Bản án 05/2018/KDTM-PT ngày 15/05/2018 về tranh chấp hợp đồng tín dụng

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH NAM ĐỊNH

BẢN ÁN 05/2018/KDTM-PT NGÀY 15/05/2018 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG TÍN DỤNG

Trong các ngày 14, 15 tháng 5 năm 2018 tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Nam Định xét xử phúc thẩm công khai vụ án Kinh doanh thương mại thụ lý số 12/2017/TLPT-KDTM ngày 28 tháng 12 năm 2017 về tranh chấp Hợp đồng tín dụng, đòi bồi thường thiệt hại và yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu.

Do Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 20/2017/KDTM-ST ngày 13 tháng 10 năm 2017 của Tòa án nhân dân thành phố Nam Định bị kháng cáo, kháng nghị.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 04/2018/QĐ-PT ngày 23 tháng 02 năm 2018 giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Ngân hàng thương mại cổ phần K

Địa chỉ: Số 191, phố B, phường L, quận H,Thành phố Hà Nội.

Người đại diện theo pháp luật: Ông Hồ Hùng A - Chức vụ: Chủ tịch Hội đồng quản trị

Người đại diện theo ủy quyền: Bà Phạm Thị N - Chức vụ: Giám đốc xử lý nợ (Theo văn bản ủy quyền thường xuyên số 1218/2017/QĐ-HĐQT ngày 27-09-2017)

Người đại diện theo uỷ quyền lại: Bà Hoàng Minh T1 - Cán bộ xử lý nợ, Bà Hoàng Thị Vân A - Cán bộ xử lý nợ, Bà Nguyễn Thị C1 - Cán bộ xử lý nợ (Theo văn bản ủy quyền số 219/2018/UQ-TCB ngày 19-3-2018).

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn: Luật sư Trương Thanh Đ1 và Luật sư Nguyễn Thị Kim X - Luật sư thuộc Công ty luật TNHH N, đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội.

Địa chỉ: Tầng 5B, tòa nhà The Times Building, 84 T, phường Bùi Thị X1, quận H, Thành phố Hà Nội.

- Bị đơn: Công ty cổ phần T (sau đây viết tắt là Công ty T)

Địa chỉ: Lô C1 - 6, L1 + L3 đường N3, khu công nghiệp H, thành phố N, tỉnh Nam Định.

Người đại diện theo pháp luật: Ông Nguyễn Văn C - Chức vụ: Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Công ty

Người đại diện theo uỷ quyền:

- Ông Trương Tiến H2; cư trú tại: Căn hộ 2414, tầng 24, tòa nhà VP6, khu đô thị L, phường H, quận H, Thành phố Hà Nội (Theo Hợp đồng đại diện theo ủy quyền số 01/2016/TĐ-TTH ngày 12-5-2016)

- Bà Trần Thị T3; cư trú tại: Số 53, Hàng Sắt, phường N1, thành phố N, tỉnh Nam Định (Theo Hợp đồng đại diện theo ủy quyền số 12/2018/TĐ-GĐ ngày 12-5- 2018)

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn:

- Luật sư Vũ Văn Đ2 - Luật sư thuộc Văn phòng luật sư Vũ Văn Đ2, đoàn luật sư tỉnh Thái Bình.

Địa chỉ: Lô 26-CL8 phố N, phường T, thành phố T1, tỉnh Thái Bình.

- Luật sư Phan Trung H4 - Luật sư thuộc Văn phòng luật sư Phan Trung H4, đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh.

Địa chỉ: Số 100A Đ, phường 9, quận P, Thành phố Hồ Chí Minh

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Quản lý nợ và khai thác tài sản - Ngân hàng thương mại cổ phần K (sau đây viết tắt là Công ty A)

Địa chỉ: Số 191, phố B, phường L, quận H,Thành phố Hà Nội.

Người đại diện theo pháp luật: Bà Nguyễn Thu L - Chức vụ: Tổng giám đốc Công ty

Người đại diện theo ủy quyền:

- Ông Nguyễn Công H - Chuyên viên

- Bà Vũ Thị T - Chuyên viên

 (Theo văn bản ủy quyền số 19276/2018/UQ-A ngày 11-5-2018)

2. Công ty cổ phần Dịch vụ bảo vệ K (sau đây viết tắt là Công ty K) Địa chỉ: Số 191, phố B, phường L, quận H, Thành phố Hà Nội.

Người đại diện theo pháp luật: Ông Dương Đình T - Chức vụ: Chủ tịch Hội đồng quản trị

Người đại diện theo ủy quyền:

- Bà Nguyễn Thị T7 - Chức vụ: Giám đốc trung tâm hành chính tổng hợp

- Ông Hoàng Đức H1 - Chuyên viên

 (Theo văn bản ủy quyền số 0396/2018/UQ-KA ngày 26-4-2018)

3. Công ty cổ phần Đầu tư và dịch vụ kho vận A+ (Sau đây viết tắt là Công ty LA+)

Địa chỉ: Số 191, phố B, phường L, quận H, Thành phố Hà Nội.

Người đại diện theo pháp luật: Ông Alexandr S - Chức vụ: Tổng giám đốc Công ty

Người đại diện theo ủy quyền: Ông Hoàng Sỹ Đ3 - Chức vụ: Phó tổng giám đốc công ty (Theo văn bản ủy quyền số 013309/2017/UQ-LA+ ngày 28-8-2017)

4. Phòng Công chứng A tỉnh Nam Định

Địa chỉ: Số 169 đường M, phường Q, thành phố N, tỉnh Nam Định.

Người đại diện theo pháp luật: Bà Phan Thanh H - Chức vụ: Trưởng phòng Công chứng A tỉnh Nam Định

5. Ông Nguyễn Văn C; cư trú tại: Số 68 đường Đ, khu đô thị mới H, phường L, thành phố N, tỉnh Nam Định.

Người đại diện theo uỷ quyền của ông C: Ông Trương Tiến H2 (Theo Hợp đồng đại diện theo ủy quyền số 01/2017/A-B ngày 08-9-2017)

6. Bà Trần Thị T4; cư trú tại: Số 68 đường Đ, khu đô thị mới H, phường L, thành phố N, tỉnh Nam Định.

Người đại diện theo uỷ quyền của bà T4: Ông Trương Tiến H2 (Theo Hợp đồng đại diện theo ủy quyền số 01/2017/A-B ngày 08-9-2017)

7. Bà Trần Thị X1; cư trú tại: Số 7/55 đường P, phường B, thành phố N, tỉnh Nam Định.

Người đại diện theo uỷ quyền của bà X1: Ông Trương Tiến H2 (Theo Hợp đồng đại diện theo ủy quyền số 01/2017/A-B ngày 08-9-2017)

8. Chị Nguyễn Diệu T5; cư trú tại: Số 68 đường Đ, khu đô thị mới H,phường L, thành phố N, tỉnh Nam Định.

Người đại diện theo uỷ quyền của chị T5: Ông Trương Tiến H2 (Theo Hợp đồng đại diện theo ủy quyền số 01/2017/A-B ngày 08-9-2017)

10. Ông Cù Đức T6 - Nguyên là Công chứng viên của Phòng Công chứng A tỉnh Nam Định

Địa chỉ: Số 169 đường M, phường Q, thành phố N, tỉnh Nam Định.

- Viện kiểm sát kháng nghị: Viện kiểm sát nhân dân thành phố Nam Định

- Người kháng cáo: Công ty T là bị đơn, ông Nguyễn Văn C và bà Trần Thị T4 là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án.

Tại phiên tòa: Có mặt bà Phạm Thị N, bà Hoàng Minh T1, bà Vũ Thị T2, ông Hoàng Đức H1, ông Trương Tiến H2, các Luật sư Trương T4 Đ1, Nguyễn Thị Kim X, Vũ Văn Đ2, bà Trần Thị T3. Vắng mặt: Ông Nguyễn Văn C, bà Trần Thị T4, bà Trần Thị X1, chị Nguyễn Diệu T5, (đã uỷ quyền). Bà Phan T4 H3, ông Cù Đức T6 và ông Hoàng Sỹ Đ3 (có đơn trình bày giữ nguyên những nội dung đã trình bày và quan điểm tại cấp sơ thẩm và đề nghị xét xử vắng mặt). Vắng mặt bà Nguyễn Thị T7, bà Hoàng Thị Vân A, bà Nguyễn Thị C. Luật sư Phan Trung H4 (xin vắng mặt và uỷ quyền cho bà T3 trình bày bản luận cứ tại phiên toà).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Tại đơn khởi kiện nộp ngày 29-7-2015 và quá trình tham gia tố tụng tại Toà án, những người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn là bà Phạm Thị N và bà Hoàng Minh T1 cùng những người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn là Luật sư Trương T4 Đ1 và Luật sư Nguyễn Thị Kim X trình bày: Ngày 13- 01-2012 Ngân hàng K và Công ty T ký Hợp đồng cung cấp hạn mức tín dụng số 989/HĐHMTD/TCB/NDH có nội dung như sau: Giá trị hạn mức tín dụng 30 tỷ đồng. Mục đích vay để bổ sung vốn lưu động của Công ty T. Thời hạn cung cấp hạn mức tín dụng là 12 tháng kể từ ngày ký (13-01-2012). Lãi suất theo từng lần giải ngân và được ghi nhận tại các khế ước nhận nợ và cam kết trả nợ lập theo mỗi lần rút vốn vay, lãi suất quá hạn bằng 1,5 lần lãi suất cho vay trong hạn, lãi suất phạt chậm trả bằng 1,5 lần lãi suất trong hạn tính trên số lãi, phí chưa Thanh toán đúng hạn. Thời hạn vay không quá 04 tháng của khoản vay, trả nợ gốc một lần vào ngày đến hạn của khế ước nhận nợ và cam kết trả nợ, trả lãi hàng tháng vào ngày nhận nợ. Phương thức trả nợ bao gồm: Trả tiền mặt, chuyển khoản hoặc ủy quyền cho Ngân hàng K tự động trích tiền từ tài khoản gửi của Công ty T mở tại Ngân hàng K. Ngoài ra, hợp đồng còn có các Điều khoản khác theo quy định của pháp luật. Sau đó Hợp đồng cung cấp hạn mức tín dụng số 989/HĐHMTD/TCB/NDH đã được giải ngân theo 09 khế ước nhận nợ và cam kết trả nợ, cụ thể như sau:

- Ngày 18-01-2012 giải ngân theo khế ước nhận nợ và cam kết trả nợ số 844.3,với số tiền giải ngân là 4.947.095.491đồng, thời hạn vay 04 tháng kể từ ngày giải ngân, lãi suất 20,05%/năm, lãi quá hạn bằng 150% lãi trong hạn.

- Ngày 30-01-2012 giải ngân theo khế ước nhận nợ và cam kết trả nợ số 844.4,với số tiền giải ngân là 1.306.030.944 đồng, thời hạn vay 04 tháng kể từ ngày giải ngân, lãi suất 20,05%/năm, lãi quá hạn bằng 150% lãi trong hạn.

- Ngày 02-02-2012 giải ngân theo khế ước nhận nợ và cam kết trả nợ số 844.5,với số tiền giải ngân là 91.897,00 USD, thời hạn vay 04 tháng kể từ ngày giải ngân, lãi suất 7,1%/năm, lãi quá hạn bằng 150% lãi trong hạn.

- Ngày 23-02-2012 giải ngân theo khế ước nhận nợ và cam kết trả nợ số 844.6,với số tiền giải ngân là 167.055,30 USD, thời hạn vay 04 tháng kể từ ngày giải ngân, lãi suất 7,2%/năm, lãi quá hạn bằng 150% lãi trong hạn.

- Ngày 28-02-2012 giải ngân theo khế ước nhận nợ và cam kết trả nợ số 844.7,với số tiền giải ngân là 2.000.000.000 đồng, thời hạn vay 04 tháng kể từ ngày giải ngân, lãi suất 20,2%/năm, lãi quá hạn bằng 150% lãi trong hạn.

- Ngày 01-3-2012 giải ngân theo khế ước nhận nợ và cam kết trả nợ số 844.8,với số tiền giải ngân là 1.000.000.000 đồng, thời hạn vay 04 tháng kể từ ngày giải ngân, lãi suất 20,2%/năm, lãi quá hạn bằng 150% lãi trong hạn.

- Ngày 19-3-2012 giải ngân theo khế ước nhận nợ và cam kết trả nợ số 844.9,với số tiền giải ngân là 700.000.000 đồng, thời hạn vay 04 tháng kể từ ngày giải ngân, lãi suất 20,1%/năm, lãi quá hạn bằng 150% lãi trong hạn.

- Ngày 21-3-2012 giải ngân theo khế ước nhận nợ và cam kết trả nợ 844.10,với số tiền giải ngân là 4.050.000.000 đồng, thời hạn vay 04 tháng kể từ ngày giải ngân, lãi suất20,1%/năm, lãi quá hạn bằng 150% lãi trong hạn.

- Ngày 23-4-2012 giải ngân theo khế ước nhận nợ và cam kết trả nợ số 844.11,với số tiền giải ngân là 557.184.683 đồng, thời hạn vay 04 tháng kể từ ngày giải ngân, lãi suất 19,65%/năm, lãi quá hạn bằng 150% lãi trong hạn.

Tổng cộng Ngân hàng K đã giải ngân cho Công ty T theo Hợp đồng cung cấp hạn mức tín dụng số 989/HĐHMTD/TCB/NDH là 14.560.311.118đồng và 258.952,30 USD.

Cũng trong ngày 13-01-2012 Ngân hàng K và Công ty cổ phần T ký tiếp Hợp đồng cung cấp hạn mức mở thư tín dụng số 989/HĐHM-LC/TCB-NDH, nội dung như sau: Giá trị hạn mức 45 tỷ đồng, mục đích vay để bổ sung vốn lưu động của Công ty T, thời hạn cung cấp hạn mức tín dụng là 12 tháng kể từ ngày ký 13- 01-2012, ký quỹ tối thiểu 10% giá trị LC, thanh toán theo quy định của từng LC. Trường hợp thư tín dụng thanh toán bằng vốn vay thì Công ty T phải làm thủ tục nhận nợ vay trong 07 ngày làm việc kể từ ngày Ngân hàng K nhận được bộ chứng từ phù hợp. Trường hợp Công ty T không thanh toán thì sẽ bị phát vay bắt buộc với lãi suất nhận nợ bắt buộc bằng 150% lãi suất cho vay trong hạn áp dụng cho từng thời kỳ.Các khoản nhận nợ bắt buộc đều bị xác định là nợ quá hạn. Ngoài ra, Hợp đồng còn có các Điều khoản khác theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trong vụ án này, Ngân hàng K chỉ yêu cầu Toà án giải quyết lần giải ngân thanh toán cho LC số TF120670105301/NDH ngày 19-10-2012, số tiền giải ngân là 162.847 USD, lãi suất nhận nợ vay bắt buộc bằng 150% lãi suất cho vay trong hạn đối với nhóm B1, cụ thể bằng 12%/năm.

Để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ trả nợ của Công ty T trong các Hợp đồng cung cấp hạn mức tín dụng số 989/HĐHMTD/TCB/NDH và Hợp đồng cung cấp hạn mức mở thư tín dụng số 989/HĐHM-LC/TCB-NDH, giữa Ngân hàng K với Công ty T và những người có quyền lợi liên quan là ông Nguyễn Văn C, bà Trần Thị T4 đã ký các Hợp đồng thế chấp tài sản sau đây:

Hợp đồng thế chấp số 951/2011/HĐTC-ĐS/TCB ngày 06-12-2011 và Phụ lục số 951.1 ngày 23-02-2012. Đăng ký giao dịch bảo đảm ngày 06-12-2011. Tài sản thế chấp có 188.160kg bông, 190.360kg sợi 20/1 và 122.465 kg sợi 16/1, đơn giá bông 42.500 đồng/kg, sợi 20/1 là 77.000 đồng/kg, sợi 16/1 là 70.400 đồng/kg.

Tổng giá trị thẩm định là 31.276.056.000 đồng.

Hợp đồng thế chấp tài sản của bên thứ ba, số công chứng 105, quyển số 10/TP/CC-SCC/HĐGD ngày 18-01-2012 của Phòng công chứng A tỉnh Nam Định. Đăng ký giao dịch bảo đảm ngày 18-01-2012. Tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất và các tài sản, lợi ích phát sinh từ quyền sử dụng đất của thửa đất số 99 tờ Bản đồ số 76 khu đô thị H, thành phố N, diện tích 315,25m2, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sau đây viết tắt là GCNQSDĐ) số AP330350 do UBND thành phố Ncấp 29-9-2009 cho bà Trần Thị T4. Giá trị thẩm định là 13.555.750.000 đồng.

Hợp đồng thế chấp số 1066/2012/HĐTC-ĐS/TCB ngày 16-6-2012, đăng ký giao dịch bảo đảm ngày 18-6-2012. Tài sản thế chấp là 3.500.000 chiếc (ba triệu năm trăm nghìn chiếc) khăn thành phẩm do Công ty T sản xuất. Tại biên bản kiểm tra, định giá tài sản đảm bảo ngày 14-6-2012 đã xác định giá của số khăn là 23.142.000.000 đồng.

Ngoài ra, liên quan đến việc bảo đảm cho nghĩa vụ của Công ty T với Ngân hàng K, giữa hai bên còn ký Hợp đồng ủy quyền, số công chứng 106, quyển số 10/TP/CC-SCC/HĐGD ngày 18-01-2012 của Phòng công chứng A tỉnh Nam Định và Hợp đồng thế chấp tài sản là quyền đòi nợ hình thành trong tương lai số 1066.2/2012/HĐCC/TCB ngày 19-6-2012.Ông Nguyễn Văn C còn lập Chứng thư bảo lãnh ngày 10-7-2012 có nội dung sử dụng toàn bộ tài sản cá nhân để bảo lãnh cho nghĩa vụ của Công ty T. Tuy nhiên, trong vụ án này Ngân hàng K không yêu cầu Tòa án xem xét Hợp đồng ủy quyền và Hợp đồng thế chấp tài sản là quyền đòi nợ hình thành trong tương lai, mà chỉ yêu cầu Tòa án buộc ông Nguyễn Văn C thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh theo Chứng thư bảo lãnh cá nhân ngày 10-7-2012.

Quá trình thực hiện Hợp đồng, Công ty T đã trả số tiền nợ gốc là 3.111.837.797đồng và 620,46USD, đồng thời đã trả số nợ lãi 1.318.754.472 đồng và 8.276,31USD. Hiện tại các khoản nợ của Công ty T đều đã quá hạn.

