Bản án 26/2021/DS-PT ngày 14/07/2021 về tranh chấp hợp đồng bảo hiểm

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM

BẢN ÁN 26/2021/DS-PT NGÀY 14/07/2021 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG BẢO HIỂM

Ngày 14 tháng 7 năm 2021, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 12/2021/TLPT-DS ngày 11 tháng 3 năm 2021 về “Tranh chấp hợp đồng bảo hiểm”.

Do bản án dân sự sơ thẩm số: 08/2021/DS-ST ngày 21/01/2021 của Tòa án nhân dân thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 25/2021/QĐXXPT- DS ngày 09 tháng 6 năm 2021, giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: ông Ngô Văn C, sinh năm 1969.

Địa chỉ: thôn L, xã T, huyện N, tỉnh Quảng Nam.

Người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn: bà Trần Thị B, sinh năm 1975, địa chỉ: thôn L, xã T, huyện N, tỉnh Quảng Nam (theo văn bản ủy quyền ngày 05/7/2021). Có mặt.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn: ông Lê Văn A là Luật sư của Văn phòng Luật sư L thuộc Đoàn Luật sư thành phố Đà Nẵng và bà Trương Thị Thu B1, sinh năm 1996; điạ chỉ: thôn X, xã T, huyện N, tỉnh Quảng Nam. Ông A, bà B1 có mặt.

2. Bị đơn: Tổng Công ty Bảo hiểm B.

Địa chỉ: Số 104 đường T, phường C, quận H, thành phố Hà Nội.

Người đại diện theo pháp luật: ông Nguyễn Xuân V, chức vụ: Tổng Giám đốc.

Người đại diện theo ủy quyền: ông Nguyễn Văn D, chức vụ: Phó Trưởng phòng Phòng Giám định bồi thường, Công ty B; địa chỉ: số 146 đường P, phường T, thành phố T, tỉnh Quảng Nam (theo văn bản ủy quyền số 3229/UQ- BHBV của Tổng Công ty Bảo hiểm B). Có mặt.

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

- Ngân hàng N; địa chỉ: số 02 L, phường T, quận B, thành phố Hà Nội. Người đại diện theo ủy quyền: ông Trần Xuân H, chức vụ: Giám đốc Ngân hàng N - Chi nhánh huyện N; địa chỉ: số 228 đường N, thị trấn N, huyện N, tỉnh Quảng Nam (theo văn bản ủy quyền ngày 27/12/2019). Có mặt.

- Bà Trần Thị B, sinh năm 1975; địa chỉ: thôn L, xã T, huyện N, tỉnh Quảng Nam. Có mặt.

4. Người kháng cáo: bị đơn Tổng Công ty Bảo hiểm B.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện, các văn bản có trong hồ sơ vụ án và tại phiên tòa, người đại diện theo ủy quyền, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn ông Ngô Văn C trình bày:

Ngày 27/12/2017, tàu cá QNa-91775-TS do ông Ngô Văn C làm chủ tàu đã ký kết hợp đồng bảo hiểm với Công ty B (thuộc Tổng Công ty Bảo hiểm B), hợp đồng bảo hiểm số QNA.BHHS.17.377 với giá trị trách nhiệm bảo hiểm như sau: Thân tàu là 7.000.000.000 đồng; ngư lưới cụ, trang thiết bị đánh bắt thủy sản là 2.000.000.000 đồng; rủi ro đặc biệt là 9.000.000.000 đồng; tai nạn thuyền viên là 70.000.000 đồng/người/vụ. Hiệu lực bảo hiểm từ 00h00 ngày 27/12/2017 đến 24h00 ngày 26/12/2018. Vào khoảng 22 giờ 30 phút ngày 26/11/2018, khi tàu đang neo đậu trên sông Trường Giang gần bến chợ xã Tam Hải thuộc thôn L, xã T, huyện N, tỉnh Quảng Nam thì bị cháy. Nguyên nhân vụ cháy được xác định là do chập mạch trên đường dây dẫn làm cháy lớp vỏ cách điện, sau đó cháy lan ra xung quanh dẫn đến cháy toàn bộ thân tàu và ngư lưới cụ trên tàu.

