Bản án 08/2020/HS-ST ngày 25/11/2020 về tội hủy hoại rừng

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN MƯỜNG NHÉ, TỈNH ĐIỆN BIÊN

BẢN ÁN 08/2020/HS-ST NGÀY 25/11/2020 VỀ TỘI HỦY HOẠI RỪNG

Ngày 25 tháng 11 năm 2020 tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, tiến hành xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số 04/2020/TLST-HS ngày 06/10/2020 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 08/2020/QĐXXST-HS ngày 12 tháng 11 năm 2020 đối với các bị cáo:

1. Bị cáo Giàng A V (Tên gọi khác: Không); Sinh năm 1975; Nơi sinh: huyện T, tỉnh Điện Biên; Nơi cư trú: Bản H, xã M, huyện M, tỉnh Điện Biên; Nghề nghiệp: Làm nương; Trình độ văn hoá: Không biết chữ; Dân tộc: Mông; Giới tính: Nam; Tôn giáo: Không; Quốc tịch: Việt Nam; Con ông Giàng Nủ S (đã chết) và bà Thào Thị Ch (Sinh năm 1950); Có vợ là Sùng Thị S và có 08 người con, con lớn nhất 26 tuổi, con nhỏ nhất 04 tuổi; Tiền sự: Không; Tiền án: Không; Bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú từ ngày 18/5/2020 đến ngày 29/5/2020, bị bắt tạm giam từ ngày 29/5/2020 đến nay, có mặt.

2. Bị cáo Tông Dông D (Tên gọi khác: Tông Dung L); Sinh năm 1970; Nơi sinh: huyện Tủa Ch, tỉnh Điện Biên; Nơi cư trú: Bản Ng, xã M, huyện M, tỉnh Điện Biên; Nghề nghiệp: Làm nương; Trình độ văn hoá: Không biết chữ; Dân tộc: Hoa; Giới tính: Nam; Tôn giáo: Không; Quốc tịch: Việt Nam; Con ông Tông Lao Ng (đã chết) và bà Giàng Lâu M (đã chết); Có vợ là Hồ Lao T và có 05 người con, con lớn nhất 30 tuổi, con nhỏ nhất 15 tuổi; Tiền sự: Không; Tiền án: Không; Bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú từ ngày 11/9/2020 đến nay, có mặt.

- Người bào chữa cho bị cáo Giàng A V:

+ Ông Lê Hồng Hiển – Luật sư của Hãng luật Lê Hồng Hiển & Cộng sự thuộc Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, vắng mặt có lý do.

+ Bà Trần Phương Anh – Luật sư của Hãng luật Lê Hồng Hiển & Cộng sự thuộc Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, vắng mặt có lý do.

+ Bà Nguyễn Thị Hồng Nhung – Luật sư của Hãng luật Lê Hồng Hiển & Cộng sự thuộc Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, có mặt.

Các luật sư bào chữa cho bị cáo Giàng A V có cùng địa chỉ: Số 3, đường Trung Yên 3, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.

- Người bào chữa cho bị cáo Tông Dông D:

- Bà Lê Thị Diệu - Trợ giúp pháp lý của Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Điện Biên, có mặt.

- Nguyên đơn dân sự: Ủy ban nhân dân xã Mường T, huyện M, tỉnh Điện Biên.

 Đại diện hợp pháp: Ông Giàng A Kh – Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân xã M (theo văn bản ủy quyền số 02/GUQ-UBND ngày 20/11/2020 của Chủ tịch UBND xã M) – có mặt.

- Những người làm chứng:

+ Anh Tông A T, sinh năm 1996; Trú tại: Bản Ng, xã M, huyện M, tỉnh Điện Biên – Vắng mặt không có lý do.

+ Bà Hồ Lao T, sinh năm 1970; Trú tại: Bản Ng, xã M, huyện M, tỉnh Điện Biên – Có mặt.

+ Anh Thào A D, sinh năm 1987; Trú tại: Bản Ng, xã M, huyện M, tỉnh Điện Biên – Có mặt.