Từ tháng 01-2013 Công ty T đưa ra các yêu cầu tạm dừng thực hiện nghĩa vụ tín dụng. Căn cứ vào Điều 5 Hợp đồng cung cấp hạn mức tín dụng số 989/HĐHMTD/TCB/NDH thì “Tiền lãi vay được tính trên cơ sở thực tế, kể cả thời gian gia hạn nợ vay”. Mặt khác, biên bản làm việc ngày 16-10-2012 chỉ ghi nhận ý kiến của Ngân hàng K và Công ty T về hướng xử lý khoản nợ, không có chế tài quy định nếu các bên không thực hiện hoặc vi phạm các nội dung thống nhất tại biên bản thì sẽ phải chịu trách nhiệm về điều đó. Bên cạnh đó, Bộ luật Dân sự năm 2005 không có quy định về việc tạm dừng hay tạm ngừng việc thực hiện hợp đồng nói chung và hợp đồng tín dụng nói riêng. Việc tạm ngừng thực hiện hợp đồng được quy định tại Điều 308 Luật Thương mại về “Tạm ngừng thực hiện hợp đồng” như sau: “Trừ các trường hợp miễn trách nhiệm quy định tại Điều 294 của Luật này, tạm ngừng thực hiện hợp đồng là việc một bên tạm thời không thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng thuộc một trong các trường hợp sau đây:

1. Xảy ra hành vi vi phạm mà các bên đã thoả thuận là điều kiện để tạm ngừng thực hiện hợp đồng;

2. Một bên vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng.

Khoản 13, Điều 3 Luật Thương mại năm 2005 quy định như sau: “Vi phạm cơ bản là sự vi phạm hợp đồng của một bên gây thiệt hại cho bên kia đến mức làm cho bên kia không đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng”.

Mục đích giao kết hợp đồng tín dụng của Công ty T là nhận được các khoản tín dụng từ Ngân hàng K. Trên thực tế, việc cấp tín dụng đã hoàn thành toàn bộ từ lâu và đã chuyển sang giai đoạn bên vay có nghĩa vụ trả nợ, bên cho vay có quyền đòi nợ. Không những thế khoản nợ đã bị quá hạn. Như vậy, trong trường hợp này, không có yếu tố nào thuộc về 2 điều kiện xảy ra cho phép áp dụng Điều 308, Luật Thương mại nêu trên để tạm ngừng thực hiện hợp đồng. Thứ nhất, hai bên không có thoả thuận nào về việc “tạm ngừng thực hiện hợp đồng”, ngoại trừ các quy định về việc chấm dứt cho vay, thu hồi nợ trước hạn. Thứ hai, đối chiếu với tất cả các quy định tại Hợp đồng cung cấp hạn mức tín dụng số 989/HĐHMTD/TCB/NDH và Hợp đồng cung cấp hạn mức mở thư tín dụng số 989/HĐHM-LC/TCB-NDH, Ngân hàng K không có bất kỳ hành vi nào bị coi là “Vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng”.

Do vậy, Ngân hàng K đề nghị Toà án buộc Công ty T tiếp tục thực hiện nghĩa vụ theo các Hợp đồng tín dụng đối với Ngân hàng K cho đến khi Thanh toán xong các khoản nợ.

Thực hiện Bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số 02/2014/KDTM-PT ngày 05-8-2014 của Tòa án nhân dân tỉnh Nam Định, Ngân hàng K đã hạch toán và thu vào nợ lãi của Hợp đồng cung cấp hạn mức tín dụng số 989/HĐHMTD/TCB/NDHsố tiền 4.457.193.168đồng (bao gồm số tiền phải bồi thường theo Bản án là 4.149.120.938 đồng và lãi suất chậm thi hành án). Tuy nhiên, đến ngày 01-6-2017, Bản án số 02/2014/KDTM-PT ngày 05-8-2014 (nói trên) đã bị kháng nghị giám đốc thẩm và tạm đình chỉ việc thi hành. Do đó, số tiền Ngân hàng K đã hạch toán và trích thu nợ lãi của Công ty T của Hợp đồng cung cấp hạn mức tín dụng số 989/HĐHMTD/TCB/NDH đã được thoái thu (K đã gửi Công văn cho Công ty T và Tòa án nhân dân Thành phố Nam Định) và được yêu cầu giải quyết trong vụ án này.

Tính đến hết ngày 13-10-2017, Công ty T còn nợ Ngân hàng K số tiền nợ gốc là 11.448.473.321đồng và 421.178,84USD; số tiền lãi trong hạn là 214.249.428đồng; số tiền lãi quá hạn là 13.095.315.308đồng và 246.785,51USD; số tiền lãi phạt là 184.144.527đồng.

Đối với việc thông báo giảm lãi suất số 91-2012 ngày 21-7-2012 cho các khách hàng doanh nghiệp đang có quan hệ tín dụng tại Ngân hàng K – chi nhánh Nam Định, đại diện Ngân hàng K xác định do Công ty T không nộp đủ hồ sơ để được điều chỉnh lãi suất nên Ngân hàng K không có quyết định giảm lãi suất cho Công ty T.

Nay, Ngân hàng K yêu cầu Tòa án buộc Công ty T phải trả toàn bộ số nợ gốc, lãi tính đến hết ngày 13-10-2017 tổng cộng là 24.758.038.057đồng và 667.964,35USD, không yêu cầu về số tiền lãi phạt. Trường hợp Công ty T không thực hiện Thanh toán xong các khoản nợ thì yêu cầu xử lý các tài sản đảm bảo theo các Hợp đồng thế chấp số 951/2011/HĐTC-ĐS/TCB ngày 06-12-2011 và Phụ lục số 951.1 ngày 23-02-2012, Hợp đồng thế chấp số 1066/2012/HĐTC-ĐS/TCB ngày 16-6-2012,Hợp đồng thế chấp tài sản của bên thứ ba, số công chứng 105, quyển số 10/TP/CC-SCC/HĐGD ngày 18-01-2012 của Phòng công chứng A tỉnh Nam Định và Chứng thư bảo lãnh ngày 10-7-2012 của ông Nguyễn Văn C theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, Ngân hàng K sẽ hỗ trợ cho Công ty T một khoản tiền là 8.500.000.000đồng. Khoản tiền này sẽ được khấu trừ vào tiền lãi phải trả khi Công ty T thực hiện việc trả nợ cho Ngân hàng K.

Ngân hàng K không chấp nhận yêu cầu phản tố đòi bồi thường thiệt hại của Công ty T vì các lý do sau:

Tại Điều 1 Hợp đồng thế chấp tài sản là hàng hóa số 1066/2012/HĐTC- ĐS/TCB ngày 16-6-2012 giữa Công ty T và Ngân hàng K thì tài sản thế chấp có 3.500.000 chiếc khăn thành phẩm (Ba triệu năm trăm nghìn chiếc khăn) và đã được xác định “Tài sản thế chấp theo Hợp đồng này là các tài sản được luân chuyển trong quá trình sản xuất kinh doanh, cùng các quyền lợi ích phát sinh từ tài sản hình thành tại thời điểm hiện tại và hình thành trong tương lai thuộc quyền sở hữu của bên thế chấp”. Theo biên bản làm việc ngày 16-10-2012 thì việc kiểm đếm số lượng khăn mà Công ty T có tại thời điểm từ ngày 20-10-2012 đến 23-10-2012 chỉ là chuẩn bị để bàn giao cho Ngân hàng K quản lý, tuy nhiên cho đến nay Công ty T chưa bàn giao số khăn này cho Ngân hàng K. Nên Lô khăn được kiểm đếm từ ngày 20-10-2012 đến 23-10-2012 vẫn thuộc quyền quản lý và sở hữu của Công ty T trên thực tế. Bên cạnh đó, Hợp đồng thế chấp số 1066/2012/HĐTC-ĐS/TCB ngày 16- 6-2012 là thế chấp tài sản luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh nên Công ty T có quyền chủ động bán hàng hóa, miễn sao số tiền thu được từ việc bán hàng hóa phải được trả nợ cho Ngân hàng K. Trường hợp không trả được nợ thì Công ty T chỉ cần luôn đảm bảo số hàng hóa tương đương với số lượng hàng hóa đã thế chấp.

Ngân hàng K chưa bao giờ ngăn cấm việc bán khăn của Công ty T mà ngược lại trong các văn bản trả lời, Ngân hàng K luôn đề nghị Công ty T bán khăn để trả nợ. Ngân hàng K chỉ yêu cầu Công ty T khi bán phải thông báo cho Ngân hàng K về giá bán khăn. Nếu các bên thấy không thể thống nhất được giá bán khăn thì mới phải thuê công ty định giá độc lập để làm cơ sở cho các bên thực hiện.

Việc Công ty T cho rằng Ngân hàng K đã vi phạm vì chưa đưa ra ý kiến đánh giá về giá trị toàn bộ tài sản được kiểm đếm từ ngày 20-10-2012 đến 23-10- 2012 để thế chấp cho Ngân hàng K là không có căn cứ bởi lẽ:Tại khoản 1.1 Điều 1 Hợp đồng thế chấp số 1066/2012/HĐTC-ĐS/TCB ngày 16-6-2012 quy định “... mỗi lần bổ sung, thay đổi (rút bớt, thay thế) tài sản thế chấp..., các bên sẽ cùng nhau kiểm tra xác định chi tiết về số lượng, chủng loại, quy cách, chất lượng và giá trị tài sản thế chấp”. Như vậy, việc xác định giá trị của lô khăn phải được sự đồng ý, nhất trí bằng văn bản của cả Ngân hàng K và Công ty T. Ngân hàng K không có quyền đơn phương đưa ra giá trị.Đồng thời, tại thời điểm thế chấp, hai bên đã thỏa thuận giá trị toàn bộ lô khăn làm tròn là 23.000.000.000 đồng, nên Ngân hàng K cũng không có lý do gì để bắt buộc phải tiến hành đánh giá lại giá trị tài sản thế chấp. Biên bản làm việc ngày 16-10-2012 cũng không có thỏa thuận về việc định giá lại lô khăn thế chấp.

Đối với việc thực hiện Biên bản làm việc ngày 16-10-2012 thì chính Công ty T là bên vi phạm vì đã không bàn giao tài sản được kiểm đếm cho Ngân hàng K để kiểm soát, lô khăn thành phẩm sau khi kiểm đếm vẫn để tại kho của Công ty T. Thời gian sau này Công ty T còn có hành vi ngăn cản không cho nhân viên của Công ty A thực hiện chức năng quản lý việc luân chuyển hàng thế chấp như đã thỏa thuận, đã nhiều lần cho xe Container vào kho hàng thế chấp để lấy hàng và bán hàng hóa. Những vi phạm của Công ty T thể hiện ở những biên bản vi phạm, bản ảnh những lần vi phạm và số hiệu Container trong các tài liệu đó trùng khớp với số hiệu Container trong những tờ khai hải quan xuất khẩu hàng hóa là khăn của Công ty T.

Theo Ngân hàng K, hàng hóa tồn kho bị giảm sút chất lượng không phải là hàng hóa thế chấp ban đầu, bởi lẽ:

So sánh các số liệu thiết kế của 72 bản thiết kế khăn, số lượng khăn trong biên bản kiểm đếm khăn từ ngày 20/10/2012 đến ngày 23/10/2012 do chính Công ty T cung cấp trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, với số liệu thực tế về kích thước, màu sắc, trọng lượng khăn theo kết quả thẩm định tại chỗ cho thấy:

Một là: số khăn đã được Công ty T tự phân loại có rất nhiều mã khăn không phù hợp với kích thước, màu sắc theo thiết kế, dẫn đến việc không thể khẳng định được đó có phải là mã khăn do Công ty T sản xuất và đã được kiểm đếm, thế chấp hay không. Cụ thể có 46/72 mã khăn khác màu sắc, kích thước so với thiết kế, tương đương với khối lượng khăn thực tế không đúng thiết kế là 172.398,1 kg trên tổng trọng lượng khăn là 238.472,305 kg. Đặc biệt, có những mã khăn như TD- 00001 lẫn giữa 03 cỡ khăn khác nhau, TD-00046 lẫn giữa 14 loại khăn có màu sắc và cỡ khăn khác nhau, TD-00056 lẫn giữa 8 loại khăn có màu sắc và cỡ khăn khác nhau, TD – 60018 lẫn giữa 4 loại khăn có màu sắc và cỡ khăn khác nhau. Hoặc có 10/72 mã khăn theo thiết kế hoàn toàn không còn trong số khăn của Công ty T đã được thẩm định. Tại ngày xét xử 12/10/2017, Công ty T đưa ra toàn bộ các tài liệu mới có các thiết kế khăn tương đối phù hợp với kích thước, màu sắc của lô khăn mà Tòa sơ thẩm đã tiến hành thẩm định tại chỗ. Đồng thời thay đổi toàn bộ giá thành khăn và thiệt hại xảy ra phù hợp với sự thay đổi về thiết kế khăn. Tuy nhiên, Công ty T đã không chứng minh được tại sao có sự thay đổi đối với cùng một loại tài liệu, chứng cứ mà trước đó đã cung cấp. Cụ thể, cùng có tên của 1 mã khăn nhưng có nhiều bản thiết kế khác nhau hoàn toàn về kích thước, màu sắc, quy cách, trọng lượng dẫn đến tình trạng số lượng tên mẫu khăn giữ nguyên là 72 nhưng thực tế sản xuất 157 kiểu khăn khác nhau. Một điều vô lý nữa là nhà sản xuất thì T phải biết rõ về chi phí sản xuất khăn nhưng ngay tại phiên tòa đã phải thay đổi về giá thành sản xuất khăn. Điều đó cho thấy những chứng cứ T cung cấp tại phiên tòa về các mẫu mã khăn hoàn toàn không có cơ sở để được chấp nhận.

Hai là: qua kết quả xem xét, thẩm định tại chỗ cho thấy rằng trọng lượng toàn thể số khăn hiện tại (đã được thẩm định tại chỗ) lớn hơn trọng lượng khăn ban đầu thế chấp, cùng với nguyên tắc là khăn bị hư hỏng do ẩm, mốc phải có trọng lượng lớn hơn khăn khô. Tuy nhiên, số liệu từng mã khăn quy đổi sau khi thẩm định cho thấy số lượng khăn hiện có của Công ty T không đồng nhất với chính số liệu kiểm đếm tháng 10/2012 mà Công ty T đã đưa ra. Cụ thể: nếu so với thiết kế ban đầu của Công ty T đưa ra thì có 30/72 mã khăn có số lượng hoặc trọng lượng giảm đi so với biên bản kiểm đếm; hoặc nếu so với thiết kế và tính toán mới của Công ty T thì vẫn có tới 32/72 mã khăn có trọng lượng giảm đi, tuy nhiên lại có những mã khăn tăng rất nhiều như mã TD00046 tăng trên 2 tấn khăn...

Đối với yêu cầu độc lập của ông Nguyễn Văn C và bà Trần Thị T4 yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu thì Ngân hàng K có quan điểm như sau:

Các văn bản Hợp đồng thế chấp tài sản của bên thứ ba, số công chứng 105, quyển số 10TP/CC - SCC/HĐGD ngày 18-01-2012 về việc thế chấp bất động sản là quyền sử dụng đất tại thửa đất số 99, tờ Bản đồ số 76, khu đô thị H, phường L, thành phố N, tỉnh Nam Định và Hợp đồng ủy quyền, số công chứng 106, quyển số 10TP/CC - SCC/HĐGD ngày 18-01-2012 giữa ông Nguyễn Văn C, bà Trần Thị T4 với Ngân hàng K - Chi nhánh Nam Định là sự thỏa thuận tự nguyện của các bên, nội dung Hợp đồng đã được các bên đồng ý và ký xác nhận. Thỏa thuận giữa các bên không vi phạm điều cấm của pháp luật. Các Hợp đồng cũng được Công chứng viên công chứng theo đúng trình tự của pháp luật.

Về nội dung các Hợp đồng thể hiện Ngân hàng K chỉ nhận thế chấp quyền sử dụng đất, không nhận thế chấp các công trình xây dựng trên đất vì mặc dù đã có đủ cơ sở xác định căn nhà thuộc sở hữu của ông C và bà T4 nhưng căn nhà chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ghi nhận trong GCNQSDĐ nên chưa đủ điều kiện để trở thành tài sản thế chấp.

Đối với việc Hợp đồng thế chấp có tên bên thế chấp là ông Nguyễn Văn C và bà Trần Thị T4 nhưng GCNQSDĐ chỉ có tên một mình bà Trần Thị T4, Ngân hàng K cho rằng ông Nguyễn Văn C là chồng bà T4, giữa ông C và bà T4 có quan hệ tài sản chung hợp nhất, việc ông C ký vào hợp đồng thế chấp không vi phạm điều cấm của pháp luật, cũng không ảnh hưởng hoặc hạn chế việc người được ghi tên trên GCNQSDĐ là bà Trần Thị T4 đã tự nguyện ký thế chấp toàn bộ quyền sử dụng đất để bảo đảm cho nghĩa vụ của Công ty T với Ngân hàng K.

Do vậy Ngân hàng K không chấp nhận yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu của ông Nguyễn Văn C và bà Trần Thị T4.

Tại đơn phản tố nộp ngày 19-11-2015và quá trình tham gia tố tụng tại Toà án, người đại diện theo ủy quyền của Công ty T là ông Trương Tiến H2 và bà Trần Thị T3 cùng với người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn là Luật sư Vũ Văn Đ2 trình bày: Giữa Ngân hàng Kvà Công ty T đã ký 03 Hợp đồng cung cấp hạn mức tín dụng và Hợp đồng cung cấp hạn mức mở thư tín dụng sau:

- Hợp đồng cung cấp hạn mức tín dụng số 844/HĐHMTD/TCB/NDH ngày 04-8-2011, hạn mức 14.000.000.000 đồng (mười bốn tỷ đồng), thời hạn giải ngân 12 tháng kể từ ngày ký, lãi suất quy định theo từng khế ước nhận nợ.

- Hợp đồng cung cấp hạn mức tín dụng số 989/HĐHMTD/TCB/NDHngày 13-01-2012, hạn mức 30.000.000.000 đồng (ba mươi tỷ đồng), thời hạn giải ngân 12 tháng kể từ ngày ký, lãi suất quy định theo từng khế ước nhận nợ.

- Hợp đồng cung cấp hạn mức mở thư tín dụng số 989/HĐHM- LC/TCB/NDHngày 13-01-2012, hạn mức 45.000.000.000 đồng (bốn mươi lăm tỷ đồng), thời hạn cung cấp hạn mức 12 tháng kể từ ngày ký.

Căn cứ các Hợp đồng cung cấp hạn mức tín dụng thì Công ty T đã nhiều lần có văn bản đề nghị Ngân hàng Kthực hiện giải ngân và ký khế ước nhận nợ. Cụ thể số tiền đã đề nghị giải ngân và ký khế ước nhận nợ là:

- Ngày 22-8-2011ký khế ước nhận nợ và cam kết trả nợ số 844.1với số tiền giải ngân là 731.000.000 đồng, thời hạn vay 04 tháng kể từ ngày giải ngân, lãi suất 21,55%/năm, lãi quá hạn bằng 150% lãi trong hạn.

- Ngày 23-12-2011 ký khế ước nhận nợ và cam kết trả nợ số 844.2với số tiền giải ngân là 560.000.000 đồng, thời hạn vay 04 tháng kể từ ngày giải ngân, lãi suất 20,05%/năm, lãi quá hạn bằng 150% lãi trong hạn.

- Ngày 18-01-2012 ký khế ước nhận nợ và cam kết trả nợ số 844.3 với số tiền giải ngân là 4.947.095.491đồng, thời hạn vay 04 tháng kể từ ngày giải ngân, lãi suất 20,05%/năm, lãi quá hạn bằng 150% lãi trong hạn.

- Ngày 30-01-2012 ký khế ước nhận nợ và cam kết trả nợ số 844.4 với số tiền giải ngân là 1.306.030.944 đồng, thời hạn vay 04 tháng kể từ ngày giải ngân, lãi suất 20,05%/năm, lãi quá hạn bằng 150% lãi trong hạn.

