Những ý kiến xung quanh việc sửa đổi Luật Thương mại 2005

Luật Thương mại ra đời năm 2005 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2006, Luật Thương mại ra đời trong bối cảnh Việt Nam đang đàm phán gia nhập WTO, nó có vai trò là sứ mệnh lịch sử đưa Việt Nam vào WTO. Sau 10 năm thực hiện mặc dù đã đạt được những kết quả đáng kể. Tuy nhiên, vẫn còn bộc lộ những bất cập cần được giải quyết, sửa đổi.

Ngày 16/10/2015, tại Hà Nội Bộ Công Thương phối hợp với USAID GIG (Dự án quản trị Nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện của cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ) tổ chức Hội thảo tổng kết thực tiễn 10 năm triển khai Luật thương mại 2005, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải.

Thành phần tham dự Họi thảo có hơn 100 đại biểu từ Trung ương, đến các Bộ ngành (như Bộ Công Thương, Bộ Tư pháp, Bộ KH – ĐT, Bộ NN-PTNT), đại diện của các Hiệp hội như Hiệp hội bán lẻ, Hiệp hội quảng cáo, VCCI, các luật sư, trọng tài, đại diện Tòa án tối cao, các giảng viên luật từ các trường đại học Luật, Đại học Ngoại thương, ĐH Thương mại, học viện tư pháp và phóng viên của các báo đài trong cả nước.

Hội thảo diễn ra suốt cả ngày với rất nhiều bài tham luận, ý kiến bổ ích xoay quanh vấn đề nên sửa đổi Luật Thương mại theo hướng nào, bổ sung những điều gì và cần loại bỏ những điều trùng lặp với Luật Dân sự.

Mở đầu Hội thảo với báo cáo tóm tắt tổng kết thực tiễn thi hành Luật Thương mại 2005 của bà Trần Đỗ Quyên - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Công Thương với những yêu cầu đặt ra về việc hoàn thiện qui định của Luật Thương mại 2005 và những định hướng sửa đổi, bổ sung Luật Thương mại. Trong đó, bà Quyên nêu ra rất nhiều kiến nghị cần sửa đổi Luật Thương mại 2005, trong đó có một số vấn đề đáng chú ý như:

- Cần sửa đổi khái niệm về thương nhân theo hướng đơn giản hóa hơn, trên cơ sở các tiêu chí mang tính chất của thương nhân là có hoạt động thương mại – hoạt động sinh lời.

- Khái niêm về "nhượng quyền thương mại", "quyền thương mại" chưa thể hiện được đầy đủ các dấu hiệu đặc trưng, mang tính chất của nhượng quyền thương mại, đặc biệt là tính đồng bộ, tính hệ thống của các cửa hàng trong hệ thống nhương quyền và các dấu hiệu khác.

- Qui định về các loại hợp đồng mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa cũng cần sửa đổi để phù hợp thông lệ quốc tế.

- Về quyền hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa ở nước ngoài. Hiện nay Bộ Công thương chưa có qui định cụ thể nào về điều kiện, lộ trình và phạm vi tham gia hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch ở nước ngoài. Điều này tạo khoảng trống pháp lý ảnh hưởng lớn đến quyền, lợi ích của doanh nghiệp và cá nhân.

- Qui định về tạm ngừng thực hiện hợp đồng chưa rõ ràng. Do vậy cần bổ sung qui định cụ thể về căn cứ, thời điểm chấm dứt áp dụng hình thức tạm ngừng thực hiện hợp đồng và nghĩa vụ của các bên khi căn cứ tạm ngừng thực hiện hợp đồng chấm dứt.      

- Việc qui định về phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại tại Luật Thương mại và Luật Dân sự không thống nhất có thể dẫn đến tranh chấp không đáng có trong quá trình thực hiện hợp đồng. Việc qui định mức trần phạt vi phạm là 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm được cho là không hợp lý cần sửa đổi.

- Hoạt động xúc tiến thương mại là cầu nối đưa hàng việt tới vùng sâu, vùng xa trong cả nước. Hiện nay Luật Thương mại có một số điều không còn phù hợp xúc tiến thương mại, nên đề xuất hoàn thiện hơn về xúc tiến thương mại 

- Hiện nay hoạt động Logistic hoạt động ở nước ngoài tốt hơn trong nước, vì vậy cần có cơ quan đầu mối cho hoạt động này.

Bộ Công Thương cho biết Luật thương mại 2005 sẽ bắt đầu sửa đổi vào năm 2017 và hoàn thiện trình Chính phủ vào năm 2018. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đang thực hiện soạn thảo dự án Luật Quản lý ngoại thương, dự kiến trình Chính phủ vào tháng 5/2016.

