477331

Hướng dẫn 24/HD-VKSTC năm 2021 về nội dung cơ bản trong công tác kiểm sát việc giải quyết vụ án tranh chấp chia di sản thừa kế do Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành

477331
LawNet .vn

Hướng dẫn 24/HD-VKSTC năm 2021 về nội dung cơ bản trong công tác kiểm sát việc giải quyết vụ án tranh chấp chia di sản thừa kế do Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành

Số hiệu: 24/HD-VKSTC Loại văn bản: Hướng dẫn
Nơi ban hành: Viện kiểm sát nhân dân tối cao Người ký: Vương Hồng Quảng
Ngày ban hành: 12/05/2021 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết
Số hiệu: 24/HD-VKSTC
Loại văn bản: Hướng dẫn
Nơi ban hành: Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Người ký: Vương Hồng Quảng
Ngày ban hành: 12/05/2021
Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật
Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN
TỐI CAO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 24/HD-VKSTC

Hà Nội, ngày 12 tháng 5 năm 2021

 

HƯỚNG DẪN

MỘT SỐ NỘI DUNG CƠ BẢN TRONG CÔNG TÁC KIỂM SÁT VIỆC GIẢI QUYẾT VỤ ÁN TRANH CHẤP CHIA DI SẢN THỪA KẾ

Tranh chấp thừa kế nói chung và tranh chấp chia di sản thừa kế nói riêng ở nước ta là loại án dân sự phổ biến, phức tạp, có những vụ án kéo dài, xét xử nhiều lần ở nhiều cấp Tòa án. Nguyên nhân làm cho tranh chấp chia di sản thừa kế phức tạp vì đây là tranh chấp giữa những người thân thích có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng; di sản thừa kế thường là quyền sử dụng đất và nhà ở, là những tài sản có giá trị lớn, thiết yếu; việc giải quyết tranh chấp chia di sản thừa kế liên quan đến nhiều lĩnh vực pháp luật như pháp luật về thừa kế, về sở hữu, về hôn nhân và gia đình, về đất đai, về nhà ở....và pháp luật khác có liên quan. Thời gian qua, Viện kiểm sát các cấp đã thực hiện công tác kiểm sát việc giải quyết đối với các vụ án tranh chấp chia di sản thừa kế đạt được kết quả tốt; tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc nên cần phải có hướng dẫn để thống nhất thực hiện trong toàn ngành. Do đó, nâng cao chất lượng công tác kiểm sát việc giải quyết tranh chấp chia di sản thừa kế ở mỗi cấp kiểm sát là cần thiết.

Thực hiện Chỉ thị số 01/CT-VKSTC ngày 31/12/2020 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về công tác của ngành Kiểm sát nhân dân năm 2021, Kế hoạch số 01/KH-VKSTC ngày 05/01/2021 về công tác trọng tâm của Viện kiểm sát nhân dân tối cao năm 2021, Vụ kiểm sát việc giải quyết các vụ, việc dân sự, hôn nhân và gia đình (Vụ 9) hướng dẫn một số nội dung cơ bản trong công tác kiểm sát việc giải quyết vụ án tranh chấp chia di sản thừa kế như sau:

I. NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG

1. Về phạm vi và đối tượng áp dụng

Văn bản này Hướng dẫn một số nội dung trong công tác kiểm sát việc giải quyết vụ án tranh chấp chia di sản thừa kế.

Hướng dẫn để Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, công chức của Viện kiểm sát khi được phân công kiểm sát việc giải quyết tranh chấp chia di sản thừa kế áp dụng thực hiện.

2. Yêu cầu

Hướng dẫn khắc phục một phần khó khăn, vướng mắc trong quá trình kiểm sát việc giải quyết vụ án tranh chấp chia di sản thừa kế, góp phần nâng cao chất lượng công tác kiểm sát việc giải quyết loại án này.

