Bản án về tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa số 11/2022/KDTM-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH DƯƠNG

BN ÁN 11/2022/KDTM-PT NGÀY 22/08/2022 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG MUA BÁN HÀNG HÓA

Vào các ngày 16 và 22 tháng 8 năm 2022, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương xét xử phúc thẩm công khai vụ án kinh doanh, thương mại thụ lý số 09/2022/TLPT-KDTM ngày 10 tháng 6 năm 2022 về việc “tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hoá”.

Do Bản án kinh doanh, thương mại sơ thẩm số 02/2022/KDTM-ST ngày 09/3/2022 của Tòa án nhân dân thị xã B, tỉnh Bình Dương bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 07/2022/QĐ-PT ngày 01/7/2022, giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Công ty Cổ phần O; địa chỉ: xã P, huyện N, Thành phố Hồ Chí Minh.

Người đại diện hợp pháp: Ông Trần Thanh T sinh năm 1974; địa chỉ: phường X, Quận Y, Thành phố Hồ Chí Minh, là người đại diện theo ủy quyền (Văn bản ủy quyền ngày 15/6/2020).

2. Bị đơn: Công ty Cổ phần G; địa chỉ: xã A, thị xã B, tỉnh Bình Dương.

Người đại diện hợp pháp: Ông Trần Phúc C, sinh năm 1995; địa chỉ: phường Z, thành phố M, tỉnh Bình Dương, là người đại diện theo ủy quyền (Văn bản ủy quyền ngày 13/7/2020);

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Công ty Cổ phần K; địa chỉ:

phưng H, thành phố R, tỉnh Kiên Giang.

Người đại diện hợp pháp: Bà Lê Thị T, chức vụ: Giám đốc, là người đại diện theo pháp luật.

4. Người kháng cáo: Nguyên đơn Công ty Cổ phần O.

NỘI DUNG VỤ ÁN

* Theo Đơn khởi kiện đề ngày 15/6/2020, lời khai trong quá trình tham gia tố tụng, người đại diện hợp pháp của nguyên đơn trình bày:

Vào ngày 29/8/2019, Công ty Cổ phần G (sau đây gọi tắt là Công ty G) và Công ty Cổ phần O (sau đây gọi tắt là Công ty O) ký Hợp đồng nguyên tắc số 22-08/HĐKT/OVI-G, với nội dung: Công ty G bán cho Công ty O hàng hóa là găng tay phẫu thuật tiệt trùng các cỡ, nhãn hiệu Aurelia, số lượng 822.600 đôi;

trong đó 411.300 đôi đầu tiên có giá 3.350 đồng/đôi, 411.300 đôi sau giá có thể thay đổi tăng hoặc giảm theo điều chỉnh của nhà sản xuất nhưng không vượt quá mức giá 3.450 đồng/đôi. Quy cách đóng 200 đôi/thùng, tương đương với 4.113 thùng. Đơn giá này đã bao gồm 5% thuế VAT, chi phí lưu kho, bảo quản, vận chuyển và bốc dỡ. Mỗi đơn đặt hàng có số lượng 800 thùng, giao hàng với số lượng mỗi đơn hàng ít nhất 200 thùng; đặt cọc 20% giá trị đơn hàng khi gửi đơn đặt hàng, thanh toán 80% giá trị đơn hàng còn lại tương ứng với mỗi đợt giao hàng (ít nhất 200 thùng). Tiền cọc sẽ được cấn trừ tại mỗi đợt giao hàng. Công ty G có nghĩa vụ giao hàng trong vòng 02 tháng từ khi Công ty O gửi đơn đặt hàng và thanh toán 20% cho đơn đặt hàng. Công ty G giao hàng trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận yêu cầu giao hàng và thanh toán 80% giá trị đơn hàng còn lại cho mỗi lần giao hàng.

Hai bên đã thực hiện các đơn hàng cụ thể như sau:

- Đơn hàng thứ nhất (đặt 800 thùng): Công ty O đã đặt cọc cho Công ty G số tiền 20% giá trị đơn hàng là 107.200.000 đồng (theo ủy nhiệm chi ngày 03/9/2019) và thanh toán tổng số tiền hàng là 428.800.000 đồng (theo các Ủy nhiệm chi ngày 25/9/2019, 29/10/2019, 19/12/2019). Công ty G đã giao đủ số hàng là 800 thùng.

- Đơn hàng thứ hai (đặt 200 thùng): Công ty O đã đặt cọc cho Công ty G số tiền 20% giá trị đơn hàng là 26.800.000 đồng (theo ủy nhiệm chi ngày 11/11/2019) và thanh toán tổng số tiền hàng là 107.200.000 đồng (theo các Ủy nhiệm chi ngày 19/12/2019). Công ty G đã giao đủ số hàng là 200 thùng.

- Đơn hàng thứ ba (đặt 800 thùng): Công ty O đã đặt cọc cho Công ty G số tiền 20% giá trị đơn hàng là 107.200.000 đồng (theo ủy nhiệm chi ngày 03/12/2019) và thanh toán tổng số tiền hàng là 428.800.000 đồng (theo Ủy nhiệm chi ngày 18/02/2020 và 19/12/2020). Tuy nhiên, Công ty G mới chỉ giao cho Công ty O số hàng là 760 thùng, còn nợ Công ty O 40 thùng trị giá 26.800.000 đồng.