- Ngày 02-02-2012 ký khế ước nhận nợ và cam kết trả nợ số 844.5 với số tiền giải ngân là 91.897 USD, thời hạn vay 04 tháng kể từ ngày giải ngân, lãi suất 7,1%/năm, lãi quá hạn bằng 150% lãi trong hạn.

- Ngày 23-02-2012 ký khế ước nhận nợ và cam kết trả nợ số 844.6 với số tiền giải ngân là 167.055,3 USD, thời hạn vay 04 tháng kể từ ngày giải ngân, lãi suất 7,2%/năm, lãi quá hạn bằng 150% lãi trong hạn.

- Ngày 28-02-2012 ký khế ước nhận nợ và cam kết trả nợ số 844.7 với số tiền giải ngân là 2.000.000.000 đồng, thời hạn vay 04 tháng kể từ ngày giải ngân, lãi suất 20,2%/năm, lãi quá hạn bằng 150% lãi trong hạn.

- Ngày 01-3-2012 ký khế ước nhận nợ và cam kết trả nợ số 844.8 với số tiền giải ngân là 1.000.000.000 đồng, thời hạn vay 04 tháng kể từ ngày giải ngân, lãi suất 20,2%/năm, lãi quá hạn bằng 150% lãi trong hạn.

- Ngày 19-3-2012 ký khế ước nhận nợ và cam kết trả nợ số 844.9 với số tiền giải ngân là 700.000.000 đồng, thời hạn vay 04 tháng kể từ ngày giải ngân, lãi suất 20,1%/năm, lãi quá hạn bằng 150% lãi trong hạn.

- Ngày 21-3-2012 ký khế ước nhận nợ và cam kết trả nợ 844.10 với số tiền giải ngân là 4.050.000.000 đồng, thời hạn vay 04 tháng kể từ ngày giải ngân, lãi suất 20,1%/năm, lãi quá hạn bằng 150% lãi trong hạn.

- Ngày 23-4-2012 ký khế ước nhận nợ và cam kết trả nợ số 844.11 với số tiền giải ngân là 557.184.683 đồng, thời hạn vay 04 tháng kể từ ngày giải ngân, lãi suất 19,65%/năm, lãi quá hạn bằng 150% lãi trong hạn.

Mặc dù đã ký các Hợp đồng tín dụng và khế ước nhận nợ, tuy nhiên hiện tại Công ty T cũng chưa xác định được chính xác số tiền đã được Ngân hàng K giải ngân. Công ty T cũng đã nhiều lần trả nợ gốc cho Ngân hàng K với tổng số tiền là 5.815.047.578 đồng.

Căn cứ Hợp đồng cung cấp hạn mức mở thư tín dụng thì Ngân hàng K cũng đã Thanh toán LC nhiều lần cho Công ty T. Trong đó có lần giải ngân bắt buộc đối với LC số TF120670105301/NDH ngày 19-10-2012, số tiền giải ngân là 162.847 USD, lãi nhận nợ vay bắt buộc bằng 150% lãi suất cho vay trong hạn áp dụng theo từng thời kỳ. Cụ thể lãi suất đối với LC số TF120670105301/NDH là12%/năm.

Trong quá trình thực hiện các Hợp đồng tín dụng, ngày 16-10-2012 giữa Ngân hàng K và Công ty T có thương lượng giải quyết về phương án trả nợ. Tuy nhiên, sau đó Ngân hàng K đã vi phạm, không thực hiện thỏa thuận giữa hai bên, làm đổ vỡ phương án trả nợ của Công ty T. Công ty T đã nhiều lần gửi công văn yêu cầu nhưng không được trả lời thỏa đáng cũng như nhận được sự hợp tác của Ngân hàng K. Do vậy, từ tháng 01-2013 Công ty T đã gửi nhiều văn bản thông báo tạm ngừng thực hiện nghĩa vụ trả nợ, tạm ngừng thực hiện tất cả các nghĩa vụ đối với Ngân hàng K.

Đối với các tranh chấp Hợp đồng tín dụng, Công ty T cho rằng ông Nguyễn Văn C không có thẩm quyền để ký các Hợp đồng tín dụng, các điều kiện giải ngân của Công ty T chưa đủ để được giải ngân, cũng chưa đủ tài liệu chứng cứ thể hiện Công ty T đã được giải ngân đủ số tiền mà Ngân hàng K đang đòi nợ. Do vậy Công ty T yêu cầu Tòa án hủy các Hợp đồng tín dụng được ký giữa các bên.

Để đảm bảo cho 3 Hợp đồng cung cấp hạn mức tín dụng và Hợp đồng cung cấp hạn mức mở thư tín dụng thì giữa Ngân hàng K và Công ty T đã ký kết 3 Hợp đồng thế chấp sau:

- Hợp đồng thế chấp tài sản của bên thứ 3 số 844/2011/HĐTC-BĐS/TCB- NĐ ngày 04-8-2011.Nội dung thế chấp tài sản: Quyền sử dụng 61,8m2 đất thuộc thửa đất số 156 tờ Bản đồ số 16 tại địa chỉ: Số 4/3 đường G, phường T, thành phố N của ông Trần Tiến T7 và bà Đào Thị N. Hợp đồng này đã được Ngân hàng K giải chấp xong.

- Hợp đồng thế chấp số 951/2011/HĐTC-ĐS/TCB ngày 06-12-2011và Phụ lục hợp đồng số 951.1 ngày 23-02-2012. Các tài sản thế chấp là: Bông nguyên: 188.160kg, đơn giá 42.500 đồng/kg, thành tiền 7.996.800.000 đồng. Sợi 20/1: 190.360kg, đơn giá 77.000 đồng/kg, thành tiền 14.657.720.000 đồng. Sợi 16/1: 122.465kg, đơn giá 70.400 đồng/kg, thành tiền 8.621.536.000 đồng. Tổng giá trị tài sản thế chấp là 31.276.056.000 đồng. Giá trị làm tròn là 31.000.000.000 đồng. Trên cơ sở giá trị định giá, Ngân hàng K sẽ cho vay tối đa là 15.000.000.000 đồng.

Để có cơ sở ký Hợp đồng và Phụ lục Hợp đồng nêu trên, ngày 22-02-2012 giữa Ngân hàng K và Công ty T đã ký Biên bản kiểm tra và định giá tài sản đảm bảo đối với tài sản thế chấp, xác định phù hợp với các nội dung của Hợp đồng thế chấp số 951/2011/HĐTC-ĐS/TCB ngày 06-12-2011và Phụ lục Hợp đồng số 951.1 ngày 23-02-2012.

Hợp đồng và Phụ lục Hợp đồng nêu trên đảm bảo cho toàn bộ nghĩa vụ của Công ty T với Ngân hàng K.

- Hợp đồng thế chấp tài sản của bên thứ 3, số công chứng 105 quyển số 10/TP/CC-SCC/HĐGD ngày 18-01-2012 tại Phòng Công chứng A tỉnh Nam Định. Nội dung thế chấp tài sản là quyền sử dụng 315,25m2 đất thuộc thửa đất số 99 tờ Bản đồ số 76 tại địa chỉ: Khu đô thị H, phường L, thành phố N, tỉnh Nam Định của bà Trần Thị T4. Giá trị xác định để thế chấp là 13.555.755.000 đồng. Hợp đồng đảm bảo cho toàn bộ nghĩa vụ của Công ty T với Ngân hàng K. Giá trị cho vay trên cơ sở định giá đối với tài sản này là 8.133.450.000 đồng.

- Hợp đồng thế chấp số 1066/2012/HĐTC-ĐS/TCB ngày 16-6-2012. Tài sản thế chấp là 3.500.000 (ba triệu năm trăm nghìn) chiếc khăn do Công ty T sản xuất. Tài sản thế chấp chưa được xác định giá cụ thể trong Hợp đồng thế chấp. Tài sản thế chấp để đảm bảo cho Hợp đồng cung cấp hạn mức tín dụng số 989/HĐHMTD/TCB/NDH, Hợp đồng cung cấp hạn mức mở thư tín dụng số 989/HĐHM-LC/TCB/NDH và các nghĩa vụ khác của Công ty T đối với Ngân hàng K.

Theo Biên bản kiểm tra và định giá tài sản đảm bảo ngày 14-6-2012 thì 3.500.000 (ba triệu năm trăm nghìn) chiếc khăn của Công ty T có giá trung bình 6.612đồng/01 chiếc khăn. Tổng giá trị làm tròn là 23.000.000.000 đồng. Cũng tại biên bản này xác định giá trị cho vay tối đa là 50%, tương ứng với số tiền 11.500.000.000 đồng.

Ngày 16-10-2012 Công ty T và Ngân hàng K đã có biên bản làm việc về phương án trả nợ. Hai bên đã thỏa thuận cụ thể như sau:

- Công ty T bàn giao tài sản đảm bảo là khăn thành phẩm trị giá 26 tỷ đồng để Ngân hàng K kiểm soát trước ngày 22-10-2012.

- Sau khi đã bàn giao cho Ngân hàng K số khăn thành phẩm trị giá 26.000.000.000 đồng, Công ty T sẽ trả Ngân hàng K số tiền 8.150.000.000 đồng trong tháng 10-2012 và rút tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất của ông Nguyễn Văn C và bà Trần Thị T4.

- Công ty T Thanh toán toàn bộ số nợ cho Ngân hàng K trong tháng 11- 2012.

Từ ngày 20-10-2012 đến ngày 23-10-2012 Công ty T cùng với nhân viên của Ngân hàng K đã tiến hành kiểm đếm chi tiết và ghi nhận số hàng hóa mà Công ty T hiện có để thế chấp cho Ngân hàng K. Sau đó Công ty T cũng đã gửi cho Ngân hàng K bản đánh giá toàn bộ giá trị tài sản là khăn thành phẩm. Tuy nhiên, cho đến nay Ngân hàng K vẫn chưa đưa ra ý kiến đánh giá về giá trị tài sản đã được kiểm đếm để Công ty T thực hiện việc thế chấp. Ngân hàng K cũng không tiếp tục thực hiện các nội dung đã thỏa thuận tại biên bản làm việc ngày 16-10- 2012 dẫn đến phương án trả nợ của Công ty T bị đổ vỡ.

Công ty T đã rất nhiều lần gửi công văn yêu cầu Ngân hàng K tiếp tục thực hiện thỏa thuận của hai bên, thông báo tình trạng hàng hóa xuống cấp và yêu cầu được bán tài sản, nhưng Ngân hàng K cũng không đưa ra giá bán để Công ty T bán số khăn đã kiểm đếm. Số khăn thành phẩm đã được kiểm đếm trị giá 43.744.225.974 đồng phải cất giữ trong thời gian quá dài đã dẫn đến hầu như toàn bộ số khăn đã bị mục nát, hư hỏng, lạc hậu về mẫu mã. Thiệt hại thực tế của lô khăn tính đến thời điểm xét xử sơ thẩm là 43.589.218.976 đồng.

Đối với thiệt hại thực tế đã xảy ra, Công ty T yêu cầu Tòa án buộc Ngân hàng K phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại tương ứng với tỷ lệ 80% lỗi của Ngân hàng K là 34.871.375.180 đồng. Ngoài ra, còn yêu cầu Ngân hàng K phải bồi thường các chi phí phát sinh khác bao gồm: Tiền lưu kho từ tháng 01-2013 đến tháng 9-2017 là 570.000.000 đồng; tiền phục vụ công tác thẩm định tài sản là 232.468.500 đồng; tiền xử lý rác thải đối với số khăn đã hỏng là 1.073.125.395 đồng.Tổng cộng, Công ty T yêu cầu Ngân hàng K phải bồi thường thiệt hại số tiền 36.746.969.075 đồng.

Tại phiên toà sơ thẩm ngày 12-10-2017 Công ty T có đơn yêu cầu bổ sung đơn phản tố, xác định lại thiệt hại bao gồm các khoản: Thiệt hại toàn bộ số khăn là hàng hóa được Công ty T và Ngân hàng K kiểm đếm từ ngày 20-10-2012 đến 23- 10-2012 có giá trị 44.668.011.108 đồng; số tiền lãi lẽ ra Công ty T được hưởng là 1.700.493.063 đồng; tiền lưu kho từ tháng 01-2013 đến tháng 10-2017 là 570.000.000 đồng; tiền phục vụ công tác thẩm định tài sản là 232.468.500 đồng; tiền xử lý rác thải đối với số khăn đã hỏng là 1.073.125.395 đồng; tiền lãi lẽ ra không phải trả cho Ngân hàng K từ ngày 01-01-2013 là 16.673.316.701 đồng; tiền lãi phải trả cho Ngân hàng thương mại cổ phần Đ.Tổng cộng, Công ty T yêu cầu Ngân hàng K phải chịu 100% lỗi và phải bồi thường thiệt hại số tiền 70.835.105.842 đồng. Ngoài ra, còn có các yêu cầu khác là Công ty T không phải trả lãi cho Ngân hàng K trong thời gian tạm ngừng thực hiện các Hợp đồng. Công ty T được đối trừ nghĩa vụ trả nợ khi đến hạn đối với nghĩa vụ mà Ngân hàng K phải bồi thường; buộc Ngân hàng K tiếp tục thực hiện thỏa thuận ngày 16-10- 2012; không chấp nhận xử lý tài sản thế chấp khi Ngân hàng K không thực hiện thỏa thuận ngày 16-10-2012.

Để đảm bảo cho nghĩa vụ của Công ty T với Ngân hàng K, ông Nguyễn Văn C và bà Trần Thị T4 có ký Hợp đồng thế chấp tài sản của bên thứ 3, số công chứng 105, quyển số 10/TP/CC-SCC/HĐGD ngày 18-01-2012 và Hợp đồng ủy quyền, số công chứng 106, quyển số 10/TP/CC-SCC/HĐGD ngày 18-01-2012 tại Phòng Công chứng A tỉnh Nam Định. Nội dung thế chấp tài sản “Quyền sử dụng  315,25m2 đất thuộc thửa đất số 99 tờ Bản đồ số 76” tại địa chỉ: Khu đô thị H, phường L, thành phố N mang tên bà Trần Thị T4. Tuy nhiên, ngay từ thời điểm thế chấp thì trên thửa đất đã có ngôi nhà 3 tầng 1 mái do bà Trần Thị X1 bỏ tiền ra xây dựng từ năm 2010, Ngân hàng K đã thẩm định và biết có tài sản trên đất. Đồng thời việc công chứng các Hợp đồng đã không đảm bảo các quy trình của pháp luật do ông C và bà T4 không ký Hợp đồng tại Phòng công chứng, không đọc các Điều khoản trước khi ký Hợp đồng, Hợp đồng có những mục bỏ trống sau đó được viết bằng tay, họ tên người đại diện cho Ngân hàng K bị sửa chữa và đóng dấu Chi nhánh Ngân hàng K chứ không phải do Công chứng viên thực hiện việc sửa chữa sai sót của hợp đồng, Công chứng viên không ký vào tất cả các trang của hợp đồng. Do vậy, Công ty T đề nghị Tòa án tuyên bố các Hợp đồng thế chấp tài sản và Hợp đồng ủy quyền ngày 18-01-2012 vô hiệu.

Tại văn bản số 24131/2016/CV-TCB ngày 31-10-2016 và quá trình tham gia tố tụng tại Toà án, ông Nguyễn Mạnh H và bà Vũ Thị T là người đại diện theo ủy quyền của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Công ty A trình bày: Ngày 17-2012 Công ty A đã ký Hợp đồng dịch vụ quản lý tài sản đảm bảo số 12BA0112/QLTSBĐ-KH với Công ty T và Ngân hàng K. Các nội dung chính của hợp đồng dịch vụ như sau:

Tài sản đảm bảo: Khăn thành phẩm, bông nguyên liệu, sợi thành phẩm. Tài sản đảm bảo được giữ trong kho của Công ty T, có sự tham gia giám sát của Công ty A.

Nội dung dịch vụ: Kiểm tra số lượng, chủng loại của tài sản đảm bảo; ghi chép sổ sách về xuất, nhập tài sản theo phương án quản lý tài sản; phát hành chứng thư kiểm tra về số lượng, chủng loại tài sản đảm bảo; trông giữ, ngăn chặn những hành vi tự ý lấy hàng, trộm cắp hàng; kịp thời thông báo cho các bên sử dụng dịch vụ những diễn biến bất thường có nguy cơ làm ảnh hưởng tới tài sản đảm bảo.

Thời hạn cung cấp dịch vụ: 12 tháng kể từ ngày tài sản đảm bảo được giao cho Công ty A quản lý

Ngay sau ký Hợp đồng, ngày 17-5-2012 các bên đã tiến hành bàn giao tài sản theo hợp đồng dịch vụ quản lý tài sản đảm bảo. Ngày 01-7-2012 Công ty A đã ký Phụ lục 01-B với Công ty K kèm theo Hợp đồng nguyên tắc số 138/KA- A/2012/HĐDV ngày 19-4-2012 với thỏa thuận thuê Công ty K thực hiện việc quản lý kho hàng của Công ty T.

Thời gian đầu Công ty T vẫn cho đơn vị bảo vệ tiếp quản kho hàng và thực hiện công việc theo hợp đồng dịch vụ. Đến ngày 05-7-2012 các bên đã tiến hành kiểm kê tài sản đảm bảo và xác nhận vẫn đảm bảo số lượng khăn thành phẩm 3.500.000 chiếc. Sau đó Công ty T gặp khó khăn không đảm bảo được số lượng hàng trong kho theo Hợp đồng thế chấp. Công ty A đã yêu cầu Công ty T phải đảm bảo số lượng hàng thế chấp. Từ khoảng tháng 9-2012 Công ty T bắt đầu cản trở tổ bảo vệ, không cho tiếp cận kho hàng, có lúc không cho bảo vệ vào trong khu vực

Công ty. Vì vậy, nhân viên bảo vệ kho hàng của Công ty A và Công ty K không thực hiện được việc quản lý kho hàng thế chấp của Công ty T theo Hợp đồng dịch vụ được ký giữa các bên.

Từ tháng 01-2013 nhân viên Công ty A và các đơn vị trực tiếp thực hiện bảo vệ đã nhiều lần lập biên bản về việc bị Công ty T cản trở không cho tiếp cận kho hàng, xe hàng tự do ra vào kho của Công ty T mà đơn vị bảo vệ không ngăn cản được. Ngày 28-01-2013 Công ty A+ (đơn vị trực tiếp nhận quản lý kho hàng) đã có văn bản gửi Phòng An ninh kinh tế - Công an tỉnh Nam Định thông báo sự việc và đề nghị cơ quan công an hỗ trợ. Vì Công ty T đã vi phạm Hợp đồng dịch vụ quản lý tài sản đảm bảo tại kho hàng, cũng không Thanh toán phí quản lý tài sản nên Công ty A đã chấm dứt việc thực hiện Hợp đồng.

Công ty A cho rằng yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại của Công ty T là không có cơ sở vì:

Theo khoản 1 Điều 348 Bộ luật Dân sự năm 2005 thì Công ty T là bên thế chấp tài sản có nghĩa vụ bảo quản, giữ gìn tài sản,được quyền bán, thay thế tài sản thế chấp vì tài sản đó là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất kinh doanh...

Số hàng hóa là khăn thành phẩm được kiểm đếm chỉ là hàng hóa chuẩn bị thế chấp cho Ngân hàng Kchứ chưa phải hàng hóa đã thế chấp theo Hợp đồng thế chấp số 1066/2012/HĐTC-ĐS/TCB ngày 16-6-2012. Việc quản lý, sử dụng, định đoạt toàn bộ số hàng hóa này cũng như trách nhiệm quản lý, bảo quản hàng hóa thuộc về Công ty T.