+ Anh Sùng A D, sinh năm 1990; Trú tại: Bản H, xã M, huyện M, tỉnh Điện Biên – vắng mặt không có lý do.

- Người phiên dịch cho bị cáo Giàng A V:

Anh Kháng Quang Vinh, sinh năm 1993; Trú tại: Tổ dân cư số 2, xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên- có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Do muốn có đất canh tác nên vào khoảng 09 giờ ngày 02/3/2020 Giàng A V đến nhà Tông Dông D ở bản Ng, xã M huyện M, tỉnh Điện Biên mượn nương cũ của D để làm nương. Tại nhà D hai bên đã thỏa thuận với nhau bằng lời nói, nội dung thỏa thuận là D cho V mượn nương cũ của D đã bỏ hoang được 06 năm thuộc bản Ng, xã M để làm nương trong 01 năm và thu hoạch xong thì V trả cho D 06 bao thóc, còn lại được bao nhiêu thì V lấy hết. Sau khi thỏa thuận, D đưa V tới khu vực đám nương cũ của gia đình tại bản Ng, xã M và chỉ cho V biết vị trí, địa điểm của đám nương cũ để V phát rừng làm nương.

Vào khoảng 07 giờ ngày 03/3/2020 V một mình cầm theo 01 con dao phát và lương thực, thực phẩm đi bộ từ nhà lên khu vực rừng mà D chỉ cho V thuộc bản Ng, xã M để chặt phát làm nương. Quá trình chặt phá, V dùng 01 dao phát, chặt hạ các cây gỗ có đường kính từ nhỏ tới lớn. V chặt phát liên tục từ ngày 03/3/2020 đến chiều ngày 10/3/2020 thì bị người dân trong bản phát hiện và báo chính quyền địa phương nên dừng lại.

Ngày 11/3/2020 cơ quan chức năng tiến hành khám nghiệm hiện trường, đo đếm diện tích rừng bị chặt phá. Khu rừng mà Giàng A V chặt phá có vị trí tại lô 06, khoảnh 25, tiểu khu 142 là rừng sản xuất thuộc địa phận bản Ng do UBND xã Mường T quản lý, bảo vệ. Tổng diện tích rừng bị phá là 14.300m2, mức độ thiệt hại 96%. Tổng số khối lượng gỗ mà Giàng A V đã chặt phá là 06,88 m3 gỗ giổi – nhóm III; 01,01m3 gỗ vàng tâm; 21,35m3 gỗ tạp và 33,45 m3 củi.

Tại kết luận định giá tài sản số 05h/KL-HĐĐGTSTTHS ngày 12/5/2020 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự huyện Mường Nhé kết luận: Tổng giá trị thiệt hại về lâm sản do Giàng A V, Tông Dông D gây ra là 9.585.000 đồng (chín triệu năm trăm tám mươi lăm nghìn đồng).

Tại văn bản số 01/HĐĐGTSTTHS ngày 24/7/2020 của Hội đồng định giá tài sản tố tụng hình sự huyện Mường nhé trả lời không xác định được Giá quyền sử dụng rừng.

Trong quá trình giải quyết vụ án, bị cáo Giàng A V đã tích cực vận động gia đình tự nguyện bồi thường 3.000.000 đồng (Ba triệu đồng) để khắc phục hậu quả; Bị cáo Tông Dông D đã tự nguyện bồi thường 6.585.000 đồng (Sáu triệu năm trăm tám mươi lăm nghìn đồng) để khắc phục hậu quả.

Cáo trạng số: 52/CT-VKS-MN ngày 05 tháng 10 năm 2020 của Viện kiểm sát nhân dân huyện Mường Nhé đã truy tố Giàng A V, Tông Dông D để xét xử về tội: Hủy hoại rừng theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 243 Bộ luật Hình sự.

