Nội dung thực hiện với người nhiễm HIV khám lần đầu và khám lại hiện nay được quy định thế nào? - Phú Quý (Bến Tre)
Nội dung thực hiện với người nhiễm HIV khám lần đầu, khám lại (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:
Nội dung thực hiện với người nhiễm HIV khám lần đầu theo Điều 5 Thông tư 28/2018/TT-BYT như sau:
- Kiểm tra, đối chiếu thông tin cá nhân của người bệnh trên phiếu kết quả xét nghiệm khẳng định nhiễm HIV với thông tin trên giấy tờ tùy thân của người bệnh.
Đối với trẻ em dưới 18 tháng tuổi, đối chiếu thông tin cá nhân trên Phiếu kết quả xét nghiệm HIV dương tính bằng kỹ thuật sinh học phân tử với thông tin trên giấy khai sinh, giấy chứng sinh của trẻ em.
- Khám bệnh, đánh giá tình trạng lâm sàng, miễn dịch, tư vấn điều trị và xử trí theo quy định tại Hướng dẫn điều trị và chăm sóc HIV/AIDS sau khi kiểm tra, đối chiếu thông tin cá nhân của người bệnh.
- Chuẩn bị điều trị bằng thuốc kháng HIV theo nội dung quy định tại Hướng dẫn điều trị và chăm sóc HIV/AIDS. Điều trị bằng thuốc kháng HIV ngay khi người nhiễm HIV sẵn sàng điều trị.
- Kê đơn thuốc kháng HIV theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư 28/2018/TT-BYT.
- Cấp thuốc kháng HIV theo quy định tại khoản 3, khoản 4, khoản 5 và khoản 6 Điều 4 Thông tư 28/2018/TT-BYT với số lượng sử dụng tối đa 30 ngày.
- Hẹn khám lại tại cơ sở điều trị thuốc kháng HIV (sau đây gọi là cơ sở điều trị) sau 02 - 04 tuần hoặc khi có vấn đề bất thường. Ghi lịch hẹn khám lại vào Bệnh án ngoại trú và Sổ khám bệnh hoặc Sổ Y bạ (sau đây gọi chung là Sổ khám bệnh).
- Hoàn thiện bệnh án điều trị ngoại trú theo hướng dẫn tại Phụ lục số 01 ban hành kèm theo Thông tư 28/2018/TT-BYT. Lưu bản chính hoặc bản sao hợp pháp Phiếu kết quả khẳng định nhiễm HIV hoặc Phiếu xét nghiệm HIV dương tính bằng kỹ thuật sinh học phân tử đối với trẻ em dưới 18 tháng tuổi vào bệnh án.
Theo Điều 6 Thông tư 28/2018/TT-BYT quy định về nội dung thực hiện với người nhiễm HIV khám lại như sau:
- Khám bệnh, theo dõi đáp ứng lâm sàng, miễn dịch, vi rút học, tuân thủ điều trị, chẩn đoán bệnh lý kèm theo và xử trí theo quy định tại Hướng dẫn điều trị và chăm sóc HIV/AIDS.
- Kê đơn và cấp thuốc kháng HIV:
+ Trường hợp người bệnh đã điều trị thuốc kháng HIV dưới 12 tháng kê đơn và cấp thuốc với số lượng tối đa là 30 ngày sử dụng. Trường hợp người bệnh muốn nhận thuốc kháng HIV tại trạm y tế xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là trạm y tế xã) thì:
Đánh giá tiêu chuẩn nhận thuốc tại trạm y tế xã, kê đơn, cấp thuốc và hướng dẫn người nhiễm HIV về nhận thuốc tại trạm y tế xã theo quy định tại điểm c, điểm d khoản 2 Điều 6 Thông tư 28/2018/TT-BYT.
