Việc thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc được thực hiện theo quy định tại Nghị định 82/2011/NĐ-CP và Nghị định 47/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 82/2011/NĐ-CP. Cụ thể:
Thuốc tiêm để sử dụng cho thi hành án tử hình bao gồm:
- Thuốc làm mất trí giác;
- Thuốc làm liệt hệ vận động;
- Thuốc làm ngừng hoạt động của tim.
Mỗi liều tiêm sẽ áp dụng cả 3 loại thuốc trên và chỉ dùng cho một người.

Quy trình tiêm thuốc được thực hiện như sau:
Cán bộ trực tiếp thi hành án tử hình là người chịu trách nhiệm thực hiện các bước:
- Chuẩn bị đủ 3 liều thuốc (trong đó có 2 liều dự phòng)
- Xác định tĩnh mạch để thực hiện tiêm: trường hợp không xác định được tĩnh mạch thì báo cáo Chủ tịch Hội đồng thi hành án để yêu cầu bác sĩ hỗ trợ xác định tĩnh mạch
- Đưa kim tiêm đã nối sẵn với ống truyền thuốc vào tĩnh mạch đã được xác định theo trình tự:
- Bước 1: Tiêm thuốc làm mất trí giác.
Sau khi tiêm thuốc xong, cán bộ chuyên môn thực hiện thi hành án tử hình phải tiến hành kiểm tra, nếu người bị thi hành án tử hình chưa mất trí giác thì tiếp tục tiêm thuốc cho đến khi họ mất trí giác.
- Bước 2: Tiêm thuốc làm liệt hệ vận động.
- Bước 3: Tiêm thuốc làm ngừng hoạt động của tim.
- Sau khi tiêm mũi thứ 3 thì kiểm tra hoạt động tim của người bị thi hành án tử hình qua máy điện tâm đồ. Trường hợp sau mười phút mà người bị thi hành án tử hình chưa chết, cán bộ kiểm tra phải báo cáo Chủ tịch Hội đồng thi hành án để ra lệnh sử dụng thuốc dự phòng, tiếp tục thực hiện tiêm lần thứ hai.
- Trường hợp đã tiêm hết hai liều thuốc mà người bị thi hành án vẫn chưa chết, thì Đội trưởng Đội thi hành án phải báo cáo Chủ tịch Hội đồng thi hành án ra lệnh tiêm lần thứ ba.
- Theo lệnh của Chủ tịch Hội đồng thi hành án, bác sĩ pháp y tiến hành kiểm tra, xác định tình trạng của người bị thi hành án tử hình và báo cáo kết quả cho Hội đồng.
- Sau khi bác sĩ pháp y kết luận người bị thi hành án tử hình đã chết, theo lệnh của Chủ tịch Hội đồng thi hành án, cán bộ thi hành án tử hình ngừng truyền và đưa kim tiêm, đường ống dẫn ra khỏi người bị thi hành án tử hình.
>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY