Bản án về tội cố ý gây thương tích số 216/2021/HS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK LẮK

BẢN ÁN 216/2021/HS-PT NGÀY 20/09/2021 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH

Ngày 20 tháng 9 năm 2021, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk, xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 197/2021/TLPT-HS ngày 19/7/2021, đối với bị cáo Y Q Hmǒk, về tội “Cố ý gây thương tích”, do có kháng cáo của bị cáo đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 14/2021/HS-ST ngày 28/5/2021 của Tòa án nhân dân huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk.

Bị cáo có kháng cáo:

Họ và tên: Y Q Hmǒk (Tên gọi khác: Ama T); sinh năm: 1980, tại tỉnh Đắk Lắk; nơi cư trú: Buôn H, xã D, huyện C, tỉnh Đắk Lắk; nghề nghiệp: Làm nông; trình độ học vấn: 8/12; giới tính: Nam; dân tộc: Ê đê; tôn giáo: Công giáo; quốc tịch: Việt Nam; con ông Y B Ayun và bà H’ N Hmǒk; bị cáo có vợ là H’O Byă và 04 con, con lớn nhất sinh năm 2005, con nhỏ nhất sinh năm 2012; tiền án, tiền sự: Không có; bị cáo bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú, hiện đang tại ngoại, có mặt tại phiên tòa.

Người bào chữa cho bị cáo: Bà Trần Thị Phương L - Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Đắk Lắk; địa chỉ: Đường K, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk, có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Vào khoảng 15 giờ, ngày 16/9/2020 Y Q Hmŏk điều khiển xe mô tô biển kiểm soát 47T1 - 097.XX, phía sau chở anh Y T Knul mang theo dụng cụ kích điện, đi đến khu vực hồ nước thuộc thôn Lô m, xã D, huyện C, tỉnh Đắk Lắk, để kích điện bắt cá. Khi đi đến nơi, Y Q để xe mô tô tại khu vực trước căn nhà bỏ hoang rồi cùng anh Y T đi xuống khu vực hồ nước để kích điện bắt cá. Lúc này anh Trần Văn N là người đang hợp đồng quản lý, nuôi cá tại hồ nước nói trên, biết việc Y Q và Y T đang kích điện bắt cá nên anh N đi đến yêu cầu Y Q và Y T dừng việc bắt cá, thì Y Q và Y T bỏ đi lên khu vực nhà hoang để đi về.

Lúc lên đến sân nhà bỏ hoang thì Y Q nói “Hồ này là hồ của Nhà nước, tại sao không cho bắt cá”, thì anh N nói “Hồ này những nơi thả cá thì không được dí cá”, đồng thời anh N dọa sẽ gọi người đến bắt giữ, thu dụng cụ bắt cá. Nghe anh N nói vậy thì Y Q điều khiển xe mô tô chở Y T đi về, lúc này anh N cúi xuống lấy một viên đá nhỏ ghi biển kiểm số xe mô tô của Y Q trên nền sân xi măng trước căn nhà bỏ hoang. Khi điều khiển xe mô tô đi được một đoạn thì Y Q nhìn thấy anh Nhuần đang ghi biển số xe, nên Y Q xuống xe đi đến gần anh N và dùng tay xô anh N nhằm mục đích ngăn cản không cho anh N ghi biển số kiểm soát xe của bị cáo. Thấy vậy thì anh N đi ra hướng đường Tỉnh lộ 10. Lúc này, Y Q cúi xuống dùng tay phải nhặt 01 viên đá, loại đá vôi, màu đỏ - trắng, không xác định cụ thể kích thước (khoảng loại đá 4cm x 6cm) ném về phía anh N nhưng không trúng, anh N vẫn tiếp tục đi và cúi người xuống để né tránh thì Y Q tiếp tục nhặt viên đá khác, tương tự như viên đá thứ nhất rồi ném về phía anh N thì viên đá trúng vào vùng trán của anh N gây thương tích. Sau khi bị thương tích, anh N bỏ chạy ra hướng đường Tỉnh lộ 10 và được người dân chở đến Trạm Y tế xã D để sơ cứu rồi chuyển đến Trung tâm y tế huyện C và Bệnh viện đa khoa Vùng Tây Nguyên để điều trị, còn Y Q chở anh Y T đi về nhà.

Tại Bản kết luận giám định pháp y trên hồ sơ số 1176/GĐHS-TTPY, ngày 14/11/2020 của Trung tâm Pháp y tỉnh Đắk Lắk, kết luận ông Trần Văn N bị thương tích như sau:

Kết luận nội dung trưng cầu:

1. Dấu hiệu chính qua giám định: Vết thương vùng đầu thứ 1, kích thước: # 03cm x 04cm; Vết thương vùng đầu thứ 2, kích thước: # 01cm x 02cm; Tụ máu ngoài màng cứng vùng trán (T); Nứt sọ trán (T).

2. Kết luận theo nội dung trưng cầu:

- Tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích (qua hồ sơ) là: 14%. (mười bốn phần trăm).