Đại diện Viện kiểm sát duy trì công tố tại phiên tòa, giữ nguyên quan điểm truy tố, đồng thời đề nghị HĐXX áp dụng điểm đ khoản 2 Điều 243, điểm b, s khoản 1 Điều 51, Điều 17, Điều 38, Điều 58 Bộ luật hình sự, đề nghị xử phạt bị cáo Giàng A V từ 36 đến 42 tháng tù; Áp dụng điểm đ khoản 2 Điều 243, điểm b, s khoản 1 Điều 51, Điều 17, Điều 58, Điều 65 Bộ luật hình sự, đề nghị xử phạt bị cáo Tông Dông D 36 tháng tù cho hưởng án treo; Không áp dụng hình phạt bổ sung theo quy định tại khoản 4 Điều 243 Bộ luật hình sự đối với các bị cáo; Về trách nhiệm dân sự, căn cứ vào Điều 48 Bộ luật hình sự, Điều 584, 585, 586, 587, 589 Bộ luật dân sự, buộc các bị cáo phải bồi thường toàn bộ thiệt hại về rừng cho Nhà nước; Về vật chứng và án phí: Đề nghị tịch thu tiêu hủy vật chứng vụ án và miễn án phí án phí hình sự sơ thẩm cho các bị cáo.

Luật sư Nguyễn Thị Hồng Nhung bào chữa cho bị cáo Giàng A V nhất trí với luận tội của Viện kiểm sát về tội danh, trách nhiệm bồi thường thiệt hại, xử lý vật chứng và án phí. Về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, nhất trí với đề nghị của Đại diện Viện kiểm sát về các tình tiết giảm nhẹ theo điểm b, s khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự, đồng thời đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng thêm các tình tiết giảm nhẹ là phạm tội do lạc hậu theo điểm m khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự, người phạm tội tích cực hợp tác với cơ quan điều tra trong việc điều tra, phát hiện tội phạm theo điểm t khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự và người phạm tội là lao động chính trong gia đình theo khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự; Về hình phạt đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 1 Điều 54 và Điều 65 Bộ luật hình sự xử dưới khung hình phạt và cho bị cáo được hưởng án treo:

Người bào chữa cho bị cáo Tông Dông D, bà Lê Thị Diệu nhất trí với truy tố của Viện kiểm sát về tội danh, điều khoản áp dụng, mức hình phạt đề nghị, trách nhiệm bồi thường thiệt hại, xử lý vật chứng và án phí; Về tình tiết giảm nhẹ đề nghị áp dụng thêm khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự vì cho rằng bị cáo có hoàn cảnh khó khăn, là đồng bào dân tộc thiểu số, không được học hành nhận thức và hiểu biết pháp luật còn hạn chế.

Tại phiên tòa, bị cáo Tông Dông Di thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình như đã nêu trên, nhất trí với luận cứ bào chữa của luật sư và không tranh luận gì với luận tội của Viện kiểm sát. Bị cáo Giàng A V thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình như đã nêu trên, nhất trí với luận cứ bào chữa của luật sư và xin Hội đồng xét xử xem xét cho bị cáo được hưởng án treo.

Tại phiên tòa đại diện hợp pháp của nguyên đơn dân sự đề nghị Hội đồng xét xử buộc bị cáo phải bồi thường toàn bộ thiệt hại về rừng cho Nhà nước.

Người làm chứng bà Hồ Lao T tại phiên tòa trình bày: Ngày 02/3/2020 tôi và chồng tôi đang ở nhà thì có anh Giàng A V tới hỏi mượn nương cũ của gia đình tôi để canh tác, sau đó chồng tôi và anh V có thỏa thuận cho anh V mượn nương cũ của gia đình tôi để canh tác trong 01 năm, anh V có nghĩa vụ trả cho gia đình tôi 06 bao thóc (bút lục số 119-120).

Người làm chứng anh Tông A T vắng mặt tại phiên tòa tuy nhiên tại biên bản ghi lời khai (bút lục số 215-216) anh T trình bày: Tôi không chứng kiến việc thỏa thuận mượn nương để canh tác giữa bố tôi và ông Giàng A V vào ngày 02/3/2020, tuy nhiên sau khi ông V bị cơ quan chức năng phát hiện phá rừng thì ông V có đến nhà tôi thống nhất lập biên bản để hợp lý hóa nội dung thỏa thuận ngày 02/3/2020. Do ông V và bố tôi không viết được chữ nên nhờ tôi viết hộ biên bản thỏa thuận về việc hợp tác làm ăn.

