Đây là một trong những nội dung đáng chú ý tại Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, thay thế Nghị định 176/2013/NĐ-CP.
Ảnh minh họa
Cụ thể, Điều 30 Nghị định này quy định cụ thể mức phạt đối với các vi phạm về uống rượu, bia và địa điểm không uống rượu, bia như sau:
1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Uống rượu, bia tại địa điểm không uống rượu, bia theo quy định của pháp luật;
b) Người từ đủ 16 tuổi nhưng chưa đủ 18 tuổi có hành vi uống rượu, bia.
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập;
b) Xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu bia.
Như vậy, nếu nội dung này tại Dự thảo được thông qua thì từ ngày Nghị định này có hiệu lực, người nào có hành vi xúi giục, kích động, lôi kéo hay ép buộc người khác uống rượu, bia thì sẽ bị phạt tiền tối đqa lên đến 3.000.000 đồng. Có thể thấy, quy định này đã cụ thể hóa quy định tại Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia 2019 chính thức có hiệu lực thi hành từ 01/01/2020. Hiện nay, Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia 2019 chỉ mới quy định việc ép buộc người khác uống rượu, bia là một trong những hành vi bị nghiêm cấm nhưng chưa đưa ra mức xử phạt cụ thể.
Ngoài ra, Dự thảo Nghị định cũng quy định, đối với hành vi uống rượu, bia trước khi điều khiển phương tiện giao thông tham gia giao thong sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng. Trường hợp người điều khiển phương tiện giao thông đang tham gia giao thông có nồng độ cồn trong máu và hơi thở thì thực hiện xử phạt theo quy định của pháp luật về an toàn giao thông.
Xem thêm các nội dung của Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 176/2013/NĐ-CP TẠI ĐÂY.
Nguyễn Trinh