II. MỘT SỐ NỘI DUNG CƠ BẢN TRONG CÔNG TÁC KIỂM SÁT VIỆC GIẢI QUYẾT VỤ ÁN TRANH CHẤP CHIA DI SẢN THỪA KẾ

1. Trong công tác kiểm sát việc giải quyết vụ án tranh chấp chia di sản thừa kế theo thủ tục sơ thẩm

1.1. Về pháp luật tố tụng

Khi kiểm sát việc giải quyết vụ án tranh chấp chia di sản thừa kế cần thực hiện theo quy định tại Điều 21, Điều 57, Điều 58, Điều 59 Bộ luật tố tụng dân sự (BLTTDS), các quy định khác của BLTTDS và văn bản hướng dẫn thi hành BLTTDS về thủ tục giải quyết vụ án dân sự theo thủ tục sơ thẩm; Quy định về hướng dẫn hoạt động của Kiểm sát viên tham gia phiên tòa dân sự sơ thẩm được ban hành kèm theo Quyết định số 458/QĐ-VKSTC ngày 04/10/2019 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Quy định 458/2019).

1.2. Về pháp luật nội dung

Khi kiểm sát việc giải quyết vụ án tranh chấp chia di sản thừa kế, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, công chức cần chú ý một số vấn đề sau:

1.2.1. Xác định thời điểm mở thừa kế và thời hiệu khởi kiện các vụ án tranh chấp chia di sản thừa kế

- Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết. Việc xác định thời điểm mở thừa kế có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định di sản của người chết để lại, xác định người được hưởng thừa kế, thời hiệu khởi kiện và pháp luật áp dụng để giải quyết tranh chấp về thừa kế...

- Theo quy định tại Điều 184 BLTTDS, khoản 2 Điều 149 Bộ luật dân sự năm 2015 (BLDS 2015), Tòa án chỉ áp dụng quy định về thời hiệu khởi kiện theo yêu cầu áp dụng thời hiệu của một bên hoặc các bên với điều kiện yêu cầu này phải được đưa ra trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ án.

Trường hợp thời hiệu khởi kiện không còn nhưng không có đương sự nào yêu cầu áp dụng thời hiệu hoặc đưa ra yêu cầu không phù hợp quy định của pháp luật thì Tòa án vẫn tiếp tục giải quyết vụ án.

Trường hợp đương sự yêu cầu áp dụng thời hiệu đúng quy định thì cần làm rõ thời điểm mở thừa kế (thời điểm bắt đầu thời hiệu khởi kiện) và ngày khởi kiện để xác định còn thời hiệu khởi kiện hay đã hết.

Khi xác định thời hiệu khởi kiện về thừa kế, cần lưu ý các quy định về thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện (trường hợp sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan), quy định bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện vụ án trong BLDS.

- Để xác định thời hiệu khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế cần nắm vững quy định về thời hiệu khởi kiện tại Điều 184 BLTTDS, Điều 149 và Điều 623 BLDS 2015, Điều 4 Nghị quyết số 02/2016/NQ-HĐTP ngày 30/6/2016 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Án lệ số 26/2018/AL của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và tham khảo mục 1, 2 Phần III Giải đáp vướng mắc số 01/GĐ-TANDTC ngày 25/7/2016Phần I Giải đáp vướng mắc số 01/GĐ-TANDTC ngày 05/01/2018 của Tòa án nhân dân tối cao. Theo đó, thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó.

Đối với trường hợp thừa kế mở trước ngày 10/9/1990 thì thời hiệu khởi kiện chia di sản thừa kế là bất động sản được thực hiện theo quy định tại Điều 36 của Pháp lệnh Thừa kế năm 1990 và hướng dẫn tại Nghị quyết số 02/HĐTP ngày 19/10/1990 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Pháp lệnh Thừa kế, cụ thể là: Thời hiệu khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế được tính từ ngày 10/9/1990.