Người làm chứng anh Sùng A D vắng mặt tại phiên tòa tuy nhiên tại biên bản ghi lời khai (bút lục số 223-224) anh D trình bày: Tôi không chứng kiến việc thỏa thuận mượn nương để canh tác giữa ông Tông Dông D và ông Giàng A V vào ngày 02/3/2020, tuy nhiên sau khi ông V bị cơ quan chức năng phát hiện phá rừng thì tôi có đi cùng ông V đến nhà ông Tông Dông D viết giấy hợp đồng làm ăn để hợp lý hóa nội dung thỏa thuận mượn nương cũ của ông D trước đó (bút lục 223-224).

Người làm chứng Thào A D tại phiên tòa trình bày: Vào ngày 10/3/2020 sau khi nhận được thông tin có người đang chặt phá rừng thì tôi và người dân trong bản đã đến, phát hiện ông V đang chặt phá đám rừng tại lô 06, khoảnh 25, tiểu khu 142 là rừng sản xuất thuộc địa phận bản Ngã Ba.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về sự vắng mặt của người làm chứng: Người làm chứng anh Tông A T và anh Sùng A D vắng mặt tại phiên tòa nhưng đã có đầy đủ lời khai trong hồ sơ, xét thấy sự vắng mặt của người này không ảnh hưởng đến việc xét xử nên Tòa án tiến hành xét xử vắng mặt người làm chứng theo quy định tại Điều 293 Bộ luật tố tụng hình sự.

[2] Xét hành vi phạm tội của các bị cáo thì thấy: Tại phiên tòa các bị cáo khai ngày 02/3/2020 bị cáo V đến nhà bị cáo Tông Dông D mượn nương cũ của D để làm nương. Tại nhà D hai bên đã thỏa thuận với nhau bằng lời nói với nội dung là D cho V mượn nương cũ của D đã bỏ hoang được 06 năm thuộc bản Ng, xã M để làm nương trong 01 năm và thu hoạch xong thì V trả cho D 06 bao thóc, còn lại được bao nhiêu thì V lấy hết. Sau khi thỏa thuận, D đưa V tới đám nương cũ của gia đình tại bản Ng, xã M và chỉ cho V biết vị trí của đám nương cũ để V phát làm nương. Khi đến nơi, thấy khu rừng có nhiều cây gỗ có đường kính to, nhỏ khác nhau như các khu rừng ở gần đó nên V hỏi D có chặt phá được không, D trả lời V là cứ yên tâm làm đi, có gì D sẽ cùng chịu trách nhiệm. Sau khi thỏa thuận, từ ngày 03/3/2020 đến ngày 10/3/2020 V đã dùng 01 dao phát, chặt phá 14.300m2 diện tích rừng có vị trí tại lô 06, khoảnh 25, tiểu khu 142 là rừng sản xuất thuộc địa phận bản Ngã do UBND xã M quản lý, bảo vệ, mục đích bị cáo phá rừng là để làm nương. Lời khai nhận của các bị cáo tại phiên tòa phù hợp với các chứng cứ, tài liệu đã thu thập có trong hồ sơ vụ án. Vì vậy có đủ cơ sở kết luận: Bị cáo Giàng A V và bị cáo Tông Dông D đã thực hiện hành vi phá trái phép rừng sản xuất với diện tích là 14.300 m2., gây thiệt hại về rừng là 9.585.000 đồng (Chín triệu năm trăm tám mươi lăm nghìn đồng).