Sau khi kê khai thiệt hại về thân tàu và ngư lưới cụ trên tàu, ông C đã làm đơn yêu cầu Tổng Công ty Bảo hiểm B chi trả tiền bảo hiểm đối với tàu cá QNa- 91775-TS với số tiền là 9.527.820.000 đồng; tuy nhiên, Tổng Công ty Bảo hiểm B từ chối chi trả tiền bảo hiểm cho ông C.

Do đó, ông Ngô Văn C khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết buộc Tổng Công ty Bảo hiểm B chi trả tiền bảo hiểm tàu cá QNa-91775-TS do ông C làm chủ tàu với số tiền bảo hiểm là 9.527.820.000 đồng và tiền lãi chậm thanh toán kể từ ngày 26/11/2018 cho đến ngày 22/5/2020 là 1.431.819.731 đồng; nếu hai bên không thỏa thuận được thì yêu cầu tính lãi đến thời điểm xét xử. Tại phiên tòa, nguyên đơn thay đổi nội dung yêu cầu khởi kiện, yêu cầu Hội đồng xét xử giải quyết buộc Tổng Công ty Bảo hiểm B chi trả tiền bảo hiểm tàu cá QNa- 91775-TS do ông C làm chủ tàu, với số tiền bảo hiểm là 9.000.000.000 đồng và tiền lãi chậm thanh toán kể từ ngày 27/8/2019 cho đến ngày 21/01/2021 là 1.260.000.000 đồng, vì cho rằng số tiền ban đầu nguyên đơn khởi kiện 9.527.820.000 đồng là toàn bộ chi phí đóng tàu; tuy nhiên, do Giấy chứng nhận bảo hiểm thể hiện bảo hiểm trong trường hợp rủi ro đặc biệt là 9.000.000.000 đồng, tàu QNa-91775-TS cháy và bị tổn thất toàn bộ nên nguyên đơn yêu cầu chi trả số tiền bảo hiểm 9.000.000.000 đồng và tiền lãi phát sinh.

Tại các văn bản có trong hồ sơ vụ án và tại phiên tòa, ông Nguyễn Văn D là người đại diện theo ủy quyền của bị đơn Tổng Công ty Bảo hiểm B trình bày:

Theo yêu cầu của ông Ngô Văn C, buộc Tổng Công ty Bảo hiểm B phải thanh toán số tiền bảo hiểm là 9.000.000.000 đồng và tiền lãi chậm thanh toán cho tàu cá QNa-91775-TS, bị đơn có ý kiến như sau:

Chủ tàu ông Ngô Văn C tham gia bảo hiểm tàu cá QNa-91775-TS theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP tại Công ty B. Hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực từ ngày 27/12/2017 đến 26/12/2018, số tiền bảo hiểm 9.000.000.000 đồng. Chủ tàu đã đóng phí bảo hiểm đầy đủ, đúng hạn. Ngày 26/11/2018, tàu QNa-91775-TS bị sự cố cháy, gây ra tổn thất toàn bộ tại khu vực bến tàu thuộc thôn L, xã T, huyện N, tỉnh Quảng Nam. Ngày 27/11/2018, sau khi nhận được thông báo sự cố từ chủ tàu, Tổng Công ty Bảo hiểm B đã chỉ định Công ty Cổ phần Giám định T (S) tiến hành giám định, đánh giá nguyên nhân, mức độ tổn thất và thu thập hồ sơ theo quy trình giám định, bồi thường tàu cá. Căn cứ vào biên bản giám định số 338/TT/18TD của S và các tài liệu liên quan, tại thời điểm tàu QNa-91775-TS bị chập điện gây cháy, chỉ có ông Trần Thanh P là người trông coi tàu. Ông Trần Thanh P không phải là thuyền viên tàu QNa-91775-TS mà là anh vợ của chủ tàu, được chủ tàu nhờ trông coi tàu.

Do tại thời điểm tàu QNa-91775-TS bị cháy, không có thuyền viên trực trên tàu mà chỉ có ông Trần Thanh P là anh vợ của chủ tàu Ngô Văn C trên tàu, ông P không phải là thuyền viên tàu QNa-91775-TS nên tổn thất cháy tàu QNa- 91775-TS không thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường bảo hiểm. Vì vậy, Tổng Công ty Bảo hiểm B đã đưa ra thông báo từ chối số 5705/BHBV-GĐBTHH ngày 26/8/2019.

