Cho tôi hỏi theo quy định hiện nay thì các loại tàu biển nào phải đi đăng kiểm? - Hưng Hòa (Quảng Nam)
Các loại tàu biển phải đăng kiểm mới nhất (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:
Theo quy định tại khoản 1 Điều 30 Bộ luật Hàng hải 2015 thì các loại tàu tại khoản 1 Điều 19 Bộ luật Hàng hải 2015 phải đăng kiểm:
- Tàu biển có động cơ với tổng công suất máy chính từ 75 kilowatt (KW) trở lên;
- Tàu biển không có động cơ, nhưng có tổng dung tích từ 50 GT trở lên hoặc có trọng tải từ 100 tấn trở lên hoặc có chiều dài đường nước thiết kế từ 20 mét (m) trở lên;
- Tàu biển nhỏ hơn các loại tàu biển quy định tại điểm khoản 1 Điều 19 Bộ Luật Hàng hải Việt Nam 2015, nhưng hoạt động tuyến nước ngoài.
Việc đăng kiểm các loại tàu biển không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 30 Bộ luật Hàng hải 2015 do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định.
Trách nhiệm của Cục Đăng kiểm Việt Nam theo quy định tại Điều 20 Thông tư 40/2016/TT-BGTVT như sau:
- Thực hiện chức năng tổ chức đăng kiểm Việt Nam; tổ chức hệ thống đăng kiểm thống nhất trong phạm vi cả nước để thực hiện công tác đăng kiểm tàu biển theo quy định của Thông tư 40/2016/TT-BGTVT.
- Xây dựng, trình Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành và tổ chức thực hiện các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn kỹ thuật, phòng ngừa ô nhiễm môi trường, an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, điều kiện bảo đảm lao động hàng hải liên quan đến tàu biển.
- Xây dựng, trình Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành tiêu chuẩn đăng kiểm viên, đánh giá viên tàu biển; tổ chức huấn luyện nghiệp vụ, đánh giá, công nhận đăng kiểm viên, đánh giá viên tàu biển theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.
- Thực hiện ủy quyền, hướng dẫn, kiểm tra các tổ chức đăng kiểm nước ngoài thực hiện kiểm định, phân cấp và cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và phòng ngừa ô nhiễm môi trường cho tàu biển Việt Nam hoạt động trên tuyến quốc tế.
- Thực hiện đăng kiểm các tàu biển quy định tại khoản 2 Điều 1 Thông tư 40/2016/TT-BGTVT khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động đăng kiểm tàu biển và quản lý dữ liệu liên quan; báo cáo kết quả thực hiện công tác đăng kiểm tàu biển theo quy định.
Theo Điều 21 Thông tư 40/2016/TT-BGTVT quy định về trách nhiệm của tổ chức đăng kiểm nước ngoài được ủy quyền như sau:
- Thực hiện kiểm định, phân cấp và cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và phòng ngừa ô nhiễm môi trường theo ủy quyền cho tàu biển theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và chịu trách nhiệm về kết quả kiểm định, phân cấp và cấp giấy chứng nhận của mình.
- Thực hiện chế độ trao đổi thông tin, báo cáo theo thỏa thuận với Cục Đăng kiểm Việt Nam.
- Chấp hành các quy định khác của pháp luật Việt Nam.
Trách nhiệm của chủ tàu biển, cơ sở thiết kế, đóng mới, hoán cải, sửa chữa tàu biển, cơ sở thử nghiệm, cung cấp dịch vụ kiểm tra, thử trang thiết bị an toàn và cơ sở chế tạo liên quan đến chất lượng an toàn kỹ thuật và phòng ngừa ô nhiễm môi trường tàu biển tại Điều 22 Thông tư 40/2016/TT-BGTVT quy định như sau:
- Chủ tàu biển có trách nhiệm thực hiện quy định về đăng kiểm tàu biển khi tàu biển được đóng mới, nhập khẩu, hoán cải, sửa chữa phục hồi và trong quá trình hoạt động; đảm bảo tình trạng an toàn kỹ thuật, an ninh hàng hải, điều kiện lao động hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường của tàu biển giữa hai kỳ kiểm định, đánh giá theo quy định của pháp luật và điều ước quốc tế liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
- Cơ sở thiết kế, đóng mới, hoán cải, sửa chữa tàu biển, cơ sở thử nghiệm, cung cấp dịch vụ kiểm tra, thử trang thiết bị an toàn và cơ sở chế tạo liên quan đến chất lượng an toàn kỹ thuật và phòng ngừa ô nhiễm môi trường tàu biển phải thực hiện các quy định liên quan về công tác đăng kiểm của Thông tư 40/2016/TT-BGTVT.
Võ Văn Hiếu
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | [email protected] |