Công ty A đã hoàn toàn không còn thực hiện được dịch vụ quản lý tài sản đảm bảo từ đầu năm 2013.

Vì vậy Công ty A đề nghị Tòa án không chấp nhận yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại của Công ty T.

Tại văn bản số 0855/2017/CV-KA ngày 29-8-2017 và quá trình tham gia tố tụng tại Toà án bà Nguyễn Thị T7 và ông Hoàng Đức H1 là người đại diện theo ủy quyền của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Công ty K trình bày:

Trên cơ sở Hợp đồng nguyên tắc cung cấp dịch vụ bảo vệ tài sản đảm bảo số 138/KA-A/2012/HĐDV ký ngày 19-4-2012 giữa Công ty K A và Công ty K, ngày 01-7-2012 hai bên đã ký Phụ lục 01-B với nội dung Công ty A thỏa thuận thuê Công ty K thực hiện việc bảo vệ kho hàng của Công ty T thế chấp cho Ngân hàng K. Hàng hóa mà Công ty K nhận bảo vệ là kho hàng khăn thành phẩm, để tại phân xưởng hoàn thành của Công ty T, được thế chấp theo Hợp đồng thế chấp số 1066/2012/HĐTC-ĐS/TCB ngày 16-6-2012.

Từ ngày 05-7-2012 Công ty K bắt đầu thực hiện việc bảo vệ tài sản đảm bảo tại kho hàng. Tuy nhiên, phía Công ty T đã cản trở, gây khó khăn, hạn chế việc nhân viên bảo vệ của Công ty K tiếp cận kho chứa tài sản thế chấp. Các nhân viên của Công ty K chỉ giám sát từ ngoài hàng rào của Công ty T, ghi nhận việc xe Container ra vào để xuất nhập hàng, lập biên bản và chụp ảnh để thông báo cho Ngân hàng K và Công ty A. Do bị Công ty T liên tục cản trở việc thực hiện dịch vụ bảo vệ và biết rằng Công ty T sẽ không Thanh toán phí quản lý tài sản đảm bảo nên Công ty K đã dừng thực hiện việc giám sát kho hàng theo thông báo của Công ty A.

Tại công văn số 013306/2017/CV-LA+ ngày 29-8-2017 Công ty LA+trình bày: Do sự việc xảy ra đã lâu, các nhân viên liên quan đã nghỉ việc, Công ty cũng chưa tìm thấy các tài liệu liên quan đến vụ việc tranh chấp nên không có quan điểm gì và đề nghị Tòa án giải quyết tranh chấp theo quy định của pháp luật.

Tại đơn yêu cầu độc lập và quá trình tham gia tố tụng tại Toà án ông Trương Tiến H2 và bà Trần Thị T3 là những người đại diện cho ông Nguyễn Văn C và bà Trần Thị T4 là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án trình bày:Ngày 10-12-2011 ông Nguyễn Văn C và bà Trần Thị T4 đồng ý dùng tài sản của mình là quyền sử dụng 315,25m2 đất tại thửa đất số 99, tờ Bản đồ số 76, Khu đô thị H, phường L, thành phố N, tỉnh Nam Định thế chấp để bảo lãnh cho nghĩa vụ của Công ty T tại Ngân hàng K. Tài sản thế chấp không bao gồm các công trình xây dựng trên đất và được định giá là 13.555.750.000 đồng. Trên cơ sở định giá, Ngân hàng Ksẽ cho Công ty T vay 8.133.150.000 đồng.

Ngày 18-01-2012 có một người xưng là Trịnh Quang Dũng, cán bộ của Ngân hàng K đã đến nhà, đưa cho ông C, bà T4 01 bản Hợp đồng thế chấp tài sản của bên thứ 3và một Hợp đồng ủy quyền và yêu cầu ký xác nhận. Mặc dù không đọc các Hợp đồng nói trên nhưng ông C và bà T4 vẫn ký xác nhận và giao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bản sao hộ khẩu và bản sao chứng minh nhân dân cho cán bộ của Ngân hàng K. Các thủ tục công chứng Hợp đồng, đăng ký giao dịch bảo đảm đối với thửa đất thì ông C và bà T4 không tham gia và không biết gì.

Nay ông C và bà T4 yêu cầu Tòa án tuyên bố các Hợp đồng thế chấp tài sản ngày 18-01-2012 và Hợp đồng ủy quyền ngày 18-01-2012, được công chứng tại Phòng Công chứng A tỉnh Nam Định vô hiệu vì không được ký tại Phòng Công chứng. Ông C và bà T4 ký Hợp đồng trong tình trạng không đọc và hiểu rõ các Điều khoản của Hợp đồng, tài sản thế chấp trước đó đã được ông C làm thủ tục tặng cho bà T4, trên tài sản thế chấp còn có ngôi nhà do bà Trần Thị X1bỏ tiền ra xây dựng.

Tại bản tự khai và quá trình tham gia tố tụng tại Toà án ông Trương Tiến H2 và bà Trần Thị T3 là những người đại diện cho người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà Trần Thị X1 trình bày: Vào thời điểm năm 2009 bà Trần Thị X1 là chị gái của bà Trần Thị T4 đã đầu tư khoảng 4.000.000.000 đồng để xây dựng căn nhà trên thửa đất tại địa chỉ: Số 68 đường Đ, Khu đô thị H, phường L, thành phố N, tỉnh Nam Định của ông Nguyễn Văn C và bà Trần Thị T4. Bà X1 đồng ý để cho bà T4 sử dụng ngôi nhà và hàng tháng bà T4 phải trả cho bà X1 50.000.000 đồng. Khi ông C và bà T4 ký Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất thì bà X1 không biết và không được tham gia. Bà X1 cho rằng Ngân hàng K đã gây ra thiệt hại lớn hơn số tiền Công ty T đã vay, việc thế chấp thửa đất giữa ông C và bà T4 với Ngân hàng K là vi phạm pháp luật, đề nghị Tòa án tuyên bố Hợp đồng thế chấp tài sản ngày 18-01-2012 vô hiệu và không xử lý tài sản đảm bảo là nhà đất tại địa chỉ: Số 68 đường Đ, Khu đô thị H, phường L, thành phố N, tỉnh Nam Định.

Tại bản tự khai và quá trình tham gia tố tụng tại Toà án ông Trương Tiến H2 và bà Trần Thị T3 là những người đại diện cho người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là chị Nguyễn Diệu T5 trình bày: Chị Nguyễn Diệu T5 là con gái của ông Nguyễn Văn C và bà Trần Thị T4. Ngôi nhà số 68 đường Đ, Khu đô thị H, phường L, thành phố N, tỉnh Nam Định là nơi ở duy nhất của gia đình chị sinh sống. GCNQSDĐ của ngôi nhà đã mất từ khoảng năm 2010 nên không thể có giấy tờ chứng minh quyền sở hữu tài sản để thực hiện việc thế chấp tài sản. Do vậy chị T5 nghi ngờ GCNQSDĐ số AP330350 là giả mạo. Chị đề nghị Tòa án tuyên bố Hợp đồng thế chấp tài sản là bất động sản ngày 18-01-2012 vô hiệu.

Quá trình tham gia tố tụng, bà Phan Thanh H3 người đại diện theo pháp luật của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Phòng Công chứng A tỉnh Nam Định trình bày: Qua kiểm tra hồ sơ được lưu trữ tại Phòng Công chứng A tỉnh Nam Định thì các Hợp đồng thế chấp tài sản của bên thứ ba, số công chứng 105, quyển số 10/TP-SCC/HĐGD ngày 18-01-2012 và Hợp đồng ủy quyền, số công chứng 106, quyển số 10/TP-SCC/HĐGD ngày 18-01-2012 được ký giữa ông Nguyễn Văn C, bà Trần Thị T4 và Ngân hàng K chi nhánh Nam Định. Các hợp đồng nói trên do Công chứng viên Cù Đức T6 thực hiện. Việc công chứng đã đảm bảo đúng thủ tục chung về công chứng Hợp đồng, giao dịch theo quy định của Luật Công chứng năm 2006. Do đó, Phòng Công chứng A tỉnh Nam Định không đồng ý với yêu cầu Tòa án tuyên bố các Hợp đồng công chứng vô hiệu của ông Nguyễn Văn C và bà Trần Thị T4.

Quá trình tham gia tố tụng, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là ông Cù Đức T6 trình bày: Trước ngày 15-5-2013 ông là Công chứng viên thuộc Phòng Công chứng A tỉnh Nam Định. Ngày 18-01-2012 ông đã thực hiện việc công chứng các Hợp đồng thế chấp tài sản của bên thứ ba, số công chứng 105, quyển số 10TP/CC - SCC/HĐGD ngày 18-01-2012 về việc thế chấp bất động sản đối với thửa đất số 99, tờ Bản đồ số 76, Khu đô thị H, phường L, thành phố N, tỉnh Nam Định và Hợp đồng ủy quyền, số công chứng 106, quyển số 10TP/CC - SCC/HĐGD ngày 18-01-2012 giữa ông Nguyễn Văn C, bà Trần Thị T4 với Ngân hàng K- Chi nhánh Nam Định. Khi thực hiện công chứng các Hợp đồng nói trên thì ông đã thực hiện đầy đủ các trình tự, thủ tục công chứng theo quy định của pháp luật. Ông xác định những nội dung trình bày của ông Nguyễn Văn C và bà Trần Thị T4 là không có căn cứ, đề nghị Tòa án không chấp nhận yêu cầu hủy các

Hợp đồng đã được công chứng của ông Nguyễn Văn C và bà Trần Thị T4.

Từ nội dung trên, Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 20/2017/KDTM-ST ngày 13 tháng 10 năm 2017 của Tòa án nhân dân thành phố  Nđã quyết định:

Căn cứ các Điều 342, 348, 355, 361, 362, 402, 474, 716 Bộ luật Dân sự năm 2005; khoản 1 Điều 325 Bộ luật Dân sự năm 2015; Điều 91 Luật các Tổ chức tín dụng năm 2010; Điều 91 Luật nhà ở năm 2005; Điều 35 Luật Công chứng năm 2006; Án lệ số 08/2016/AL công bố theo Quyết định số 698/QĐ-CA ngày 17-10- 2016 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; các Điều 147, 227 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015; Điều 27 Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án,

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng K;

Buộc Công ty cổ phần T phải trả nợ cho Ngân hàng K theo các Hợp đồng cung cấp hạn mức tín dụng số 989/HĐHMTD/TCB/NDH ngày 13-01-2012 và Hợp đồng cung cấp hạn mức mở thư tín dụng số 989/HĐHM-LC/TCB/NDH ngày 13- 01-2012. Các khoản nợ tính đến hết ngày tuyên án sơ thẩm 13-10-2017 cụ thể như sau:  

- Số tiền nợ gốc quá hạn Việt Nam đồng là: 11.448.473.321 đồng (mười một tỷ bốn trăm bốn mươi tám triệu bốn trăm bảy mươi ba nghìn ba trăm hai mươi mốt đồng).

- Số tiền nợ gốc quá hạn ngoại tệ là: 421.178,84 USD (bốn trăm hai mươi mốt nghìn một trăm bảy mươi tám phẩy tám mươi tư Đô-la Mỹ).

- Số tiền lãi trong hạn là: 214.249.428 đồng (hai trăm mười bốn triệu hai trăm bốn mươi chín nghìn bốn trăm hai mươi tám đồng).

- Số tiền lãi quá hạn Việt Nam đồng là: 13.095.315.308 đồng (mười ba tỷ không trăm chín mươi lăm triệu ba trăm mười lăm nghìn ba trăm lẻ tám đồng).

- Số tiền lãi quá hạn ngoại tệ là: 246.785,51 USD (hai trăm bốn mươi sáu nghìn bảy trăm tám mươi lăm phẩy năm mươi mốt Đô-la Mỹ).

Tổng cộng số tiền nợ mà Công ty T phải trả cho Ngân hàng K tính đến hết ngày 13-10-2017 là 24.758.038.057 đồng (hai mươi tư tỷ bảy trăm năm mươi tám triệu không trăm ba mươi tám nghìn không trăm năm mươi bảy đồng) và USD (sáu trăm sáu mươi bảy nghìn chín trăm sáu mươi tư phẩy ba mươi lăm Đô-la Mỹ).

Trong trường hợp Công ty T không thể Thanh toán một lần hết các khoản nợ thì số tiền trả nợ thực tế của Công ty T sẽ được xác định thứ tự Thanh toán cho các khoản nợ lần lượt như sau: Nợ lãi quá hạn, nợ gốc quá hạn, lãi vay trong hạn, nợ gốc trong hạn.

2. Kể từ ngày tiếp theo của ngày tuyên án sơ thẩm (tức là ngày 14-10-2017), hàng tháng Công ty cổ phần T còn phải chịu khoản tiền lãi quá hạn của số tiền nợ gốc chưa thanh toán theo mức lãi suất đã thỏa thuận tại các Hợp đồng tín dụng và khế ước nhận nợ cho đến khi thanh toán xong số tiền nợ gốc. Cụ thể như sau:

- Khế ước nhận nợ và cam kết trả nợ số 844.3 ngày 18-01-2012: Số tiền nợ gốc chưa thanh toán 3.418.613.265 đồng, lãi suất trong hạn 20,05%/năm, lãi suất quá hạn bằng 150% lãi suất trong hạn;

- Khế ước nhận nợ và cam kết trả nợ số 844.4 ngày 30-01-2012: Số tiền nợ gốc chưa thanh toán 317.373.955 đồng, lãi suất trong hạn 20,05%/năm, lãi suất quá hạn bằng 150% lãi suất trong hạn;

- Khế ước nhận nợ và cam kết trả nợ số 844.5 ngày 02-02-2012: Số tiền nợ gốc chưa thanh toán 91.278,28 USD, lãi suất trong hạn 7,1%/năm, lãi suất quá hạn bằng 150% lãi suất trong hạn;

- Khế ước nhận nợ và cam kết trả nợ số 844.6 ngày 23-02-2012: Số tiền nợ gốc chưa thanh toán 167.053,56 USD, lãi suất trong hạn 7,2%/năm, lãi suất quá hạn bằng 150% lãi suất trong hạn;

- Khế ước nhận nợ và cam kết trả nợ số 844.7 ngày 28-02-2012: Số tiền nợ gốc chưa thanh toán 1.405.301.418 đồng, lãi suất trong hạn 20,2%/năm, lãi suất quá hạn bằng 150% lãi suất trong hạn;

- Khế ước nhận nợ và cam kết trả nợ số 844.8 ngày 01-3-2012: Số tiền nợ gốc chưa thanh toán 1.000.000.000 đồng, lãi suất trong hạn 20,2%/năm, lãi suất quá hạn bằng 150% lãi suất trong hạn;

- Khế ước nhận nợ và cam kết trả nợ số 844.9 ngày 19-3-2012: Số tiền nợ gốc chưa thanh toán 700.000.000 đồng, lãi suất trong hạn 20,1%/năm, lãi suất quá hạn bằng 150% lãi suất trong hạn;

- Khế ước nhận nợ và cam kết trả nợ số 844.10 ngày 19-3-2012: Số tiền nợ gốc chưa thanh toán 4.050.000.000 đồng, lãi suất trong hạn 20,1%/năm, lãi suất quá hạn bằng 150% lãi suất trong hạn;

- Khế ước nhận nợ và cam kết trả nợ số 844.11 ngày 23-4-2012: Số tiền nợ gốc chưa thanh toán 557.184.683 đồng, lãi suất trong hạn 19,65%/năm, lãi suất quá hạn bằng 150% lãi suất trong hạn;

- Khoản phát vay bắt buộc ngày 19-10-2012 để giải ngân Thanh toán LC số TF120670105301/NDH: Số nợ gốc chưa thanh toán 162.847 USD, lãi suất quá hạn bằng 12%/năm;

3. Không chấp nhận yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại của Công ty cổ phần T đối với Ngân hàng K;

4. Không chấp nhận yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu của ông Nguyễn Văn C và bà Trần Thị T4 đối với các văn bản là Hợp đồng thế chấp tài sản của bên thứ ba, số công chứng 105, quyển số 10TP/CC - SCC/HĐGD ngày 18-01- 2012 tại Phòng Công chứng A tỉnh Nam Định và Hợp đồng ủy quyền, số công chứng 106, quyển số 10TP/CC - SCC/HĐGD ngày 18-01-2012 tại Phòng Công chứng A tỉnh Nam Định;

5. Xử lý tài sản đảm bảo:

Trong trường hợp Công ty cổ phần T không thực hiện nghĩa vụ trả toàn bộ số tiền nợ gốc, lãi trong hạn, lãi quá hạn thì Ngân hàng K có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án có thẩm quyền xử lý phát mại các tài sản đảm bảo theo quy định của pháp luật để thu hồi toàn bộ các khoản nợ.

Các tài sản đảm bảo cụ thể như sau:

- Tài sản đảm bảo theo Hợp đồng thế chấp tài sản số 951/2011/HĐTC-ĐS/TCB ngày 06-12-2011 và Phụ lục hợp đồng số 951.1 ngày 23-02-2012 là bông và sợi. Cụ thể: Bông nguyên là 188.160 kg (một trăm tám mươi tám nghìn một trăm sáu mươi kilogam); sợi 20/1 là 190.360 kg (một trăm chín mươi nghìn ba trăm sáu mươi kilogam), sợi 16/1 là 122.465 kg (một trăm hai mươi hai nghìn bốn trăm sáu mươi lăm kilogam);

- Tài sản đảm bảo theo Hợp đồng thế chấp tài sản số 1066/2012/HĐTC-ĐS/TCB ngày 16-6-2012 là hàng luân chuyển trong quá trình sản xuất kinh doanh, bao gồm 3.500.000 (ba triệu năm trăm nghìn) chiếc khăn thành phẩm do Công ty T sản xuất. Số khăn thành phẩm thế chấp này là khăn thành phẩm mới 100% và còn nguyên giá trị sử dụng, tổng giá trị không thấp hơn giá trị do các bên thỏa thuận khi thế chấp là 23.000.000.000 đồng (hai mươi ba tỷ đồng), không phải xác định về mã khăn, màu sắc và kích thước của khăn;

- Tài sản đảm bảo theo Hợp đồng thế chấp tài sản của bên thứ ba, số công chứng 105, quyển số 10/TP/CC-SCC/HĐGD ngày 18-01-2012 là quyền sử dụng 315,25m2 đất tại thửa đất số 99, tờ Bản đồ số 76, khu đô thị mới H, phường L, thành phố N, tỉnh Nam Định. Địa chỉ: Số 68 đường Đ, khu đô thị mới H, phường L, thành phố N, tỉnh Nam Định. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AP330350, Uỷ ban nhân dân thành phố N cấp ngày 29-9-2009 cho bà Trần Thị T4. Tài sản thế chấp không bao gồm ngôi nhà và các công trình xây dựng trên đất. Việc xử lý tài sản đảm bảo này thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 325 Bộ luật Dân sự năm 2015.

Trường hợp sau khi phát mại tất cả các tài sản đảm bảo theo các Hợp đồng thế chấp nêu trên mà số tiền thu được không đủ để Thanh toán hết các khoản nợ của Công ty cổ phần T tại mục 1 và mục 2 phần Quyết định, thì Công ty cổ phần T vẫn có nghĩa vụ trả đầy đủ tất cả các khoản nợ theo quyết định của Bản án cho Ngân hàng K.