Căn cứ biên bản giám định số 338TT/18/TD của Công ty Cổ phần Giám định T (S), biên bản ghi lời khai của ông Ngô Văn C (chủ tàu), ông Trần Thanh P (người trông coi tàu), Công văn số 141/CSĐT của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện N và các hồ sơ có liên quan, xác định: tại thời điểm tàu QNa- 91775-TS bị chập điện gây cháy chỉ có ông Trần Thanh P là người trông coi tàu. Căn cứ Sổ thuyền viên tàu QNa-91775-TS, danh sách thuyền viên ngày tàu rời bến 03/11/2018 và ngày tàu về cập bến tại khu vực sông Trường Giang ngày 18/11/2018 và các hồ sơ liên quan thì ông Trần Thanh P không phải là thuyền viên tàu QNa-91775-TS; ông P là anh vợ của chủ tàu Ngô Văn C, được ông C nhờ trông coi tàu QNa-91775-TS để về quê tại Điện Bàn có việc gia đình.

Căn cứ Quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm thân tàu khai thác hải sản xa bờ, tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ (được chấp thuận đăng ký theo Công văn số 18759/BTC-QLBH ngày 16/12/2015 của Bộ Tài chính), Mục 1.i, Điều 15 có nêu rõ: “Doanh nghiệp Bảo hiểm không chịu trách nhiệm bồi thường các tổn thất đối với thân tàu, ngư lưới cụ và trang thiết bị đánh bắt thủy sản được bảo hiểm xảy ra trong những trường hợp sau: … i). Tổn thất xảy ra do tàu neo đậu tại bến, cảng hay bất kỳ vùng nước nào mà không được neo, buộc chắc chắn, không có thuyền viên trực hoặc thuyền viên trực bỏ tàu đi vắng trừ phi có lệnh rời tàu của cơ quan có thẩm quyền”.

Tổn thất cháy tàu QNa-91775-TS ngày 26/11/2018 khi đang neo đậu tại khu vực bến tàu thuộc thôn L, huyện N, tỉnh Quảng Nam không thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường bảo hiểm của Đơn bảo hiểm số 147/6944 theo Quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm thân tàu khai thác hải sản xa bờ, tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ (được chấp thuận đăng ký theo Công văn số 18759/BTC-QLBH ngày 16/12/2015 của Bộ Tài chính) do tại thời điểm tàu QNa-91775-TS bị cháy không có thuyền viên trực trên tàu mà chỉ có ông Trần Thanh P là anh vợ của chủ tàu Ngô Văn C trên tàu, ông P không phải thuyền viên tàu QNa-91775-TS. Do đó, tổn thất tàu QNa-91775-TS ngày 26/11/2018 mặc dù là sự cố rủi ro, khách quan ngoài ý muốn nhưng không thuộc trách nhiệm bồi thường bảo hiểm của Tổng Công ty Bảo hiểm B.

Vì vậy, Tổng Công ty Bảo hiểm B không chấp nhận yêu cầu bồi thường bảo hiểm và lãi suất chậm thanh toán như nguyên đơn ông Ngô Văn C đã yêu cầu. Tổng Công ty Bảo hiểm B đề nghị Tòa án xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật.

Tại các văn bản có trong hồ sơ vụ án và tại phiên tòa, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà Trần Thị B trình bày:

Quá trình đóng tàu và thực hiện nghề biển, vợ chồng ông C, bà B có ký kết hợp đồng vay vốn với Ngân hàng N - Chi nhánh huyện N để vay vốn và thế chấp cho Ngân hàng tài sản bảo đảm là tàu cá QNa-91775-TS. Giữa Tổng Công ty Bảo hiểm B, vợ chồng ông C và Ngân hàng N - Chi nhánh huyện N có ký kết hợp đồng ba bên về việc thanh toán nợ vay khi có sự cố bảo hiểm.

Tàu cá QNa-91775-TS do ông C đứng tên chủ tàu nhưng đây là tài sản chung của bà B và ông C; tuy nhiên, bà B không tranh chấp số tiền bảo hiểm với ông C, nếu được chi trả bảo hiểm bà đề nghị thanh toán cho ông C, còn vợ chồng bà sẽ tự tính toán với nhau.

