Hàng hóa quá cảnh có bắt buộc phải chịu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu không?
Hàng hóa quá cảnh có bắt buộc phải chịu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu không?
Căn cứ theo khoản 2 Điều 2 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016 có quy định cụ thể về đối tượng chịu thuế như sau:
Đối tượng chịu thuế
..
4. Đối tượng chịu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu không áp dụng đối với các trường hợp sau:
a) Hàng hóa quá cảnh, chuyển khẩu, trung chuyển;
b) Hàng hóa viện trợ nhân đạo, hàng hóa viện trợ không hoàn lại;
c) Hàng hóa xuất khẩu từ khu phi thuế quan ra nước ngoài; hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài vào khu phi thuế quan và chỉ sử dụng trong khu phi thuế quan; hàng hóa chuyển từ khu phi thuế quan này sang khu phi thuế quan khác;
d) Phần dầu khí được dùng để trả thuế tài nguyên cho Nhà nước khi xuất khẩu.
5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Như vậy, thông qua quy định trên thì thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu không áp dụng đối với hàng hóa quá cảnh.
Hàng hóa quá cảnh có bắt buộc phải chịu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu không? (hình từ Internet)
Thời điểm tính thuế xuất cảnh, thuế nhập cảnh là khi nào?
Theo khoản 2 Điều 8 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016 có quy định cụ thể như sau:
- Thời điểm tính thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu là thời điểm đăng ký tờ khai hải quan.
- Đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu hoặc áp dụng thuế suất, mức thuế tuyệt đối trong hạn ngạch thuế quan nhưng được thay đổi về đối tượng không chịu thuế, miễn thuế, áp dụng thuế suất, mức thuế tuyệt đối trong hạn ngạch thuế quan theo quy định của pháp luật thì thời điểm tính thuế là thời điểm đăng ký tờ khai hải quan mới.
- Thời điểm đăng ký tờ khai hải quan thực hiện theo quy định của pháp luật về hải quan.
Hoạt động quá cảnh hàng hóa phải đảm bảo những nguyên tắc như thế nào?
Nguyên tắc quản lý hoạt động quá cảnh hàng hóa được quy định tại Điều 45 Luật Quản lý ngoại thương 2017 như sau:
- Hàng hóa quá cảnh khi xuất khẩu phải là toàn bộ hàng hóa đã nhập khẩu.
- Việc tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện dịch vụ quá cảnh hàng hóa hoặc tự mình thực hiện quá cảnh hàng hóa qua lãnh thổ Việt Nam, thuê thương nhân nước ngoài thực hiện quá cảnh hàng hóa qua lãnh thổ Việt Nam được thực hiện:
+ Theo quy định của pháp luật về thương mại, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;
+ Phải tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam về xuất cảnh, nhập cảnh, giao thông, vận tải.
- Quá cảnh hàng hóa bằng đường hàng không được thực hiện theo quy định của điều ước quốc tế về hàng không mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
- Hàng hóa quá cảnh lãnh thổ Việt Nam phải chịu sự giám sát của cơ quan hải quan trong toàn bộ thời gian quá cảnh, vào và ra theo đúng cửa khẩu đã quy định.
- Hàng hóa quá cảnh khi được tiêu thụ nội địa phải thực hiện theo quy định về quản lý xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của Luật Quản lý ngoại thương 2017 và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Mức xử phạt hành chính của hành vi trốn thuế là bao nhiêu?
Căn cứ theo điểm b khoản 1 Điều 17 Nghị định 125/2020/NĐ-CP có quy định cụ thể về mức xử phạt hành chính của hành vi trốn thuế như sau:
[1] Phạt tiền 1 lần số thuế trốn đối với người nộp thuế có từ một tình tiết giảm nhẹ trở lên khi thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
- Không nộp hồ sơ đăng ký thuế; không nộp hồ sơ khai thuế hoặc nộp hồ sơ khai thuế sau 90 ngày, kể từ ngày hết thời hạn nộp hồ sơ khai thuế hoặc kể từ ngày hết thời hạn gia hạn nộp hồ sơ khai thuế, trừ trường hợp quy định tại điểm b, c khoản 4 và khoản 5 Điều 13 Nghị định 125/2020/NĐ-CP.
- Không ghi chép trong sổ kế toán các khoản thu liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp, không khai, khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, được miễn, giảm thuế, trừ hành vi quy định tại Điều 16 Nghị định này;
- Không lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp người nộp thuế đã khai thuế đối với giá trị hàng hóa, dịch vụ đã bán, đã cung ứng vào kỳ tính thuế tương ứng; lập hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ sai về số lượng, giá trị hàng hóa, dịch vụ để khai thuế thấp hơn thực tế và bị phát hiện sau thời hạn nộp hồ sơ khai thuế;
- Sử dụng hóa đơn không hợp pháp; sử dụng không hợp pháp hóa đơn để khai thuế làm giảm số thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế được miễn, giảm;
- Sử dụng chứng từ không hợp pháp; sử dụng không hợp pháp chứng từ; sử dụng chứng từ, tài liệu không phản ánh đúng bản chất giao dịch hoặc giá trị giao dịch thực tế để xác định sai số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được miễn, giảm, số tiền thuế được hoàn; lập thủ tục, hồ sơ hủy vật tư, hàng hóa không đúng thực tế làm giảm số thuế phải nộp hoặc làm tăng số thuế được hoàn, được miễn, giảm;
- Sử dụng hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế, xét miễn thuế không đúng mục đích quy định mà không khai báo việc chuyển đổi mục đích sử dụng, khai thuế với cơ quan thuế;
- Người nộp thuế có hoạt động kinh doanh trong thời gian xin ngừng, tạm ngừng hoạt động kinh doanh nhưng không thông báo với cơ quan thuế, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 4 Điều 10 Nghị định 125/2020/NĐ-CP.
[2] Phạt tiền 1,5 lần số tiền thuế trốn đối với người nộp thuế thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị định 125/2020/NĐ-CP mà không có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ.
Phạt tiền 2 lần số thuế trốn đối với người nộp thuế thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị định 125/2020/NĐ-CP mà có một tình tiết tăng nặng.
[3] Phạt tiền 2,5 lần số tiền thuế trốn đối với người nộp thuế thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị định 125/2020/NĐ-CP có hai tình tiết tăng nặng.
[4] Phạt tiền 3 lần số tiền thuế trốn đối với người nộp thuế thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị định 125/2020/NĐ-CP có từ ba tình tiết tăng nặng trở lên.