Các bị cáo là người có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự, biết rõ phá rừng trái phép là vi phạm pháp luật. Song chỉ vì muốn lấy đất để làm nương và mục đích kinh tế, các bị cáo đã bất chấp sự nghiêm cấm của pháp luật cố ý thực hiện hành vi phạm tội. Hành vi phạm tội của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, gây thiệt hại lớn về môi trường sinh thái, ảnh hưởng xấu đến công tác quản lý và bảo vệ rừng trên địa bàn huyện Mường Nhé. Vì vậy hành vi của các bị cáo đã phạm vào tội “Hủy hoại rừng”, tội và hình phạt được quy định tại tại điểm đ khoản 2 Điều 243 Bộ luật hình sự. Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên truy tố các bị cáo là đúng người, đúng tội, đúng quy định của pháp luật.

[3] Xét về nhân thân và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của các bị cáo thì thấy: Các bị cáo là người dân tộc thiểu số, sống ở vùng sâu, vùng xa, nhận thức và hiểu biết pháp luật còn hạn chế, chưa có tiền án, tiền sự. Trong quá trình điều tra, truy tố cũng như tại phiên tòa các bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải và tự nguyện bồi thường toàn bộ thiệt hại về rừng cho Nhà nước để khắc phục hậu quả. Đó là các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho các bị cáo được quy định tại điểm b, s khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự. Tại phiên tòa luật sư Nguyễn Thị Hồng Nhung đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng thêm các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo điểm m, t khoản 1 Điều 51 và khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự cho bị cáo Giàng A V. Hội đồng xét xử xét thấy: Bị cáo Giàng A V nhận thức rõ việc phá rừng là vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý, đồng thời nơi bị cáo cư trú là bản H, xã Mường T là nơi được UBND xã M và các cơ quan chức năng thường xuyên tuyên truyền về việc cấm chặt phá rừng nên việc luật sư bào chữa cho rằng bị cáo phạm tội do lạc hậu theo điểm m khoản 1 Điều 51 BLHS là không có căn cứ; Về tình tiết giảm nhẹ theo điểm t khoản 1 Điều 51 BLHS, luật sư cho rằng bị cáo Giàng AV đã thật thà, tích cực khai báo để cơ quan điều tra phát hiện ra bị cáo Tông Dông D, xét thấy việc bị cáo thật thà khai báo đã được áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự thật thà khai báo, ăn năn hối cải theo điểm s khoản 1 Điều 51 BLHS nên không chấp nhận đề nghị của luật sư; Về đề nghị áp dụng tình tiết giảm nhẹ theo khoản 2 Điều 51 BLHS vì cho rằng bị cáo là lao động chính trong gia đình là không có cơ sở để chấp nhận vì trong gia đình bị cáo ngoài bị cáo là lao động chính ra còn có vợ bị cáo và con lớn của bị cáo đã 26 tuổi hoàn toàn khỏa mạnh. Do đó không chấp nhận đề nghị của luật sư bào chữa về việc áp dụng thêm các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo Giàng A V theo điểm m, t khoản 1, khoản 2 Điều 51 BLHS. Người bào chữa cho bị cáo Tông Dông D đề nghị Hội đồng Xét xử áp dụng thêm tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo theo khoản 2 Điều 51 BLHS vì cho rằng bị cáo không được học hành, nhận thức và hiểu biết pháp luật còn hạn chế, có hoàn cảnh khó khăn. Xét thấy bị cáo Tông Dông D đã từng tham gia tổ bảo vệ rừng, được nghe tuyên truyền về việc cấm chặt pháp rừng nhưng vẫn vi phạm nên không chấp nhận đề nghị của luật sư.

Các bị cáo không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.

[4] Xét về vai trò của từng bị cáo thì thấy: Các bị cáo mặc dù có sự thỏa thuận, thống nhất cùng thực hiện hành vi phạm tội nhưng không có sự câu kết chặt chẽ nên đây chỉ là hình thức đồng phạm giản đơn. Trong vụ án này Giàng A V giữ vai trò là người thực hành, trực tiếp tiến hành chặt phá rừng còn Tông Dông D giữ vai trò là người giúp sức thông qua việc dẫn V đến nơi và chỉ rõ vị trí cho V phá rừng đồng thời hứa hẹn là sẽ cùng chịu trách nhiệm cho hành vi phá rừng của V.