Viết Giấy chuyển tuyến theo hướng dẫn tại Phụ lục số 02 ban hành kèm theo Thông tư 28/2018/TT-BYT. Hẹn khám lại theo quy định tại khoản 3 Điều 6 Thông tư 28/2018/TT-BYT;
+ Trường hợp người bệnh đã điều trị thuốc kháng HIV từ 12 tháng trở lên:
Trường hợp điều trị thuốc kháng HIV chưa ổn định: kê đơn, cấp thuốc kháng HIV với số lượng tối đa là 30 ngày sử dụng.
Trường hợp điều trị thuốc kháng HIV ổn định và có nhu cầu tiếp tục nhận thuốc kháng HIV tại cơ sở điều trị: kê đơn, cấp thuốc kháng HIV với số lượng tối đa là 90 ngày sử dụng.
Trường hợp người bệnh điều trị thuốc kháng HIV ổn định và muốn nhận thuốc kháng HIV tại trạm y tế xã: Kê đơn, cấp thuốc và hướng dẫn người nhiễm HIV về nhận thuốc tại trạm y tế xã theo quy định tại điểm c, điểm d khoản 2 Điều 6 Thông tư 28/2018/TT-BYT.
Viết Giấy chuyển tuyến theo hướng dẫn tại Phụ lục số 02 ban hành kèm theo Điều 6 Thông tư 28/2018/TT-BYT.
+ Tiêu chuẩn người bệnh nhận thuốc kháng HIV tại trạm y tế xã: người nhiễm HIV điều trị thuốc kháng HIV từ đủ 06 tháng trở lên, đáp ứng tốt về lâm sàng, miễn dịch, tuân thủ điều trị tốt, không có tác dụng phụ của thuốc cần phải theo dõi thường xuyên, không có bệnh kèm theo và muốn được nhận thuốc tại trạm y tế xã;
+ Kê đơn và cấp thuốc đối với người bệnh nhận thuốc kháng HIV tại trạm y tế xã: cơ sở điều trị kê đơn thuốc kháng HIV vào bệnh án ngoại trú và Sổ khám bệnh của người bệnh với số lượng không quá 90 ngày sử dụng. Số thuốc kê trong đơn được cấp tối đa thành 3 đợt.
Số lượng thuốc mỗi đợt cấp tối đa là 30 ngày sử dụng. Đợt 1 người bệnh nhận thuốc tại cơ sở điều trị. Các đợt tiếp theo người bệnh nhận thuốc tại trạm y tế xã. Khi hết số thuốc được cấp tại trạm y tế xã hoặc theo lịch hẹn khám lại người bệnh khám lại tại cơ sở điều trị để được khám và kê đơn tiếp theo.
- Hẹn khám lại:
+ Trường hợp người bệnh nhận thuốc kháng HIV tại cơ sở điều trị: Hẹn khám lại khi hết số thuốc được cấp hoặc khi có dấu hiệu bất thường, ghi lịch hẹn khám lại vào sổ khám bệnh của người bệnh;
+ Trường hợp người bệnh nhận thuốc kháng HIV tại trạm y tế xã: Định kỳ 03 tháng khám lại tại cơ sở điều trị hoặc khi có dấu hiệu bất thường; ghi lịch hẹn khám lại vào Sổ khám bệnh của người bệnh.
- Trường hợp người bệnh đến khám và lĩnh thuốc sớm hơn thời gian hẹn thì người bệnh vẫn được khám bệnh, cấp thuốc; số thuốc cấp trong đợt điều trị này được lũy kế với số thuốc người bệnh chưa sử dụng cho đến ngày khám lần này và đủ dùng cho đến lần hẹn khám lại tiếp theo.
- Đến thời gian hẹn khám lại mà người bệnh không đến khám: Cơ sở điều trị liên hệ với người bệnh hoặc người nhà người bệnh để nhắc người bệnh đến tái khám và lĩnh thuốc theo lịch hẹn.
- Trường hợp người bệnh đã bỏ điều trị quay lại điều trị: Căn cứ tình trạng bệnh của người nhiễm HIV, cơ sở điều trị khám, chữa bệnh cho người nhiễm HIV theo quy định tại Điều 5 hoặc Điều 6 Thông tư 28/2018/TT-BYT.
Lê Trương Quốc Đạt
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | [email protected] |