Ủng hộ quan điểm của Bộ Công Thương, ông Trần Văn Đạt, Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp, đưa ra tới 21 vấn đề cần sửa đổi, bổ sung trong Luật Thương mại, từ phạm vi điều chỉnh của Luật cho đến các vấn đề cụ thể như khái niệm thương nhân, nghĩa vụ bảo hành hay xác định giá trị bồi thường thiệt hại…

Ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế (VIAC) đề nghị bãi bỏ hàng loạt nội dung và thậm chí là bỏ hẳn Luật Thương mại, với lý do nhiều nội dung đã được quy định tại các luật khác, đặc biệt là Bộ luật Dân sự.

Chẳng hạn, các nguyên tác cơ bản trong hoạt động thương mại mà Luật Thương mại quy định thì hoặc là đã được điều chỉnh trong Bộ luật Dân sự và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, như nguyên tắc bình đẳng, tự do tự nguyện thực hiện, bảo vệ người tiêu dùng. Còn các nguyên tắc như áp dụng thói quen, áp dụng tập quán hay thừa nhận giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu trong hoạt động thương mại thì lại không thể coi là nguyên tắc.

Về chế định về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, các nội dung này trong Luật Thương mại trùng tới 80% so với nội dung trong Bộ luật Dân sự. Hơn nữa, Bộ luật Dân sự còn quy định chi tiết hơn với hẳn 1 chương và 111 điều. Vì vậy qui định về hợp đồng nên bỏ ra khỏi Luật Thương mại.

Mặt khác, ông Huỳnh đề nghị chuyển toàn bộ 6 điều từ Điều 28 đến 33 về mua bán hàng hóa quốc tế sang dự Luật Quản lý ngoại thương, vì chủ yếu liên quan đến quản lý nhà nước.

Tương tự, các nội dung về hợp đồng cung ứng dịch vụ, gia công, đấu giá hàng hóa đấu thầu… cũng đều có thể áp dụng Bộ luật Dân sự hoặc các luật chuyên ngành khác về xây dựng, bảo hiểm, tín dụng, quảng cáo… với những quy định còn chi tiết và cụ thể hơn nhiều.

Ông Huỳnh đề nghị nên tách Luật Thương mại thành Luật công tư riêng cho các chuyên ngành

Đánh giá về thực tiễn thi hành Luật Thương mại 2005, Luật sư Ngô Việt Hòa – thành viên Dự án USAID GIG cho hay, ngoài quy định về giới hạn mức phạt 8% phần nghĩa vụ bị vi phạm trong các hợp đồng thương mại được dẫn chiếu nhiều nhất, thì nhiều quy định của Luật Thương mại đã “ngủ yên” trong 10 năm không được dẫn chiếu, áp dụng vì đã có quy định của các luật chuyên ngành. Ông cũng cho rằng nhiều quy định trong Luật Thương mại gây ra sự chồng chéo không cần thiết trong hệ thống pháp luật, đặc biệt là Bộ luật Dân sự. Và Luật Thương mại về cơ bản là một luật tư nhưng các văn bản hướng dẫn Luật Thương mại lại hầu hết xử lý các qua hệ công. Luật Thương mại ra đời dường như làm phức tạp hơn vấn đề áp dụng luật cho các quan hệ tư.

Ông Ngô Việt Hòa đề nghị khi sửa đổi, cần từ bỏ cách tiếp cận Luật Thương mại là luật chung áp dụng cho các hoạt động thương mại. Thay vào đó, Luật trở thành một luật chuyên ngành, chỉ quy định các hoạt động thương mại đặc thù.

Là một trong những ngành chịu tác động lớn từ Luật Thương mại 2005, ông Nguyễn Tương, Trưởng văn phòng đại diện Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) tại Hà Nội cho biết, định nghĩa về dịch vụ logistics trong Luật Thương mại 2005 không còn phù hợp với sự phát triển của ngành dịch vụ logistics. Điều kiện kinh doanh trong Nghị định 140/2007/NĐ-CP “tỏ ra” lạc hậu sau 7 năm Việt Nam gia nhập WTO.

Một số cam kết của Việt Nam trong WTO liên quan đến dịch vụ logistics thiếu minh bạch, không rõ ràng dẫn đến sự hiểu khác nhau của các bộ, ngành có liên quan trong việc giải thích cho doanh nghiệp trong nước và các nhà đầu tư nước ngoài, qua đó gây khó khăn cho việc kinh doanh dịch vụ logistics.

Từ thực tiễn hoạt động, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam Đinh Thị Mỹ Loan phản ánh: Quy định về quản lý cá nhân hoạt động thương mại (Khoản 1, 8, 9 Điều 8 Nghị định 39/2007/NĐ-CP) còn bất cập và dễ gây lạm dụng: Việc quản lý thông qua sổ theo dõi để cơ quan có thẩm quyền tiến hành quản lý, thu phí, lệ phí… không phù hợp khi trên thực tế, số lượng cá nhân hoạt động thương mại luôn biến động, thay đổi… và cơ quan quản lý cấp trên gần như không thể tiến hành kiểm tra liên tục, nên đã có nhiều kẽ hở cho một số cán bộ thoái hóa, biến chất tham nhũng và thất thu thuế của Nhà nước.

