Cá nhân có nhiều hơn một mã số thuế thì xử lý như thế nào theo Thông tư 86?
Cá nhân có nhiều hơn một mã số thuế thì xử lý như thế nào theo Thông tư 86?
Căn cứ khoản 4 Điều 39 Thông tư 86/2024/TT-BTC quy định như sau:
Điều khoản chuyển tiếp
...
4. Trường hợp cá nhân đã được cấp nhiều hơn (01) một mã số thuế, người nộp thuế phải cập nhật thông tin số định danh cá nhân cho các mã số thuế đã được cấp để cơ quan thuế tích hợp các mã số thuế vào số định danh cá nhân, hợp nhất dữ liệu thuế của người nộp thuế theo số định danh cá nhân.
Khi mã số thuế đã được tích hợp vào số định danh cá nhân thì các hóa đơn, chứng từ, hồ sơ thuế, giấy tờ có giá trị pháp lý khác đã lập có sử dụng thông tin mã số thuế của cá nhân tiếp tục được sử dụng để thực hiện các thủ tục hành chính về thuế, chứng minh việc thực hiện nghĩa vụ thuế mà không phải điều chỉnh thông tin mã số thuế trên hóa đơn, chứng từ, hồ sơ thuế sang số định danh cá nhân.
...
Như vậy, theo quy định trên thì trường hợp cá nhân được cấp nhiều hơn một mã số thuế thì cá nhân thực hiện như sau:
Cá nhân phải cập nhật thông tin số định danh cá nhân cho các mã số thuế đã được cấp để cơ quan thuế tích hợp các mã số thuế vào số định danh cá nhân, hợp nhất dữ liệu thuế của người nộp thuế theo số định danh cá nhân;
Lưu ý: Khi mã số thuế đã được tích hợp vào số định danh cá nhân thì các hóa đơn, chứng từ, hồ sơ thuế, giấy tờ có giá trị pháp lý khác đã lập có sử dụng thông tin mã số thuế của cá nhân tiếp tục được sử dụng để thực hiện các thủ tục hành chính về thuế, chứng minh việc thực hiện nghĩa vụ thuế mà không phải điều chỉnh thông tin mã số thuế trên hóa đơn, chứng từ, hồ sơ thuế sang số định danh cá nhân.
Cá nhân có nhiều hơn một mã số thuế thì xử lý như thế nào theo Thông tư 86? (Hình từ Internet)
Mã số thuế cá nhân được sử dụng để làm gì?
Căn cứ Điều 35 Luật Quản lý thuế 2019 quy định về việc sử dụng mã số thuế cá nhân như sau:
(1) Cá nhân phải ghi mã số thuế được cấp vào hóa đơn, chứng từ, tài liệu khi thực hiện các giao dịch kinh doanh; mở tài khoản tiền gửi tại ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác; khai thuế, nộp thuế, miễn thuế, giảm thuế, hoàn thuế, không thu thuế, đăng ký tờ khai hải quan và thực hiện các giao dịch về thuế khác đối với tất cả các nghĩa vụ phải nộp ngân sách nhà nước, kể cả trường hợp người nộp thuế hoạt động sản xuất, kinh doanh tại nhiều địa bàn khác nhau.
(2) Cá nhân phải cung cấp mã số thuế cho cơ quan, tổ chức có liên quan hoặc ghi mã số thuế trên hồ sơ khi thực hiện thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa liên thông với cơ quan quản lý thuế.
(3) Cơ quan quản lý thuế, Kho bạc Nhà nước, ngân hàng thương mại phối hợp thu ngân sách nhà nước, tổ chức được cơ quan thuế ủy nhiệm thu thuế sử dụng mã số thuế của cá nhân trong quản lý thuế và thu thuế vào ngân sách nhà nước.
(4) Ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác phải ghi mã số thuế trong hồ sơ mở tài khoản và các chứng từ giao dịch qua tài khoản của cá nhân.
(5) Tổ chức, cá nhân khác trong việc tham gia quản lý thuế sử dụng mã số thuế đã được cấp của cá nhân khi cung cấp thông tin liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế.
(6) Khi bên Việt Nam chi trả tiền cho tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh xuyên biên giới dựa trên nền tảng trung gian kỹ thuật số không hiện diện tại Việt Nam thì phải sử dụng mã số thuế đã cấp cho tổ chức, cá nhân này để khấu trừ, nộp thay.
(7) Khi mã số định danh cá nhân được cấp cho toàn bộ dân cư thì sử dụng mã số định danh cá nhân thay cho mã số thuế.
Từ ngày 01/07/2025, mã số thuế cá nhân là số định danh cá nhân phải không?
Căn cứ Điều 5 Thông tư 86/2024/TT-BTC quy định như sau:
Cấu trúc mã số thuế
1. Mã số thuế bao gồm mã số thuế dành cho doanh nghiệp, tổ chức và mã số thuế dành cho hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân. Trong đó:
...
b) Mã số thuế dành cho hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân là mã số thuế do cơ quan thuế cấp đối với các trường hợp quy định tại điểm a, đ, e, h khoản 4 Điều này; là số định danh cá nhân do Bộ Công an cấp theo quy định của pháp luật về căn cước đối với trường hợp sử dụng số định danh cá nhân thay cho mã số thuế theo quy định tại khoản 5 Điều này.
...
5. Số định danh cá nhân của công dân Việt Nam do Bộ Công an cấp theo quy định của pháp luật về căn cước là dãy số tự nhiên gồm 12 chữ số được sử dụng thay cho mã số thuế của người nộp thuế là cá nhân, người phụ thuộc quy định tại điểm k, l, n khoản 2 Điều 4 Thông tư này; đồng thời, số định danh cá nhân của người đại diện hộ gia đình, đại diện hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh cũng được sử dụng thay cho mã số thuế của hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh đó.
Bên cạnh đó, căn cứ khoản 2 Điều 38 Thông tư 86/2024/TT-BTC quy định về hiệu lực thi hành như sau:
Hiệu lực thi hành
...
2. Mã số thuế do cơ quan thuế cấp cho cá nhân, hộ gia đình, hộ kinh doanh được thực hiện đến hết ngày 30/6/2025. Kể từ ngày 01/7/2025, người nộp thuế, cơ quan quản lý thuế, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc sử dụng mã số thuế theo quy định tại Điều 35 Luật Quản lý thuế thực hiện sử dụng số định danh cá nhân thay cho mã số thuế.
...
Từ hai quy định trên, có thể thấy từ ngày 01/7/2025, mã số thuế cá nhân của các đối tượng quy định tại điểm k, l, n khoản 2 Điều 4 Thông tư 86/2024/TT-BTC được chính thức thay thế bằng số định danh cá nhân, cụ thể là các đối tượng sau:
- Cá nhân có thu nhập thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân (trừ cá nhân kinh doanh).
- Cá nhân là người phụ thuộc theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân.
- Tổ chức, hộ gia đình và cá nhân khác có nghĩa vụ với ngân sách nhà nước.