Dự thảo đề xuất sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước?

Đã có Dự thảo đề xuất sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước? Hiện nay thu ngân sách nhà nước bao gồm những khoản nào?

Dự thảo đề xuất sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước?

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý về dự thảo Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi). Dự thảo được xây dựng nhằm tháo gỡ khó khăn bất cập trong thực hiện luật Ngân sách nhà nước (NSNN) hiện hành.

>>> Xem chi tiết Dự thảo Luật Ngân sách nhà nước sửa đổi...Tải về

Luật Ngân sách nhà nước 2015 đã được Quốc hội khóa 13 thông qua vào ngày 25/6/2015, có hiệu lực từ năm ngân sách 2017. Các cơ quan có thẩm quyền đã ban hành đầy đủ Nghị quyết, Nghị định, Thông tư hướng dẫn, đồng thời tổ chức tập huấn để đảm bảo thực thi luật.

Qua hơn 8 năm triển khai (2017-2025), Luật Ngân sách nhà nước 2015 đã phát huy vai trò trong quản lý tài chính quốc gia, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan trong sử dụng ngân sách, góp phần củng cố kỷ luật tài chính, sử dụng ngân sách tiết kiệm và hiệu quả. Tuy nhiên, quá trình thực hiện đã nảy sinh một số bất cập như cơ cấu thu ngân sách trung ương (NSTW) có xu hướng giảm, trong khi ngân sách địa phương (NSĐP) cần tăng tính chủ động.

Theo đó, mục tiêu của dự án sửa đổi là đổi mới cơ chế phân cấp nguồn thu giữa NSTW và NSĐP, đảm bảo công bằng, minh bạch, nâng cao vai trò chủ đạo của NSTW và tăng tính chủ động của NSĐP.

Dự thảo cũng đề xuất đổi mới cơ chế phân bổ ngân sách cho các cơ quan, đơn vị theo hướng công khai, minh bạch; thực hiện phân cấp, phân quyền trong ban hành chính sách thu, chi ngân sách, loại bỏ cơ chế “xin - cho” dễ phát sinh tiêu cực.

Cụ thể theo Dự thảo Luật Ngân sách nhà nước 2015 sửa đổi...Tải về đề xuất sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước ở một số nội dung như sau:

(1) Sửa đổi quy định về nguyên tắc cân đối NSNN

- Về nguyên tắc cân đối NSNN, dự thảo đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định mức dư nợ vay của chính quyền địa phương. Luật hiện hành quy định phân theo 03 nhóm địa phương, mỗi nhóm địa phương cứ vào khả năng ngân sách của từng địa phương và tỷ lệ thu NSĐP được hưởng theo phân cấp so với chi thường xuyên. Dự thảo đề xuất sửa đổi, bổ sung thu gọn từ 03 nhóm địa phương xuống còn 02 nhóm địa phương và nâng mức dư nợ vay: nhóm các địa phương không nhận bổ sung cân đối từ NSTW, mức dư nợ vay không vượt quá 120% số thu NSĐP được hưởng theo phân cấp; nhóm các địa phương nhận bổ sung cân đối từ NSTW, mức dư nợ vay không vượt quá 80% số thu NSĐP được hưởng theo phân cấp.

Lý do, cơ sở đề xuất sửa đổi, bổ sung được Bộ Tài chính đưa ra là để đảm bảo mức dư nợ vay các địa phương đã được Quốc hội quyết định tại Luật Thủ đô 2024 và Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù; mặt khác, việc xác định mức dư nợ của địa phương theo tỷ lệ thu NSĐP được hưởng theo phân cấp so với chi thường xuyên sẽ thay đổi hằng năm, thậm chí sẽ có sự khác nhau khi xác định theo dự toán ngân sách đầu năm và thực hiện cuối năm, dẫn tới khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện.

(2) Quy định cụ thể hơn về công khai NSNN

Đối với công khai tại Điều 15 Luật Ngân sách nhà nước 2015, dự thảo đề xuất sửa đổi, bổ sung theo hướng: Quy định cụ thể hơn đối tượng thực hiện công khai, nội dung công khai.

Theo đó, quy định rõ đối tượng thực hiện công khai gồm: Các cấp NSNN; các đơn vị dự toán ngân sách, các tổ chức được NSNN hỗ trợ, bổ sung thêm đối tượng công khai là các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách.

