đa phương giữa cơ quan thuế, người nộp thuế và cơ quan thuế nước ngoài, vùng lãnh thổ có liên quan;

+ Việc áp dụng cơ chế thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế phải dựa trên thông tin của người nộp thuế, cơ sở dữ liệu thương mại có sự kiểm chứng bảo đảm tính pháp lý;

+ Việc áp dụng cơ chế thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế phải được Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt trước khi thực hiện;

Đối với các thỏa thuận song phương, đa phương có sự tham gia của cơ quan thuế nước ngoài thì được thực hiện theo quy định của pháp luật về điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế.

125