Tại các văn bản có trong hồ sơ vụ án và tại phiên tòa, người đại diện theo ủy quyền của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Ngân hàng N là ông Trần Xuân H trình bày:

Ngày 30 tháng 8 năm 2016, giữa Ngân hàng N - Chi nhánh huyện N và ông Ngô Văn C có ký kết hợp đồng tín dụng số 4208-LAV 201601665. Theo đó, Ngân hàng N cho ông Ngô Văn C vay vốn số tiền nợ gốc là 6.440.000.000 đồng, mục đích vay: đóng mới tàu cá theo chương trình Nghị định số: 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 của Chính phủ; thời hạn vay 10 năm 08 tháng. Để đảm bảo cho khoản vay trên, giữa Ngân hàng N - Chi nhánh huyện N và ông Ngô Văn C có ký kết hợp đồng thế chấp tài sản hình thành trong tương lai số 116/2016/TC- HTTL ngày 29/8/2016 và phụ lục hợp đồng thế chấp tài sản số 22/12/2016/TC ngày 21/12/2016; theo đó, ông Ngô Văn C thế chấp tàu cá QNa-91775-TS cho Ngân hàng. Ngày 27/12/2017, giữa Ngân hàng N - Chi nhánh huyện N, ông Ngô Văn C và Công ty B đã ký cam kết chuyển quyền thụ hưởng bảo hiểm. Tạm tính đến ngày 21/01/2021, ông Ngô Văn C còn nợ Ngân hàng số tiền 7.305.910.000 đồng; trong đó, nợ gốc 6.205.900.000 đồng, nợ lãi 1.100.010.000 đồng.

Nay, Ngân hàng N yêu cầu Tòa án giải quyết buộc ông Ngô Văn C và Tổng Công ty Bảo hiểm B phải thực hiện theo cam kết ba bên đã ký kết là nếu được bồi thường thì chuyển trả tiền bồi thường cho Ngân hàng tương ứng với số tiền nợ còn lại.

Với nội dung vụ án như trên, tại Bản án dân sự sơ thẩm số 08/2021/DS- ST ngày 21/01/2021 của Tòa án nhân dân thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam đã căn cứ vào các Điều 26, 35, 40, 228 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; các Điều 357, 385, 468 của Bộ luật Dân sự; các Điều 13, 14, 15, 16, 17, 19, 29 của Luật Kinh doanh bảo hiểm; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án. Xử:

Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Ngô Văn C, về việc “Tranh chấp hợp đồng bảo hiểm” với bị đơn Tổng Công ty Bảo hiểm B.

1. Buộc Tổng Công ty Bảo hiểm B phải trả tiền bảo hiểm cho bên được bảo hiểm là ông Ngô Văn C số tiền 10.260.000.000 đồng, trong đó tiền bảo hiểm do tổn thất toàn bộ của tàu QNa-91775-TS là 9.000.000.000 đồng và tiền lãi suất chậm trả của tiền bảo hiểm tính đến ngày xét xử sơ thẩm là 1.260.000.000 đồng. Sau khi trừ đi số tiền 70.000.000 đồng giá trị thanh lý xác tàu, số tiền còn lại Tổng Công ty Bảo hiểm B phải trả tiền bảo hiểm cho bên được bảo hiểm là ông Ngô Văn C 10.190.000.000 đồng.

2. Ngân hàng N được thụ hưởng số tiền mà Tổng Công ty Bảo hiểm B thanh toán cho ông Ngô Văn C trong phạm vi số tiền nợ vay mà ông Ngô Văn C phải trả tại thời điểm thanh toán tiền vay theo thỏa thuận tại Điều 3 của giao dịch Cam kết chuyển quyền thụ hưởng bảo hiểm số QNA.BHHS.17.377 lập ngày 27/12/2017.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn quyết định về án phí, nghĩa vụ thi hành án và quyền kháng cáo của các đương sự.

Sau khi xét xử sơ thẩm, bị đơn Tổng Công ty Bảo hiểm B kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xét xử lại vụ án để đảm bảo quyền lợi của bị đơn.

Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Nam phát biểu ý kiến: đề nghị Hội đồng xét xử tạm ngừng phiên tòa để thu thập bổ sung tài liệu, chứng cứ làm rõ việc ông Ngô Văn C có tham gia tập huấn về bảo hiểm tàu cá hay không và thu thập Hợp đồng đồng bảo hiểm giữa Tổng Công ty Bảo hiểm B với các Công ty Bảo hiểm: Bảo Minh, Petrolimex, PVI để xác định quyền, nghĩa vụ của các Công ty Bảo hiểm này.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa, kết quả tranh tụng tại phiên tòa, ý kiến phát biểu của đại diện Viện kiểm sát, Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định:

[1] Tại phiên tòa phúc thẩm, người khởi kiện không rút đơn khởi kiện, người kháng cáo vẫn giữ nguyên kháng cáo, yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm xem xét theo nội dung kháng cáo.

[2] Xét kháng cáo của bị đơn Tổng Công ty Bảo hiểm B thì thấy:

[2.1] Các đương sự đều thừa nhận tàu cá QNa-91775-TS do ông Ngô Văn C làm chủ tàu được bảo hiểm bằng Giấy chứng nhận bảo hiểm khai thác hải sản số: QNA.BHHS.17.377 do Công ty B (thuộc Tổng Công ty Bảo hiểm B) cấp ngày 27/12/2017. Đến khi xảy ra sự cố cháy tàu vào ngày 26/11/2018 thì tàu vẫn còn trong thời hạn được bảo hiểm và sự cố cháy tàu là sự cố khách quan, không có lỗi của ông C.

[2.2] Tại phần ghi chú của Giấy chứng nhận bảo hiểm khai thác hải sản có ghi: “DNBH (doanh nghiệp bảo hiểm) đã cung cấp đầy đủ thông tin, qui tắc bảo hiểm cho chủ tàu, người được bảo hiểm; giải thích, hướng dẫn đầy đủ về quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm liên quan”. Tuy nhiên, ông Ngô Văn C cho rằng khi mua bảo hiểm ông chỉ được cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm khai thác hải sản, còn Quy tắc bảo hiểm ông không được nhận và cũng không được nhân viên bảo hiểm giải thích, hướng dẫn gì về quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm khi tham gia bảo hiểm. Điều này cũng được ông Vũ Công B là người bán bảo hiểm cho ông C thừa nhận.

[2.3] Ngoài ra, tại điểm a khoản 2 Điều 17 của Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định: “Doanh nghiệp bảo hiểm có nghĩa vụ: Giải thích cho bên mua bảo hiểm về các điều kiện, điều khoản bảo hiểm; quyền, nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm” và khoản 1 Điều 19 Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định: “Khi giao kết hợp đồng bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm, giải thích các điều kiện, điều khoản bảo hiểm cho bên mua...”. Đồng thời, tại khoản 2 Điều 16 Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định: “Điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm phải được quy định rõ trong hợp đồng bảo hiểm. Doanh nghiệp bảo hiểm phải giải thích rõ cho bên mua bảo hiểm khi giao kết hợp đồng”. Trong khi đó, các bên đương sự đều thừa nhận Giấy chứng nhận bảo hiểm khai thác hải sản số: QNA.BHHS.17.377 ngày 27/12/2017 mà Công ty B cấp cho ông C không có nội dung về điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm và khi ông C mua bảo hiểm thì cũng không được giải thích cụ thể về điều khoản loại trừ bảo hiểm.

[2.4] Tại Giấy chứng nhận bảo hiểm khai thác hải sản mà Công ty B cấp cho ông Ngô Văn C thể hiện Quy tắc bảo hiểm được chấp thuận đăng ký theo Công văn số 18759/BTC-QLBH ngày 16/12/2015 của Bộ Tài chính. Trong đó, tại điểm i khoản 1 Điều 15 của Quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm thân tàu khai thác hải sản xa bờ, tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ (được chấp thuận đăng ký theo Công văn số 18759/BTC-QLBH ngày 16/12/2015 của Bộ Tài chính) quy định về “Loại trừ bảo hiểm” như sau:

i) Tổn thất xảy ra do tàu neo đậu tại bến, cảng hay bất kỳ vùng nước nào mà không được neo, buộc chắc chắn, không có thuyền viên trực hoặc thuyền viên trực bỏ tàu đi vắng trừ phi có lệnh rời tàu của cơ quan có thẩm quyền”.