- Tỷ lệ tổn thương cơ thể do từng thương tích (qua hồ sơ) là: Vết thương vùng đầu thứ 1, kích thước: # 03cm x 04cm, tỷ lệ: 1% (một phần trăm), (Mục I.1 Chương 8); Vết thương vùng đầu thứ 2, kích thước: # 01cm x 02cm, tỷ lệ: 1% (một phần trăm), (Mục I.1 Chương 8); Tụ máu ngoài màng cứng vùng trán (T), tỷ lệ: 5% (năm phần trăm), (Mục III.6 Chương 1 và ghi chú mục III); Nứt sọ trán (T), tỷ lệ: 8% (tám phần trăm), (Mục I.2.1 Chương 1).

3. Vật tác động: Vật tày, cứng, có cạnh.

4. Cơ chế hình thành thương tích: Các vết thương vùng trán, nứt sọ trán (T), tụ máu ngoài màng cứng vùng trán (T): Do tác động trực tiếp của vật tày, cứng, có cạnh, có chiều hướng từ trước ra sau, từ trên xuống dưới, từ trái sang phải.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 14/2021/HS-ST ngày 28/5/2021 của Tòa án nhân dân huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk đã quyết định: Tuyên bố bị cáo Y Q Hmǒk phạm tội “Cố ý gây thương tích”.

Áp dụng điểm đ khoản 2 Điều 134; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự.

Xử phạt: Bị cáo Y Q Hmǒk 02 (Hai) năm 04 (Bốn) tháng tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt thi hành án.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên về xử lý vật chứng, trách nhiệm dân sự, án phí và tuyên quyền kháng cáo của bị cáo theo quy định của pháp luật.

Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 11/6/2021 bị cáo Y Q Hmǒk có đơn kháng cáo với nội dung: Xin giảm nhẹ hình phạt và xin được hưởng án treo.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo giữ nguyên nội dung kháng cáo và đã khai nhận toàn bộ hành vi mà bị cáo đã thực hiện đúng như nội dung vụ án đã được tóm tắt nêu trên.

Quá trình tranh luận tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã phân tích, đánh giá tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo và khẳng định bản án sơ thẩm xét xử bị cáo Y Q Hmǒk về tội “Cố ý gây thương tích”, theo điểm đ khoản 2 Điều 134 của Bộ luật hình sự là có căn cứ và đúng người, đúng tội. Về mức hình phạt 02 năm 04 tháng tù mà bản án sơ thẩm đã xử phạt đối với bị cáo là có phần nghiêm khắc so với tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo, bởi lẽ bị cáo phạm tội nhưng có nhiều tình tiết giảm nhẹ, nên cần giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo. Tuy nhiên bị cáo bị xét xử với tình tiết định khung “Có tính chất côn đồ” nên kháng cáo xin hưởng án treo là không có cơ sở chấp nhận. Đại diện Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử:

Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 355, điểm c khoản 1 Điều 357 Bộ luật tố tụng hình sự: Chấp nhận một phần kháng cáo của bị cáo, sửa bản án sơ thẩm về hình phạt.

Áp dụng: Điểm đ khoản 2 Điều 134; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51, Điều 54 của Bộ luật hình sự: Xử phạt bị cáo Y Q Hmǒk 01 năm 06 tháng tù. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Người bào chữa cho bị cáo trình bày ý kiến bào chữa: Không có ý kiến gì về tội danh mà Tòa án cấp sơ thẩm đẽ xét xử đối với bị cáo. Tuy nhiên, cần xem xét đến nguyên nhân bị cáo phạm một phần do người bị hại, vì khi ông Trần Văn N đến nói không được bắt cá thì bị cáo đã xin lỗi và đi về, nhưng ông Nhuần đã làm lớn chuyện và dọa bắt xe của bị cáo nên bị cáo lo và nhặt đá ném bị hại, chứ không phải bị cáo vô cớ gây thương tích cho bị hại. Về mức hình phạt mà bản án sơ thẩm đã xử phạt đối với bị cáo là quá nghiêm khắc, bởi lẽ: Sau khi phạm tội bị cáo đã gặp gỡ xin lỗi, bồi thường toàn bộ chi phí điều trị thương tích cho bị hại và đã được bị hại bãi nại; quá trình điều tra và tại phiên tòa bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; bị cáo là người dân tộc thiểu số nên nhận thức về pháp luật có phần hạn chế; gia đình bị cáo thuộc hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn; đồng thời bị cáo có nhân thân tốt, có nơi cư trú rõ ràng và nhất thời phạm tội. Do đó đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng các tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 và Điều 65 Bộ luật hình sự, để xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo và cho bị cáo được hưởng án treo.

Bị cáo nhất trí với ý kiến bào chữa của người bào chữa và không tranh luận, bào chữa gì thêm.

Qua tranh luận, đối đáp, Kiểm sát viên, người bào chữa cho bị cáo và bị cáo vẫn giữ nguyên ý kiến như đã trình bày trên.