- Đơn hàng thứ tư (đặt 800 thùng): Công ty O đã đặt cọc cho Công ty G số tiền 20% giá trị đơn hàng là 107.200.000 đồng (theo ủy nhiệm chi ngày 10/3/2020) và thanh toán số tiền hàng tại yêu cầu giao hàng đợt 01 (200 thùng đầu) là 107.200.000 đồng (theo Ủy nhiệm chi ngày 15/5/2020).

Hơn 02 tháng kể từ ngày Công ty O thanh toán tiền cọc đơn hàng thứ tư, Công ty G gửi Công văn số 14.05.20/G-BD ngày 14/5/2020 thông báo về việc tăng giá sản phẩm từ 3.350 đồng/đôi lên 4.200 đồng/đôi là không đúng hợp đồng (thỏa thuận không vượt quá mức giá 3.450 đồng/đôi).

Mặt khác, theo quy định tại mục 3.2 Điều 3 của Hợp đồng thì Công ty G phải giao hàng vào ngày 18/5/2020 (tức sau 03 ngày kể từ ngày thanh toán tiền hàng và yêu cầu giao hàng); tuy nhiên, quá thời hạn Công ty G vẫn không giao hàng cho Công ty O.

Công ty O đã cố gắng liên hệ thương lượng, đề nghị Công ty G thực hiện đúng hợp đồng đã ký nhưng Công ty G không hợp tác và khẳng định sẽ không tiếp tục giao hàng cho Công ty O. Công ty G đã chuyển trả lại cho Công ty O số tiền đặt cọc và tiền thanh toán đơn hàng thứ tư là 214.400.000 đồng vào ngày 20/5/2020.

Việc Công ty G không giao hàng đúng thỏa thuận là vi phạm nghiêm trọng nội dung của hợp đồng đã ký, gây ra tổn thất cho Công ty O như sau:

Ngày 29/8/2019, Công ty O ký hợp đồng mua găng tay cao su của Công ty G. Đến ngày 15/12/2019, Công ty O ký hợp đồng bán lại găng tay cao su cho Công ty Cổ phần K (sau đây gọi tắt là: Công ty K) theo Hợp đồng mua bán hàng hóa số 15.12/OVI-K, với nội dung: Công ty O bán cho Công ty K hàng hóa là: “Găng tay phẫu thuật tiệt trùng các cỡ, nhãn hiệu Aurelia với số lượng 750.200 đôi, trong đó 338.900 đôi đầu tiên có giá theo Bản hiệu chỉnh hợp đồng là 3.570 đồng/đôi và 411.300 đôi sau có giá 4.673 đồng/đôi.” Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày Công ty K gửi phiếu yêu cầu giao hàng, Công ty O phải giao hàng cho Công ty K, nếu Công ty O giao hàng trễ so với quy định thì phải chịu phạt với lãi suất 01%/ngày tính trên số ngày chậm và số hàng giao chậm nhưng không được chậm quá 05 ngày. Nếu quá 05 ngày thì xem như Công ty O đã tự ý đơn phương chấm dứt hợp đồng nên phải chịu phạt vi phạm một số tiền tương đương số tiền mà Công ty K đã đặt cọc cho Công ty O, đồng thời phải bồi thường cho Công ty K toàn bộ thiệt hại mà Công ty K phải gánh chịu.

Do Công ty G không giao hàng nên Công ty O không có hàng giao cho bên thứ ba là Công ty K, đã vi phạm thỏa thuận tại Hợp đồng số 15.12/OVI-K ngày 15/12/2019 và buộc phải bồi thường cho Công ty K số tiền là 1.300.000.000 đồng theo quy định tại Điều 6 của Hợp đồng.

- Ngoài ra Công ty O đã mất đi khoản tiền lãi đáng lẽ ra sẽ được hưởng nếu có hàng giao cho bên thứ ba là Công ty K, tiền lãi làm tròn là 557.000.000 đồng. Số tiền này được tính dựa trên cơ sở: Giá bán cho Công ty K trừ giá mua của Công ty G nhân với số hàng thực tế mà Công ty G chưa giao, cụ thể:

Số lượng hàng chưa giao là 470.600 đôi, trong đó:

+ 59.300 đôi x (giá bán cho Công ty K là 3.570 đồng/đôi – giá mua của Công ty O là 3.350 đồng/đôi) = 13.046.000 đồng;

+ 144.300 đôi x (giá bán cho Công ty K là 4.673 đồng/đôi – giá mua của Công ty O là 3.350 đồng/đôi) = 544.179.900 đồng;

Tng cộng là 557.195.900 đồng (làm tròn là 557.000.000 đồng).

Như vậy Công ty O bị thiệt hại là 1.857.000.000 đồng. Công ty O đã bồi thường cho Công ty K số tiền là 750.000.000 đồng, số tiền còn lại chưa bồi thường do Công ty O đang gặp khó khăn.

Căn cứ Điều 9 của Hợp đồng đã ký, Công ty O khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết buộc Công ty Cổ phần G có nghĩa vụ:

1. Chịu phạt cọc số tiền 107.200.000 đồng cho Công ty O của đơn hàng thứ tư.

2. Hoàn trả cho Công ty Cổ phần O số tiền tính trên 40 thùng hàng chưa giao là 3.350 đồng/đôi x 200 đôi x 40 thùng = 26.800.000 đồng.

3. Bồi thường cho Công ty Cổ phần O số tiền thiệt hại là 1.857.000.000 đồng.

Tng số tiền yêu cầu là 1.991.000.000 đồng (một tỷ, chín trăm chín mươi mốt triệu đồng).

