Công văn 481 không yêu cầu nộp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân khi đăng ký kết hôn?
Công văn 481 không yêu cầu nộp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân khi đăng ký kết hôn?
Theo Công văn 481/BTP-HTQTCT ngày 04/02/2025 về việc triển khai thực hiện các quy định của Nghị định 07/2025/NĐ-CP.
Xem toàn văn Công văn 481/BTP-HTQTCT tại đây
Ngày 09/01/2025, Chính phủ ban hành Nghị định 07/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định trong lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, chứng thực. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký, Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định công bố thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, chứng thực..
Để triển khai thực hiện thống nhất quy định của Nghị định 07/2025/NĐ-CP, Bộ Tư pháp đề nghị Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm triển khai các nội dung sau:
Chỉ đạo Sở Tư pháp phối hợp với các Sở, ngành liên quan phổ biến, quán triệt nội dung của Nghị định 07/2025/NĐ-CP tới cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, trong đó tập trung lưu ý một số nội dung:
- Khi tiếp nhận yêu cầu đăng ký khai sinh, cơ quan đăng ký hộ tịch không yêu cầu xuất trình Giấy chứng nhận kết hôn của cha, mẹ trẻ em (nếu cha, mẹ trẻ đã đăng ký kết hôn, trừ trường hợp cha, mẹ trẻ là người nước ngoài); khi tiếp nhận yêu cầu đăng ký kết hôn, cơ quan đăng ký hộ tịch không yêu cầu nộp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, Trích lục ghi chú ly hôn (đối với công dân Việt Nam) mà thực hiện tra cứu thông tin về tình trạng hôn nhân của cha, mẹ trẻ, tra cứu thông tin về tình trạng hôn nhân của người yêu cầu đăng ký kết hôn trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh thông qua kết nối với Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Trường hợp không tra cứu được tình trạng hôn nhân do chưa có thông tin trong Cơ sở dữ liệu thì cơ quan đăng ký hộ tịch tiến hành xác minh theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 2 Nghị định 07/2025/NĐ-CP.
- Đảm bảo các điều kiện về hạ tầng, kỹ thuật, triển khai kết nối giữa Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của địa phương với Hệ thống thông tin đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung của Bộ Tư pháp để tiếp nhận, giải quyết các thủ tục đăng ký khai sinh, đăng ký kết hôn, xác nhận tình trạng hôn nhân đúng quy định.
- Sở Tư pháp chủ động yêu cầu cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp cấp Phiếu Lý lịch tư pháp cho người có yêu cầu xin nhập/trở lại/thôi quốc tịch Việt Nam trong thời gian cư trú tại Việt Nam để hoàn thiện hồ sơ xin nhập/trở lại/thôi quốc tịch Việt Nam, trừ trường hợp người yêu cầu đã có Phiếu lý lịch tư pháp tại thời điểm nộp hồ sơ.
- Sở Tư pháp hoặc Cơ quan đại diện, nơi người yêu cầu cư trú vào thời điểm nộp hồ sơ có thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết yêu cầu cấp Giấy xác nhận có quốc tịch Việt Nam, Giấy xác nhận là người gốc Việt Nam (quy định tại khoản 5, khoản 7 Điều 4 Nghị định 07/2025/NĐ-CP).
- Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài; cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam liên kết với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp hoặc chứng nhận (quy định bổ sung thẩm quyền tại khoản 1 Điều 1 Nghị định 07/2025/NĐ-CP).
Ngoài ra, các hồ sơ chứng thực, hộ tịch, quốc tịch tiếp nhận trước ngày Nghị định có hiệu lực mà chưa giải quyết xong thì tiếp tục được giải quyết theo quy định của Nghị định 23/2015/NĐ-CP, Nghị định 123/2015/NĐ-CP, Nghị định 87/2020/NĐ-CP, Nghị định 16/2020/NĐ-CP.
