Hạt tiêu có chịu thuế GTGT không?

Đối tượng hàng hóa là hạt tiêu có chịu thuế GTGT không? Điều kiện khấu trừ thuế GTGT đầu vào theo Luật hiện hành là gì?

Hạt tiêu có chịu thuế GTGT không?

Theo quy định hiện hành về thuế Giá trị gia tăng (GTGT) tại Việt Nam, việc xác định hạt tiêu có chịu thuế GTGT không sẽ phải phụ thuộc vào mức độ chế biến và khâu kinh doanh của sản phẩm:

(1) Hạt tiêu chưa qua chế biến hoặc chỉ qua sơ chế thông thường:

- Tại khoản 1 Điều 1 Thông tư 219/2013/TT-BTC (được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 1 Thông tư 26/2015/TT-BTC) quy định về sản phẩm chỉ sơ chế thông thường là các sản phẩm mới qua sơ chế thông thường là sản phẩm mới được làm sạch, phơi, sấy khô, bóc vỏ, xay, xay bỏ vỏ, xát bỏ vỏ, tách hạt, tách cọng, cắt, ướp muối, bảo quản lạnh (ướp lạnh, đông lạnh), bảo quản bằng khí sunfuro, bảo quản theo phương thức cho hóa chất để tránh thối rữa, ngâm trong dung dịch lưu huỳnh hoặc ngâm trong dung dịch bảo quản khác và các hình thức bảo quản thông thường khác.

- Theo quy định Khoản 1 Điều 5 Luật Thuế giá trị gia tăng 2008 (được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 1 Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế sửa đổi 2016) có quy định như sau:

Đối tượng không chịu thuế
1. Sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường của tổ chức, cá nhân tự sản xuất, đánh bắt bán ra và ở khâu nhập khẩu.
Doanh nghiệp, hợp tác xã mua sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường bán cho doanh nghiệp, hợp tác xã khác thì không phải kê khai, tính nộp thuế giá trị gia tăng nhưng được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào.
...

Như vậy, trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã nộp thuế theo phương pháp khấu trừ khi mua hạt tiêu về bán cho doanh nghiệp, hợp tác xã khác ở khâu kinh doanh thương mại thì không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT.

Còn trường hợp nếu bán hạt tiêu cho các đối tượng khác (như cá nhân, hộ kinh doanh) thì áp dụng thuế suất GTGT 5%.

Ví dụ: Công ty X là cơ sở kinh doanh nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thu mua hạt tiêu của cá nhân, tổ chức trực tiếp trồng bán ra thì ở khâu thu mua, sản phẩm là hạt tiêu thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT, như vậy:

- Sau khi thu mua công ty X bán hạt tiêu cho công ty B thì công ty X không phải kê khai tính nộp thuế GTGT đối với số hạt tiêu đã bán cho công ty B;

- Trường hợp công ty X bán trực tiếp hạt tiêu cho người tiêu dùng thì công ty X kê khai, tính nộp thuế GTGT theo mức thuế GTGT là 5%.

(2) Hạt tiêu đã qua chế biến:

Sản phẩm là hạt tiêu đã qua các công đoạn chế biến như rang, xay, tẩm ướp, đóng gói đặc biệt hoặc các hình thức chế biến khác làm thay đổi tính chất cơ bản của sản phẩm thì căn cứ theo Điều 11 Thông tư 219/2013/TT-BTC sẽ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT với thuế suất 10%.

Như vậy, việc hạt tiêu có chịu thuế GTGT hay không phụ thuộc vào mức độ chế biến và đối tượng mua bán trong từng khâu kinh doanh cụ thể.

Hạt tiêu có chịu thuế GTGT không?

Hạt tiêu có chịu thuế GTGT không? (Hình ảnh từ Internet)

Điều kiện khấu trừ thuế GTGT đầu vào theo Luật hiện hành là gì?

Theo khoản 2 Điều 12 Luật Thuế giá trị gia tăng 2008 (được sửa đổi bởi khoản 6 Điều 1 Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi năm 2013) quy định về điều kiện khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào là:

- Có hoá đơn giá trị gia tăng mua hàng hoá, dịch vụ hoặc chứng từ nộp thuế giá trị gia tăng ở khâu nhập khẩu;

- Có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt đối với hàng hóa, dịch vụ mua vào, trừ hàng hoá, dịch vụ mua từng lần có giá trị dưới hai mươi triệu đồng;

- Đối với hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu, ngoài các điều kiện trên còn phải có: hợp đồng ký kết với bên nước ngoài về việc bán, gia công hàng hoá, cung ứng dịch vụ; hoá đơn bán hàng hoá, dịch vụ; chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt; tờ khai hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu.