Theo bà Nguyễn Thị Diệu Hồng, Ban Pháp Chế, VCCI, do sự trùng lặp như trên, khi áp dụng cho các hoạt động thương mại cụ thể thì Luật Thương mại đang “lãng quên” và các văn bản pháp luật chuyên ngành được sử dụng. Do đó, Luật Thương mại chỉ nên quy định những điều có tính đặc thù, loại bỏ các quy định đã có trong Bộ luật Dân sự và các luật chuyên ngành….

Viện Khoa học xét xử, Tòa án Nhân dân tối cao cũng cho rằng Luật Thương mại và Bộ luật Dân sự có nhiều quy định trùng nhau như hợp đồng mua bán hàng hóa và hợp đồng mua bán tài sản, hợp đồng đại diện cho thương nhân và hợp đồng ủy quyền, hợp đồng cho thuê hàng hóa và hợp đồng cho thuê tài sản…

Hơn nữa, nhiều quy định trong 2 luật còn mâu thuẫn nhau, như về địa điểm giao hàng khi không có sự thỏa thuận, Luật Thương mại quy định tại địa điểm kinh doanh của người bán, còn Bộ luật Dân sự quy định tại trụ sở của người có quyền-tức là người mua. Hay về mức phạt vi phạm, Bộ luật Dân sự quy định do các bên thỏa thuận và không có giới hạn tối đa, nhưng Luật Thương mại quy định mức không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ bị vi phạm…

Việc rà soát những nội dung gây khó khăn, vướng mắc của Luật Thương mại cần đặt trong bối cảnh Bộ luật Dân sự đang được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, để cân nhắc có những định hướng và nội dung sửa đổi phù hợp.

Một số ý kiến chuyên gia cũng cho rằng, nhiều quy định liên quan đến giấy phép, thủ tục hành chính như các hoạt động thương mại chỉ được thực hiện khi được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền “chấp thuận” hoặc “cho phép”, nhưng lại thiếu rõ ràng về điều kiện, tiêu chí cấp phép. Điều này không những gây khó cho các doanh nghiệp mà còn dẫn đến tình trạng cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhũng nhiễu, gây khó dễ...

Theo luật sư Nguyễn Phú Thắng – đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội, Luật Thương mại 2005 hiện nay không còn phù hợp cần sửa đổi càn đảm bảo đủ 3 tính chất: tính minh bạch rõ ràng; tính đồng bộ thống nhất và tính hợp lý.

Luật Thương mại đã bộc lộ tính không minh bạch, vấn đề còn nan giải là Điều 318 Luật Thương mại qui định về thời hạn khiếu nại số lượng hàng hóa là 6 tháng, về chất lượng hàng hóa là 3 tháng, trong khi đó các dợp đồng dân sự lại không qui định thời hạn khiếu nại. Nên trong Điều 318 nếu quá thời hạn trên sẽ mất quyền khởi kiện, như thế sẽ xung đột với Luật tố tụng hình sự.

Vè tính thống nhất: hợp đồng mua bán thương mại trong Luật Thương mại và Luật Dân sự trùng nhau. Luật Thương mại qui định mức phạt trần tối đa 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm được cho là không hợp lý. Mục đích của chế tài xử phạt nhằm phòng ngừa rủi ro, vậy nên đề nghị bỏ mức phạt trần vi phạm hợp đồng, mà các bên tự thỏa thuận.

Về tính hợp lý: Nền pháp luật văn minh phải bảo vệ bên lương thiện, xong Luật Thương mại chưa làm được điều đó, vì đã qui định mức trần phạt vi phạt hợp đồng, như vậy sẽ có thể có một bên mạnh hơn sắn sàng chịu phạt để đạt được mục đích lớn hơn.

Về tính khả thi: Nhiều qui định trong Luật Thương mại không đầy đủ, sơ sài nên hầu hết phải theo văn bản hướng dẫn.

Một vị luật sư khác thì cho rằng Luật Thương mại có tính tích cực trong   giải quyết tranh chấp, cẩn thiết phải sửa đổi để hội nhập, nhưng không nên sửa đổi theo tính chất du nhập luật nước ngoài vào; luât Thương mại phải dựa trên Luật Dân sự nhưng phải có tính chất riêng, đặc thù riêng cần có chế tài rõ ràng; Luật quảng cáo và qui định về hợp đồng không nên đưa vào Luật Thương mại.

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]
1064 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: [email protected]
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;