Đây là nội dung quan trọng được quy định tại Thông tư 24/2019/TT-BGDĐT về Quy chế đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 26/12/2019.
Tìm hiểu về học phần và tín chỉ của nhóm ngành đào tạo GV trình độ CĐ, TC (Ảnh minh họa)
Theo đó, Điều 3 Thông tư 24/2019/TT-BGDĐT quy định về chương trình học phần và tín chỉ của nhóm ngành đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng, trung cấp như sau:
1. Học phần là khối lượng kiến thức, kỹ năng tương đối hoàn chỉnh, thuận tiện cho người học tích lũy trong quá trình học tập. Kiến thức, kỹ năng trong mỗi học phần tương ứng với một mức trình độ theo năm học, được kết cấu riêng như một phần của môn học hoặc kết cấu dưới dạng tổ hợp từ nhiều môn học.
Mỗi học phần có khối lượng từ 2 đến 4 tín chỉ, nội dung được bố trí, sắp xếp giảng dạy và phân bố đều trong một học kỳ. Từng học phần được kí hiệu bằng một mã số riêng gọi là mã học phần do thủ trưởng cơ sở đào tạo giáo viên quy định.
2. Có hai loại học phần, học phần bắt buộc và học phần tự chọn. Học phần bắt buộc là học phần chứa đựng những nội dung kiến thức chính yếu của mỗi chương trình đào tạo, bắt buộc người học phải tích lũy. Học phần tự chọn là học phần bao gồm nội dung kiến thức, kỹ năng cần thiết để người học được tự chọn theo hướng dẫn của cơ sở đào tạo giáo viên nhằm đa dạng hóa hướng chuyên môn hoặc được tự chọn tùy ý để tích lũy đủ số học phần quy định cho mỗi chương trình.
3. Thủ trưởng cơ sở đào tạo giáo viên quy định cụ thể số tiết, số giờ học tập đối với từng học phần cho phù hợp với đặc điểm thực tế; quy định việc tính số giờ giảng dạy của giáo viên, giảng viên (sau đây gọi chung là giảng viên) đối với các môn học, học phần trên cơ sở số tiết giảng dạy trên lớp, số giờ thực hành, thực tập, số giờ chuẩn bị khối lượng tự học cho người học, đánh giá kết quả tự học của người học và số giờ tiếp xúc người học ngoài giờ lên lớp. số tiết, số giờ của từng môn học, học phần được quy định trong đề cương chi tiết của học phần.
4. Tín chỉ được sử dụng để tính khối lượng học tập của sinh viên. Một tín chỉ được quy định bằng 15 tiết học lý thuyết; 30-45 tiết thực hành, thí nghiệm hoặc thảo luận; 45 - 90 giờ thực tập; 45 - 60 giờ làm tiểu luận, bài tập lớn hoặc chuyên đề, khóa luận tốt nghiệp.
Đối với những học phần lý thuyết hoặc thực hành, thí nghiệm, để tiếp thu được một tín chỉ sinh viên phải dành ít nhất 30 giờ chuẩn bị cá nhân.
Chi tiết xem tại Thông tư 24/2019/TT-BGDĐT, có hiệu lực từ ngày 11/02/2020.
Thùy Trâm
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | [email protected] |