 [5] Về hình phạt đối với bị cáo:

Tại phiên tòa đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Mường Nhé đề nghị xử phạt bị cáo Giàng A V từ 36 đến 42 tháng tù, đề nghị xử phạt bị cáo Tông Dông D 36 tháng tù cho hưởng án treo; Người bào chữa cho bị cáo Tông Dông D đề nghị Hội đồng xét xử xử phạt bị cáo Tông Dông D 36 tháng tù cho hưởng án treo; Luật sư Nguyễn Thị Hồng Nhung bào chữa cho bị cáo Giàng A V đề nghị HĐXX xử áp dụng khoản 1 Điều 54, Điều 65 BLHS, xử phạt bị cáo V dưới khung hình phạt và cho bị cáo V được hưởng án treo. Hội đồng xét xử XÉT THẤY

Bị cáo Tông Dông D là người có nhân thân tốt, chưa có tiền án, tiền sự, có nhiều tình tiết giảm nhẹ và không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, trước khi phạm tội bị cáo luôn chấp hành tốt chính sách pháp luật và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của công dân tại nơi cư trú, bị cáo có nơi cư trú cụ thể, rõ ràng; bị cáo chỉ giữ vai trò là người giúp sức trong vụ án. Do đó không cần phải cách ly bị cáo ra khỏi đời sống xã hội cũng đủ để cải tạo, giáo dục bị cáo trở thành người có ích cho xã hội. Đề nghị xử phạt bị cáo của Đại diện Viện kiểm sát và luật sư bào chữa là có căn cứ nên cần chấp nhận, xử phạt bị cáo như đề nghị của đại diện Viện kiểm sát và luật sư bào chữa.

Đối với bị cáo Giàng A V là người giữ vai trò chính, chủ động mượn nương để phát rừng và trực tiếp thực hiện hành vi phá rừng nên không chấp nhận đề nghị của luật sư Nguyễn Thị Hồng Nhung về việc xử dưới khung hình phạt và cho bị cáo Giàng A V được hưởng án treo, cần xử phạt bị cáo như đề nghị của đại diện Viện kiểm sát để phù hợp với tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo.

Xét hoàn cảnh kinh tế gia đình của các bị cáo còn nhiều khó khăn, không có tài sản gì có giá trị. Do đó Hội đồng xét xử không áp dụng hình phạt bổ sung theo khoản 4 Điều 243 BLHS đối với các bị cáo.

[6] Về trách nhiệm dân sự: Các bị cáo đã gây thiệt hại về rừng thuộc sở hữu Nhà nước, do đó căn cứ vào Điều 48 BLHS, Điều 584, 585, 586, 587, 589 Bộ luật dân sự, các bị cáo phải bồi thường toàn bộ thiệt hại về rừng cho Nhà nước. Trong vụ án này Giàng A V là người thực hành còn Tông Dông D là người giúp sức nên mức độ lỗi và trách nhiệm bồi thường thiệt hại của từng bị cáo được xác định như sau: Mức đội lỗi của Giàng A V là 60/100%, tương ứng với trách nhiệm bồi thường thiệt hại là (60 x 9.585.000đ) : 100 = 5.751.000 đồng; mức độ lỗi của Tông Dông D là 40/100%, tương ứng với trách nhiệm bồi thường thiệt hại là (40 x 9585.000) : 100 = 3.834.000 đồng. Trong quá trình giải quyết vụ án, Giàng A V đã tự nguyện bồi thường 3.000.000 đồng, Tông Dông D đã tự nguyện bồi thường 6.585.000 đồng (bao gồm phần trách nhiệm của mình là 3.834.000 đồng và bồi thường thêm cho cả phần của Giàng A V là 2.751.000 đồng). Hội đồng xét xử xét thấy việc bị cáo Tông Dông D bồi thường thay cho phần trách nhiệm bồi thường 2.751.000 đồng của Giàng A V là hoàn toàn tự nguyện, không trái pháp luật và đạo đức xã hội nên chấp nhận sự tự nguyện bồi thường này.