6. Chấp nhận sự tự nguyện của Ngân hàng K hỗ trợ cho Công ty cổ phần T số tiền 8.500.000.000 đồng (tám tỷ năm trăm triệu đồng). Khoản tiền hỗ trợ này sẽ được đối trừ vào khoản tiền lãi khi Công ty cổ phần T thực hiện các nghĩa vụ trả nợ cho Ngân hàng K, sau khi Bản án có hiệu lực pháp luật.

Ngày 25-10-2017 Viện kiểm sát nhân dân thành phố Ncó Quyết định kháng nghị với nội dung: Trong Hợp đồng thế chấp tài sản và Hợp đồng uỷ quyền ngày 18-01-2012, mặc dù bà Trần Thị T4 ký kết trên cơ sở tự nguyện, đồng ý xác nhận vào 02 Hợp đồng, nhưng chưa thể hiện sự thoả thuận giữa bà T4 và ông C trong việc bà T4 có nhất trí cho ông C ký với tư cách là đồng sở hữu, tài sản thế chấp là tài sản chung của vợ chồng hay không, cơ quan Công chứng không xác định rõ đúng chủ sở hữu quyền tài sản trong Hợp đồng theo quy định của Luật Công chứng, nên đã vi phạm khoản 2 Điều 122 BLDS năm 2005, gây thiệt hại đến quyền sở hữu tài sản riêng của bà Trần Thị T4 là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án, đề nghị xét xử lại sửa mục 4 quyết định của Bản án sơ thẩm tuyên bố hợp đồng thế chấp tài sản của bên thứ ba, số công chứng 105 quyển số 10/TP/CC- SCC/HĐGD ngày 18-01-2012 tại Phòng Công chứng A tỉnh Nam Định và Hợp đồng uỷ quyền số 106 quyển số 10 cùng ngày 18-01-2012 giữa ông C, bà T4 với

Ngân hàng K vô hiệu theo quy định tại Điều 127 BLDS năm 2005.

Ngày 25-10-2017 Công ty T là bị đơn trong vụ án có đơn kháng cáo với nội dung: Không nhất trí với Bản án sơ thẩm vì việc Công ty T không trả được nợ hoàn toàn do lỗi của Ngân hàng K không cung cấp hạn mức mở thư tín dụng để Công ty T nhập khẩu bông dẫn đến gây thiệt hại và đình trệ sản suất kinh doanh, Ngân hàng K tiếp tục tính lãi quá cao, không thực hiện cam kết để Công ty T có điều kiện vay vốn Ngân hàng Đ, khởi kiện đến Toà án làm ảnh hưởng uy tín của Công ty T, không kịp thời xử lý tài sản thế chấp là hàng hoá dẫn đến hàng hoá bị hư hỏng, không thi hành đúng Bản án phúc thẩm số 02/2014/KDTM-PT, không thực hiện cam kết tại Biên bản ngày 16-10-2012. Mặt khác, Bản án phúc thẩm số 02/2014/KDTM-PT đã bị kháng nghị người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Công ty T đã đề nghị Toà án ra Quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án, nhưng Toà án cấp sơ thẩm không xem xét là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Đối với Hợp đồng thế chấp nhà đất là tài sản riêng của bà T4, đã xác định không đúng chủ sở hữu cho rằng là tài sản chung của vợ chồng ông C và bà T4, cho rằng ông C, bà T4 đã tự nguyện ký các Hợp đồng. Nội dung của Hợp đồng thế chấp đã tước bỏ một nửa quyền sở hữu tài sản của bà T4. Nếu xác định Hợp đồng thế chấp hợp pháp thì phải xác định Hợp đồng tặng cho tài sản giữa ông C và bà T4 vô hiệu dẫn đến Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên bà T4 phải bị huỷ và vì vậy phải triệu tập Uỷ ban nhân dân (sau đây viết tắt là UBND) thành phố Ntham gia tố tụng. Việc cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu triệu tập UBND thành phố Ntham gia tố tụng là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Đối với tài sản thế chấp là hàng hoá. Căn cứ nội dung Hợp đồng thế chấp đủ cơ sở xác định quyền và nghĩa vụ quản lý tài sản thế chấp thuộc về Ngân hàng K. Bản án sơ thẩm đã xác định không đúng, không đầy đủ các căn cứ pháp lý nên đã không chấp nhận yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại của Công ty T là không đúng, đề nghị huỷ Bản án sơ thẩm để giải quyết lại.

Ngày 25-10-2017 ông Nguyễn Văn C là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án có đơn kháng cáo với nội dung: Không nhất trí với bản án sơ thẩm vì đã không chấp nhận yêu cầu tuyên bố các văn bản công chứng vô hiệu của ông C và bà T4, trong khi ngày 22-9-2009 Công chứng viên Cù Đức T6 đã công chứng Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất giữa ông C và bà T4. Bà T4 đã được cấp GCNQSDĐ số AP 330350 ngày 29-9-2009. Ông không còn là đồng sở hữu quyền sử dụng thửa đất số 99, tờ Bản đồ số 76 phường L, thành phố N. Đề nghị huỷ Bản án sơ thẩm phần có liên quan để giải quyết lại.

Ngày 25-10-2017 bà Trần Thị T4 là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án có đơn kháng cáo với nội dung: Không nhất trí với Bản án sơ thẩm vì đã không chấp nhận yêu cầu tuyên bố các văn bản công chứng vô hiệu của ông C và bà T4, trong khi tài sản thế chấp là của riêng bà, đã xác định không đúng chủ sở hữu cho rằng là tài sản chung của vợ chồng. Nội dung của Hợp đồng thế chấp đã tước bỏ một nửa quyền sở hữu tài sản của bà. Nếu xác định Hợp đồng thế chấp hợp pháp thì phải xác định Hợp đồng tặng cho tài sản giữa ông C và bà vô hiệu dẫn đến GCNQSDĐ mang tên bà phải bị huỷ và vì vậy phải triệu tập UBND thành phố N tham gia tố tụng. Đề nghị huỷ Bản án sơ thẩm phần có liên quan đến quyền lợi của bà để giải quyết lại.

Tại phiên toà phúc thẩm: Nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện, các đương sự không thoả thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án, người kháng cáo giữ nguyên yêu cầu kháng cáo.

Những người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Công ty T là Luật sư Phan Trung H4 và Luật sư Vũ Văn Đ2 trình bày: Cấp sơ thẩm buộc trả nợ khi chưa đủ cơ sở xác định rõ số tiền vay là bao nhiêu, các tài liệu do Ngân hàng K xuất trình không phải là chứng từ nhận tiền, nên phải đưa 20 Công ty là đối tượng giải ngân vào tham gia tố tụng. Việc tính lãi và thời gian tính lãi của cấp sơ thẩm không đúng theo quy định của pháp luật và diễn biến thực tế Công ty T đã có văn bản về việc ngừng trả lãi. Công ty T không trả được nợ hoàn toàn do lỗi của Ngân hàng K. Bản án phúc thẩm số 02 ngày 5-8-2014 của Tòa án tỉnh Nam Định bị kháng nghị giám đốc thẩm cấp sơ thẩm không tạm đình chỉ là vi phạm nghiêm trọng tố tụng vì một Hợp đồng không thể cùng lúc là đối tượng giải quyết của 2 vụ kiện. Hợp đồng thế chấp tài sản đã xác định không đúng chủ sở hữu, theo GCNQSDĐ đó là tài sản riêng của bà T4, ông C không có quyền sở hữu nên không có quyền ký. Nếu xác định ông C phải ký thì Hợp đồng tặng cho là vô hiệu và phải hủy GCNQSDĐ, phải đưa UBND thành phố Ntham gia tố tụng. Những vi phạm văn bản công chứng đã làm ảnh hưởng đến hiệu lực Hợp đồng. Bản chất của việc bàn giao ngày 17-5-2012 chỉ là bàn giao trên giấy, thực tế đến tháng 10 năm 2012 mới có tài sản thế chấp. Quyền quản lý tài sản thế chấp thuộc về Ngân hàng K, mọi hoạt động xuất kho dẫn đến hàng tồn kho thấp hơn 3.500.000 chiếc phải có lệnh của Ngân hàng K. Sự ngăn cấm toàn diện của Ngân hàng K khiến Công ty T không thể tự mình giải quyết. Đến khi cần xử lý tài sản thế chấp Ngân hàng Kcũng không xúc tiến việc thuê Công ty định giá. Nên phải xác định lỗi hỗn hợp trong việc không xử lý lô hàng thế chấp. Đồng thời, cách thức giám định, tính toán thiệt hại của cấp sơ thẩm chưa phù hợp pháp luật nên việc cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu đòi bồi thường của Công ty T là không đúng. Đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ Điều 310 BLTTDS Hủy Bản án sơ thẩm.

Những người đại diện theo uỷ quyền của Công ty T nhất trí với nội dung trình bày của Luật sư và bổ sung: Bản án sơ thẩm vi phạm nghiêm trọng tố tụng do không đưa những đơn vị thụ hưởng vào tham gia tố tụng mà đánh giá theo cảm tính. Công ty T đã nộp đơn bổ sung yêu cầu phản tố khoản thiệt hại 22.551.007.776 đồng Tòa án không tiến hành thẩm tra, không cho tiến hành hỏi, không nhận định cũng không đưa Ngân hàng Đ vào là người liên quan. Bỏ qua nghĩa vụ bảo hiểm của Ngân hàng K. Cấp sơ thẩm chưa làm rõ đã khẳng định các Côngtennơ vào lấy hàng là khăn, không làm rõ tài sản Ngân hàng K yêu cầu xử lý là tài sản nào, có phạm tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng hay không. Khi Công ty T yêu cầu đối chứng vật chứng thì lại không được chấp nhận. Cấp sơ thẩm không làm rõ việc tiếp nhận phiếu yêu cầu công chứng, thu tiền phí công chứng. Theo quy định tại Điều 45 Luật Công chứng chỉ cần có vi phạm là có quyền yêu cầu Tòa án hủy Hợp đồng công chứng. Khế ước 844.4 ngày 30-01-2012 thuộc Hợp đồng năm 2011, cấp sơ thẩm vẫn cho rằng có liên quan, vẫn tuyên buộc Công ty T trả nợ. Cam kết nhận nợ không phải là chứng cứ chứng minh việc vay nợ, có nhiều khế ước nhận nợ có trước ngày lập ủy nhiệm chi.

Theo quy định tại Điều 5.3 về phương thức xử lý tài sản thế chấp thì quyền xử lý thuộc về Ngân hàng K không thuộc về Công ty T. Điều 5 quy định rõ chỉ được bán khi có sự chấp thuận của Ngân hàng K nên Công ty T chưa bán bất kỳ tài sản thế chấp nào. Số bông sợi năm 2014 mới đưa vào sản xuất chứng minh bằng Biên bản Thanh tra Ngân hàng nhà nước ngày 13-9-2013 xác nhận số bông sợi vẫn còn trong kho. Trách nhiệm thuê cơ quan định giá phải do cả 2 bên, Ngân hàng K nhiều lần về làm việc nhưng chỉ kiểm tra hàng thế chấp có còn hay không còn rồi về.

Với tư cách người đại diện theo uỷ quyền của ông C, bà T4, bà X1, ông Trương Tiến H2 trình bày thống nhất với những nội dung trình bày có liên quan đến tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất trong phần trình bày quan điểm của Công ty T và bổ sung, việc tại phiên toà phúc thẩm mới xuất trình chứng cứ chứng minh nhà của bà X1 là vì phải tập trung vào các nội dung khác.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Ngân hàng K là Luật sư Trương Thanh Đ1 và Luật sư Nguyễn Thị Kim X1 trình bày: Không cần triệu tập những đơn vị thụ hưởng vì cho đến nay không có khiếu nại, phản hồi gì. Việc tính lãi hoàn toàn đúng quy định của pháp luật. Phiên tòa sơ thẩm đã tiến hành đúng quy định.Việc không thế chấp tài sản trên đất là do không ghi quyền sở hữu nhà vào GCNQSDĐ. Công chứng viên có sơ suất không ký các trang trên Hợp đồng thế chấp nhưng bản chất là đúng ý chí nguyện vọng của đương sự. Ông C ký tên vào Hợp đồng thế chấp là đúng. Chỉ có cầm cố mới bàn giao tài sản, còn thế chấp thì khách hàng phải là người quản lý tài sản thế chấp. Việc bán tài sản thế chấp do bên thế chấp mà không cần sự đồng ý của bên nhận thế chấp. Việc hai bên ký hợp đồng với Công ty A quản lý tài sản chỉ để trong việc luân chuyển hàng hoá vẫn đảm bảo số lượng hàng thế chấp. Ngân hàng không có nghĩa vụ mua bảo hiểm hàng hóa mà nghĩa vụ thuộc về khách hàng. Bản án số 02 của Tòa án tỉnh Nam Định hoàn toàn độc lập với vụ án này và đã bị kháng nghị nên không tính khấu trừ lãi nữa là phù hợp. Về Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất bà T4, ông C tự nguyện ký, việc ông C ký càng khẳng định ý chí vợ chồng thống nhất đối với nhà và đất hoàn toàn không trái quy định của pháp luật.

Người đại diện theo uỷ quyền của Ngân hàng K bổ sung: Công ty T đã ký đầy đủ các Hợp đồng tín dụng và khế ước nhận nợ với Ngân hàng K. Hồ sơ chứng minh mục đích sử dụng vốn cũng do chính Công ty T cung cấp cho Ngân hàng K. Các Ủy nhiệm chi đều do đại diện có thẩm quyền của Công ty T ký và chuyển cho Ngân hàng K. Trên các ủy nhiệm chi đều chỉ định rõ đơn vị mà Công ty T chuyển tiền. Vì vậy, việc cho vay và giải ngân của Ngân hàng K là hoàn toàn đúng quy định pháp luật và phù hợp với thỏa thuận của các bên tại Hợp đồng. Việc cấp sơ thẩm không đưa các đơn vị thụ hưởng theo các ủy nhiệm chi vào tham gia tố tụng là đúng quy định pháp luật. Tại phiên tòa sơ thẩm Công ty T cũng đã thừa nhận về việc vay nợ. Ngoài ra việc Công ty T có công văn đề nghị trả nợ là chứng cứ rõ ràng cho việc Công ty T có nợ Ngân hàng K. Khế ước 844.8 gắn liền với Hợp đồng 989 việc viện dẫn Hợp đồng năm 2011 chỉ là lỗi chính tả. Tại biên bản ngày 20-8-2012 chính ông C đã xác nhận bông sợi hiện tại đã không còn. Sở dĩ thoả thuận giá bán khăn phải được Ngân hàng K chấp thuận, hoặc cần thiết thì thuê Công ty độc lập bên ngoài định giá, để tránh việc báo giá thấp làm thất thoát tài sản thế chấp và nội dung thoả thuận đó có nghĩa Công ty T phải đưa ra giá bán khăn trước nếu Ngân hàng K không chấp thuận thì mới phải cùng thuê Công ty độc lập định giá, thế nhưng chưa bao giờ Công ty T đưa ra giá bán khăn. Ngân hàng K không ngăn cản việc bán khăn. Trái lại Ngân hàng K đã nhiều lần làm việc đề nghị Công ty T bán khăn để trả nợ nhưng Công ty T không thực hiện.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Nam Định phát biểu quan điểm: Những người tiến hành tố tụng và tham gia tố tụng đã chấp hành đúng những quy định của BLTTDS năm 2015. Về nội dung: Đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo đối với yêu cầu tạm đình chỉ vụ án vì là 2 vụ án độc lập và cũng không chấp nhận việc triệu tập UBND thành phố Ntham gia tố tụng. Đối với yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại, do Hợp đồng thế chấp có nội dung “Tài sản thế chấp đặt tại kho của Công ty T, chỉ được bán khi được Ngân hàng K chấp thuận. Công ty T đã có văn bản báo cáo tình trạng hàng hoá xuống cấp. Ngân hàng K cũng đã có văn bản đồng ý nhưng đưa ra 2 điều kiện và sau đó không đưa ra phương án giải quyết. Căn cứ nội dung Hợp đồng quản lý tài sản đảm bảo có nội dung “Tài sản trong kho của Công ty T dưới sự giám sát của Ngân hàng K, Công ty A được thuê để giám sát, sau khi kiểm đếm xác nhận số lượng hàng hoá trị giá 26 tỷ tương đương giá trị khi xem xét thẩm định đã xác định giá trị 28 tỷ đồng. Việc Ngân hàng K cho rằng nhiều lần Công ty T bán hàng thế chấp là không có căn cứ. Ngân hàng K cũng không chứng minh được việc Công ty T đưa hàng hoá khác vào. Từ ngày 20-10-2012 đến ngày 23-10-2012 Công ty T đã cùng Ngân hàng K và Công ty A tiến hành kiểm đếm bàn giao hàng hoá thế chấp. Nên việc không thực hiện đúng nội dung đã thoả thuận khiến hàng hoá xuống cấp thuộc lỗi cả 2 bên. Xác định lỗi Ngân hàng K là 70%, Công ty T 30% do không kiểm kê tài sản đảm bảo theo định kỳ. Ngân hàng K phải bồi thường những thiệt hại trực tiếp và gián tiếp. Về lãi suất cấp sơ thẩm tính không đúng quy định tại Điều 476 BLDS. Đề nghị chấp nhận kháng nghị và kháng cáo của ông C, bà T4 về việc tuyên bố các Hợp đồng thế chấp tài sản của bên thứ ba, số công chứng 105, quyển số 10TP/CC - SCC/HĐGD ngày 18-01-2012 và Hợp đồng ủy quyền, số công chứng 106, quyển số 10TP/CC - SCC/HĐGD ngày 18-01-2012 giữa ông Nguyễn Văn C, bà Trần Thị T4 với Ngân hàng K- Chi nhánh Nam Định là vô hiệu vì ông C không có tư cách chủ thể bên thế chấp, không đưa giá trị tài sản trên đất vào Hợp đồng thế chấp sẽ không thi hành án được. Tuy nhiên do chưa đủ cơ sở xác định thiệt hại để buộc bồi thường, nên đề nghị Hội đồng xét xử huỷ Bản án sơ thẩm để giải quyết lại.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên toà và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên toà, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về tố tụng: Bà Nguyễn Thị T7 vắng mặt. Tuy nhiên ông Hoàng Đức H1 là 1 trong số 2 người đại diện theo uỷ quyền của Công ty K đã có mặt. Luật sư H4 đã gửi bản luận cứ, bà Hoàng Thị Vân A, bà Nguyễn Thị C1 vắng mặt nhưng bà Phạm Thị N đã có mặt. Nên Toà án tiến hành xét xử vắng mặt bà T7, bà Vân A, bà C1 và Luật sư H4 theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 227, khoản 2 Điều 296 BLTTDS năm 2015.

