Tại Dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, dự kiến thành lập Tòa Phá sản, Tòa Sở hữu trí tuệ tại một số Tòa án khu vực.
Dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân dự kiến sửa đổi Điều 60 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024 theo hướng không tổ chức tòa án cấp huyện, tòa án sơ thẩm chuyên biệt và tòa án cấp cao. Theo đó, dự kiến thành lập Tòa Phá sản, Tòa Sở hữu trí tuệ tại một số Tòa án khu vực. Cụ thể nội dung dự kiến cơ cấu tổ chức của tòa án khu vực như sau như sau:
** Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024
Cơ cấu tổ chức của Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương
Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương có thể có Tòa Hình sự, Tòa Dân sự, Tòa Gia đình và người chưa thành niên, Tòa Xử lý hành chính. Trường hợp cần thiết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thành lập Tòa chuyên trách khác theo đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.
Căn cứ quy định tại khoản này và yêu cầu của thực tiễn xét xử ở mỗi Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định việc tổ chức các Tòa chuyên trách.
** Dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân:
Cơ cấu tổ chức của Tòa án nhân dân khu vực bao gồm:
- Các Tòa chuyên trách có thể có Tòa Hình sự, Tòa Dân sự, Tòa Kinh tế, Tòa Hành chính, Tòa Gia đình và người chưa thành niên.
Thành lập Tòa Phá sản, Tòa Sở hữu trí tuệ tại một số Tòa án nhân dân khu vực. Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ của Tòa Phá sản, Tòa Sở hữu trí tuệ theo đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.
Trường hợp cần thiết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thành lập Tòa chuyên trách khác theo đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.
Căn cứ quy định và yêu cầu của thực tiễn xét xử ở mỗi Tòa án nhân dân khu vực, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định việc tổ chức các Tòa chuyên trách.
- Bộ máy giúp việc.
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định thành lập và quy định nhiệm vụ, quyền hạn của bộ máy giúp việc của Tòa án nhân dân khu vực
Xem thêm tại Dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân.
Theo khoản 2, 3 Điều 62 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024, nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt Sở hữu trí tuệ và Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt Phá sản theo quy định hiện hành như sau:
(1) Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt Sở hữu trí tuệ có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
- Sơ thẩm vụ việc về sở hữu trí tuệ theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự; sơ thẩm vụ án hành chính về sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật Tố tụng hành chính;
- Ra quyết định buộc thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính về sở hữu trí tuệ đã có hiệu lực pháp luật theo quy định của luật;
- Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng theo quy định của pháp luật;
- Thực hiện việc tổng kết thực tiễn xét xử; đề xuất án lệ;
- Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại điểm d và điểm đ khoản 2 Điều 3 của Luật này và nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.
(2) Tòa án nhân dân chuyên biệt Phá sản có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
- Giải quyết vụ việc phá sản thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân theo quy định của luật;
- Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng theo quy định của pháp luật;
- Thực hiện việc tổng kết thực tiễn giải quyết vụ việc phá sản; đề xuất án lệ;
- Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại điểm d và điểm đ khoản 2 Điều 3 của Luật này và nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.
Lê Quang Nhật Minh
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | [email protected] |