Mặc dù, vào thời điểm xảy ra sự cố, trên tàu của ông C chỉ có ông Trần Thanh Phong là anh vợ của ông Ngô Văn C trông coi, nhưng ông Phong không phải thuyền viên tàu QNa-91775-TS. Tuy nhiên, do Công ty B không thực hiện đúng nghĩa vụ, trách nhiệm của mình khi giao kết hợp đồng bảo hiểm với ông Ngô Văn C dẫn đến việc ông C không nắm bắt được quy định về “loại trừ bảo hiểm” theo quy định tại điểm i khoản 1 Điều 15 của Quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm thân tàu khai thác hải sản xa bờ, tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ. Do đó, không có cơ sở để áp dụng quy định về loại trừ trách nhiệm bảo hiểm đối với ông Ngô Văn C nên Tổng Công ty Bảo hiểm B có nghĩa vụ bồi thường cho ông Ngô Văn C.

[2.5] Từ những nhận định nêu trên, Hội đồng xét xử xét thấy Tòa án cấp sơ thẩm buộc Tổng Công ty Bảo hiểm B phải trả cho ông C số tiền bảo hiểm 9.000.000.000 đồng là có cơ sở. Đồng thời, do Tổng Công ty Bảo hiểm B chậm trả tiền bảo hiểm cho ông C nên Tòa án cấp sơ thẩm buộc Tổng Công ty Bảo hiểm B phải trả khoản tiền lãi do chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền là đúng quy định pháp luật. Do trong Giấy chứng nhận bảo hiểm khai thác hải sản các bên không có thỏa thuận về thời hạn phải trả tiền bảo hiểm nên Tổng Công ty Bảo hiểm B phải có nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm cho ông C trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ về yêu cầu trả tiền bảo hiểm theo quy định tại Điều 29 của Luật Kinh doanh bảo hiểm. Ngày 12/8/2019, Tổng Công ty Bảo hiểm B nhận được báo cáo giám định của Công ty Cổ phần Giám định T, được xác định là ngày nhận được hồ sơ hợp lệ. Như vậy, ngày Tổng Công ty Bảo hiểm B phải chịu tiền lãi do chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm cho ông C theo quy định tại Điều 357 của Bộ luật Dân sự năm 2015 là ngày 27/8/2019. Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu tính lãi chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền, với mức lãi suất 10%/năm theo quy định tại Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015, kể từ ngày phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm (ngày 27/8/2019) cho đến ngày xét xử sơ thẩm (ngày 21/01/2021), với số tiền 1.260.000.000 đồng là có căn cứ, đúng quy định pháp luật. Do ông Ngô Văn C đã nhận số tiền thanh lý xác tàu cá là 70.000.000 đồng nên số tiền này được trừ vào số tiền chi trả bảo hiểm cho ông Ngô Văn C.

[2.6] Ngày 27/12/2017, giữa Ngân hàng N, ông Ngô Văn C và Tổng Công ty Bảo hiểm B ký cam kết chuyển quyền thụ hưởng bảo hiểm số QNA.BHHS.17.377 nên Ngân hàng N được thụ hưởng số tiền mà Tổng Công ty Bảo hiểm B trả cho ông Ngô Văn C trong phạm vi tương ứng với số tiền mà ông Ngô Văn C còn nợ của Ngân hàng tại thời điểm thanh toán tiền nợ vay.

[2.7] Xét thấy, Kiểm sát viên đề nghị tạm ngừng phiên tòa để thu thập bổ sung tài liệu, chứng cứ là không có cơ sở để chấp nhận. Bởi vì, ông Ngô Văn C có tham gia tập huấn bảo hiểm tàu cá hay không cũng không loại trừ nghĩa vụ, trách nhiệm của Tổng Công ty Bảo hiểm B được quy định tại khoản 2 Điều 16, điểm a khoản 2 Điều 17 và khoản 1 Điều 19 của Luật Kinh doanh bảo hiểm như đã viện dẫn ở trên. Đồng thời, tại phiên tòa phúc thẩm, người đại diện hợp pháp của bị đơn thừa nhận, nếu phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm cho ông Ngô Văn C thì Tổng Công ty Bảo hiểm B chịu trách nhiệm chi trả tiền bảo hiểm cho ông C và sau đó Tổng Công ty Bảo hiểm B sẽ yêu cầu các Công ty Bảo hiểm khác thực hiện nghĩa vụ thanh toán lại theo Hợp đồng đồng bảo hiểm. Do đó, không cần thiết phải thu thập Hợp đồng đồng bảo hiểm giữa Tổng Công ty Bảo hiểm B với các Công ty Bảo hiểm: Bảo Minh, Petrolimex và PVI.