Đối với trường hợp thừa kế mở từ ngày 10/9/1990 đến trước ngày 01/01/2017 (ngày BLDS năm 2015 có hiệu lực), thời hiệu khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế là 30 năm đối với bất động sản và 10 năm đối với động sản được tính từ thời điểm mở thừa kế.

Trường hợp thừa kế mở trước ngày 01/7/1991 mà không có người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia và di sản thừa kế là nhà ở thì thời hiệu khởi kiện được xác định theo quy định tại Nghị quyết số 58/1998/NQ-UBTVQH10 ngày 20/8/1998 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Nghị quyết số 58/1998). Theo đó thời gian từ ngày 01/7/1996 đến ngày 01/01/1999 (ngày Nghị quyết số 58/1998 có hiệu lực), không tính vào thời hiệu khởi kiện (khoản 2 Điều 17 Nghị quyết số 58/1998).

Trường hợp thừa kế mở trước ngày 01/7/1991 mà có người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia và di sản thừa kế là nhà ở thì thời hiệu khởi kiện được xác định theo quy định tại Nghị quyết số 1037/2006/NQ-UBTVQH11 ngày 27/7/2006 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Nghị quyết số 1037/2006). Theo đó, thời gian từ ngày 01/7/1996 đến ngày 01/9/2006 (ngày Nghị quyết số 1037/2006 có hiệu lực) không tính vào thời hiệu khởi kiện (khoản 2 Điều 39 Nghị quyết số 1037/2006).

1.2.2. Xác định di sản thừa kế, giá trị di sản, hiện trạng, quá trình sử dụng, quản lý di sản

- Di sản thừa kế được phân chia cho những người thừa kế là phần di sản còn lại sau khi thực hiện xong nghĩa vụ về tài sản do người chết để lại.

- Để giải quyết vụ án tranh chấp chia di sản thừa kế, cần xác định rõ di sản thừa kế gồm những gì? Giá trị tài sản có tranh chấp? Xác định thực tế khối tài sản hiện đang được sử dụng như thế nào và xem xét các yêu cầu của đương sự để phân chia di sản cho phù hợp.

- Cần xác định hiện trạng của di sản thừa kế, nguồn gốc, quá trình biến đổi và thực trạng từng loại di sản; công sức của người duy trì phát triển tài sản là di sản; công sức của người chăm sóc người để lại di sản; việc ma chay, giỗ, tết... liên quan đến người để lại di sản; di sản đang được ai quản lý và được sử dụng như thế nào? Yêu cầu, ý kiến của người quản lý di sản đối với việc trích công sức quản lý di sản? Để làm rõ những vấn đề trên, khi nghiên cứu cần xem xét các tài liệu liên quan đến nguồn gốc, giá trị và hiện trạng tài sản ở thời điểm mở thừa kế, thời điểm có yêu cầu chia thừa kế như: Văn bản ghi ý kiến, bản tự khai, biên bản ghi lời khai của các đương sự, văn bản xác nhận, cung cấp chứng cứ, biên bản thẩm định tại chỗ, biên bản xác định hiện trạng tài sản, đo đạc nhà đất, vị trí, kích thước, người đang quản lý sử dụng, biên bản định giá, thẩm định giá tài sản... Đối với các tài sản phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng thì lưu ý xác định tính chất pháp lý của tài sản, xem xét về nguồn gốc, sự chuyển dịch tài sản qua các thời kỳ, quá trình thực hiện chính sách cải tạo đối với loại tài sản này của Nhà nước để đề xuất đường lối giải quyết phù hợp. Đồng thời, cần làm rõ công sức của người quản lý di sản trong việc duy trì, phát triển khối di sản; công sức của người chăm sóc, ma chay, trách nhiệm giỗ tết cho người chết....