Tại phiên tòa sơ thẩm, người đại diện theo uỷ quyền của nguyên đơn rút lại một phần yêu cầu khởi kiện đối với phần yêu cầu bồi thường khoản tiền lợi nhuận đáng lẽ ra Công ty O sẽ được hưởng nếu có hàng giao cho Công ty K làm tròn là 557.000.000 đồng và khoản tiền bồi thường thiệt hại 550.000.000 đồng. Giữ nguyên yêu cầu về tiền phạt cọc 107.200.000 đồng và tiền bồi thường thiệt hại 750.000.000 đồng (là số tiền Công ty O đã thực hiện bồi thường cho Công ty K).

* Quá trình tố tụng và tại phiên tòa, người đại diện hợp pháp của bị đơn trình bày:

Công ty G và Công ty O có ký Hợp đồng nguyên tắc số 22-08/HĐKT/OVI- G ngày 29/8/2019 về việc mua bán găng tay phẫu thuật tiệt trùng nhập khẩu từ Malaysia; nội dung hợp đồng như Công ty O trình bày.

Hai bên đã thực hiện xong việc giao nhận hàng và thanh toán tiền của 02 đơn hàng, đơn hàng thứ 03 Công ty G chưa giao 40 thùng hàng trị giá là 26.800.000 đồng.

Đơn hàng thứ tư của Công ty O không phù hợp với tập quán giao dịch giữa 02 bên so với 03 đơn hàng trước đó. Cụ thể: Điều 3 Hợp đồng quy định đơn đặt hàng phải bằng văn bản hoặc gửi đơn đặt hàng qua địa chỉ thư điện tử của Công ty G theo địa chỉ: Ggloves@gmail.com; tuy nhiên, vào ngày 05/3/2020 Công ty G có nhận được một bản scan hình ảnh Đơn đặt hàng số 0503/ĐĐH-OVI19, nhận thấy đơn đặt hàng này không hợp lệ bởi các lý do sau:

- Bản chụp đơn đặt hàng không có chữ ký của người duyệt Lê Duy E, không có chữ ký, đóng dấu của giám đốc Đặng Thanh P.

- Chữ ký tại phần chữ ký của bà Phạm Thị Thanh H không giống với chữ ký bà H từ những đơn đặt hàng trước. Tuy nhiên đây là tình tiết không mang ý nghĩa quyết định nên bị đơn không yêu cầu trưng cầu giám định đối với chữ ký của bà H.

- Bản scan đơn đặt hàng gửi từ địa chỉ phuongnt@O.com đến địa chỉ Ggloves@gmail.com của Công ty G là không đúng người đặt hàng. Các đơn đặt hàng lần trước và gần nhất được gửi từ địa chỉ thư điện tử: ovi@O.com hoặc hangptt@O.com đến địa chỉ email của Công ty G.

- O không có văn bản đề nghị thay đổi người đặt hàng và phương thức đặt hàng cho Công ty G, sau đó Công ty G cũng không nhận được bản giấy đơn đặt hàng nào từ Công ty O để có thể xác nhận hoặc trả lời yêu cầu gửi đơn hàng hợp lệ.

- Nội dung đính kèm email chỉ ghi: “Gửi Quý Công ty đơn đặt hàng” trong khi các đơn đặt hàng trước đó gần nhất đều có nội dung đặt hàng và yêu cầu xác nhận đơn đặt hàng, sau đó gửi bản giấy đơn đặt hàng cho Công ty G xác nhận.

Đến ngày 13/5/2020, Công ty O gửi “Đề nghị giao hàng” số 01- ĐNGH/2020 với nội dung: “Căn cứ vào đơn đặt hàng số 0503/ĐĐH-OVI19 ngày 05/3/2020”. Đối chiếu các lần đặt hàng, giao hàng gần nhất thì đều không trùng khớp về chữ ký, nội dung, người gửi và quy trình thực hiện. Cụ thể, đề nghị giao hàng có: Chữ ký người đề nghị - bà Phạm Thị Thanh H (đối chiếu chữ ký với đơn đặt hàng số 0503/ĐĐH-OVI19 ngày 05/3/2020 là không trùng khớp, đối chiếu với chữ ký đơn đặt hàng đã thực hiện xong số 0411/ĐĐH-OVI19 cũng không trùng khớp); Có chữ ký người xét duyệt – Nguyễn Thị P (đối chiếu với đơn đặt hàng số 0503/ĐĐH-OVI19 ngày 05/3/2020 là không có); Có chữ ký Giám đốc – Lê Duy E (đối chiếu với đơn đặt hàng số 0503/ĐĐHOVI19 ngày 05/3/2020 là không có).

Vì những lý do trên, Công ty G xác định rằng Công ty O chưa có đơn đặt hàng thứ tư nên không có cơ sở để giao hàng.

Công ty O có chuyển khoản cho Công ty G số tiền 214.400.000 đồng (theo ý kiến riêng của Công ty O là tiền của đơn hàng thứ tư) để hợp thức hóa đơn đặt hàng không hợp lệ số 0503/ĐĐH-OVI19 ngày 05/3/2020, đơn đặt hàng này không được Công ty G xác nhận; do đó, Công ty G đã không giao hàng và chuyển trả lại tiền cho Công ty O vào ngày 20/5/2020.