[2] Đối với nội dung kháng cáo của Công ty T cho rằng Bản án phúc thẩm số 02/2014/KDTM-PT ngày 05-8-2014 có liên quan đến vụ án đã bị kháng nghị giám đốc thẩm, nên phải tạm đình chỉ giải quyết để chờ kết quả giải quyết vụ án tranh chấp Hợp đồng phát thư tín dụng giữa Công ty T và Ngân hàng K thấy rằng: Theo nội dung các hợp đồng tín dụng cũng như quy định của Luật các tổ chức tín dụng bên vay có nghĩa vụ trả nợ khi đến hạn. Quá trình thực hiện Hợp đồng nếu gây thiệt hại các bên được quyền yêu cầu xem xét việc bồi thường, pháp luật không quy định về việc nếu bên cho vay có lỗi thì không được quyền đòi nợ toàn bộ hay một phần. Xét 2 vụ án hoàn toàn độc lập, không thuộc trường hợp phải có kết quả giải quyết của vụ án này mới giải quyết được vụ án kia. Thực hiện Bản án số 02/2014/KDTM-PT ngày 05-8-2014 Ngân hàng K hạch toán và trích thu vào nợ lãi nhưng sau khi Bản án bị kháng nghị giám đốc thẩm khoản tiền đó đã được thoái thu. Nên cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu xin tạm đình chỉ giải quyết của Công ty T và khi tính lãi không trừ khoản tiền trước đây đã hạch toán và trích thu vào nợ lãi là đúng.

 [3] Đối với quan điểm của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp và người đại diện theo uỷ quyền của Công ty T cho rằng cấp sơ thẩm không đưa các đơn vị thụ hưởng mà Ngân hàng K đã trả tiền thay cho Công ty T vào tham gia tố tụng để làm rõ việc giải ngân, xác định chính xác số tiền Công ty T còn nợ Ngân hàng K như thế nào, đồng thời không đưa Ngân hàng Đ vào tham gia tố tụng để xác định thiệt hại là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng thấy rằng: Công ty T trình bày nhưng cho đến tận thời điểm hiện nay cũng không đưa ra được bất cứ tài liệu chứng cứ nào chứng minh về việc các đối tác nhận tiền theo ủy nhiệm chi có khiếu nại hoặc phản hồi về việc không nhận được tiền, để có căn cứ đưa vào tham gia tố tụng do có quyền lợi liên quan đến vụ án, cũng không chỉ ra được trường hợp cụ thể nào cần phải đưa vào làm chứng để đối chất làm rõ các khoản đã được giải ngân. Trái lại việc Công ty T còn nợ Ngân hàng K được chứng minh bằng các văn bản đề nghị giải ngân của Công ty T, các ủy nhiệm chi, việc Công ty T ký các khế ước nhận nợ và cam kết trả nợ, công văn đề nghị trả nợ nên cấp sơ thẩm không đưa các đơn vị thụ hưởng mà Ngân hàng K đã trả tiền theo các uỷ nhiệm chi của Công ty T vào tham gia tố tụng là đúng. Đồng thời, đến phiên toà sơ thẩm ngày 12-10- 2017 Công ty T mới có đơn yêu cầu bổ sung đơn phản tố đòi bồi thường thiệt hại liên quan đến việc trả lãi cho Ngân hàng Đ nên cấp sơ thẩm căn cứ khoản 3 Điều 200 Bộ Luật Tố tụng Dân sự năm 2015 (Sau đây viết tắt là BLTTDS) “Bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận công khai chứng cứ và hoà giải” nên không chấp nhận xem xét trong vụ án, do đó cấp sơ thẩm không đưa Ngân hàng Đ vào tham gia tố tụng và cũng không xem xét giải quyết nên không tiến hành thẩm tra, không cho tiến hành hỏi, không nhận định các yêu cầu trong đơn bổ sung đơn phản tố nộp tại phiên toà là đúng.

[4] Về nội dung: Xét kháng cáo về việc không nhất trí trả nợ vì lỗi hoàn toàn thuộc về Ngân hàng K thấy rằng, như phần trên đã nhận định trong quá trình thực hiện hợp đồng nếu một bên có lỗi thì bên còn lại cũng chỉ có quyền yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại trong từng trường hợp cụ thể, chứ không có quy định nào cho phép không phải trả nợ. Việc tính lãi Ngân hàng K căn cứ theo Hợp đồng các bên đã thoả thuận tự nguyện, không phải tiếp tục tính lãi quá cao. Đồng thời Công ty T không trả nợ khi đến hạn trả nợ nên Ngân hàng K phải thực hiện quyền khởi kiện đến Toà án là đúng.

[5] Đối với quan điểm của vị đại diện Viện kiểm sát tỉnh Nam Định, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp và người đại diện theo uỷ quyền của Công ty T cho rằng cấp sơ thẩm tính lãi suất không đúng thấy rằng: Tranh chấp của các đương sự trong vụ án là tranh chấp Hợp đồng tín dụng, do pháp luật chuyên ngành có quy định, nên không áp dụng quy định của Bộ luật Dân sự là luật chung. Tại câu 3 phần III văn bản giải đáp nghiệp vụ số 01 ngày 07-4-2017 của Toà án tối cao đã hướng dẫn rõ đối với trường hợp lãi suất cho vay trong Hợp đồng tín dụng cao hơn 150% lãi suất cơ bản Ngân hàng nhà nước công bố thì căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 91 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 cụ thể như sau. “Tổ chức tín dụng và khách hàng có quyền thoả thuận về lãi suất phí cấp tín dụng trong hoạt động Ngân hàng của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật...Do vậy, Hợp đồng vay mà một bên là tổ chức tín dụng thì lãi suất Hợp đồng vay được thực hiện theo thoả thuận mà không theo quy định tại khoản 1 Điều 476 BLDS năm 2005”. Nên, cấp sơ thẩm tính lãi theo Hợp đồng tín dụng là đúng pháp luật. Mặt khác, khi ký kết Hợp đồng tín dụng hai bên không có thoả thuận về việc “tạm ngừng thực hiện hợp đồng”. Trái lại, Điều 5 Hợp đồng cung cấp hạn mức tín dụng số 989/HĐHMTD/TCB/NDH đã quy định: “Tiền lãi vay được tính trên cơ sở thực tế, kể cả thời gian gia hạn nợ vay”. Biên bản làm việc ngày 16-10-2012 cũng không có chế tài quy định nếu các bên không thực hiện hoặc vi phạm các nội dung thống nhất tại biên bản thì sẽ phải chịu trách nhiệm. Việc cấp tín dụng thì đã hoàn thành. Nên Ngân hàng K không có hành vi nào bị coi là “Vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng”, để có điều kiện xem xét yêu cầu ngừng trả lãi của Công ty T theo quy định của Điều 308 Luật Thương mại.

[6] Đối với kháng cáo về việc Ngân hàng K không thực hiện biên bản ngày 16-10-2012 làm đổ vỡ phương án trả nợ của Công ty T thấy rằng, trước hết lý do có buổi làm việc ngày 16-10-2012 là do Công ty T đã vi phạm nghĩa vụ trả nợ và Ngân hàng K đã ra các thông báo đòi nợ và yêu cầu bàn giao tài sản đảm bảo để xử lý. Tại phần 3 - Thống nhất ý kiến của biên bản ghi nhận “Công ty T sẽ bàn giao tài sản đảm bảo là khăn thành phẩm với trị giá 26 tỷ để Ngân hàng K kiểm soát theo quy định trong Hợp đồng thế chấp ký kết giữa hai bên trước ngày 22-10-2012; sau khi đã bàn giao cho Ngân hàng K số khăn thành phẩm trị giá 26.000.000đ Công ty T sẽ trả cho Ngân hàng K số tiền 8.150.000đ trong tháng 10-2012...; phương thức quản lý: Tăng số lượng nhân viên bảo vệ: 04 người bảo vệ 24/7. Kiểm soát theo phương thức hàng vào hàng ra tương ứng giá trị, không bao giờ để dưới 26 tỷ đồng”. Tại thời điểm làm việc ngày 16-10-2012 do xác định số bông và sợi thế chấp đã không còn và Ngân hàng K thấy nguy cơ không kiểm soát được số khăn thành phẩm theo Hợp đồng thế chấp. Do vậy Ngân hàng K và Công ty T thống nhất kiểm đếm lại số hàng đã thế chấp theo Hợp đồng thế chấp số 1066/2012/HĐTC-ĐS/TCB ngày 16-6-2012 để đảm bảo số lượng hàng thực tế còn đủ theo hợp đồng thế chấp và yêu cầu các bên thực hiện đầy đủ các thỏa thuận, các quy định về quản lý, bảo vệ hàng hóa thế chấp. Công ty T cho rằng tại buổi làm  việc các bên còn thống nhất sau khi kiểm đếm chi tiết số khăn thế chấp thì sẽ tiến hành định giá lại vì tổng giá trị thực tế của số khăn thế chấp là 43.774.225.974 đồng. Tuy nhiên, Công ty T không đưa ra được chứng cứ chứng minh và biên bản cũng không thể hiện việc thoả thuận sẽ tiến hành định giá lại. Mặt khác, theo biên bản kiểm tra, định giá tài sản đảm bảo thì các bên đã thỏa thuận xác định số lượng  khăn thế chấp là 3.500.000 chiếc khăn thành phẩm tại thời điểm thế chấp 14-6-2012 có giá 23.142.000.000 đồng, nên không có sơ sở chấp nhận việc Công ty T tự xác định tổng giá trị của số khăn thế chấp tăng lên gần gấp đôi so với giá được các bên thỏa thuận khi thế chấp. Chính Công ty T trình bày: “Từ ngày 20-10-2012 đến ngày 23-10-2012 Công ty T đã cùng nhân viên của Ngân hàng tiến hành kiểm đếm chi tiết và ghi nhận số hàng hoá hiện có được và sẵn sàng thế chấp”. Hàng thế chấp thì vẫn để trong kho của Công ty T thì không thể xác định là đã bàn giao như quan điểm của vị đại diện Viện kiểm sát tỉnh Nam Định tại phiên toà. Như vậy, việc sau đó hai bên không thực hiện biên bản này là do Công ty T không bàn giao tài sản đảm bảo là khăn thành phẩm với trị giá 26 tỷ để Ngân hàng K kiểm soát trước ngày 22-10-2012 và cũng không trả cho Ngân hàng Ksố tiền 8.150.000.000đ trong tháng 10-2012. Không có tài liệu nào thể hiện có thoả thuận về việc “Ngân hàng phải đưa ra ý kiến đánh giá về giá trị tài sản đã được kiểm đếm” để Công ty T thực hiện việc thế chấp như trình bày của Công ty T. Nên không phải lỗi do Ngân hàng K.

[7] Về quan điểm của người đại diện theo uỷ quyền của Công ty T cho rằng cấp sơ thẩm giải quyết vượt quá yêu cầu của đương sự thấy rằng: Khế ước nhận nợ 844.4 có nêu đến tên Hợp đồng 844/2011 nhưng căn cứ những nội dung chi tiết trong khế ước cho thấy chỉ là sai lỗi chính tả, không phải khoản nợ của Hợp đồng năm 2011, mà vẫn là khoản nợ của Hợp đồng cung cấp hạn mức tín dụng số 989 mà nguyên đơn yêu cầu giải quyết trong vụ án. Nên không có căn cứ chấp nhận quan điểm này của người đại diện theo uỷ quyền của Công ty T.

[8] Đối với quan điểm khế ước nhận nợ không phải là chứng cứ chứng minh việc vay nợ và không có giá trị vì có một số khế ước nhận nợ có trước ngày lập uỷ nhiệm chi thấy rằng: Do các bên ký với nhau Hợp đồng cung cấp hạn mức tín dụng nên việc Bên vay lập uỷ nhiệm chi không cùng thời điểm hoặc có sau thời điểm ký khế ước nhận nợ tuỳ thuộc vào bên vay nợ như trình bày của người đại diện theo uỷ quyền của Ngân hàng K là phù hợp với thực tế.

[9] Như vậy, cấp sơ thẩm buộc Công ty T có nghĩa vụ trả nợ cho Ngân hàng K theo Hợp đồng cung cấp hạn mức tín dụng số 989/HĐHMTD/TCB/NDH và Hợp đồng cung cấp hạn mức mở thư tín dụng số 989/HĐHM-LC/TCB-NDH là đúng, không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của Công ty T về nội dung này.

[10] Xét quan điểm kháng cáo của Công ty T về việc căn cứ nội dung Hợp đồng thế chấp hàng hoá đủ cơ sở xác định quyền và nghĩa vụ quản lý tài sản thế chấp thuộc về Ngân hàng K. Bản án sơ thẩm đã xác định không đúng, không đầy đủ các căn cứ pháp lý nên đã không chấp nhận yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại của Công ty T là không đúng, thấy rằng: Theo Điều 4 của Hợp đồng thế chấp số 1066/2012/HĐTC-ĐS/TCB ngày 16-6-2012 thì tài sản thế chấp được đặt tại kho của Công ty T, do Công ty T tự quản lý, sử dụng, đưa vào sản xuất nhưng không được thay đổi địa điểm đặt tài sản khi chưa có sự đồng ý của Ngân hàng K. Công ty T hoàn toàn chịu trách nhiệm bảo vệ tài sản thế chấp, chịu trách nhiệm về số lượng, chất lượng và đảm bảo tuyệt đối an toàn cho tài sản thế chấp. Đồng thời có nghĩa vụ quy định tại điểm (f) tiểu mục 6.2.2 là “Thông báo ngay cho K các sự kiện: (i) Tài sản bị mất, bị hỏng, thiệt hại. (ii) Sự kiện có thể ảnh hưởng, gây thiệt hại tới tài sản thế chấp. Bên thế chấp phải chịu mọi rủi ro đối với tài sản thế chấp và phải bổ sung, thay thế ngay tài sản đảm bảo khác được K chấp thuận”. Về phía Ngân hàng K chỉ có nghĩa vụ giữ gìn hồ sơ tài sản thế chấp, thực hiện các thủ tục giải chấp và hoàn trả hồ sơ khi Công ty T đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ được bảo đảm. Như vậy, nghĩa vụ bảo đảm số lượng, bảo vệ chất lượng, cũng như chịu mọi rủi ro đối với tài sản thế chấp hoàn toàn thuộc về Công ty T. Thỏa thuận của các bên khi ký kết Hợp đồng về trách nhiệm bảo vệ tài sản thế chấp cũng phù hợp với quy định tại các khoản 1, 2 Điều 348 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định nghĩa vụ của bên thế chấp phải bảo quản, giữ gìn tài sản thế chấp, phải áp dụng các biện pháp khắc phục nếu tài sản thế chấp có nguy cơ mất giá trị hoặc giảm sút giá trị. Điều này cũng phù hợp với thoả thuận về việc bên thế chấp được quyền chủ động luân chuyển hàng hoá trong quá trình thực hiện Hợp đồng.

[11] Theo quy định tại Hợp đồng dịch vụ quản lý tài sản đảm bảo tại kho hàng số 12BA0112/QLTSĐB-KH ngày 17-5-2012, phương án quản lý tài sản và sơ đồ kho hàng đã được Ngân hàng K, Công ty T và Công ty A ký kết thì hàng hóa thế chấp để tại phân xưởng hoàn thành của Công ty T; đơn vị quản lý, bảo vệ tài sản đảm bảo sẽ “Giám sát và quản lý theo dõi kiểm soát việc xuất nhập tồn hàng ngày theo báo cáo xuất - nhập - tồn do Công ty T cung cấp cho nhân viên trực tiếp tại kho vào thời điểm 10h hàng ngày”. Hàng ngày nhân viên quản lý kho hàng ghi chép đầy đủ số lượng hàng thực tế nhập, xuất trên cơ sở đối chiếu với phiếu xuất kho và đảm bảo hàng hóa trong kho phải có đủ số lượng hàng hóa đã thế chấp. Mục đích chỉ là quản lý theo dõi việc hàng ra vào đảm bảo đủ số lượng hàng theo Hợp đồng thế chấp. Tuy nhiên quá trình thực hiện từ ngày 01-9-2012 Ngân hàng Kđã thông báo bằng văn bản số 104-2012 có nội dung nêu về sự việc Công ty T không cho nhân viên quản lý kho hàng thực hiện công việc quản lý, bảo vệ kho hàng theo hợp đồng. Thời gian sau này, các nhân viên của các đơn vị trực tiếp thực hiện việc quản lý, bảo vệ tài sản đảm bảo là khăn thành phẩm giữ tại kho của Công ty T là các Công ty K và Công ty LA+ chỉ được giám sát phía ngoài của Công ty T và lập biên bản, chụp ảnh những lần Công ty T vi phạm. Theo các biên bản đã lập thì từ tháng 01-2013 đến tháng 06-2014, Công ty T đã nhiều lần cho xe Container vào kho chứa tài sản đảm bảo để xuất, nhập hàng hóa mà không được sự chấp thuận hoặc kiểm soát của Ngân hàng K và các đơn vị bảo vệ. Sau này Công ty T còn chuyển hàng hóa sang cất giữ tại kho khác mà không có văn bản thông báo và được sự chấp thuận của Ngân hàng K và các đơn vị có liên quan. Tại Công văn số 415 ngày 24-4-2018 của Văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nam Định đã xác định khăn đang được lưu tại khu A như vậy đã có sự di chuyển từ khu B sang khu A, phù hợp với Công văn của Công ty T(BL 1858A) có nội dung: “Về bảo quản hàng thế chấp Công ty chỉ bảo quản trong phạm vi nhà máy, việc chuyển hàng hoá chúng tôi không để ý chính xác ngày tháng nào”, không phải không có sự di chuyển sang khu khác như trình bày của người đại diện theo uỷ quyền của Công ty T tại phiên toà phúc thẩm.

[12] Căn cứ lời khai xác nhận của người đại diện theo uỷ quyền của Công ty T tại phiên toà phúc thẩm về việc hàng hoá của Công ty T vẫn xuất khẩu bình thường, căn cứ số lượng tờ khai hải quan cho thấy Công ty T vẫn thường xuyên có hoạt động mua bán hàng hoá, vậy thì không có lý do gì số khăn thế chấp đã thoả thuận được quyền luân chuyển Công ty T lại tuyệt đối giữ lại không bán kể cả khi có nguy cơ xuống cấp, chỉ trừ trường hợp không thể bán được. Nếu Công ty T chỉ xuất khẩu hàng hoá khác thì không có lý do gì phải ngăn cản công ty A thực hiện dịch vụ quản lý tài sản thế chấp. Việc các biên bản vi phạm do nhân viên các Công ty nhận dịch vụ quản lý tài sản thế chấp lập chỉ có một bên ký là vì đã vi phạm thì không thể nào Công ty T lại ký xác nhận biên bản. Tuy nhiên, nội dung các biên bản này phù hợp với diễn biến trên thực tế có việc năm 2013 Công ty LA+ có văn bản gửi đến Phòng An ninh kinh tế Công an tỉnh Nam Định nhờ can thiệp hỗ trợ và đã được Phòng An ninh kinh tế trả lời. Nên có cơ sở chấp nhận lời khai của Ngân hàng K, Công ty A, Công ty K về việc Công ty T có hành vi cản trở việc thực hiện dịch vụ quản lý tài sản thế chấp.