- Đối với di sản thừa kế nằm trong khối tài sản chung vợ chồng, cần nghiên cứu vận dụng Luật hôn nhân gia đình năm 1959, 1986, 2000 và 2014; Nghị quyết số 35/2000/NQ-QH10 ngày 09/6/2000 của Quốc hội, các Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Án lệ số 03/2016 để xác định giá trị tài sản chung của vợ chồng, từ đó xác định di sản của người chết.

- Việc xác định di sản thừa kế có liên quan đến tài sản chung của hộ gia đình cần phải kiểm tra, xem xét tài liệu, chứng cứ về quá trình tạo lập, thời gian sử dụng và công sức đóng góp của người chết vào khối tài sản chung đó, để xác định phần di sản của người chết.

- Làm rõ di sản là tài sản riêng của người chết hay là phần tài sản của người chết trong khối tài sản chung với người khác. Phần tài sản của người chết trong khối tài sản chung với người khác có thể là phần tài sản nằm trong khối tài sản thuộc sở hữu chung hợp nhất của vợ chồng hoặc nằm trong khối tài sản thuộc sở hữu chung theo phần với người khác phụ thuộc vào cách thức và căn cứ xác lập nên các hình thức sở hữu đó.

+ Đối với tranh chấp chia di sản thừa kế là quyền sử dụng đất: Trường hợp đất đã có giấy tờ chứng minh về quyền sử dụng đất thì phải kiểm tra các giấy tờ về đất đai kèm theo các tài liệu hồ sơ quản lý đất và tài sản trên đất (nếu có) để xem xét, đánh giá đất thuộc quyền sử dụng của ai, diện tích cụ thể như thế nào? Khi nghiên cứu hồ sơ phải lưu ý đến các tài liệu: Chứng cứ về nguồn gốc và quá trình sử dụng đất do các bên tranh chấp đưa ra; các biên bản hòa giải ở xã, phường; thực tế diện tích đất đương sự đang sử dụng; quá trình kê khai, đóng thuế sử dụng đất và ý kiến, quan điểm của các bên trong quá trình sử dụng đất hàng năm như thế nào? Có phản đối hay đồng ý khi phía bên kia sử dụng đất mà họ cho là không thuộc quyền sử dụng của người đó. Sự phù hợp của hiện trạng đất đang có tranh chấp với quy hoạch sử dụng đất chi tiết đã được xét duyệt...

+ Thực tiễn xét xử cho thấy, nhiều vụ án chia di sản thừa kế bị hủy nhiều lần vì khi giải quyết, Toà án không xem xét kỹ nguồn gốc, sự chuyển dịch theo thời gian, những biến động của tài sản là di sản trong quá trình thực hiện các chính sách của Nhà nước trong từng thời kỳ, thậm chí không xem xét đến những tài sản (không phải là di sản) đang tồn tại, hiện hữu trong khối tài sản có tranh chấp hoặc phân chia di sản không phù hợp với thực tế và nhu cầu của đương sự như: Tài sản có thể chia bằng hiện vật nhưng chỉ giao cho một bên sở hữu, sử dụng khi người này không có khả năng chi trả giá trị cho các thừa kế khác trong khi có đương sự khác cũng có yêu cầu được phân chia hiện vật hoặc chia di sản cho các thừa kế bằng nhau nhưng giá trị sử dụng của di sản là khác nhau. Trường hợp di sản thừa kế là vốn góp trong doanh nghiệp, cổ phiếu, trái phiếu, quyền sở hữu trí tuệ, cần phải nghiên cứu các quy định của pháp luật về các nội dung này để xem xét xác định giá trị của di sản thừa kế và cách thức phân chia cho phù hợp.

* Lưu ý: Trường hợp di sản thừa kế là bất động sản đã được một trong các đồng thừa kế chuyển nhượng cho người khác, các đồng thừa kế khác biết và không phản đối việc chuyển nhượng đó, số tiền nhận chuyển nhượng đã được dùng để lo cuộc sống của các đồng thừa kế, bên nhận chuyển nhượng đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trường hợp này, phải công nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất là hợp pháp và diện tích đất đã chuyển nhượng không còn trong khối di sản để chia thừa kế mà thuộc quyền sử dụng của bên nhận chuyển nhượng1.