Do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh nên giá thành nhập vào của các sản phẩm găng tay tiệt trùng tăng cao. Xét mối quan hệ hợp tác kinh doanh, chia sẻ khó khăn với đối tác; ngày 14/5/2020, Công ty G đã gửi văn bản đề nghị tăng giá, đồng ý bán hàng không lợi nhuận cho Công ty O với giá là 4.200 đồng/đôi để Công ty O có thể thực hiện thỏa thuận với đối tác của mình và mong được sự thông cảm, hỗ trợ của Công ty O nhưng Công ty O không đồng ý.

Nay, Công ty G có ý kiến về yêu cầu khởi kiện của Công ty O như sau:

- Công ty G đồng ý trả lại cho Công ty O số tiền tính trên 40 thùng hàng chưa giao của đơn hàng thứ ba là 26.800.000 đồng.

- Công ty G không đồng ý với yêu cầu phạt cọc số tiền 107.200.000 đồng của đơn hàng thứ tư và yêu cầu bồi thường thiệt hại do không thực hiện hợp đồng với số tiền 750.000.000 đồng của Công ty O.

+ Về thoả thuận bồi thường giữa Công ty O và Công ty K:

Kể từ khi ký hợp đồng ngày 29/8/2019, Công ty G đã giao cho Công ty O số hàng hóa trị giá 1.179.200.000 đồng. Đối chiếu với Điều 2 Hợp đồng mua bán giữa Công ty O và Công ty K, Công ty O đã giao số hàng hóa trị giá 783.000.000 đồng cho Công ty K; do đó, khoản tiền hàng hóa Công ty K cho rằng bị thiệt hại và thỏa thuận để Công ty O bồi thường số tiền 1.857.000.000 đồng (do không có hàng để giao theo hợp đồng) là không đúng sự thật.

Ngoài ra, ông Đặng Thanh P là thành viên góp vốn của Công ty K đồng thời là giám đốc của Công ty O, ông P ký thỏa thuận với Công ty K để hợp thức hóa khoản bồi thường kiện đòi từ Công ty G là không vô tư khách quan khi thành viên góp vốn được hưởng lợi trực tiếp từ việc nhận bồi thường.

* Người đại diện hợp pháp của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Công ty K trình bày:

Ngày 15/9/2019, Công ty K và Công ty O ký hợp đồng mua bán hàng hóa là găng tay y tế với số lượng là 750.200 đôi, trong đó: 338.900 đôi đầu tiên có giá 3.570 đồng/đôi và 411.300 đôi sau có giá 4.673 đồng/đôi, tổng giá trị là 3.131.877.900 đồng. Ngay sau khi ký kết hợp đồng, Công ty K đã đặt cọc cho Công ty O số tiền là 783.000.000 đồng vào ngày 17/12/2019. Sau đó, Công ty O đã giao cho Công ty K một số đợt hàng gồm: Ngày 20/12/2019 giao 88.800 đôi (Hóa đơn số 00041); ngày 17/02/2020 giao 20.000 đôi (Hóa đơn số 00076);

ngày 02/3/2020 giao 20.000 đôi (Hóa đơn số 00084); ngày 23/3/2020 giao 40.000 đôi (Hóa đơn số 00102); ngày 25/3/2020 giao 10.000 đôi (Hóa đơn số 00104); ngày 02/4/2020 giao 35.000 đôi (Hóa đơn số 00106); ngày 13/4/2020 giao 20.000 đôi (Hóa đơn số 00113), tổng cộng là 233.800 đôi (tổng giá trị hàng hóa của các hóa đơn này là 783.230.000 đồng,theo đúng giá ghi trong hợp đồng).

Quá trình thực hiện hợp đồng, Công ty O luôn chậm trễ nhưng Công ty K không truy cứu. Đến đầu tháng 6/2020, Công ty O không tiếp tục giao hàng, Công ty K đã tạo cơ hội và thời gian cho Công ty O tiếp tục thực hiện hợp đồng (giao hàng) nhưng Công ty O vẫn không thực hiện. Sau nhiều lần tranh cãi, hai bên đã đi đến thống nhất chấm dứt hợp đồng mua bán và Công ty O phải bồi thường cho Công ty K số tiền là 1.300.000.000 đồng. Công ty O đã bồi thường cho Công ty K số tiền là 750.000.000 đồng vào ngày 24/6/2020, số tiền 550.000.000 đồng còn lại chưa bồi thường.

Công ty K không có yêu cầu giải quyết trong vụ án này. Nếu có tranh chấp Công ty K sẽ yêu cầu giải quyết trong một vụ án khác.

Tại Bản án kinh doanh, thương mại sơ thẩm số 02/2022/KDTM-ST của ngày 09/3/2022 của Tòa án nhân dân thị xã B, tỉnh Bình Dương đã tuyên xử:

1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Công ty Cổ phần O đối với bị đơn Công ty Cổ phần G về việc: “Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hoá”.

Buộc Công ty Cổ phần G thanh toán cho Công ty Cổ phần O số tiền là 26.800.000 đồng (hai mươi sáu triệu, tám trăm nghìn đồng).

2. Không chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Công ty Cổ phần O đối với bị đơn Công ty Cổ phần G đối với các phần yêu cầu:

2.1. Yêu cầu Công ty Cổ phần G thanh toán cho Công ty Cổ phần O số tiền phạt cọc của Đơn đặt hàng thứ tư số 0503/ĐĐH-OVI19 ngày 05/3/2020 là 107.200.000 đồng (một trăm lẻ bảy triệu, hai trăm nghìn đồng).