Việc thanh toán tiền hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu dưới hình thức thanh toán bù trừ giữa hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu với hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu, trả nợ thay Nhà nước được coi là thanh toán không dùng tiền mặt.

Phương pháp khấu trừ thuế GTGT được quy định ra sao?

Căn cứ Điều 7 Nghị định 209/2013/NĐ-CP thì phương pháp khấu trừ thuế GTGT được quy định như sau:

- Số thuế giá trị gia tăng phải nộp tính theo phương pháp khấu trừ bằng số thuế giá trị gia tăng đầu ra trừ (-) số thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ.

- Số thuế giá trị gia tăng đầu ra bằng tổng số thuế giá trị gia tăng của hàng hóa, dịch vụ bán ra ghi trên hóa đơn giá trị gia tăng.

+ Thuế giá trị gia tăng ghi trên hóa đơn giá trị gia tăng bằng giá tính thuế của hàng hóa, dịch vụ chịu thuế bán ra nhân (x) với thuế suất thuế giá trị gia tăng của hàng hóa, dịch vụ đó.

+ Trường hợp sử dụng chứng từ ghi giá thanh toán là giá đã có thuế giá trị gia tăng thì thuế giá trị gia tăng đầu ra được xác định bằng giá thanh toán trừ (-) giá tính thuế xác định theo quy định tại Điểm k Khoản 1 Điều 7 Luật thuế giá trị gia tăng 2008.

- Số thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ được xác định căn cứ vào:

+ Số thuế giá trị gia tăng ghi trên hóa đơn giá trị gia tăng mua hàng hóa, dịch vụ; chứng từ nộp thuế giá trị gia tăng của hàng hóa nhập khẩu hoặc nộp thuế đối với trường hợp mua dịch vụ quy định tại Khoản 2 Điều 2 Nghị định 209/2013/NĐ-CP.

Trường hợp hàng hóa, dịch vụ mua vào sử dụng chứng từ ghi giá thanh toán đã bao gồm thuế giá trị gia tăng thì số thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ xác định bằng giá thanh toán trừ (-) giá tính thuế quy định tại Điểm k Khoản 1 Điều 7 Luật thuế giá trị gia tăng 2008.

- Điều kiện khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 9 Nghị định 209/2013/NĐ-CP.

- Phương pháp khấu trừ thuế áp dụng đối với:

+ Cơ sở kinh doanh đang hoạt động có doanh thu hàng năm từ một tỷ đồng trở lên từ bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật về kế toán, hóa đơn, chứng từ, trừ hộ, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp tính trực tiếp quy định tại Điều 8 Nghị định 209/2013/NĐ-CP.

+ Thời gian áp dụng ổn định phương pháp tính thuế là hai năm liên tục.

+ Bộ Tài chính hướng dẫn cách tính doanh thu làm căn cứ xác định cơ sở kinh doanh nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ và thời gian áp dụng ổn định phương pháp tính thuế.

- Cơ sở kinh doanh đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế gồm:

+ Doanh nghiệp, hợp tác xã đang hoạt động có doanh thu hàng năm từ bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ dưới một tỷ đồng đã thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, sổ sách, hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật về kế toán, hóa đơn, chứng từ;

+ Doanh nghiệp mới thành lập từ dự án đầu tư của cơ sở kinh doanh đang hoạt động nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ;

+ Doanh nghiệp, hợp tác xã mới thành lập có thực hiện đầu tư, mua sắm tài sản cố định, máy móc, thiết bị, tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam theo hợp đồng nhà thầu, hợp đồng nhà thầu phụ theo hướng dẫn của Bộ Tài chính;

+ Tổ chức kinh tế khác hạch toán được thuế giá trị gia tăng đầu vào, đầu ra.

- Tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp hàng hóa, dịch vụ để tiến hành hoạt động tìm kiếm, thăm dò, phát triển và khai thác dầu, khí nộp thuế theo phương pháp khấu trừ do bên Việt Nam kê khai khấu trừ nộp thay.

Trường hợp cơ sở kinh doanh có hoạt động mua, bán, chế tác vàng, bạc, đá quý thì cơ sở kinh doanh phải hạch toán riêng hoạt động này để nộp thuế theo phương pháp tính trực tiếp trên giá trị gia tăng quy định tại Khoản 1 Điều 8 Nghị định 209/2013/NĐ-CP.

Cùng chủ đề
Tác giả: Ngô Trung Hiếu
Lượt xem: 0
Bài viết mới nhất

Đăng ký tài khoản Lawnet

Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;