Trong vụ án tranh chấp chia di sản thừa kế, có đương sự thuộc diện được hưởng một phần di sản thừa kế và có công sức đóng góp vào việc quản lý, tôn tạo di sản thừa kế nhưng không đồng ý việc chia thừa kế (vì cho rằng đã được người để lại di sản tặng cho bằng lời hoặc đã hết thời hiệu khởi kiện về thừa kế), họ không có yêu cầu cụ thể về việc xem xét công sức đóng góp vào việc quản lý, tôn tạo di sản thừa kế; nếu có cơ sở chia thừa kế cho các thừa kế thì phải xem xét về công sức đóng góp vào việc quản lý, tôn tạo di sản của họ2.

1.2.3. Xác định hàng thừa kế

- Xác định những người thuộc diện thừa kế được hưởng di sản theo pháp luật (các hàng thừa kế), người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc, người không được hưởng thừa kế, người từ bỏ quyền thừa kế, thừa kế thế vị, các trường hợp khác như con nuôi, con riêng, con ngoài giá thú... Việc xác định rõ, đầy đủ người thuộc diện thừa kế là vấn đề quan trọng bởi thực tế có trường hợp khi giải quyết tranh chấp thừa kế Toà án xác định không đầy đủ người thuộc diện thừa kế làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của những người này. Hàng thừa kế là một trong những nội dung quan trọng trong thừa kế theo pháp luật. Việc xác định chính xác hàng thừa kế là căn cứ quan trọng để phân chia di sản thừa kế theo pháp luật.

Trường hợp vợ chồng đã chia tài sản chung, vợ chồng đang xin ly hôn hoặc đã kết hôn với người khác (Bộ luật dân sự năm 2015 quy định tại Điều 655) và trường hợp một người có nhiều vợ, nhiều chồng trước ngày 13/1/1960 ở Miền Bắc, trước ngày 25/3/1977 ở Miền Nam, cán bộ Miền Nam tập kết ra Bắc (trong khoảng thời gian từ năm 1954 đến 1975) lấy vợ, lấy chồng khác và kết hôn sau không bị Tòa án hủy bằng bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật thì vợ hoặc chồng còn sống vẫn là người thừa kế ở hàng thừa kế thứ nhất của người chết.

- Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

- Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản. Nếu không có ai là người thừa kế ở hàng thừa kế thứ ba thì di sản sẽ thuộc về Nhà nước.

* Lưu ý: Trong vụ án tranh chấp thừa kế có người thuộc diện thừa kế ở nước ngoài, nếu Tòa án đã thực hiện ủy thác tư pháp, thu thập chứng cứ theo đúng quy định của pháp luật nhưng vẫn không xác định được địa chỉ của những người đó thì vẫn giải quyết yêu cầu của nguyên đơn; nếu xác định được di sản thừa kế, hàng thừa kế và người để lại di sản thừa kế không có di chúc thì giải quyết việc chia thừa kế cho nguyên đơn theo quy định của pháp luật, phần tài sản thừa kế của những người vắng mặt, không xác định được địa chỉ sẽ tạm giao cho những người sống trong nước quản lý để sau này giao lại cho người thừa kế vắng mặt3.

Trường hợp khi có người thừa kế mới hoặc có người thừa kế bị bác bỏ quyền thừa kế thì thực hiện theo quy định về phân chia di sản trong trường hợp xuất hiện người thừa kế mới hoặc có người thừa kế bị bác bỏ quyền thừa kế. Tuy nhiên, khi áp dụng quy định này cần phân biệt trường hợp xuất hiện người thừa kế mới với trường hợp quá trình giải quyết vụ án trước đó đương sự và Tòa án đưa thiếu người tham gia tố tụng, để đề xuất đường lối giải quyết cho phù hợp.

1.2.4. Xem xét tính hợp pháp của di chúc

Trường hợp tranh chấp chia di sản thừa kế theo di chúc cần xác định trước khi chết, người để lại di sản có lập di chúc không? Đó là di chúc miệng hay di chúc bằng văn bản (không có người làm chứng; có người làm chứng; có công chứng hoặc chứng thực; lập tại cơ quan công chứng hoặc tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn ...) và xác định tính hợp pháp của di chúc. Di chúc hợp pháp là di chúc tuân thủ đầy đủ các điều kiện pháp luật quy định. Di chúc không phát sinh hiệu lực, nếu di sản để lại cho người thừa kế không còn vào thời điểm mở thừa kế; nếu di sản để lại cho người thừa kế chỉ còn một phần thì phần di chúc về phần di sản còn lại vẫn phát sinh hiệu lực. Khi di chúc có phần không hợp pháp mà không ảnh hưởng đến hiệu lực của các phần còn lại thì chỉ phần đó không có hiệu lực pháp luật. Khi một người để lại nhiều bản di chúc đối với một tài sản thì chỉ bản di chúc sau cùng có hiệu lực pháp luật. Nếu di chúc phù hợp với pháp luật, được chấp nhận thì phải chú ý trường hợp được hưởng thừa kế không phụ thuộc vào di chúc.

* Lưu ý:

Trường hợp di chúc không hợp pháp thì không chấp nhận thừa kế theo di chúc mà phải chia thừa kế theo pháp luật. Trường hợp di chúc bị thất lạc hoặc bị hư hại đến mức không thể hiện được đầy đủ ý chí của người để lại di chúc và cũng không có bằng chứng nào chứng minh được ý nguyện đích thực của người lập di chúc, thì coi như không có di chúc và áp dụng quy định về thừa kế theo pháp luật để chia di sản.

Trường hợp những người thừa kế theo di chúc đều chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc, cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn vào thời điểm mở thừa kế; những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối quyền hưởng di sản thì chia thừa kế theo pháp luật.

1.2.5. Xác định rõ nguyên nhân dẫn đến tranh chấp; tâm tư, nguyện vọng, điều kiện, hoàn cảnh của các đương sự để phân chia di sản cho phù hợp.

Trên cơ sở xem xét giá trị và hiện trạng di sản thừa kế có tranh chấp, hoàn cảnh, yêu cầu của đương sự, có hay không việc các đương sự thỏa thuận về việc phân chia di sản thừa kế, trường hợp các đương sự thỏa thuận về việc phân chia di sản thừa kế cần xem xét thỏa thuận đó có hợp pháp không? Có nhằm trốn tránh nghĩa vụ tài sản với người thứ ba hay không? Cần xem xét yêu cầu của các đương sự về việc hưởng di sản thừa kế bằng hiện vật hay bằng giá trị (tiền); xem xét điều kiện, hoàn cảnh của những người hưởng thừa kế, thực trạng di sản.... để đề xuất chia di sản cho phù hợp.

1.2.6. Xác định các căn cứ pháp luật có liên quan để đề nghị đường lối giải quyết vụ án

- Đối với những vụ án tranh chấp chia di sản thừa kế liên quan đến quyền sử dụng đất cần xem xét một số điều kiện như: Đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không có tranh chấp quyền sử dụng đất với người khác; quyền sử dụng đất không bị kê biên. Khi đánh giá chứng cứ và áp dụng pháp luật để giải quyết tranh chấp, Kiểm sát viên cần lưu ý không chỉ xem xét nguồn gốc đất mà phải xem xét, nghiên cứu cả quá trình sử dụng đất, kê khai xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của đương sự; xem xét những quy định về bảo đảm của Nhà nước đối với người sử dụng đất.

- Khi giải quyết yêu cầu chia thừa kế của nguyên đơn, bị đơn... phải đảm bảo cả quyền lợi của người liên quan trong vụ kiện (Ngân hàng, chủ nợ, tài sản chung liên quan đến quyền lợi của người thứ ba....).

- Đối với nghĩa vụ về án phí chia tài sản, nghiên cứu Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, những trường hợp áp dụng Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án năm 2009 được quy định tại khoản 1 Điều 48 của Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 để kiểm sát chặt chẽ việc tuyên nghĩa vụ án phí có giá ngạch của Tòa án.

1.2.7. Về từ chối nhận di sản

Khi chia thừa kế phải lưu ý đến ý chí của người thừa kế, người thừa kế có quyền định đoạt nhận di sản hay không nhận di sản? Quy định này nhằm bảo đảm quyền tự định đoạt của người thừa kế trong việc từ chối nhận di sản, không mang nặng tính chất áp đặt, hạn chế quyền của người thừa kế; phù hợp với nguyên tắc của pháp luật dân sự, đảm bảo quyền và tạo thuận lợi cho người thừa kế quyết định việc từ chối nhận di sản thừa kế. Khi người được hưởng thừa kế từ chối nhận di sản, cần xem xét việc từ chối di sản có nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ của người từ chối với người khác hay không?

1.2.8. Về thứ tự ưu tiên thanh toán

Các nghĩa vụ tài sản và các khoản chi phí liên quan đến di sản thừa kế của người chết được thanh toán theo thứ tự quy định của pháp luật về nội dung này. Tuy nhiên, trong chi phí cho việc bảo quản di sản có những chi phí thực tế như chi phí mua bao bì, làm mái che, kho bãi... và người quản lý di sản phải bỏ chi phí để sửa chữa, bảo quản di sản thì có quyền yêu cầu người thừa kế thanh toán chi phí cần thiết đó. Đối với công sức quản lý di sản, hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể, nên khi đề nghị xem xét công sức quản lý di sản cần căn cứ vào việc người quản lý di sản thực hiện tốt các nghĩa vụ quản lý di sản, thời gian quản lý di sản, có được hưởng lợi hay không được hưởng lợi từ việc quản lý di sản... để đề xuất cho phù hợp.

2. Trong công tác kiểm sát việc giải quyết vụ án tranh chấp chia di sản thừa kế theo thủ tục phúc thẩm

Hoạt động kiểm sát việc giải quyết vụ án tranh chấp chia di sản thừa kế theo thủ tục phúc thẩm về cơ bản được thực hiện tương tự như kiểm sát việc giải quyết vụ án tranh chấp chia di sản thừa kế theo thủ tục sơ thẩm. Tuy nhiên, cần lưu ý:

- Về pháp luật tố tụng, việc giải quyết vụ án tranh chấp chia di sản thừa kế được thực hiện theo quy định tại Điều 21, Điều 57, Điều 58, Điều 59 BLTTDS, các quy định khác của BLTTDS và văn bản hướng dẫn thi hành BLTTDS về thủ tục giải quyết vụ án dân sự theo thủ tục phúc thẩm; Quy định về hướng dẫn hoạt động của Kiểm sát viên tham gia phiên tòa dân sự phúc thẩm được ban hành kèm theo Quyết định số 363/QĐ-VKSTC ngày 12/10/2020 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

- Kiểm sát việc giải quyết vụ án tranh chấp chia di sản thừa kế theo thủ tục phúc thẩm cần tập trung vào kết quả giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm và nội dung kháng cáo của đương sự, kháng nghị của Viện kiểm sát.