[13] Công ty T cho rằng đã nhiều lần thông báo tình trạng hàng hóa thế chấp xuống cấp, có nguy cơ suy giảm giá trị và yêu cầu được bán tài sản thế chấp. Tuy nhiên giữa Công ty T và Ngân hàng K không đạt được thỏa thuận về việc bán tài sản đảm bảo là khăn thành phẩm thấy rằng: Tại Điều 1 Hợp đồng thế chấp số 1066/2012/HĐTC-ĐS/TCB ngày 16-6-2012 có nội dung: “Tài sản thế chấp theo hợp đồng này là tài sản luân chuyển trong quá trình sản xuất kinh doanh”; tại điểm b tiểu mục 6.2.2 Điều 6 quy định bên thế chấp có nghĩa vụ “Sử dụng tài sản thế chấp trong phạm vi hoạt động kinh doanh thông thường (đưa nguyên liệu ra sản xuất, bán sản phẩm thành phẩm...). Khi đưa tài sản thế chấp vào sản xuất hoặc bán thì phải bổ sung tài sản thế chấp khác hoặc trả nợ tương ứng, đồng thời đảm bảo giá trị tài sản thế chấp không thấp hơn giá trị tối thiểu quy định tại Điều 1 của hợp đồng này”. Như vậy, Công ty T không bắt buộc phải giữ lại đúng những chiếc khăn đã thế chấp cho Ngân hàng K mà chỉ có nghĩa vụ đảm bảo kho hàng luôn có đủ số lượng khăn thế chấp và tổng giá trị khăn thế chấp không thấp hơn tài sản thế chấp đã được hai bên xác định tại biên bản kiểm tra, định giá tài sản đảm bảo ngày 14-6-2012 là 23.000.000.000 đồng, hoặc theo Biên bản ngày 16-10-2012 là 26.000.000.000 đồng. Trong trường hợp không có đủ lượng khăn thế chấp thay thế, Công ty T vẫn có thể được tự mình quyết định bán số khăn thế chấp theo quy định tại tiểu mục 4.1.2 Điều 4 của hợp đồng “Bên thế chấp được quyền bán tài sản thế chấp... theo các điều kiện sau đây: Mọi khoản thu nhập, quyền yêu cầu bên mua Thanh toán tiền, số tiền thu được đều trở thành tài sản thế chấp thay thế; các Hợp đồng bán tài sản thế chấp quy định tại khoản này phải quy định rõ tiền thanh toán được chuyển vào tài khoản của Công ty T mở tại Ngân hàng K và trước khi bán hàng có giá trị bao nhiêu tiền, bên thế chấp phải thông báo cho K”.

[14] Không lẽ nào cùng là tài sản thế chấp mà đối với bông và sợi Công ty T đã tự ý đưa vào sản xuất để tự cứu mình như trình bày của người đại diện theo uỷ quyền của Công ty T. Và việc đưa số bông sợi vào sản xuất phải trước ngày 20-8- 2012 vì không thể tự nhiên ngày 20-8-2012 ông C lại ký biên bản xác nhận bông sợi hiện tại không còn và một trong các lý do phải có biên bản làm việc ngày 16-10- 2012 giữa Ngân hàng K và Công ty T chính là Ngân hàng K nhận thấy số bông sợi thế chấp khi đó đã không còn. Vậy mà tài sản thế chấp là hàng hoá Công ty T lại tuyệt đối không bán, không thể nào Công ty T mặc dù biết có vi phạm thoả thuận về việc bán tài sản thế chấp giống như số bông sợi thì cũng không có chế tài phạt nào, mà có cơ hội Công ty T lại vẫn tuyệt đối giữ khăn lại không bán, hơn nữa với hàng hoá là khăn, thì không thể giống như các loại hàng nông sản khác chỉ không bán trong khoảng thời gian trên dưới 2 tháng chờ Ngân hàng K cùng phối hợp có tìm phương án thuê Công ty độc lập định giá đã có thể bị xuống cấp đến mức không thể bán được.

[15] Việc Ngân hàng K có Công văn số 97 ngày 06-01-2014 nội dung: “Đồng ý cho bán nhưng giá cả phải được hai bên chấp thuận hoặc hai bên thuê Công ty định giá” thì không thể nói là Ngân hàng K không có phương án giải quyết như quan điểm Kiểm sát viên, bởi vì việc yêu cầu phải thông báo cho Ngân hàng giá bán khăn được Ngân hàng K chấp thuận là cần thiết để tránh việc báo giá bán thấp làm thất thoát tài sản thế chấp. Còn nội dung “hoặc cần thiết thì thuê Công ty độc lập bên ngoài định giá”, có nghĩa Công ty T phải đưa ra giá bán khăn trước nếu Ngân hàng K không chấp thuận thì mới phải cùng thuê Công ty độc lập bên ngoài định giá, thế nhưng Công ty T chưa bao giờ đưa ra giá bán khăn thì làm sao cho rằng Ngân hàng K có lỗi là không chấp thuận và không cùng Công ty T thuê Công ty độc lập bên ngoài định giá. Như vậy, đối với việc giữa hai bên không đạt được thỏa thuận về việc xử lý tài sản thế chấp là khăn thành phẩm theo các văn bản yêu cầu của Công ty T thì Ngân hàng K cũng không có lỗi, Ngân hàng K không có nghĩa vụ phải làm việc hoặc phải thỏa thuận với Công ty T để có phương án xử lý khi chưa có đề xuất về giá bán khăn của Công ty T.

[16] Mặt khác, theo kết quả thẩm định tại chỗ của cấp sơ thẩm hiện trong kho của Công ty T có một lượng hàng hóa là khăn các chủng loại, kích cỡ khác nhau, có loại đã cắt rời, may viền, có loại còn nguyên tấm. Tổng trọng lượng khăn là 238.472,305kg. Trên cơ sở các số liệu thiết kế của 72 bản thiết kế khăn, số lượng khăn trong biên bản kiểm đếm khăn từ ngày 20-10-2012 đến ngày 23-10- 2012 do Công ty T đưa ra trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, so sánh với số liệu thực tế về kích thước, màu sắc, trọng lượng khăn theo kết quả thẩm định tại chỗ, cho thấy: Số khăn đã được Công ty T tự phân loại có rất nhiều mã khăn không phù hợp với kích thước, màu sắc theo thiết kế, nên không thể khẳng định được đó có phải là mã khăn do Công ty T sản xuất và đã được kiểm đếm, thế chấp hay không. Cụ thể có 46/72 mã khăn khác màu sắc, kích thước so với thiết kế, tương đương với khối lượng khăn thực tế không đúng thiết kế là 172.398,1kg trên tổng trọng lượng khăn là 238.472,305kg. Đặc biệt có những mã khăn như TD-00001 lẫn giữa 3 cỡ khăn khác nhau, TD-00046 lẫn giữa 14 loại khăn có màu sắc và cỡ khăn khác nhau, TD- 00056 lẫn giữa 8 loại khăn có màu sắc và cỡ khăn khác nhau, TD-60018 lẫn giữa 4 loại khăn có màu sắc và cỡ khăn khác nhau. Hoặc có 10/72 mã khăn theo thiết kế hoàn toàn không còn trong số khăn của Công ty T đã được thẩm định. Tại phiên toà sơ thẩm ngày 12-10-2017, Công ty T mới đưa ra các thiết kế khăn tương đối phù hợp với kích thước, màu sắc khăn đã thẩm định. Đồng thời thay đổi toàn bộ giá thành khăn và thiệt hại xảy ra phù hợp với sự thay đổi về thiết kế khăn. lại không đưa ra được lý giải hợp lý về sự thay đổi tài liệu này. Cụ thể cùng có tên của 1 mã khăn nhưng có nhiều bản thiết kế khác nhau hoàn toàn về kích thước, màu sắc, quy cách, trọng lượng dẫn tới số lượng tên mẫu khăn giữ nguyên 72 mẫu nhưng thực tế sản xuất 157 kiểu khăn khác nhau. Là nhà sản xuất Công ty T phải biết rõ về việc điều chỉnh mẫu mã khăn nhưng từ khi thụ lý cho đến sau khi bị Ngân hàng K chứng minh có sự sai lệch thì Công ty T cũng không hề có bất cứ trình bày gì về việc này. Đồng thời, Công ty T là nhà sản xuất và đang có yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại nhưng lại không biết rõ về chi phí sản xuất, lại phải thay đổi tại phiên tòa về giá thành sản xuất khăn và thiệt hại xảy ra là điều không hợp lý. Việc người đại diện theo uỷ quyền của Công ty T trình bày lỗi do người đại diện theo uỷ quyền của Công ty T không biết nên lúc đầu đã xuất trình tài liệu không đúng là không thuyết phục vì người đại diện theo uỷ quyền thì không thể tự có tài liệu, phải do chính Công ty T cung cấp và nếu là khác vì đã điều chỉnh mẫu mã khăn để sản suất theo đơn hàng thì đã bán được, không còn tồn lại để bị hư hỏng. Căn cứ số liệu từng mã khăn quy đổi sau khi thẩm định cho thấy số lượng khăn hiện có của Công ty T không đồng nhất với chính số liệu kiểm đếm tháng  10/2012 mà Công ty T đã đưa ra. So với thiết kế ban đầu của Công ty T đưa ra thì có 30/72 mã khăn có số lượng hoặc trọng lượng giảm đi so với biên bản kiểm đếm; hoặc so với thiết kế và tính toán mới của Công ty T thì vẫn có tới 32/72 mã khăn có trọng lượng giảm đi, lại có những mã khăn tăng rất nhiều như mã TD00046 tăng trên 2 tấn khăn, không chỉ là con số trong giới hạn cho phép như trình bày của người đại diện theo uỷ quyền của Công ty T tại phiên toà.

[17] Theo giải trình của Công ty T thì toàn bộ số khăn thế chấp được sản xuất nhằm mục đích xuất khẩu bán cho Công ty TNHH Z và Công ty S. Trong các văn bản thế chấp, bàn giao, kiểm đếm tài sản là khăn thế chấp của Công ty T chỉ ghi nhận toàn bộ là khăn thành phẩm. Thực tế xem xét, thẩm định tại chỗ cho thấy số khăn hiện có tại kho của Công ty T có loại khăn đã may viền, có loại đã cắt rời chưa may viền, nhất là có loại vẫn còn cả tấm liền chưa cắt rời thành khăn thì không thể nào coi là khăn thành phẩm. Nếu có sự khác biệt với thiết kế và mẫu mã ban đầu vì là sản xuất theo đơn hàng như trình bày của người đại diện theo uỷ quyền của Công ty T thì phải đã bán được theo đơn hàng, không thể còn tồn lại để bị hư hỏng. Nên, cấp sơ thẩm xác định không phải tất cả số khăn đã được thẩm định đều là khăn thành phẩm theo hợp đồng đã thế chấp là phù hợp.

[18] Như vậy, từ sau khi thế chấp hàng hóa là khăn thành phẩm theo Hợp đồng thế chấp tài sản luân chuyển số 1066/2012/HĐTC-ĐS/TCB ngày 16-6-2012, cũng như sau khi đã có Biên bản làm việc ngày 16-10-2012, Công ty T đã vi phạm các quy định của Hợp đồng dịch vụ quản lý tài sản đảm bảo tại kho hàng trong việc kiểm tra, xuất nhập hàng hóa, vẫn có hoạt động bán hàng hóa, không có sự kiểm soát của Ngân hàng K, đã thay đổi kho cất giữ hàng hóa mà không có sự chấp thuận của Ngân hàng K. Đồng thời xác định số khăn bị hư hỏng hiện tại đang để trong kho của Công ty T không phải là số khăn ban đầu đã được thế chấp cho Ngân hàng Ktheo Hợp đồng thế chấp số 1066/2012/HĐTC-ĐS/TCB ngày 16-6-2012 và cũng không phải số khăn đã được các bên thực hiện việc kiểm đếm chi tiết từ ngày 20-10-2012 đến ngày 23-10-2012.

[19] Đối với quan điểm của Công ty T cho rằng Ngân hàng K có lỗi trong việc không thực hiện việc mua bảo hiểm hàng hoá thấy rằng: Tại Điều 4 của Hợp đồng thế chấp (nêu trên) quy định nghĩa vụ bảo đảm số lượng, bảo vệ chất lượng, cũng như chịu mọi rủi ro đối với tài sản thế chấp hoàn toàn thuộc về Công ty T. Nên Ngân hàng K không có nghĩa vụ mua bảo hiểm hàng hóa mà nghĩa vụ thuộc về Công ty T.

[20] Như vậy, từ việc không đủ cơ sở để xác định số khăn bị hư hỏng để trong kho của Công ty T hiện tại chính là số khăn thành phẩm đã được thế chấp cho Ngân hàng K theo Hợp đồng thế chấp số 1066/2012/HĐTC-ĐS/TCB ngày 16- 6-2012, cũng không phải là số khăn đã được các bên thực hiện việc kiểm đếm chi tiết từ ngày 20-10-2012 đến ngày 23-10-2012; đến quyền bán hàng hóa là khăn thành phẩm đang thế chấp, nghĩa vụ quản lý, bảo vệ mua bảo hiểm cho tài sản thế chấp, cấp sơ thẩm xác định Ngân hàng K không có lỗi trong việc Công ty T bị thiệt hại do số khăn bông đang cất giữ tại kho của Công ty T bị hư hỏng. Trái lại, tại khoản 3 Điều 354 BLDS năm 2005 còn quy định: “Khi tài sản thế chấp bị hư hỏng thì bên thế chấp trong một thời gian hợp lý phải sửa chữa tài sản thế chấp hoặc thay thế bằng tài sản khác có giá trị tương đương, nếu không có thoả thuận khác”, để đảm bảo quyền lợi của bên nhận thế chấp. Nên cấp sơ thẩm không buộc Ngân hàng Kcó trách nhiệm bồi thường là đúng, không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của Công ty T và quan điểm của Kiểm sát viên tại phiên toà.

[21] Về quan điểm của người đại diện theo uỷ quyền của Công ty T đề nghị xem xét có hay không có dấu hiệu hình sự thấy rằng: Việc Công ty A và Công ty A+ ký kết và thực hiện Hợp đồng dịch vụ quản lý tài sản thế chấp mục đích để đảm bảo trong quá trình luân chuyển hàng hoá thế chấp vẫn phải đảm bảo số lượng, không đồng nghĩa với trách nhiệm quản lý tài sản một cách thông thường, không thể loại bỏ trách nhiệm trông giữ, quản lý bảo vệ tài sản của bên thế chấp tài sản là Công ty T. Nên cũng không có việc bàn giao tài sản thế chấp trên thực tế là đúng vì thực chất chỉ là sự kiểm đếm lại. Tại thời điểm năm 2013 khi không thực hiện được hợp đồng dịch vụ quản lý tài sản đảm bảo, Công ty A+ đã làm đơn gửi đến Phòng An ninh kinh tế Công an tỉnh Nam Định nhờ can thiệp hỗ trợ, sau khi xem xét tình hình Phòng An ninh kinh tế Công an tỉnh Nam Định đã hướng dẫn các đương sự đề nghị giải quyết về dân sự. Đồng thời, ngày 08-11-2017 Công ty T gửi đơn tố cáo đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nam Định, sau thời gian xem xét đơn đề nghị của Công ty T Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nam Định cũng đã có thông báo số 151/PC44 ngày 24-4-2018 về việc không khởi tố vụ án hình sự. Nên xác định chỉ là quan hệ tranh chấp về dân sự, không có dấu hiệu cấu thành tội phạm.

[22] Xét kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Nvà kháng cáo của Công ty T cũng như kháng cáo của ông C, bà T4 về việc không nhất trí với Bản án sơ thẩm đã không tuyên bố Hợp đồng thế chấp tài sản của bên thứ ba, số công chứng 105 quyển số 10/TP/CC-SCC/HĐGD ngày 18-01-2012 tại Phòng Công chứng A tỉnh Nam Định và Hợp đồng uỷ quyền số 106 quyển số 10 cùng ngày 18-01-2012 giữa ông C, bà T4 với Ngân hàng vô hiệu thấy rằng, ngày 18-01-2012 ông Trịnh Quang D, giám đốc Ngân hàng K- chi nhánh Nam Định cùng với ông Nguyễn Văn C và bà Trần Thị T4 ký Hợp đồng thế chấp tài sản của bên thứ ba, nội dung thế chấp bất động sản là quyền sử dụng 315,25m2 đất tại thửa đất số 99, tờ Bản đồ số 76, Khu đô thị H, phường L, thành phố N, tỉnh Nam Định và Hợp đồng ủy quyền, nội dung ủy quyền cho Ngân hàng K toàn quyền bán, chuyển nhượng bất động sản thế chấp khi đã thông báo xử lý tài sản đảm bảo theo quy định của pháp luật. Cả hai hợp đồng đều được lập thành văn bản, có chữ ký xác nhận của các bên nên có đủ cơ sở để xác định rằng các Hợp đồng đã được ký trên cơ sở sự thỏa thuận tự nguyện của các bên.

[23] Mặc dù tại thời điểm thế chấp trên thửa đất đã có ngôi nhà 04 tầng, nhưng việc xây dựng không có giấy phép, GCNQSDĐ cũng không ghi nhận có tài sản là công trình xây dựng trên đất nên Ngân hàng K với ông Nguyễn Văn C và bà Trần Thị T4 chỉ thỏa thuận thế chấp quyền sử dụng 315,25m2 đất, không thế chấp nhà ở và các công trình xây dựng trên đất là phù hợp, không trái quy định tại khoản 2 Điều 716 BLDS năm 2005 quy định về “phạm vi thế chấp quyền sử dụng đất”, không có căn cứ chấp nhận quan điểm của Kiểm sát viên tại phiên toà cho rằng không thể thi hành được.

[24] Việc ông Nguyễn Văn C, bà Trần Thị T4, bà Trần Thị X1 trình bày ngôi nhà trên thửa đất thế chấp tại địa chỉ số 68 đường Đ, Khu đô thị H, phường L, thành phố N (thửa đất số 99, tờ Bản đồ số 76) do bà Trần Thị X1 bỏ tiền ra xây dựng nhưng tại cấp sơ thẩm không đương sự nào đưa ra chứng cứ chứng minh. Trong khi đó tại Đơn xin xác nhận công trình xây dựng trên đất do bà Trần Thị T4 lập có nội dung “Tài sản là căn nhà 3 tầng, diện tích sử dụng 750m2 thuộc sở hữu của bà T4, xin xác nhận để bổ sung hồ sơ thế chấp, vay vốn”. Văn bản này được UBND phường L, thành phố N xác nhận. Sau đó, bà T4 tiếp tục có đơn đề nghị ngày 07-9-2017 trình bày “Năm 2009 tôi có xây dựng căn biệt thự 04 tầng trên thửa đất... đến giữa năm 2010 căn biệt thự đã xây dựng xong trên thửa đất này” đơn đã được UBND phường L ký xác nhận. Không lẽ nào nhà là của bà X1 mà có cơ hội để chứng minh bà X1 vẫn không xuất trình cho Toà án bản thoả thuận và giấy biên nhận, để đến tận phiên toà phúc thẩm mới xuất trình. Nhất là sau khi cấp sơ thẩm xác định nhà xây trên đất thuộc quyền sở hữu của ông C, bà T4 thì bà X1 vẫn không kháng cáo. Nên không có cơ sở để xác định nhà xây trên đất là của bà X1.

[25] Tại Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất, số công chứng 941 quyển số 03/TP/CC-SCC/HĐGD ngày 22-9-2009 thì ông C cũng chỉ tặng cho bà T4 quyền sử dụng đất, không đề cập đến ngôi nhà. GCNQSDĐ vẫn ghi nguồn gốc sử dụng đất do chuyển nhượng. Tại thời điểm thế chấp, ông C và bà T4 vẫn là vợ chồng, ngôi nhà và các công trình xây dựng khác gắn liền với quyền sử dụng đất vẫn là tài sản chung hợp nhất của vợ chồng nên ông C vẫn là người liên quan khi bà T4 ký thế chấp quyền sử dụng đất. Việc ông C cùng ký tên vào hợp đồng không vi phạm điều cấm của pháp luật, không làm thay đổi nội dung thế chấp quyền sử dụng 315,25m2 đất tại thửa đất số 99, tờ Bản đồ số 76, Khu đô thị H, phường L, thành phố N, tỉnh Nam Định cho Ngân hàng K.