Bị cáo nới lời sau cùng đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt và cho bị cáo được hưởng án treo.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Lời khai của các bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm là phù hợp với lời khai của các bị cáo tại Cơ quan điều tra và tại phiên tòa sơ thẩm, phù hợp với lời khai của người bị hại và phù hợp với các chứng cứ, tài liệu khác đã được thu thập được có trong hồ sơ vụ án.

[2] Đối với ý kiến của người bào chữa cho rằng việc bị cáo phạm tội là có một phần nguyên nhân do người bị hại, là không có căn cứ, bởi lẽ: Giữa bị cáo và người bị hại không có mâu thuẫn gì, do anh N không cho bị cáo kích điện để bắt cá ở khu vực hồ nước thuộc quyền quản lý của anh N nên khi anh N ghi lại biển số xe mô tô thì bị cáo ngăn cản và sau đó dùng đá ném trúng anh N gây thương tích. Do đó bản án sơ thẩm xét xử bị cáo phạm tội với tình tiết định khung “Có tính chất côn đồ”, là có căn cứ và đúng pháp luật. Đối với ý kiến bào chữa của người bào chữa về các tình tiết giảm nhẹ mà bị cáo được hưởng là có cơ sở, nên cần chấp nhận.

[3] Như vậy, đã có đủ căn cứ để kết luận: Khoảng 15 giờ ngày 16/9/2020, tại khu vực hồ nước thuộc thôn Lô M, xã D, huyện C, chỉ vì bị nhắc nhở hành vi dùng kích điện để bắt cá, bị cáo Y Q Hmǒk đã dùng 01 viên đá (viên đá có kích thước khoảng 4cm x 6cm), là loại hung khí nguy hiểm ném về phía anh Trần Văn N, là người đang hợp đồng, quản lý nuôi cá tại hồ nước và đã trúng vào vùng trán của anh N, hậu quả làm cho anh N bị thương tích với tỷ lệ là 14%. Do đó, bản án sơ thẩm xét xử bị cáo về tội “Cố ý gây thương tích” với tình tiết định khung “Dùng hung khí nguy hiểm” và “Có tính chất côn đồ”, theo điểm a, điểm i khoản 1, điểm đ khoản 2 Điều 134 của Bộ luật hình sự là có căn cứ và đảm bảo đúng người, đúng tội.

[4] Đối với kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin hưởng án treo của bị cáo, Hội đồng xét xử xét thấy: Về mức hình phạt 02 năm 04 tháng tù mà bản án sơ thẩm đã xử phạt đối với bị cáo là có phần nghiêm khắc so với với tính chất, mức độ, hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra, bởi lẽ bị cáo phạm tội một cách bột phát, mức độ thương tích mà bị cáo gây ra cho người bị hại không lớn và bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ là: Bị cáo đã bồi thường toàn bộ chi phí điều trị thương tích cho bị hại và đã được bị hại bãi nại; quá trình điều tra và tại phiên tòa bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; bị cáo là người dân tộc thiểu số nên nhận thức về pháp luật có phần hạn chế; gia đình bị cáo thuộc hộ nghèo, đông con và hiện nay hoàn cảnh khó khăn, nên cần xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo là phù hợp. Tuy nhiên, bị cáo phạm tội thuộc trường hợp có tính chất côn đồ, nên cần thiết phải cách ly bị cáo với xã hội một thời gian nhất định để nhằm cải tạo, giáo dục bị cáo trở thành một công dân tốt và để đảm bảo tác dụng răn đe, phòng ngừa chung trong xã hội, nên kháng cáo của bị cáo xin được hưởng án treo là không có căn cứ chấp nhận. Do đó, Hội đồng xét xử cần chấp nhận một phần kháng cáo của bị cáo và sửa bản án sơ thẩm về hình phạt.

[5] Về án phí: Do kháng cáo được chấp nhận một phần nên bị cáo không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

[6] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị nên Hội đồng xét xử không xem xét và đã có hiệu lực kể từ từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

[1] Căn cứ: Điểm b khoản 1 Điều 355 và điểm c khoản 1 Điều 357 của Bộ luật tố tụng hình sự.

Chấp nhận một phần kháng cáo của bị cáo Y Q Hmǒk, sửa Bản án hình sự sơ thẩm số 14/2021/HS-ST ngày 28/5/2021 của Tòa án nhân dân huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk về hình phạt.

Tuyên bố: Bị cáo Y Q Hmǒk (tên gọi khác: Ama T) phạm tội “Cố ý gây thương tích”.

Áp dụng: Điểm đ khoản 2 Điều 134; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51, Điều 54 của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017.

Xử phạt: Bị cáo Y Q Hmǒk (tên gọi khác: Ama T) 01 (một) năm 03 (ba) tháng tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt thi hành án.

[2] Về án phí: Áp dụng Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14, ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Bị cáo Y Q Hmǒk không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

[3] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

237
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án về tội cố ý gây thương tích số 216/2021/HS-PT

Số hiệu:216/2021/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Đăk Lăk
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 20/09/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập
Đăng ký



  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;