3. Trong công tác kiểm sát việc giải quyết vụ án tranh chấp chia di sản thừa kế theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm

Hoạt động kiểm sát việc giải quyết vụ án tranh chấp chia di sản thừa kế theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm về cơ bản được thực hiện tương tự như kiểm sát việc giải quyết vụ án tranh chấp chia di sản thừa kế theo thủ tục phúc thẩm. Tuy nhiên cần lưu ý:

- Về pháp luật tố tụng, việc giải quyết vụ án tranh chấp chia di sản thừa kế được thực hiện theo quy định tại Điều 21, Điều 57, Điều 58, Điều 59 BLTTDS, các quy định khác của BLTTDS và văn bản hướng dẫn thi hành BLTTDS về thủ tục giải quyết vụ án dân sự theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm; Quy định về hướng dẫn hoạt động của Kiểm sát viên tham gia phiên tòa dân sự giám đốc thẩm, tái thẩm ban hành kèm theo Quyết định số 371/QĐ-VKSTC ngày 15/10/2020 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

- Kiểm sát việc giải quyết vụ án tranh chấp chia di sản thừa kế theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm cần tập trung vào kết quả giải quyết vụ án của Tòa án cấp phúc thẩm, Tòa án cấp sơ thẩm và nội dung đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm của đương sự, nội dung của thông báo phát hiện vi phạm trong bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật và nội dung kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm của Viện trưởng Viện kiểm sát, Chánh án Tòa án có thẩm quyền.

Trên đây là hướng dẫn một số nội dung cơ bản trong công tác kiểm sát việc giải quyết vụ án tranh chấp chia di sản thừa kế; quá trình thực hiện có những vướng mắc, khó khăn đề nghị báo cáo về Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Vụ 9) để có sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

 


Nơi nhận:
- Đ/c Viện trưởng VKSNDTC (để b/c);
- Đ/c Nguyễn Duy Giảng - Phó Viện trưởng VKSNDTC (để báo cáo);
- VKSND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW (để thực hiện);
- VKS cấp cao 1, 2, 3 (để thực hiện);
- Vụ 9, Vụ 14, T2, T3, VP VKSNDTC;
- Lưu VT, Vụ 9 (02 bản).

TL. VIỆN TRƯỞNG
KT. VỤ TRƯỞNG
VỤ KIỂM SÁT VIỆC GIẢI QUYẾT
CÁC VỤ, VIỆC DÂN SỰ,
HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH
PHÓ VỤ TRƯỞNG




Vương Hồng Quảng

 



1 Tham khảo Án lệ số 16/2017/AL về công nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất là di sản thừa kế do một trong các đồng thừa kế chuyển nhượng.

2 Tham khảo Án lệ số 05/2016/AL về vụ án tranh chấp thừa kế.

3 Tham khảo Án lệ số 06/2016/AL về vụ án tranh chấp thừa kế.

Văn bản gốc
(Không có nội dung)
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
Văn bản tiếng Anh
(Không có nội dung)
LawNet .vn
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
LawNet .vn
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
LawNet .vn
Không có nội dung
  • Ban hành: {{m.News_Dates_Date}}
    Hiệu lực: {{m.News_EffectDate_Date}}
    Tình trạng: {{m.TinhTrang}}
    Cập nhật: {{m.Email_SendDate_Date}}
    Ban hành: {{m.News_Dates_Date}}
    Tình trạng: {{m.TinhTrang}}
    Cập nhật: {{m.Email_SendDate_Date}}
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
LawNet .vn
Không có nội dung
  • Ban hành: {{m.News_Dates_Date}}
    Hiệu lực: {{m.News_EffectDate_Date}}
    Tình trạng: {{m.TinhTrang}}
    Cập nhật: {{m.Email_SendDate_Date}}
    Ban hành: {{m.News_Dates_Date}}
    Tình trạng: {{m.TinhTrang}}
    Cập nhật: {{m.Email_SendDate_Date}}
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
{{VBModel.Document.News_Subject}}
LawNet .vn
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
Đăng nhập
Tra cứu nhanh
Từ khóa
Bài viết Liên quan Văn bản
Văn bản khác