Quy định rõ nội dung công khai cho từng đối tượng thực hiện công khai. Đồng thời, bổ sung quy định nội dung công khai kết luận của cơ quan Thanh tra và kết quả việc thực hiện kết luận thanh tra về NSNN của cơ quan Thanh tra (trừ những nội dung không được công khai theo quy định của pháp luật).

Bộ Tài chính cho biết, đề xuất sửa đổi, bổ sung này nhằm tiếp cận các chuẩn mực quốc tế về công khai minh bạch ngân sách; giúp người dân tiếp cận, nắm bắt đầy đủ, kịp thời các thông tin về NSNN và tham gia đóng góp ý kiến, giám sát việc phân bổ, quản lý, sử dụng NSNN.

Bên cạnh đó, tiếp thu ý kiến của một số Bộ, cơ quan trung ương, địa phương; đồng thời tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân giám sát, tiếp cận thông tin thuận lợi, hiệu quả, dự thảo đề xuất bổ sung yêu cầu bắt buộc đối với các cơ quan, đơn vị có Cổng thông tin điện tử phải công khai trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị.

Dự thảo đề xuất sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước?

Dự thảo đề xuất sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước? (Hình ảnh từ Internet)

Hiện nay thu ngân sách nhà nước bao gồm những khoản nào?

Căn cứ theo quy định tại Điều 2 Nghị định 163/2016/NĐ-CP, thu ngân sách nhà nước gồm các khoản sau đây:

(1) Thuế do các tổ chức, cá nhân nộp theo quy định của các luật thuế.

(2) Lệ phí do các tổ chức, cá nhân nộp theo quy định của pháp luật.

(3) Phí thu từ các hoạt động dịch vụ do cơ quan nhà nước thực hiện; trường hợp được khoán chi phí hoạt động thì được khấu trừ.

(4) Phí thu từ các hoạt động dịch vụ do đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nước thực hiện, sau khi trừ phân được trích lại để bù đắp chi phí theo quy định của pháp luật.

(5) Các khoản nộp ngân sách nhà nước từ hoạt động kinh tế của Nhà nước, gồm:

- Lãi được chia cho nước chủ nhà và các khoản thu khác từ hoạt động thăm dò, khai thác dầu, khí;

- Các khoản thu hồi vốn của Nhà nước đầu tư tại các tổ chức kinh tế;

- Thu cổ tức, lợi nhuận được chia tại các công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có vốn góp của Nhà nước;

- Thu phần lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ của doanh nghiệp nhà nước;

- Chênh lệch thu lớn hơn chi của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

- Thu hồi tiền cho vay của Nhà nước (bao gồm cả gốc và lãi), trừ vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ.

(6) Huy động đóng góp từ các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.

(7) Thu từ bán tài sản nhà nước, kể cả thu từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất do các cơ quan, đơn vị, tổ chức của Nhà nước quản lý.

(8) Tiền sử dụng đất; tiền cho thuê đất, thuê mặt nước; tiền sử dụng khu vực biển; tiền cho thuê và tiền bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước.

(9) Thu từ tài sản được xác lập quyền sở hữu của Nhà nước; thu cấp quyền khai thác khoáng sản, thu cấp quyền khai thác tài nguyên nước.

(10) Tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính, phạt, tịch thu khác theo quy định của pháp luật.

(11) Các khoản đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

(12) Các khoản viện trợ không hoàn lại của Chính phủ các nước, các tổ chức, cá nhân ở ngoài nước cho Nhà nước, Chính phủ Việt Nam, cho cơ quan nhà nước ở địa phương.

(13) Thu từ quỹ dự trữ tài chính theo quy định tại Điều 11 Luật ngân sách nhà nước 2015.

(14) Các khoản thu khác theo quy định của pháp luật.

Cơ quan thuế có được tổ chức thu ngân sách nhà nước không?

Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 55 Luật Ngân sách nhà nước 2015 như sau:

Tổ chức thu ngân sách nhà nước
1. Cơ quan thu ngân sách là cơ quan tài chính, cơ quan thuế, cơ quan hải quan và cơ quan khác được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao hoặc ủy quyền tổ chức thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước.
2. Chỉ cơ quan thu ngân sách được tổ chức thu ngân sách.
...

Như vậy, căn cứ theo quy định trên thì cơ quan thuế được tổ chức thu ngân sách nhà nước

Cùng chủ đề
Tác giả: Ngô Trung Hiếu
Lượt xem: 0
Bài viết mới nhất

Đăng ký tài khoản Lawnet

Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;