Như vậy, khi tiếp nhận yêu cầu đăng ký kết hôn, cơ quan đăng ký hộ tịch không yêu cầu nộp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, Trích lục ghi chú ly hôn (đối với công dân Việt Nam) mà thực hiện tra cứu thông tin về tình trạng hôn nhân của cha, mẹ trẻ, tra cứu thông tin về tình trạng hôn nhân của người yêu cầu đăng ký kết hôn trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh thông qua kết nối với Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Công văn 481 không yêu cầu nộp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân khi đăng ký kết hôn? (Hình từ Internet)
Điều kiện đăng ký kết hôn được quy định như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định điều kiện kết hôn:
Điều kiện kết hôn
1. Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:
a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;
b) Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;
c) Không bị mất năng lực hành vi dân sự;
d) Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này.
2. Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.
Theo đó, điều kiện kết hôn cần phải đáp ứng bao gồm các điều kiện sau:
(1) Về độ tuổi:
Nam từ đủ 20 tuổi trở lên;
Nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;
(2) Kết hôn dựa trên sự tự nguyện;
(3) Không bị mất năng lực hành vi dân sự
Ngoài ra, tại khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về một số trường hợp cấm kết hôn như sau:
(1) Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo;
(2) Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;
(3) Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;
(4) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;
(5) Yêu sách của cải trong kết hôn;
Như vậy, dựa trên điều kiện kết hôn thì không có quy định về số lần kết hôn của công dân. Do đó, không có giới hạn số lần đăng ký kết hôn theo quy định.
Bên cạnh đó, hiện hành, Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.
Lệ phí đăng ký kết hôn 2025 là bao nhiêu?
Theo Điều 11 Luật Hộ tịch 2014 quy định về lệ phí hộ tịch như sau:
Lệ phí hộ tịch
1. Miễn lệ phí đăng ký hộ tịch trong những trường hợp sau:
a) Đăng ký hộ tịch cho người thuộc gia đình có công với cách mạng; người thuộc hộ nghèo; người khuyết tật;
b) Đăng ký khai sinh, khai tử đúng hạn, giám hộ, kết hôn của công dân Việt Nam cư trú ở trong nước.
2. Cá nhân yêu cầu đăng ký sự kiện hộ tịch khác ngoài quy định tại khoản 1 Điều này, yêu cầu cấp bản sao trích lục hộ tịch phải nộp lệ phí.
Bộ Tài chính quy định chi tiết thẩm quyền thu, mức thu, nộp, chế độ quản lý và sử dụng lệ phí hộ tịch.
Đồng thời, tại Điều 3 Thông tư 85/2019/TT-BTC cũng đã quy định về danh mục các khoản lệ phí thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh như sau:
Danh mục các khoản lệ phí thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh
1. Lệ phí đăng ký cư trú (đối với hoạt động do cơ quan địa phương thực hiện).
2. Lệ phí cấp chứng minh nhân dân (đối với hoạt động do cơ quan địa phương thực hiện).
3. Lệ phí hộ tịch.
4. Lệ phí cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam (đối với cấp phép do cơ quan địa phương thực hiện).
5. Lệ phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà, tài sản gắn liền với đất.
6. Lệ phí cấp giấy phép xây dựng.
7. Lệ phí đăng ký kinh doanh.
Như vậy, từ những quy định trên thì lệ phí đăng ký kết hôn 2025 tùy vào từng trường hợp thực hiện như sau:
- Nếu đăng ký kết hôn của công dân Việt Nam cư trú ở trong nước: Miễn phí
- Nếu đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài: Tùy thuộc vào từng tỉnh thành sẽ do Hội đồng nhân dân từng tỉnh quy định.
Ví dụ: Tại Nghị quyết 06/2020/NQ-HĐND của UBND Hà Nội có quy định mức lệ phí đăng ký kết hôn tại UBND cấp huyện ở Hà Nội là 1.000.000VNĐ/việc.
Phụ lục 1B ban hành kèm theo Nghị quyết 124/2016/NQ-HĐND của UBND TP HCM có quy định mức lệ phí đăng ký kết hôn tại UBND cấp huyện là 1.000.000VNĐ/việc.