Xử lý tài sản trong trường hợp sáp nhập các cơ quan, đơn vị

Xử lý tài sản trong trường hợp sáp nhập các cơ quan, đơn vị
Quế Anh

Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin chi tiết về xử lý tài sản trong trường hợp sáp nhập các cơ quan, đơn vị.

Xử lý tài sản trong trường hợp sáp nhập các cơ quan, đơn vị (Hình từ internet)

Ngày 28/02/2025, Bộ Tài chính ban hành Công văn 2454/BTC-QLCS về việc hướng dẫn xử lý tài sản khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy.

Xử lý tài sản trong trường hợp sáp nhập các cơ quan, đơn vị 

Thực hiện Công điện 20/CĐ-TTg ngày 26/02/2025 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thực hiện Nghị quyết 190/2025/QH15 ngày 19/02/2025 của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy; 

Bộ Tài chính hướng dẫn xử lý tài sản trong trường hợp sáp nhập, hợp nhất các cơ quan, đơn vị như sau:

- Cơ quan, đơn vị nhận sáp nhập, cơ quan, đơn vị hình thành sau khi hợp nhất được kế thừa quyền quản lý, sử dụng tài sản của cơ quan, đơn vị bị sáp nhập, hợp nhất (bao gồm cả quyền và nghĩa vụ theo Hợp đồng thuê tài sản, cho thuê, liên doanh, liên kết, khai thác tài sản (nếu có)).

- Sau khi hoàn thành việc sáp nhập, hợp nhất, cơ quan, đơn vị nhận sáp nhập, cơ quan, đơn vị hình thành sau khi hợp nhất có trách nhiệm:

+ Bố trí sử dụng tài sản theo tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công; thực hiện quản lý, sử dụng tài sản công theo quy định của pháp luật, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả.

+ Xác định tài sản dôi dư (không còn nhu cầu sử dụng theo cơ cấu tổ chức bộ máy mới) hoặc thuộc trường hợp phải xử lý theo quy định pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công để lập hồ sơ đề nghị xử lý, báo cáo cơ quan, người có thẩm quyền xem xét, quyết định xử lý theo quy định; không để tình trạng bỏ trống, không sử dụng, sử dụng sai mục đích, sử dụng kém hiệu quả gây lãng phí, thất thoát.

+ Tiếp tục thực hiện các nội dung chưa hoàn thành đối với các tài sản đã có Quyết định xử lý của cơ quan, người có thẩm quyền trước khi sáp nhập, hợp nhất mà đến thời điểm sáp nhập, hợp nhất chưa hoàn thành việc xử lý.

Nguyên tắc xử lý tài sản khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy

Xử lý tài sản khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy phải đảm bảo nguyên tắc sau: 

- Các cơ quan, đơn vị thuộc đối tượng sắp xếp tổ chức bộ máy có trách nhiệm thực hiện thực hiện kiểm kê, phân loại, lập đầy đủ hồ sơ đối với tài sản thuộc quyền quản lý, sử dụng của cơ quan theo các nhóm: 

(1) Tài sản của cơ quan, đơn vị (bao gồm cả tài sản đang sử dụng để cho thuê, liên doanh, liên kết, khai thác);

(2) Tài sản phát hiện thừa/thiếu qua kiểm kê; 

(3) Tài sản không phải của cơ quan (tài sản nhận giữ hộ, tài sản mượn, tài sản thuê của tổ chức, cá nhân khác...).

Trên cơ sở kết quả kiểm kê, phân loại tài sản, cơ quan, đơn vị thuộc đối tượng sắp xếp, tinh gọn bộ máy có trách nhiệm: 

(i) Xử lý tài sản phát hiện thừa/thiếu qua kiểm kê (ghi nhận vào tài sản của cơ quan, đơn vị đối với tài sản phát hiện thừa; ghi giảm tài sản trên sổ kế toán và không tổng hợp vào tài sản của cơ quan, đơn vị đối với tài sản phát hiện thiếu); 

(ii) Trả lại tài sản cho tổ chức, cá nhân khác đối với tài sản giữ hộ, mượn; 

(iii) Chấm dứt việc thuê tài sản (nếu được sự thống nhất của bên cho thuê và việc chấm dứt thuê không làm ảnh hưởng tới hoạt động của cơ quan, đơn vị); 

(iv) Bảo vệ, bảo quản tài sản của cơ quan, đơn vị tránh để mất, thất thoát tài sản.

Việc quản lý, xử lý đối với tài sản của cơ quan, đơn vị (bao gồm cả tài sản phát hiện thừa qua kiểm kê) và tài sản thuê của tổ chức, cá nhân khác mà không chấm dứt việc thuê được thực hiện tương ứng với từng hình thức sắp xếp tổ chức bộ máy.

- Căn cứ mô hình sắp xếp tổ chức bộ máy chính thức đã được cấp có thẩm quyền quyết định, các cơ quan, đơn vị thuộc đối tượng sắp xếp tổ chức bộ máy có trách nhiệm bản giao nguyên trạng tài sản cho cơ quan, đơn vị theo mô hình tổ chức bộ máy mới, bảo đảm sau khi sắp xếp mọi hoạt động của bộ máy nhà nước được thực hiện thông suốt, ổn định, hiệu quả. 

Trường hợp cơ quan, đơn vị theo mô hình tổ chức bộ máy mới không có nhu cầu tiếp nhận tài sản thì bản giao tài sản cho cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp hoặc cơ quan, đơn vị được Bộ, cơ quan trung ương. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao nhiệm vụ tiếp nhận, xử lý tài sản khi sắp xếp tổ chức bộ máy.

- Khi bàn giao, tiếp nhận tài sản giữa các cơ quan, đơn vị phải lập biên bản bản giao, tiếp nhận giữa các bên theo Mẫu biên bản bản giao, tiếp nhận tài sản ban hành kèm theo Nghị định 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng thất thoát tài sản khi thực hiện sắp xếp.

Xem thêm Công văn 2454/BTC-QLCS ban hành ngày 28/02/2025.

 

0 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:[email protected]


  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: [email protected]
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;