Bối cảnh tình hình lịch sử trước cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc

Bối cảnh tình hình lịch sử trước cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc
Anh Hào

Chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Dưới đây là nội dung về bối cảnh tình hình lịch sử trước cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc.

Nghi quyet sap nhap tinh

Bối cảnh tình hình lịch sử trước cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc (Hình từ internet)

Bối cảnh tình hình lịch sử trước cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc

Sau chiến tranh thế giới thứ hai, đế quốc Mỹ trở nên giàu có và hùng mạnh nhất thế giới tư bản, đứng ra giữ vai trò giám sát, can thiệp vào các vấn đề quốc tế để bảo vệ cho cả hệ thống đế quốc chủ nghĩa đã bị suy yếu nghiêm trọng và lâm vào khủng hoảng trước sự ra đời và lớn mạnh nhanh chóng của hệ thống xã hội chủ nghĩa với trụ cột là Liên Xô, Trung Quốc. Đây là nhân tố mới, làm thay đổi tương quan lực lượng toàn cầu, có lợi cho phong trào cách mạng thế giới; buộc Mỹ phải thực hiện chiến lược toàn cầu nhằm chống lại các trào lưu cách mạng, đàn áp và phá hoại phong trào độc lập dân tộc, ngăn chặn sự phát triển của chủ nghĩa xã hội, đồng thời tranh giành vị trí và ảnh hưởng với các đế quốc khác.

Với vị trí chiến lược quan trọng trong khu vực Đông Nam Á và trước sự tiến công mạnh mẽ của cách mạng Việt Nam, ảnh hưởng sâu sắc đối với phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới, là ngọn cờ tiêu biểu cho sự kết hợp các trào lưu cách mạng của thời đại; đế quốc Mỹ xác định Việt Nam là điểm nóng bỏng nhất, có vị trí sống còn trong tuyến ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản nên đã tích cực can thiệp vào chiến tranh Đông Dương ngay từ đầu những năm 50 thế kỷ XX.

Một mặt, Mỹ ra tay giúp Pháp, mặt khác âm mưu thay thế Pháp để độc chiếm Đông Dương. Sau khi thực dân Pháp thua trận, Mỹ đã vi phạm trắng trợn Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954, vội vã lập ra khối quân sự Đông Nam Á và hất cẳng Pháp, xâm chiếm miền Nam hòng đánh bại cách mạng Việt Nam, nhằm lập phòng tuyến ngăn chặn và đẩy lùi chủ nghĩa xã hội ở vùng Đông Nam Á, bao vây, uy hiếp và chặn đứng bước tiến của chủ nghĩa xã hội ở các nơi trên thế giới.

Về phía ta, mục tiêu độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước tiến lên theo con đường xã hội chủ nghĩa, xây dựng cuộc sống hòa bình, ấm no, hạnh phúc và phồn vinh là nguyện vọng thiêng liêng, là sự nghiệp chính nghĩa của toàn thể Nhân dân, cũng là mục tiêu cơ bản, lâu dài của cách mạng Việt Nam. Nhận thức rõ vị trí, tầm quan trọng của việc kết nối cách mạng nước ta với cách mạng thế giới, trước hết là với các nước xã hội chủ nghĩa, ngày 14/01/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố với các nước trên thế giới: “Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà sẵn sàng đặt quan hệ ngoại giao với Chính phủ nước nào trọng quyền bình đẳng, chủ quyền lãnh thổ và chủ quyền quốc gia của nước Việt Nam, để cùng nhau bảo vệ Hòa Bình và xây đắp dân chủ thế giới”, từ đó Trung Quốc, Liên Xô và một loạt nước xã hội chủ nghĩa và dân chủ nhân dân đã ra tuyên bố công nhận Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thiết lập quan hệ ngoại giao, ủng hộ và viện trợ vật chất cho cuộc đấu tranh chính nghĩa của Nhân dân ta.

Với thắng lợi qua các chiến dịch và Cuộc tiến công chiến lược Đông - Xuân 1953 - 1954 của quân và dân ta mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” ngày 7/5/1954 đã buộc thực dân Pháp ngồi vào bàn đàm phán, ký Hiệp định Giơ-ne-vơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, rút quân khỏi nước ta, công nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam; tuy nhiên trong bối cảnh tình hình chính trị thế giới lúc bấy giờ, đất nước tạm thời bị chia cắt làm 2 miền, lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới; miền Nam vẫn phải sống dưới ách thống trị của chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ.

Với chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”, “Nam Bộ là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam”, toàn thể dân tộc Việt Nam trước sau như một đoàn kết đồng lòng, quyết đánh và quyết thắng đế quốc Mỹ trở thành tư tưởng lớn của thời đại, để hoàn thành cho kỳ được mục tiêu Tổ quốc thống nhất, đồng bào Nam - Bắc sum họp một nhà.

Chính vì vậy, “nước Việt Nam ta trở thành nơi tập trung các mâu thuẫn cơ bản của thế giới và cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Nhân dân ta trở thành cuộc đọ sức điển hình, thành tiêu điểm của cuộc đấu tranh vô cùng quyết liệt giữa cách mạng và phản cách mạng trên thế giới, là cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc mang tính chất thời đại rất sâu sắc”. Đó là nguồn gốc sâu xa, là nguyên nhân trực tiếp và cũng là bản chất của cuộc chiến tranh giữa nhân dân Việt Nam với đế quốc Mỹ xâm lược.

(theo Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) ban hành kèm theo Hướng dẫn 01-HD/BTGDVTW năm 2025)

0 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:[email protected]


  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: [email protected]
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;