Bản dự thảo APA cuối cùng phải có những nội dung gì?

Ai sẽ xây dựng bản dự thảo APA? Và bản dự thảo cuối cùng phải có những nội dung gì?

Ai xây dựng bản dự thảo APA?

Căn cứ quy định tại khoản 5 Điều 41 Nghị định 126/2020/NĐ-CP về việc áp dụng cơ chế thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế (sau đây gọi là APA) đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết như sau:

"Điều 41. Việc áp dụng cơ chế thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết
...
5. Trên cơ sở kết quả thẩm định, trao đổi, đàm phán với người nộp thuế (trong trường hợp APA đơn phương) hoặc với cơ quan thuế đối tác và người nộp thuế (trong trường hợp APA song phương hoặc APA đa phương) về nội dung APA, Tổng cục Thuế xây dựng dự thảo APA và trình lãnh đạo Bộ Tài chính phê duyệt, tiến hành ký kết APA.
Đối với các thỏa thuận APA song phương, đa phương có sự tham gia của cơ quan thuế nước ngoài, Bộ Tài chính lấy ý kiến Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp và các cơ quan có liên quan, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến về việc ký kết APA theo thủ tục và trình tự ký kết Điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế theo quy định pháp luật về việc ký kết Điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế."

Như vậy, Tổng cục Thuế sẽ xây dựng bản dự thảo APA dựa trên cơ sở kết quả thẩm định, trao đổi, đàm phán với người nộp thuế (trong trường hợp APA đơn phương) hoặc với cơ quan thuế đối tác và người nộp thuế (trong trường hợp APA song phương hoặc APA đa phương) về nội dung APA.

Bản dự thảo APA cuối cùng phải có những nội dung gì?

Căn cứ quy định tại khoản 6 Điều 41 Nghị định 126/2020/NĐ-CP, bản dự thảo APA cuối cùng bao gồm ít nhất các nội dung sau:

[1] Tên, địa chỉ của các bên liên kết tham gia trong APA;

[2] Mô tả các giao dịch liên kết thuộc phạm vi APA;

[3] Phương pháp so sánh xác định giá của giao dịch liên kết làm cơ sở tính thuế, cách thức xác định, tính toán các số liệu về mức giá, tỷ suất lợi nhuận làm cơ sở xác định trị giá tính thuế có liên quan đến giao dịch liên kết thuộc diện áp dụng APA (bao gồm cả khoảng giá trị giao dịch độc lập chuẩn nếu phù hợp);

[4] Các giả định quan trọng có thể gây ảnh hưởng trọng yếu, đáng kể, tác động đến quá trình thực hiện APA (bao gồm cả các nội dung phân tích, dự báo);

[5] Các quy định về trách nhiệm, nghĩa vụ của người nộp thuế;

[6] Các quy định về trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan thuế;

[7] Quy định về hiệu lực áp dụng;

[8] Các quy định khác phù hợp với các quy định pháp lý về việc thực hiện nghĩa vụ thuế có liên quan đến cam kết APA;

[9] Các phụ lục (nếu có).

Bản dự thảo APA cuối cùng phải có những nội dung gì?

Bản dự thảo APA cuối cùng phải có những nội dung gì? (Hình từ Internet)

APA có thể bị hủy bỏ trong các trường hợp nào?

Căn cứ quy định tại khoản 10 Điều 41 Nghị định 126/2020/NĐ-CP về việc hủy bỏ APA như sau:

"Điều 41. Việc áp dụng cơ chế thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết
...
10. Hủy bỏ APA
a) APA có thể bị hủy bỏ trong các trường hợp sau: Người nộp thuế hay bất kỳ bên liên kết nào liên quan tới giao dịch liên kết không tuân thủ theo các điều khoản và điều kiện của APA; người nộp thuế có sai sót hoặc có lỗi trọng yếu trong hồ sơ đề nghị áp dụng APA, báo cáo APA thường niên, báo cáo đột xuất; người nộp thuế không cung cấp đầy đủ thông tin, tài liệu của báo cáo APA thường niên hoặc thông tin, tài liệu và báo cáo đột xuất theo yêu cầu của cơ quan thuế; người nộp thuế và cơ quan thuế không thống nhất được kết luận việc sửa đổi APA; cơ quan thuế đối tác đề nghị hủy bỏ APA và được Bộ Tài chính chấp thuận; người nộp thuế nộp hồ sơ xin hủy bỏ APA với lý do hợp lý.
b) Trường hợp APA bị hủy bỏ, Tổng cục Thuế ban hành văn bản thông báo về việc hủy bỏ APA trong đó nêu rõ lý do hủy bỏ và ngày hiệu lực của việc hủy bỏ APA. Người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ thuế phát sinh từ giao dịch được đề cập tại APA bị hủy bỏ theo quy định hiện hành về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết cho mục đích khai thuế kể từ ngày việc hủy bỏ có hiệu lực."

Như vậy, APA có thể bị hủy bỏ trong các trường hợp sau:

- Người nộp thuế hay bất kỳ bên liên kết nào liên quan tới giao dịch liên kết không tuân thủ theo các điều khoản và điều kiện của APA;

- Người nộp thuế có sai sót hoặc có lỗi trọng yếu trong hồ sơ đề nghị áp dụng APA, báo cáo APA thường niên, báo cáo đột xuất;

- Người nộp thuế không cung cấp đầy đủ thông tin, tài liệu của báo cáo APA thường niên hoặc thông tin, tài liệu và báo cáo đột xuất theo yêu cầu của cơ quan thuế;

- Người nộp thuế và cơ quan thuế không thống nhất được kết luận việc sửa đổi APA;

- Cơ quan thuế đối tác đề nghị hủy bỏ APA và được Bộ Tài chính chấp thuận;

- Người nộp thuế nộp hồ sơ xin hủy bỏ APA với lý do hợp lý.

Bản dự thảo APA
Cùng chủ đề
Hỏi đáp Pháp luật
Bản dự thảo APA cuối cùng phải có những nội dung gì?
Tác giả:
Lượt xem: 5
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;