2.2. Yêu cầu Công ty Cổ phần G bồi thường cho Công ty Cổ phần O số tiền là 750.000.000 đồng (bảy trăm năm mươi triệu đồng).

3. Đình chỉ xét xử đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Công ty Cổ phần O về việc yêu cầu bị đơn Công ty Cổ phần G bồi thường số tiền là 1.107.000.000 đồng (một tỷ một trăm lẻ bảy triệu đồng).

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên về án phí, nghĩa vụ chậm trả, quyền kháng cáo, quyền và nghĩa vụ thi hành án của đương sự.

Ngày 15/3/2022, nguyên đơn Công ty O kháng cáo một phần Bản án kinh, doanh thương mại sơ thẩm 02/2022/KDTM-ST ngày 09/3/2022 của Tòa án nhân dân thị xã B, tỉnh Bình Dương về việc không chấp nhận yêu cầu bồi thường số tiền 750.000.000 đồng và tiền phạt cọc 107.000.000 đồng.

Tại phiên tòa phúc thẩm: Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện, yêu cầu kháng cáo và trình bày nguyên đơn đã nộp hết tài liệu chứng cứ mà nguyên đơn có; nguyên đơn và Công K chỉ ký duy nhất 01 Hợp đồng mua bán số 15.12/OVI-K ngày 15/12/2019; Bản hiệu chỉnh hợp đồng về đơn giá làm sau nhưng ghi sai ngày tháng (ghi ngày 15/9/2019), nguyên đơn nộp cho Tòa án sau thời điểm hòa giải lần thứ nhất.

Bị đơn không đồng ý bồi thường cho nguyên đơn vì những lý do đã trình bày được nêu trong bản án sơ thẩm.

Các đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án. Ý kiến của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương:

- Về tố tụng: Trong quá trình giải quyết vụ án tại Tòa án cấp phúc thẩm, kể từ khi thụ lý cho đến khi đưa vụ án ra xét xử, những người tham gia tố tụng và những người tiến hành tố tụng đã thực hiện đúng quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

- Về nội dung:

Hai bên ký hợp đồng mua bán ngày 29/8/2019, ở đơn hàng thứ tư nguyên đơn đã chuyển tiền cọc nhưng bị đơn không giao hàng mà yêu cầu tăng giá, sau khi có tranh chấp thì cho rằng đơn hàng không hợp lệ và chuyển trả tiền cọc; có căn cứ xác định bị đơn vi phạm hợp đồng.

Đề nghị hội đồng xét xử sửa một phần án sơ thẩm, chấp nhận yêu cầu phạt cọc số tiền 107.200.000 đồng; chứng cứ chứng minh thiệt hại của nguyên đơn là mâu thuẫn không phù hợp nên không chấp nhận.

Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có tại hồ sơ đã được thẩm tra tại phiên tòa; căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên toà, lời trình bày của đương sự, Kiểm sát viên phát biểu quan điểm; sau khi thảo luận,

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Về tố tụng:

[1.1] Tòa án có Thông báo số 02/TB-TA ngày 05/7/2022 và Thông báo số 03/TB-TA ngày 08/7/2022 về việc yêu cầu nguyên đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan giao nộp bổ sung chứng cứ để chứng minh ông Đặng Thanh P có cổ phần trong 02 Công ty O và Công ty K.

Công ty K cung cấp 02 bản Điều lệ công ty, trong đó 01 bản không ghi ngày tháng, 01 bản ghi ngày 15/4/2018; Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thay đổi vào các năm 2018, 2019 và 2021; Sổ đăng ký cổ đông ngày 31/12/2019 và năm 2021;

Tại phiên tòa người đại diện hợp pháp của nguyên đơn cung cấp chứng cứ hồ sơ thành lập Công ty O bao gồm: Điều lệ ngày 10/11/2021, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thay đổi lần thứ 5 ngày 16/4/2022; không giao nộp chứng cứ hồ sơ thành lập Công ty O.

Tòa án có các văn bản số 41/TA-KT ngày 15/7/2022 và số 42/TA-KT ngày 15/7/2022 về việc yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kiên Giang cung cấp chứng cứ liên quan đến phần vốn góp trong 02 Công ty O và Công ty K. Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh cung cấp hồ sơ thành lập Công ty O: Điều lệ công ty lập ngày 07/5/2013 và Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp năm 2019, 2020, 2021.

[1.2] Ngày 15/6/2020, thời điểm này ông Đặng Thanh P là người đại diện theo pháp luật của nguyên đơn Công ty O ký văn bản ủy quyền cho ông Trần Thanh T đại diện tham gia tố tụng tại Tòa án cho đến khi có bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Ngày 18/11/2021, Công ty O đăng ký thay đổi người đại diện theo pháp luật từ ông Đặng Thanh P sang ông Lê Duy E; cho đến thời điểm hiện nay văn bản ủy quyền ngày 15/6/2020 không bị Công ty O thay thế, hủy bỏ; do đó, ông Trần Thanh T vẫn là người đại diện hợp pháp của Công ty O tham gia tố tụng tại Tòa án.

Vụ án đã hết thời hạn chuẩn bị xét xử, Tòa án xét xử theo các chứng cứ có trong hồ sơ và chứng cứ do Tòa án thu thập được.