[2.8] Từ những nhận định nêu trên, Hội đồng xét xử phúc thẩm xét thấy không có cơ sở chấp nhận kháng cáo của bị đơn Tổng Công ty Bảo hiểm B, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

[3] Án phí dân sự sơ thẩm: Do yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn được chấp nhận nên bị đơn Tổng Công ty Bảo hiểm B phải chịu 118.190.000 đồng tiền án phí dân sự sơ thẩm. Hoàn trả lại cho ông Ngô Văn C số tiền tạm ứng án phí sơ thẩm đã nộp 59.480.000 đồng.

[4] Án phí dân sự phúc thẩm: Do kháng cáo của bị đơn không được chấp nhận nên bị đơn Tổng Công ty Bảo hiểm B phải chịu 300.000 đồng tiền án phí dân sự phúc thẩm, được trừ vào số tiền tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào khoản 1 Điều 308 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Không chấp nhận kháng cáo của bị đơn Tổng Công ty Bảo hiểm B, giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm số: 08/2021/DS-ST ngày 21/01/2021 của Tòa án nhân dân thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.

Căn cứ vào các Điều 26, 35, 38, 40, 148 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; các Điều 357, 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015; các Điều 12, 13, 14, 15, 16, 17, 19, 29 của Luật Kinh doanh bảo hiểm; các Điều 26, 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án. Xử:

Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Ngô Văn C đối với bị đơn Tổng Công ty Bảo hiểm B về việc “Tranh chấp hợp đồng bảo hiểm”.

Buộc Tổng Công ty Bảo hiểm B phải trả cho ông Ngô Văn C số tiền bảo hiểm đối với tàu cá QNa-91775-TS là 9.000.000.000 đồng và tiền lãi chậm trả tính từ ngày 27/8/2019 đến ngày xét xử sơ thẩm (21/01/2021) là 1.260.000.000 đồng; tổng cộng là 10.260.000.000 (Mười tỷ hai trăm sáu mươi triệu) đồng. Sau khi trừ đi số tiền thanh lý xác tàu cá 70.000.000 đồng ông Ngô Văn C đã nhận, Tổng Công ty Bảo hiểm B còn phải trả cho ông Ngô Văn C số tiền là 10.190.000.000 (Mười tỷ một trăm chín mươi triệu) đồng.

Ngân hàng N được thụ hưởng số tiền mà Tổng Công ty Bảo hiểm B trả cho ông Ngô Văn C trong phạm vi tương ứng với số tiền mà ông Ngô Văn C còn nợ của Ngân hàng tại thời điểm thanh toán tiền nợ vay, theo cam kết chuyển quyền thụ hưởng bảo hiểm số QNA.BHHS.17.377 ngày 27/12/2017 giữa Ngân hàng N, ông Ngô Văn C và Tổng Công ty Bảo hiểm B.

Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015.

Án phí dân sự sơ thẩm: Tổng Công ty Bảo hiểm B phải chịu 118.190.000 (Một trăm mười tám triệu một trăm chín mươi nghìn) đồng. Hoàn trả lại cho ông Ngô Văn C số tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm đã nộp 59.480.000 (Năm mươi chín triệu bốn trăm tám mươi nghìn) đồng theo Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0000640 ngày 05/6/2020 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.

Án phí dân sự phúc thẩm: Tổng Công ty Bảo hiểm B phải chịu 300.000 (Ba trăm nghìn) đồng, được trừ vào số tiền tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm đã nộp 300.000 (Ba trăm nghìn) đồng theo Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0001048 ngày 04/02/2021 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án (14/7/2021).

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1412
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 26/2021/DS-PT ngày 14/07/2021 về tranh chấp hợp đồng bảo hiểm

Số hiệu:26/2021/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Quảng Nam
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 14/07/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập
Đăng ký



  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;