Vừa qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư 21/2007/TT-BKHCN N hướng dẫn về xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn.
Trình tự, thủ tục xây dựng, thẩm định, công bố dự thảo tiêu chuẩn quốc gia (Ảnh minh họa)
Theo đó, Thông tư 21/2007/TT-BKHCN quy định Bộ, ngành chỉ định cơ quan, tổ chức khoa học và công nghệ trực thuộc hoặc thành lập ban kỹ thuật tiêu chuẩn chuyên ngành (sau đây gọi tắt là Tổ chức biên soạn) để thực hiện việc biên soạn dự thảo tiêu chuẩn quốc gia theo các bước sau:
Bước 1: Biên soạn dự thảo tiêu chuẩn quốc gia
Tổ chức biên soạn thực hiện việc biên soạn dự thảo và viết thuyết minh cho dự thảo tiêu chuẩn quốc gia.
Bước 2: Lấy ý kiến và hoàn chỉnh dự thảo
- Bộ, ngành gửi dự thảo tiêu chuẩn quốc gia lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, thông báo về việc lấy ý kiến trên trang tin điện tử (website) của Bộ, ngành và Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng. Thời gian lấy ý kiến về dự thảo ít nhất là sáu mươi ngày, kể từ ngày gửi dự thảo;
- Bộ, ngành tổ chức hội nghị chuyên đề với sự tham gia của các bên có liên quan để thảo luận và góp ý cho dự thảo;
- Tổ chức biên soạn thực hiện việc tổng hợp, xử lý các ý kiến góp ý để hoàn chỉnh dự thảo tiêu chuẩn quốc gia, lập hồ sơ dự thảo tiêu chuẩn quốc gia theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định 127/2007/NĐ-CP và gửi o các Bộ, ngành (không bao gồm Bộ Khoa học và Công nghệ) để tổ chức thẩm tra;
- Bộ, ngành tổ chức việc thẩm tra dự thảo tiêu chuẩn quốc gia và chuyển hồ sơ dự thảo tiêu chuẩn quốc gia đến Bộ Khoa học và Công nghệ để tổ chức thẩm định.
Bước 3: Thẩm định hồ sơ dự thảo tiêu chuẩn quốc gia
- Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tổ chức xem xét hồ sơ dự thảo tiêu chuẩn quốc gia do các Bộ, ngành đề nghị thẩm định. Trường hợp hồ sơ dự thảo tiêu chuẩn quốc gia đề nghị thẩm định không đáp ứng yêu cầu theo quy định, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đề nghị Bộ, ngành liên quan hoàn thiện hồ sơ.
- Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thành lập Hội đồng thẩm định để thẩm định dự thảo tiêu chuẩn quốc gia theo nội dung quy định.
Thành phần Hội đồng thẩm định bao gồm đại diện các cơ quan, tổ chức, ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia có liên quan và các chuyên gia khác. Hội đồng thẩm định làm việc theo nguyên tắc tập thể, biểu quyết theo đa số và phải có ít nhất hai phần ba (2/3) số thành viên Hội đồng có mặt.
- Hội đồng thẩm định lập biên bản thẩm định đối với dự thảo tiêu chuẩn quốc gia có kết luận và kiến nghị cụ thể, chuyển cho Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.
Bước 4: Công bố tiêu chuẩn quốc gia
- Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tổ chức xem xét kết quả thẩm định và lập hồ sơ dự thảo tiêu chuẩn quốc gia trình duyệt.
Trường hợp dự thảo tiêu chuẩn quốc gia đáp ứng yêu cầu theo nội dung thẩm định, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng trình Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét, công bố.
Trường hợp dự thảo tiêu chuẩn quốc gia không đáp ứng yêu cầu theo nội dung thẩm định, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng chuyển hồ sơ dự thảo tiêu chuẩn quốc gia đến Bộ, ngành liên quan để tổ chức xử lý, hoàn chỉnh dự thảo tiêu chuẩn quốc gia.
- Bộ Khoa học và Công nghệ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trong trường hợp Bộ, ngành không nhất trí với ý kiến thẩm định.
Chi tiết xem tại Thông tư 21/2007/TT-BKHCN có hiệu lực ngày 04/11/2007.
Ty Na
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | [email protected] |