Cá nhân bán hàng online qua hội nhóm Facebook, Zalo có phải đóng thuế không?
Cá nhân bán hàng online qua hội nhóm Facebook, Zalo có phải đóng thuế không?
Căn cứ theo Điều 4 Thông tư 40/2021/TT-BTC quy định về nguyên tắc tính thuế đối với cá nhân bán hàng online qua hội nhóm Facebook, Zalo như sau:
Nguyên tắc tính thuế
1. Nguyên tắc tính thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được thực hiện theo các quy định của pháp luật hiện hành về thuế GTGT, thuế TNCN và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
2. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm dương lịch từ 100 triệu đồng trở xuống thì thuộc trường hợp không phải nộp thuế GTGT và không phải nộp thuế TNCN theo quy định pháp luật về thuế GTGT và thuế TNCN. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm khai thuế chính xác, trung thực, đầy đủ và nộp hồ sơ thuế đúng hạn; chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, đầy đủ của hồ sơ thuế theo quy định.
3. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo hình thức nhóm cá nhân, hộ gia đình thì mức doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống để xác định cá nhân không phải nộp thuế GTGT, không phải nộp thuế TNCN được xác định cho một (01) người đại diện duy nhất của nhóm cá nhân, hộ gia đình trong năm tính thuế.
Ngoài ra, căn cứ theo quy định tại khoản 7 Điều 2 Nghị định 139/2016/NĐ-CP quy định về các trường hợp được phải nộp lệ phí môn bài như sau:
Người nộp lệ phí môn bài
Người nộp lệ phí môn bài là tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp quy định tại Điều 3 Nghị định này, bao gồm:
1. Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật.
2. Tổ chức được thành lập theo Luật hợp tác xã.
3. Đơn vị sự nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật.
4. Tổ chức kinh tế của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân.
5. Tổ chức khác hoạt động sản xuất, kinh doanh.
6. Chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh của các tổ chức quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này (nếu có).
7. Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Như vậy, cá nhân bán hàng online qua hội nhóm Facebook, Zalo phải nộp các loại thuế bao gồm: Thuế TNCN, thuế GTGT và lệ phí môn bài.
Lưu ý:
- Cá nhân bán hàng online có doanh thu hàng năm <100 triệu đồng thì được miễn thuế theo quy định tại khoản Điều 4 Thông tư 40/2021/TT-BTC và khoản 1 Điều 3 Nghị định 139/2016/NĐ-CP.
- Các trường hợp cá nhân được miễn lệ phí môn bài theo quy định tại Điều 3 Nghị định 139/2016/NĐ-CP (được sửa đổi bởi điểm c khoản 1 Điều 1 Nghị định 22/2020/NĐ-CP) như sau:
+ Hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân lần đầu ra hoạt động sản xuất, kinh doanh.
+ Trong thời gian miễn lệ phí môn bài, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh thì chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh được miễn lệ phí môn bài trong thời gian tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân được miễn lệ phí môn bài.
Cá nhân bán hàng online qua hội nhóm Facebook, Zalo có phải đóng thuế không? (Hình ảnh từ Internet)
Mức thu lệ phí môn bài đối với cá nhân bán hàng online được quy định ra sao?
Căn cứ theo quy định tại Điều 4 Nghị định 139/2016/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Nghị định 22/2020/NĐ-CP) quy đinh về mức thu lệ phí môn bài như sau:
- Cá nhân có doanh thu trên 500 triệu đồng/năm thì nộp lệ phí môn bài: 1.000.000 đồng/năm;
- Cá nhân có doanh thu trên 300 đến 500 triệu đồng/năm thì nộp lệ phí môn bài: 500.000 đồng/năm;
- Cá nhân có doanh thu trên 100 đến 300 triệu đồng/năm thì nộp lệ phí môn bài: 300.000 đồng/năm.
- Hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân sản xuất, kinh doanh đã giải thể có hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại trong thời gian 6 tháng đầu năm nộp mức lệ phí môn bài cả năm, trong thời gian 6 tháng cuối năm nộp 50% mức lệ phí môn bài cả năm.
- Tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh nhưng không kê khai lệ phí môn bài thì phải nộp mức lệ phí môn bài cả năm, không phân biệt thời điểm phát hiện là của 6 tháng đầu năm hay 6 tháng cuối năm.
- Người nộp lệ phí đang hoạt động có văn bản gửi cơ quan thuế quản lý trực tiếp về việc tạm ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm dương lịch không phải nộp lệ phí môn bài năm tạm ngừng kinh doanh với điêu kiện: văn bản xin tạm ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh gửi cơ quan thuế trước thời hạn phải nộp lệ phí theo quy định (ngày 30 tháng 01 hàng năm) và chưa nộp lệ phí môn bài của năm xin tạm ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Trường hợp tạm ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh không đảm bảo điều kiện nêu trên thì nộp mức lệ phí môn bài cả năm.
Cá nhân kinh doanh online không thực hiện đăng ký thuế sẽ bị xử lý hành chính như thế nào?
Cá nhân kinh doanh online nếu không thực hiện đăng ký thuế sẽ bị xem là hành vi trốn thuế được quy định tại khoản 1 Điều 143 Luật Quản lý thuế 2019.
Như vậy, hành vi không thực hiện đăng ký thuế sẽ được xử lý theo quy định tại Điều 17 Nghị định 125/2020/NĐ-CP như sau:
- Phạt tiền 1 lần số thuế trốn có từ một tình tiết giảm nhẹ trở lên, trừ trường hợp quy định tại điểm b, c khoản 4 và khoản 5 Điều 13 Nghị định 125/2020/NĐ-CP.
- Phạt tiền 1,5 lần số tiền thuế trốn mà không có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ.
- Phạt tiền 2 lần số thuế trốn đối với người nộp thuế thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều 17 Nghị định 125/2020/NĐ-CP mà có một tình tiết tăng nặng.
- Phạt tiền 2,5 lần số tiền thuế trốn có hai tình tiết tăng nặng.
- Phạt tiền 3 lần số tiền thuế trốn có từ ba tình tiết tăng nặng trở lên.
- Biện pháp khắc phục hậu quả:
+ Buộc nộp đủ số tiền thuế trốn vào ngân sách nhà nước.
Trường hợp hành vi trốn thuế đã quá thời hiệu xử phạt thì người nộp thuế không bị xử phạt về hành vi trốn thuế nhưng người nộp thuế phải nộp đủ số tiền thuế trốn, tiền chậm nộp tính trên số tiền thuế trốn vào ngân sách nhà nước theo thời hạn quy định tại khoản 6 Điều 8 Nghị định 125/2020/NĐ-CP.
+ Buộc điều chỉnh lại số lỗ, số thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ trên hồ sơ thuế (nếu có).