[2.] Về nội dung:

[2.1.] Nguyên đơn và bị đơn thỏa thuận như sau:

Vào ngày 29/8/2019, Công ty G ký Hợp đồng nguyên tắc số 22- 08/HĐKT/OVI-G về việc bán găng tay cao su y tế cho Công ty O. Hai bên đã thực hiện hợp đồng:

- Đơn hàng thứ nhất (800 thùng) và Đơn hàng thứ hai (200 thùng): Hai bên đã thực hiện xong việc giao hàng và giao tiền, không có tranh chấp.

- Đơn hàng thứ ba: Đặt hàng với số lượng 800 thùng, Công ty G giao cho Công ty O số hàng là 760 thùng, còn nợ Công ty O 40 thùng trị giá 26.800.000 đồng. Bản án sơ thẩm buộc Công ty G trả lại cho Công ty O số tiền 26.800.000 đồng, hai bên đồng ý và không kháng cáo.

Tng cộng 03 đơn hàng trên, Công ty O đã nhận 1.760 thùng = 352.000 đôi; số tiền đã thanh toán là 1.179.200.000 đồng.

Ba đơn hàng trên, Công ty O đặt hàng từ địa chỉ thư điện tử: ...@O.com hoặc hangptt@O.com đến địa chỉ email (Ggloves@gmail.com) của Công ty G; tiền thanh toán chuyển đúng vào tài khoản của Công ty G.

[2.2.] Nguyên đơn và bị đơn không thỏa thuận được và có tranh chấp như sau:

Đơn hàng thứ tư (đặt 800 thùng): Công ty O đã đặt cọc cho Công ty G số tiền 20% giá trị đơn hàng là 107.200.000 đồng (theo ủy nhiệm chi ngày 10/3/2020). Công ty O đặt hàng từ địa chỉ thư điện tử: phuongnt@O.com đến địa chỉ email (Ggloves@gmail.com) của Công ty G; tiền thanh toán chuyển đúng vào tài khoản của Công ty G.

Đến ngày 14/5/2020, Công ty G gửi Công văn số 14.05.20/G-BD cho

Công ty O thông báo về việc tăng giá sản phẩm từ 3.350 đồng/đôi lên

4.200

đồngôi (không đúng thỏa thuận tại hợp đồng là giá tối đa bằng

3.450

đồngôi).

 

Công ty O không trả lời về việc yêu cầu tăng giá nhưng tiếp tục thanh toán tiền hàng cho Công ty G bằng hình thức chuyển khoản với số tiền là 107.200.000 đồng (theo Ủy nhiệm chi ngày 15/5/2020).

Tng cộng đơn đặt hàng thứ tư, Công ty O đã thanh toán cho Công ty G số tiền 214.400.000 đồng (64.000 đôi = 320 thùng) nhưng chưa được nhận hàng.

Ngày 20/5/2020, Công ty G chuyển trả lại toàn bộ số tiền 214.400.000 đồng Công ty O, chứng từ chuyển khoản ghi rõ chuyển trả tiền đặt cọc.

Nguyên đơn Công ty O xác định Công ty G đơn phương chấm dứt hợp đồng nên phải bồi thường thiệt hại.

Bị đơn Công ty G cho rằng, đơn hàng lần thứ tư của Công ty O không hợp lệ, vì: 03 đơn hàng trước Công ty O đặt hàng từ địa chỉ thư điện tử: ovi@O.com hoặc hangptt@O.com, đơn hàng thứ tư từ địa chỉ thư điện tử: phuongnt@O.com, bản chụp đơn đặt hàng không có chữ ký của người duyệt Lê Duy E, không có chữ ký, đóng dấu của giám đốc Đặng Thanh P; Công ty O không có văn bản đề nghị thay đổi người đặt hàng và phương thức đặt hàng. Công ty G xác định rằng Công ty O chưa có đơn đặt hàng thứ tư nên Công ty G không vi phạm hợp đồng.

[2.3.] Thấy rằng, nội dung hợp đồng đã ghi rõ là mọi thỏa thuận giữa hai bên qua địa chỉ email của Công ty O là “...@O.com” (Điều 11.4); đặt hàng qua địa chỉ email của Công ty G là Ggloves@gmail.com” (Điều 3.1). Tên người đặt hàng (nhân viên “hang hoặc phuong”) có thể thay đổi vì hai bên không thỏa thuận một cá nhân nhất định đặt hàng; ngoài việc đặt hàng đúng địa chỉ email, Công ty O còn chuyển tiền mua hàng cho Công ty G đúng vào tài khoản của Công ty G, Công ty G còn có văn bản yêu cầu tăng giá hàng so với hợp đồng nhưng không được Công ty O trả lời, sau đó Công ty G mới chuyển trả lại tiền cho Công ty O và ghi rõ chuyển trả tiền cọc nhưng không thông báo cho Công ty O về việc hủy bỏ một phần hợp đồng là vi phạm quy định tại Điều 313 của Luật Thương mại. Do đó, việc không tiếp tục thực hiện hợp đồng là do lỗi hoàn toàn của Công ty G; trường hợp này được xem như Công ty G đã đơn phương hủy bỏ một phần hợp đồng, Công ty G có lỗi vi phạm hợp đồng nên Công ty O có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại như quy định tại khoản 3 Điều 314 của Luật Thương mại.