 [7] Về xử lý vật chứng: Đối với 01 con dao phát là công cụ phạm tội, đã hết giá trị sử dụng nên căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 47 BLHS, điểm a, c khoản 2 Điều 106 BLTTHS, cần tịch thu tiêu hủy.

[8] Về án phí: Xét thấy các bị cáo là đồng bào dân tộc thiểu số, thường trú ở xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và đã có đơn đề nghị miễn án phí. Do đó căn cứ vào khoản 2 Điều 136 BLTTHS, điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết 326 của UBTVQH quy định về mức thu, miễn, giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án, cần miễn toàn bộ tiền án phí hình sự sơ thẩm cho các bị cáo.

[9] Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra Công an huyện Mường Nhé, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân huyện Mường Nhé, Kiểm sát viên, các luật sư bào chữa trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật tố tụng hình sự: Quá trình điều tra và tại phiên tòa các bị cáo không có ý kiến khiếu nại về hành vi, quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, các luật sư bào chữa. Do đó các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, các luật sư bào chữa đã thực hiện đều hợp pháp.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

1. Tuyên bố bị cáo Giàng A V, Tông Dông D (Tên gọi khác: Tông Dung L) phạm tội "Hủy hoại rừng".

Căn cứ vào điểm đ khoản 2 Điều 243; điểm b, s khoản 1 Điều 51; Điều 17; Điều 58 Bộ luật hình sự: Xử phạt bị cáo Giàng A V 36 (Ba mươi sáu) tháng tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt tạm giam, ngày 29/5/2020.

Căn cứ vào điểm đ khoản 2 Điều 243; điểm b, s khoản 1 Điều 51; Điều 17; Điều 58; Điều 65 Bộ luật hình sự: Xử phạt bị cáo Tông Dông D 36 (Ba mươi sáu) tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 05 năm. Thời gian thử thách tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.

Giao bị cáo Tông Dông D cho Ủy ban nhân dân xã M, huyện M, tỉnh Điện Biên và gia đình giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách. Trong trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại Điều 68, Điều 92 Luật thi hành án hình sự.

Trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ từ 02 lần trở lên thì Tòa án có thể buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.

2. Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng Điều 48 Bộ luật Hình sự, Điều 584, 585, 586, 587, 589 Bộ luật Dân sự: Buộc bị cáo Giàng A V và Tông Dông D phải bồi thường toàn bộ thiệt hại về rừng cho Nhà nước với số tiền là 9.585.000 đồng (Chín triệu năm trăm tám mươi lăm nghìn đồng). Được trừ đi số 9.585.000 đồng (Chín triệu năm trăm tám mươi lăm nghìn đồng) các bị cáo đã nộp.

 3. Về xử lý vật chứng: Căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 47 Bộ luật hình sự; điểm a, c khoản 2 Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự: Tịch thu, tiêu hủy 01 con dao phát (loại dao quắm) có chiều dài 83 cm, cán dao bằng gỗ dài 44 cm, chuôi dao bằng kim loại dài 11 cm, lưỡi dao dài 28 cm là vật chứng vụ án Giàng A V (Dao của bị cáo Giàng A V). Theo biên bản giao nhận vật chứng ngày 07/10/2020 giữa Công an huyện Mường Nhé và Chi cục Thi hành án dân sự huyện Mường Nhé.

4. Về án phí: Căn cứ vào khoản 2 Điều 136 Bộ luật tố tụng hình sự, điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết 326 của UBTVQH quy định về mức thu, miễn, giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án: Miễn toàn bộ tiền án phí hình sự sơ thẩm cho các bị cáo.

5. Về quyền kháng cáo: Các bị cáo có quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án; Đại diện hợp pháp của nguyên đơn dân sự có quyền kháng cáo bản án về phần bồi thường thiệt hại trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

487
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 08/2020/HS-ST ngày 25/11/2020 về tội hủy hoại rừng

Số hiệu:08/2020/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Mường Nhé - Điện Biên
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 25/11/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập
Đăng ký



  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;