[26] Mặt khác, trong Hợp đồng thế chấp tài sản và Hợp đồng uỷ quyền ngày 18-01-2012, ông C, bà T4 đã cam kết: Toàn bộ tài sản thế chấp thuộc quyền sở hữu của mình chưa bán, tặng cho,… dưới bất kỳ hình thức nào; (Điều 6 mục 6.2). Bản thân ý chí của chủ sở hữu là bà T4 là người có đầy đủ năng lực pháp luật và năng lực hành vi đã chủ động ký xác nhận vào hợp đồng, không xuất trình hợp đồng tặng cho trước đó, nguồn gốc quyền sử dụng đất trước khi làm thủ tục tặng cho là tài sản chung của ông C, bà T4, nên cần được coi là ông C, bà T4 đã thay đổi quan điểm, đã tự nguyện thống nhất đưa tài sản bà T4 được tặng cho nhập vào tài sản chung, tự nguyện sử dụng cho mục đích chung khi vợ chồng có nhu cầu thế chấp để vay vốn. Chính vì vậy, biên bản làm việc ngày 16-10-2012 giữa Công ty T và Ngân hàng K ông C đã ký có nội dung: “Sau khi đã bàn giao cho Ngân hàng K số khăn thành phẩm trị giá 26.000.000.000 đồng… rút tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất của ông Nguyễn Văn C và bà Trần Thị T4” như vậy, biên bản một lần nữa khẳng định quyền sử dụng đất là của ông C và bà T4.

[27] GCNQSDĐ của bà T4 được cấp trên cơ sở Hợp đồng tặng cho có trước Hợp đồng thế chấp, do đó Hợp đồng thế chấp có hợp pháp hay không hợp pháp thì cũng không thể làm cho GCNQSDĐ cấp cho bà T4 trở thành quyết định trái pháp luật để phải triệu tập UBND thành phố N tham gia tố tụng theo quy định tại khoản 3 Điều 34 BLTTDS năm 2015. Nên không có căn cứ chấp nhận quan điểm kháng cáo của bà T4 và Công ty T cho rằng nếu xác định Hợp đồng thế chấp hợp pháp thì phải xác định Hợp đồng tặng cho tài sản giữa ông C và bà T4 vô hiệu dẫn đến GCNQSDĐ mang tên bà T4 phải bị huỷ và vì vậy phải triệu tập UBND thành phố Ntham gia tố tụng.

[28] Đối với việc người đại diện cho ông Nguyễn Văn C và bà Trần Thị T4 trình bày các Hợp đồng đã được Ngân hàng soạn thảo sẵn, trong trang 1 của các Hợp đồng có phần ngày tháng và địa điểm được ghi bằng chữ viết thường, phần tên của đại diện Ngân hàng K bị sửa chữa thấy rằng nội dung những phần viết thường của trang 1 Hợp đồng được ghi bằng chữ viết thường đã đúng với ngày tháng năm và địa điểm được ghi tại phần lời chứng của Công chứng viên, tên người đại diện Ngân hàng K được sửa lại đã trùng với tên gọi, con dấu của người ký nên không làm ảnh hưởng đến nội dung Hợp đồng, không phải là vi phạm nghiêm trọng làm cho các Hợp đồng (nói trên) bị vô hiệu;

[29] Việc người đại diện cho ông Nguyễn Văn C và bà Trần Thị T4 trình bày nhiều vấn đề sai sót khác như không có Phiếu yêu cầu công chứng, không có Giấy chứng minh nhân dân của ông C, không có đăng ký kết hôn, Công chứng viên không ký vào từng trang của các Hợp đồng... những sai sót đó (nếu có) cũng không làm thay đổi nội dung cơ bản của các Hợp đồng, không làm khác đi việc ông C, bà T4 thế chấp quyền sử dụng đất đã được công chứng. Những viện dẫn quy định Luật Công chứng của người đại diện theo uỷ quyền của ông C, bà T4 chỉ là “có vi phạm pháp luật thì có quyền yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu” hoàn toàn không quy định có vi phạm pháp luật thì đương nhiên văn bản công chứng bị vô hiệu.

[30] Việc ông C, bà T4 trình bày không đọc các nội dung trước khi ký Hợp đồng; không ký hợp đồng tại phòng Công chứng nhưng không đưa ra được căn cứ chứng minh, trong khi toàn bộ những nội dung này đều được thể hiện ở cam kết tại mục 10.4 Điều 10 Hợp đồng và phần lời chứng của Công chứng viên. Công chứng viên đã có lời khai khẳng định khi thực hiện công chứng các Hợp đồng trên đã thực hiện, tuân thủ theo đúng trình tự, thủ tục của Luật công chứng. Trường hợp ông C, bà T4 không đọc nội dung nhưng vẫn ký xác nhận đã đọc và hiểu rõ nội dung hợp đồng thì phải chịu trách nhiệm theo quy định tại các khoản 5, 6 Điều 35 Luật Công chứng.

[31] Vì vậy, cấp sơ thẩm đã không tuyên bố Hợp đồng thế chấp tài sản của bên thứ ba, số công chứng 105 quyển số 10/TP/CC-SCC/HĐGD ngày 18-01-2012 tại Phòng Công chứng A tỉnh Nam Định và Hợp đồng uỷ quyền số 106 quyển số 10 cùng ngày 18-01-2012 giữa ông C, bà T4 với Ngân hàng vô hiệu là đúng, không có căn cứ chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Nam Định, quan điểm của Kiểm sát viên tại phiên toà và kháng cáo của Công ty T cũng như kháng cáo của ông C, bà T4 về nội dung này.

[32] Về án phí: Căn cứ danh mục mức án phí ban hành kèm theo Pháp lệnh án phí quy định tại điểm e mục 2, phần I xác định Công ty cổ phần T phải nộp án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm đối với tranh chấp đòi bồi thường thiệt hại là 178.835.105 đồng, cấp sơ thẩm tính án phí đối với yêu cầu này với số tiền 182.835.105 là chưa chính xác, nên cần sửa Bản án sơ thẩm về phần án phí. Do sửa án sơ thẩm nên người kháng cáo không phải nộp án phí dân sự phúc thẩm.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 2 Điều 308 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015;

Không chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Nam Định; kháng cáo của Công ty T; kháng cáo của ông Nguyễn Văn C và bà Trần Thị T4, sửa Bản án sơ thẩm về phần án phí;

Căn cứ vào các Điều 342, 348, 349, 354, 355, 361, 362, 402, 474, khoản 2 Điều 716 Bộ luật Dân sự năm 2005; khoản 1 Điều 325 Bộ luật Dân sự năm 2015; Điều 91 Luật các Tổ chức tín dụng năm 2010; Điều 91 Luật nhà ở năm 2005; Điều 35 Luật Công chứng năm 2006; câu 3 phần III văn bản giải đáp nghiệp vụ số 01 ngày 07-4-2017 của Toà án tối cao; Án lệ số 08/2016/AL công bố theo Quyết định số 698/QĐ-CA ngày 17-10-2016 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao,

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng K;

Buộc Công ty cổ phần T phải trả nợ cho Ngân hàng K theo các Hợp đồng cung cấp hạn mức tín dụng số 989/HĐHMTD/TCB/NDH ngày 13-01-2012 và Hợp đồng cung cấp hạn mức mở thư tín dụng số 989/HĐHM-LC/TCB/NDH ngày 13- 01-2012. Các khoản nợ tính đến hết ngày tuyên án sơ thẩm 13-10-2017 cụ thể như sau:

- Số tiền nợ gốc quá hạn Việt Nam đồng là: 11.448.473.321 đồng (mười một tỷ bốn trăm bốn mươi tám triệu bốn trăm bảy mươi ba nghìn ba trăm hai mươi mốt đồng).

- Số tiền nợ gốc quá hạn ngoại tệ là: 421.178,84 USD (bốn trăm hai mươi mốt nghìn một trăm bảy mươi tám phẩy tám mươi tư Đô-la Mỹ).

- Số tiền lãi trong hạn là: 214.249.428 đồng (hai trăm mười bốn triệu hai trăm bốn mươi chín nghìn bốn trăm hai mươi tám đồng).

- Số tiền lãi quá hạn Việt Nam đồng là: 13.095.315.308 đồng (mười ba tỷ không trăm chín mươi lăm triệu ba trăm mười lăm nghìn ba trăm lẻ tám đồng).

- Số tiền lãi quá hạn ngoại tệ là: 246.785,51 USD (hai trăm bốn mươi sáu nghìn bảy trăm tám mươi lăm phẩy năm mươi mốt Đô-la Mỹ).

Tổng cộng số tiền nợ mà Công ty T phải trả cho Ngân hàng K tính đến hết ngày 13-10-2017 là 24.758.038.057 đồng (hai mươi tư tỷ bảy trăm năm mươi tám triệu không trăm ba mươi tám nghìn không trăm năm mươi bảy đồng) và 667.964,35 USD (sáu trăm sáu mươi bảy nghìn chín trăm sáu mươi tư phẩy ba mươi lăm Đô-la Mỹ).

Trong trường hợp Công ty T không thể thanh toán một lần hết các khoản nợ thì số tiền trả nợ thực tế của Công ty T sẽ được xác định thứ tự thanh toán cho các khoản nợ lần lượt như sau: Nợ lãi quá hạn, nợ gốc quá hạn, lãi vay trong hạn, nợ gốc trong hạn.

2. Kể từ ngày tiếp theo của ngày tuyên án sơ thẩm (13-10-2017) Công ty cổ phần T còn phải tiếp tục chịu khoản tiền lãi quá hạn của số tiền nợ gốc chưa thanh toán theo mức lãi suất đã thỏa thuận tại các hợp đồng tín dụng và khế ước nhận nợ cho đến khi thanh toán xong số tiền nợ gốc. Cụ thể như sau:

- Khế ước nhận nợ và cam kết trả nợ số 844.3 ngày 18-01-2012: Số tiền nợ gốc chưa thanh toán 3.418.613.265 đồng, lãi suất trong hạn 20,05%/năm, lãi suất quá hạn bằng 150% lãi suất trong hạn;

- Khế ước nhận nợ và cam kết trả nợ số 844.4 ngày 30-01-2012: Số tiền nợ gốc chưa thanh toán 317.373.955 đồng, lãi suất trong hạn 20,05%/năm, lãi suất quá hạn bằng 150% lãi suất trong hạn;

- Khế ước nhận nợ và cam kết trả nợ số 844.5 ngày 02-02-2012: Số tiền nợ gốc chưa thanh toán 91.278,28 USD, lãi suất trong hạn 7,1%/năm, lãi suất quá hạn bằng 150% lãi suất trong hạn;

- Khế ước nhận nợ và cam kết trả nợ số 844.6 ngày 23-02-2012: Số tiền nợ gốc chưa thanh toán 167.053,56 USD, lãi suất trong hạn 7,2%/năm, lãi suất quá hạn bằng 150% lãi suất trong hạn;

- Khế ước nhận nợ và cam kết trả nợ số 844.7 ngày 28-02-2012: Số tiền nợ gốc chưa thanh toán 1.405.301.418 đồng, lãi suất trong hạn 20,2%/năm, lãi suất quá hạn bằng 150% lãi suất trong hạn;

- Khế ước nhận nợ và cam kết trả nợ số 844.8 ngày 01-3-2012: Số tiền nợ gốc chưa thanh toán 1.000.000.000 đồng, lãi suất trong hạn 20,2%/năm, lãi suất quá hạn bằng 150% lãi suất trong hạn;

- Khế ước nhận nợ và cam kết trả nợ số 844.9 ngày 19-3-2012: Số tiền nợ gốc chưa thanh toán 700.000.000 đồng, lãi suất trong hạn 20,1%/năm, lãi suất quá hạn bằng 150% lãi suất trong hạn;

- Khế ước nhận nợ và cam kết trả nợ số 844.10 ngày 19-3-2012: Số tiền nợ gốc chưa thanh toán 4.050.000.000 đồng, lãi suất trong hạn 20,1%/năm, lãi suất quá hạn bằng 150% lãi suất trong hạn;

- Khế ước nhận nợ và cam kết trả nợ số 844.11 ngày 23-4-2012: Số tiền nợ gốc chưa thanh toán 557.184.683 đồng, lãi suất trong hạn 19,65%/năm, lãi suất quá hạn bằng 150% lãi suất trong hạn;

- Khoản phát vay bắt buộc ngày 19-10-2012 để giải ngân thanh toán LC số TF120670105301/NDH: Số nợ gốc chưa thanh toán 162.847 USD, lãi suất quá hạn bằng 12%/năm;

3. Không chấp nhận yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại của Công ty cổ phần T đối với Ngân hàng K;

4. Không chấp nhận yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu của ông Nguyễn Văn C và bà Trần Thị T4 đối với các văn bản là Hợp đồng thế chấp tài sản của bên thứ ba, số công chứng 105, quyển số 10TP/CC - SCC/HĐGD ngày 18-01- 2012 tại Phòng công chứng A tỉnh Nam Định và Hợp đồng ủy quyền, số công chứng 106, quyển số 10TP/CC - SCC/HĐGD ngày 18-01-2012 tại Phòng công chứng Atỉnh Nam Định;

5. Xử lý tài sản đảm bảo:

Trong trường hợp Công ty cổ phần T không thực hiện nghĩa vụ trả toàn bộ số tiền nợ gốc, lãi trong hạn, lãi quá hạn thì Ngân hàng K có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án có thẩm quyền xử lý phát mại các tài sản đảm bảo theo quy định của pháp luật để thu hồi toàn bộ các khoản nợ.

Các tài sản đảm bảo cụ thể như sau:

- Tài sản đảm bảo theo Hợp đồng thế chấp tài sản số 951/2011/HĐTC- ĐS/TCB ngày 06-12-2011 và Phụ lục hợp đồng số 951.1 ngày 23-02-2012 là bông và sợi. Cụ thể: Bông nguyên là 188.160 kg (một trăm tám mươi tám nghìn một trăm sáu mươi kilogam); sợi 20/1 là 190.360 kg (một trăm chín mươi nghìn ba trăm sáu mươi kilogam), sợi 16/1 là 122.465 kg (một trăm hai mươi hai nghìn bốn trăm sáu mươi lăm kilogam);

- Tài sản đảm bảo theo Hợp đồng thế chấp tài sản số 1066/2012/HĐTC- ĐS/TCB ngày 16-6-2012 là hàng luân chuyển trong quá trình sản xuất kinh doanh, bao gồm 3.500.000 (ba triệu năm trăm nghìn) chiếc khăn thành phẩm do Công ty T sản xuất. Số khăn thành phẩm thế chấp này là khăn thành phẩm mới 100% và còn nguyên giá trị sử dụng, tổng giá trị không thấp hơn giá trị do các bên thỏa thuận khi thế chấp là 23.000.000.000 đồng (hai mươi ba tỷ đồng), không phải xác định về mã khăn, màu sắc và kích thước của khăn;

- Tài sản đảm bảo theo Hợp đồng thế chấp tài sản của bên thứ ba, số công chứng 105, quyển số 10/TP/CC-SCC/HĐGD ngày 18-01-2012 là quyền sử dụng 315,25m2 đất tại thửa đất số 99, tờ bản đồ số 76, khu đô thị mới H, phường L, thành phố N, tỉnh Nam Định. Địa chỉ: số 68 đường Đ, Khu đô thị mới H, phường L, thành phố N, tỉnh Nam Định. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AP330350 do UBND thành phố N cấp ngày 29-9-2009 cho bà Trần Thị T4. Tài sản thế chấp không bao gồm ngôi nhà và các công trình xây dựng trên đất. Việc xử lý tài sản đảm bảo này thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 325 Bộ luật Dân sự năm 2015.

Trường hợp sau khi phát mại tất cả các tài sản đảm bảo theo các hợp đồng thế chấp nêu trên mà số tiền thu được không đủ để Thanh toán hết các khoản nợ của Công ty cổ phần T tại mục 1 và mục 2 phần Quyết định, thì Công ty cổ phần T vẫn có nghĩa vụ trả đầy đủ tất cả các khoản nợ theo quyết định của Bản án cho Ngân hàng K;

6. Ghi nhận sự tự nguyện của Ngân hàng K hỗ trợ cho Công ty cổ phần T số tiền 8.500.000.000 đồng (tám tỷ năm trăm triệu đồng). Khoản tiền hỗ trợ này sẽ được đối trừ vào khoản tiền lãi khi Công ty cổ phần T thực hiện các nghĩa vụ trả nợ cho Ngân hàng K, sau khi bản án có hiệu lực pháp luật;

Đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng K về số tiền lãi phạt 184.144.527 đồng;

7. Án phí: Căn cứ khoản 1 Điều 147, khoản 2 Điều 148 BLTTDS năm 2015 các khoản 1, 2 Điều 27, khoản 2 Điều 30 Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án,

Công ty cổ phần T phải nộp án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm đối với tranh chấp hợp đồng tín dụng là 147.755.841 đồng (một trăm bốn mươi bẩy triệu bảy trăm năm lăm ngàn tám trăm bốn mươi mốt đồng);

Công ty cổ phần T phải nộp án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm đối với tranh chấp đòi bồi thường thiệt hại là 178.835.105 đồng (một trăm bảy mươi tám triệu tám trăm ba mươi lăm nghìn một trăm lẻ năm đồng).

Tổng cộng Công ty cổ phần T phải nộp án phí là 326.590.946 đồng, được trừ số tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm 67.900.000 đồng (sáu mươi bảy triệu chín trăm nghìn đồng) đã nộp tại Biên lai số 02559 ngày 24-11-2015 và số tiền 200.000đ tạm ứng án phúc thẩm dân sự đã nộp tại Biên lai số 0000667 ngày 27- 10-2017 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Nam Định. Công ty cổ phần T còn phải nộp 258.490.946 đồng (Hai trăm năm mươi tám triệu bốn trăm chín mươi ngàn chín trăm bốn mươi sáu đồng);

Ông Nguyễn Văn C và bà Trần Thị T4 phải nộp 400.000đ (bốn trăm nghìn đồng) án phí dân sự sơ thẩm đối với yêu cầu tuyên bố 02 văn bản công chứng vô hiệu. Được trừ vào số tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm và số tiền tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm, tổng cộng ông C và bà T4 đã nộp 900.000 đồng tại các Biên lai số 03523 ngày 05-5-2017; Biên lai số 03645 ngày 03-7-2017; Biên lai số 0000668 ngày 27-10-2017; Biên lai số 0000666 ngày 27-10-2017 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Nam Định. Tuyên trả lại cho ông C và bà T4 500.000 đồng (năm trăm nghìn đồng);

Tuyên trả lại cho Ngân hàng K số tiền tạm ứng án phí 69.000.000 đồng (sáu mươi chín triệu đồng) đã nộp tại Biên lai số 02377 ngày 29-7-2015 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Nam Định.

Trường hợp Bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án Dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án Dân sự, thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án Dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực thi hành kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

688
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 05/2018/KDTM-PT ngày 15/05/2018 về tranh chấp hợp đồng tín dụng

Số hiệu:05/2018/KDTM-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Nam Định
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành: 15/05/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập
Đăng ký


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;