[2.4.] Về chế tài do vi phạm hợp đồng, hai bên thỏa thuận như sau:

Điều 9: Bên B muốn hủy hợp đồng, đơn phương chấm dứt hợp đồng phải bồi thường tất cả thiệt hại cho bên A. Trường hợp ngưng, trì hoãn thực hiện hợp đồng sẽ phải thanh toán tổn thất cho bên kia.

Điều 11.1: Hai bên cam kết thực hiện hợp đồng, bên nào vi phạm phải chịu trách nhiệm bồi thường và bồi thường theo luật định.

Như vậy, các bên không có thỏa thuận về phạt vi phạm hoặc bồi thường thiệt hại cụ thể như thế nào nếu một trong hai bên vi phạm hợp đồng. Do đó, trường hợp này cần áp dụng quy định các Điều 302, 303, 304 Luật Thương mại để xem xét thiệt hại thực tế xảy ra do một bên vi phạm hợp đồng để giải quyết việc bồi thường thiệt hại; trách nhiệm chứng minh thiệt hại thực tế xảy ra là của nguyên đơn Công ty O.

Công ty O chứng minh thiệt hại thực tế như sau:

Công ty O trình bày tại phiên tòa rằng chỉ có duy nhất một bản Hợp đồng mua bán găng tay cao su số 15.12/OVI-K ký ngày 15/12/2019 giữa Công ty O và Công ty K. Ngược lại, lời khai của người đại diện hợp pháp của Công ty K là ký hợp đồng mua bán găng tay cao su với Công ty O vào ngày 15/9/2019.

Trong hồ sơ không có hợp đồng ký ngày 15/9/2019, nguyên đơn không có chứng cứ gì khác để chứng minh cho sự mâu thuẫn này. Do đó, Tòa án xem xét Hợp đồng mua bán găng tay cao su số 15.12/OVI-K ký ngày 15/12/2019 giữa Công ty O và Công ty K.

Lời khai của hai bên đương sự về việc ký và thực hiện hợp đồng: Giá mua bán găng tay cao su, đợt 1: 338.900 đôi với giá 3.350 đồng/đôi và đợt 2: 411.300 đôi với giá 4.673 đồng/đôi (bao gồm 5% VAT); đã thực hiện giao nhận 233.800 đôi và 783.230.000 đồng. Theo chứng từ chuyển khoản qua Ngân hàng do Công ty O giao nộp thì Công ty K đã chuyển khoản cho Công ty O đúng số tiền 783.230.000 đồng.

Như vậy, Công ty O đã mua và nhận của Công ty G 352.000 đôi, với giá 3.350 đồng đôi (thành tiền 1.179.200.000 đồng), rồi bán lại (đã giao nhận xong) cho Công ty K 233.800 đôi cũng với giá 3.350 đồng/đôi, thành tiền 783.230.000 đồng. Việc mua bán này không có lợi nhuận nên đây không phải là chứng cứ chứng minh thiệt hại xảy ra cho Công ty O do Công ty G không thực hiện hợp đồng.

Ngoài ra, nguyên đơn còn trình bày sau khi Tòa án hòa giải lần thứ nhất nguyên đơn tìm ra “Bản hiệu chỉnh hợp đồng” ký ngày 19/9/2019 để điều chỉnh Hợp đồng số 15.9/OVI-K ngày 15/9/2019 giữa Công ty O và Công ty K; theo đó giá mua bán găng tay được điều chỉnh từ giá 3.350 đồng đôi lên thành 3.570 đồng đôi và “Bản thỏa thuận” về việc bồi thường do vi phạm Hợp đồng số 15.12/OVI-K ngày 15/12/2019, theo đó Công ty O bồi thường cho Công ty K số tiền 1.300.000.000 đồng. Lời khai này có nhiều mâu thuẫn với các chứng cứ đã nêu ở trên và không được bị đơn thừa nhận; bởi lẽ nguyên đơn xác định chỉ có duy nhất một Hợp đồng số 15.12/OVI-K ngày 15/12/2019 nhưng bản hiệu chỉnh hợp đồng về đơn giá là hiệu chỉnh Hợp đồng số 15.9/0VI-K ngày 15/9/2019, đại diện cho Công ty K khai chỉ có ký với nguyên đơn Hợp đồng số 15.9/0VI-K.

Như vậy, chứng cứ do nguyên đơn đưa ra để yêu cầu bồi thường thiệt hại xảy ra là không phù hợp với thực tế, chưa đủ căn cứ để xem xét.

Mặc khác, bị đơn cho rằng ông Đặng Thanh P có cổ phần trong Công ty O và Công ty K nên làm giả chứng cứ để đòi bồi thường.

[2.5] Hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp do các bên cung cấp và do Tòa án thu thập được thì:

Công ty Cổ phần Xây dựng Thương mại Dịch vụ Xuất nhập khẩu K đăng ký thành lập ngày 27/5/2013, ông Lê Duy E là người đại diện theo pháp luật chiếm 40% cổ phần Công ty; trụ sở chính: xã P, huyện N, Thành phố Hồ Chí Minh; tên Văn phòng đại diện là: “Văn phòng đại diện Công ty Cổ phần O”, địa chỉ: phường H, thành phố R, tỉnh Kiên Giang. Đến ngày 16/4/2019, đăng ký lại với tên mới là Công ty Cổ phần O, người đại diện theo pháp luật là ông Đặng Thanh P.

Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cấp ngày 04/5/2018 cho Công ty Cổ phần Xây dựng và Sản xuất Thương mại Vật tư Y tế K, người đại diện theo pháp luật ông Lê Duy E chiếm 65% cổ phần; địa chỉ phường H, thành phố R, tỉnh Kiên Giang; trùng với địa chỉ của văn phòng đại diện của Công ty Cổ phần Xây dựng và Sản xuất Thương mại Dịch vụ Xuất nhập khẩu K (tên mới là Công ty Cổ phần O).

Như vậy, ông Lê Duy E chiếm 40% cổ phần Công ty O và 65% Cổ phần Công ty K; trước và sau thời điểm ký hợp đồng ông Lê Duy E là người đại diện theo pháp luật của 02 Công ty cho đến thời điểm ký hợp đồng mua bán ngày 15/12/2019. Ông Đặng Thanh P làm người đại diện theo pháp luật của Công ty O và ông Lê Duy Q, Phó giám đốc Công ty K ký hợp đồng 15/12/2019, Bản hiệu chỉnh hợp đồng, thỏa thuận bồi thường; các giao dịch hợp đồng do ông Đặng Thanh P và ông Lê Duy Q ký được nêu ở trên đã vi phạm quy định tại các Điều 164, 165, 167 của Luật Doanh nghiệp. Do đó, các hợp đồng, giao dịch do nguyên đưa ra là trái pháp luật nên không có giá trị chứng minh thiệt hại để buộc bị đơn phải bồi thường.

Với phân tích trên, nguyên đơn không chứng minh được thiệt hại thực tế đã xảy ra nên yêu cầu bồi thường của nguyên đơn không được chấp nhận. Bản án sơ thẩm nhận định đơn đặt hàng của nguyên đơn lần thứ tư không hợp lệ, bị đơn không vi phạm hợp đồng là chưa đúng; cấp sơ thẩm thu thập chứng cứ chưa đầy đủ nhưng đã được khắc phục tại cấp phúc thẩm.

Đại diện Viện Kiểm sát đề nghị chấp nhận yêu cầu phạt cọc của nguyên đơn là chưa phù hợp vì hai bên không có thỏa thuận, Luật Thương mại không có quy định phạt cọc.

Án phí phúc thẩm: Nguyên đơn không phải chịu do được chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo.

Vì các lẽ trên, Áp dụng:

QUYẾT ĐỊNH

- Khoản 4, Điều 91, khoản 2 Điều 308, Điều 310 Bộ luật Tố tụng dân sự;

các Điều 164, 165, 167, 304, 312, 313 của Luật Doanh nghiệp.

- Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Tuyên xử:

Chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn Công ty Cổ phần O, sửa một phần bản án sơ thẩm số 02/2022/KDTM-ST ngày 09/3/2022 của Toà án nhân dân thị xã B như sau:

1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Công ty Cổ phần O đối với bị đơn Công ty Cổ phần G về việc: “Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hoá”.

2. Tuyên bố bị đơn Công ty Cổ phần G đơn phương Hủy bỏ một phần hợp đồng là vi phạm hợp đồng.

3. Không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn Công ty Cổ phần O đối với bị đơn Công ty Cổ phần G về việc buộc bị đơn phải chịu phạt cọc số tiền 107.200.000 đồng và bồi thường thiệt hại số tiền 750.000.000 đồng, tổng cộng:

857.200.000 (tám trăm năm mươi bảy triệu hai trăm nghìn đồng).

4. Các phần khác của bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị đã phát sinh hiệu lực pháp luật bao gồm:

- Buộc Công ty Cổ phần G thanh toán cho Công ty Cổ phần O số tiền là 26.800.000 đồng (hai mươi sáu triệu, tám trăm nghìn đồng).

Kể từ ngày người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án đến khi thi hành xong nếu người phải thi hành án không thi hành án thì hàng tháng người phải thi hành án còn phải chịu tiền lãi theo mức lãi suất được quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015 tương ứng với số tiền và thời gian chưa thi hành án.

- Đình chỉ xét xử đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Công ty Cổ phần O về việc yêu cầu bị đơn Công ty Cổ phần G bồi thường số tiền là 1.107.000.000 đồng (một tỷ một trăm linh bảy triệu đồng).

5. Về án phí:

5.1. Án phí kinh doanh, thương mại sơ thẩm:

- Nguyên đơn Công ty Cổ phần O phải chịu 37.716.000 đồng (ba mươi bảy triệu bảy trăm mười sáu nghìn đồng), được khấu trừ vào số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 35.865.000 đồng (ba mươi lăm triệu tám trăm sáu mươi lăm nghìn đồng) theo Biên lai thu tạm ứng án phí số AA/2016/0047767 ngày 01/7/2020 của Chi cục thi hành án dân sự thị xã B, tỉnh Bình Dương; Công ty Cổ phần O còn phải nộp 1.851.000 đồng (một triệu tám trăm năm mươi mốt nghìn đồng).

- Bị đơn Công ty Cổ phần G phải chịu 3.000.000 đồng (ba triệu đồng).

5.2. Án phí kinh doanh, thương mại phúc thẩm: Nguyên đơn không phải chịu, được hoàn trả 2.000.000 đồng tiền tạm ứng án phí đã nộp theo Biên lai thu tiền tạm ứng án phí số 0005073 ngày 06/4/2022 của Chi cục Thi hành án dân sự thị xã B, tỉnh Bình Dương.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

576
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án về tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa số 11/2022/KDTM-PT

Số hiệu:11/2022/KDTM-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Bình Dương
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành: 22/08/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập
Đăng ký


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;