Hoạt động lưu ký chứng khoán phải chịu thuế GTGT từ ngày 01/7/2025?

Hoạt động lưu ký chứng khoán phải chịu thuế GTGT từ ngày 01/7/2025 có đúng không?

Lưu ký chứng khoán là gì?

Căn cứ quy định tại khoản 34 Điều 4 Luật Chứng khoán 2019 thì lưu ký chứng khoán là việc nhận ký gửi, bảo quản, chuyển giao chứng khoán cho khách hàng, giúp khách hàng thực hiện các quyền liên quan đến chứng khoán lưu ký.

Điều kiện đăng ký hoạt động lưu ký chứng khoán như thế nào?

Căn cứ Điều 57 Luật Chứng khoán 2019 quy định điều kiện đăng ký hoạt động lưu ký chứng khoán như sau:

- Ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được đăng ký hoạt động lưu ký chứng khoán khi đáp ứng các điều kiện sau đây:

+ Có Giấy phép thành lập và hoạt động tại Việt Nam, trong đó có hoạt động lưu ký chứng khoán;

+ Đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định của pháp luật về ngân hàng, hoạt động kinh doanh có lãi trong năm gần nhất;

+ Có địa điểm, trang bị, thiết bị phục vụ hoạt động lưu ký, thanh toán giao dịch chứng khoán.

- Công ty chứng khoán được đăng ký hoạt động lưu ký chứng khoán khi được cấp phép thực hiện nghiệp vụ môi giới chứng khoán.

Hoạt động lưu ký chứng khoán

Hoạt động lưu ký chứng khoán phải chịu thuế GTGT từ ngày 01/7/2025? (Hình từ Internet)

Hoạt động lưu ký chứng khoán phải chịu thuế GTGT từ ngày 01/7/2025?

Căn cứ quy định tại khoản 8 Điều 5 Luật Thuế giá trị gia tăng 2008 được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 1 Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi 2013 về các dịch vụ tài chính, ngân hàng, kinh doanh chứng khoán không phải chịu thuế GTGT:

- Dịch vụ cấp tín dụng bao gồm: cho vay; chiết khấu, tái chiết khấu công cụ chuyển nhượng và các giấy tờ có giá khác; bảo lãnh; cho thuê tài chính; phát hành thẻ tín dụng; bao thanh toán trong nước; bao thanh toán quốc tế; hình thức cấp tín dụng khác theo quy định của pháp luật;

- Dịch vụ cho vay của người nộp thuế không phải là tổ chức tín dụng;

- Kinh doanh chứng khoán bao gồm: môi giới chứng khoán; tự doanh chứng khoán; bảo lãnh phát hành chứng khoán; tư vấn đầu tư chứng khoán; lưu ký chứng khoán; quản lý quỹ đầu tư chứng khoán; quản lý danh mục đầu tư chứng khoán; dịch vụ tổ chức thị trường của sở giao dịch chứng khoán hoặc trung tâm giao dịch chứng khoán; hoạt động kinh doanh chứng khoán khác theo quy định của pháp luật về chứng khoán;

- Chuyển nhượng vốn bao gồm: chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ số vốn đã đầu tư, kể cả trường hợp bán doanh nghiệp cho doanh nghiệp khác để sản xuất, kinh doanh, chuyển nhượng chứng khoán; hình thức chuyển nhượng vốn khác theo quy định của pháp luật;

- Bán nợ;

- Kinh doanh ngoại tệ;

- Dịch vụ tài chính phái sinh bao gồm: hoán đổi lãi suất; hợp đồng kỳ hạn; hợp đồng tương lai; quyền chọn mua, bán ngoại tệ; dịch vụ tài chính phái sinh khác theo quy định của pháp luật;

- Bán tài sản bảo đảm của khoản nợ của tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng Việt Nam.

Tuy nhiên, căn cứ điểm c khoản 9 Điều 5 Luật Thuế giá trị gia tăng 2024 quy định về các dịch vụ tài chính, ngân hàng, kinh doanh chứng khoán không phải chịu thuế GTGT đã có sự thay đổi như sau:

Đối tượng không chịu thuế
...
9. Các dịch vụ tài chính, ngân hàng, kinh doanh chứng khoán, thương mại sau đây:
a) Dịch vụ cấp tín dụng theo quy định của pháp luật về các tổ chức tín dụng và các khoản phí được nêu cụ thể tại Hợp đồng vay vốn của Chính phủ Việt Nam với Bên cho vay nước ngoài;
b) Dịch vụ cho vay của người nộp thuế không phải là tổ chức tín dụng;
c) Kinh doanh chứng khoán bao gồm môi giới chứng khoán, tự doanh chứng khoán, bảo lãnh phát hành chứng khoán, tư vấn đầu tư chứng khoán, quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, quản lý danh mục đầu tư chứng khoán theo quy định của pháp luật về chứng khoán;
d) Chuyển nhượng vốn bao gồm chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ số vốn đã đầu tư vào tổ chức kinh tế khác (không phân biệt có thành lập hay không thành lập pháp nhân mới), chuyển nhượng chứng khoán, chuyển nhượng quyền góp vốn và các hình thức chuyển nhượng vốn khác theo quy định của pháp luật, kể cả trường hợp bán doanh nghiệp cho doanh nghiệp khác để sản xuất, kinh doanh và doanh nghiệp mua kế thừa toàn bộ quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp bán theo quy định của pháp luật. Chuyển nhượng vốn quy định tại điểm này không bao gồm chuyển nhượng dự án đầu tư, bán tài sản;
đ) Bán nợ bao gồm bán khoản phải trả và khoản phải thu;
e) Kinh doanh ngoại tệ;
g) Sản phẩm phái sinh theo quy định của pháp luật về các tổ chức tín dụng, pháp luật về chứng khoán và pháp luật về thương mại, bao gồm: hoán đổi lãi suất; hợp đồng kỳ hạn; hợp đồng tương lai; hợp đồng quyền chọn mua, chọn bán và sản phẩm phái sinh khác;
h) Bán tài sản bảo đảm của khoản nợ của tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập có chức năng mua, bán nợ để xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng Việt Nam.
...

Luật Thuế giá trị gia tăng 2024 có hiệu lực từ ngày 01/07/2025, trừ quy định về mức doanh thu của hộ, cá nhân sản xuất, kinh doanh thuộc đối tượng không chịu thuế tại khoản 25 Điều 5 Luật Thuế giá trị gia tăng 2024 và Điều 17 Luật Thuế giá trị gia tăng 2024 có hiệu lực từ ngày 01/01/2026.

Như vậy, hoạt động lưu ký chứng khoán sẽ phải chịu thuế GTGT từ ngày 01/7/2025.

Cùng chủ đề
Tác giả:
Lượt xem: 0
Bài viết mới nhất

Đăng ký tài khoản Lawnet

Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;