Thủ tục xử lý văn bản quy phạm pháp luật trái pháp luật từ ngày 01/4/2025

Thủ tục xử lý văn bản quy phạm pháp luật trái pháp luật từ ngày 01/4/2025
Lê Trương Quốc Đạt

Sau đây là thủ tục xử lý văn bản quy phạm pháp luật trái pháp luật áp dụng từ ngày 01/4/2025.

Thủ tục xử lý văn bản quy phạm pháp luật trái pháp luật từ ngày 01/4/2025

Thủ tục xử lý văn bản quy phạm pháp luật trái pháp luật từ ngày 01/4/2025 (Hình từ Internet)

Chính phủ ban hành Nghị định 79/2025/NĐ-CP ngày 01/4/2025 về kiểm tra, rà soát, hệ thống hoá và xử lý văn bản quy phạm pháp luật.

Thủ tục xử lý văn bản quy phạm pháp luật trái pháp luật từ ngày 01/4/2025

Theo Điều 24 Nghị định 79/2025/NĐ-CP quy định về trình tự, thủ tục xử lý văn bản quy phạm pháp luật trái pháp luật như sau:

- Khi nhận được kết luận kiểm tra văn bản, cơ quan, người đã ban hành văn bản trái pháp luật phải thực hiện xử lý văn bản theo hình thức và thời hạn quy định tại Điều 23, Điều 26 Nghị định 79/2025/NĐ-CP.

Đối với nội dung thuộc phạm vi ngành, lĩnh vực thuộc trách nhiệm quản lý của các bộ, cơ quan ngang bộ trong thông tư liên tịch giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước thì sau khi nhận được kết luận kiểm tra, các cơ quan đã ban hành thông tư liên tịch phối hợp để xem xét, xử lý văn bản.

- Trường hợp cơ quan, người đã ban hành văn bản trái pháp luật không xử lý theo quy định hoặc cơ quan, người có thẩm quyền kiểm tra văn bản không thống nhất với kết quả xử lý thì cơ quan, người có thẩm quyền kiểm tra văn bản đôn đốc việc xử lý; cơ quan, người có thẩm quyền xử lý văn bản theo quy định tại các khoản 3, 4, 5, 7 và khoản 8 Điều 24 Nghị định 79/2025/NĐ-CP.

- Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ quyết định:

+ Đình chỉ việc thi hành, bãi bỏ toàn bộ hoặc một phần văn bản trái pháp luật của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt ban hành thuộc thẩm quyền kiểm tra;

+ Đình chỉ việc thi hành toàn bộ hoặc một phần nghị quyết trái pháp luật của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Hội đồng nhân dân ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt ban hành thuộc thẩm quyền kiểm tra.

Thủ tục kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xử lý văn bản trái pháp luật tại khoản này được thực hiện theo quy định tại Điều 27 Nghị định 79/2025/NĐ-CP.

- Bộ trưởng Bộ Tư pháp thực hiện quy định tại khoản 3 Điều 24 Nghị định 79/2025/NĐ-CP và trình Thủ tướng Chính phủ quyết định:

+ Đình chỉ việc thi hành, bãi bỏ toàn bộ hoặc một phần thông tư trái pháp luật của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ ban hành; văn bản trái pháp luật của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt;

+ Đình chỉ việc thi hành toàn bộ hoặc một phần nghị quyết trái pháp luật của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Hội đồng nhân dân ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt;

+ Đình chỉ việc thi hành, bãi bỏ nội dung trái pháp luật thuộc trách nhiệm quản lý ngành, lĩnh vực của bộ, cơ quan ngang bộ trong thông tư liên tịch do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành.

- Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện quy định tại khoản 3 Điều 24 Nghị định 79/2025/NĐ-CP và trình Thủ tướng Chính phủ quyết định xử lý văn bản theo quy định tại các điểm a, b và c khoản 4 Điều 24 Nghị định 79/2025/NĐ-CP đối với văn bản có nội dung thuộc phạm vi bí mật nhà nước thuộc thẩm quyền kiểm tra.

- Trường hợp phát hiện nội dung trái pháp luật trong thông tư liên tịch giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ thì Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng theo phạm vi thẩm quyền kiểm tra văn bản quy định tại Điều 14 Nghị định 79/2025/NĐ-CP kiến nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước xem xét, xử lý văn bản.

- Giám đốc Sở Tư pháp, Trưởng Phòng Tư pháp kiến nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định:

+ Đình chỉ việc thi hành, bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản trái pháp luật của Ủy ban nhân dân cấp dưới trực tiếp;

+ Đình chỉ việc thi hành nghị quyết trái pháp luật của Hội đồng nhân dân cấp dưới trực tiếp, báo cáo Ủy ban nhân dân để đề nghị Hội đồng nhân dân cùng cấp bãi bỏ.

- Đối với nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Hội đồng nhân dân ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt trái pháp luật đã bị đình chỉ việc thi hành thì Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét việc đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội bãi bỏ.

Xem thêm tại Nghị định 79/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/4/2025.
 

0 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:[email protected]


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: [email protected]
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;