Quy định về thẩm định chính sách của luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội từ 01/4/2025

Quy định về thẩm định chính sách của luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội từ 01/4/2025
Quế Anh

Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin về thẩm định chính sách của luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội từ 01/4/2025.

Quy định về thẩm định chính sách của luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội từ 01/4/2025 (Hình từ internet)

Ngày 01/4/2025, Chính phủ ban hành Nghị định 78/2025/NĐ-CP hướng dẫn và biện pháp để tổ chức, hướng dẫn thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2025.

Quy định về thẩm định chính sách của luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội từ 01/4/2025

Thẩm định chính sách của luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội như sau:

(1) Bộ, cơ quan ngang bộ lập đề xuất chính sách của luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội gửi hồ sơ chính sách theo quy định tại khoản 2 Điều 31 của Luật đến Bộ Tư pháp để thẩm định, trong đó các báo cáo được ký và đóng dấu, các tài liệu khác được đóng dấu treo của bộ, cơ quan ngang bộ.

(2) Bộ Tư pháp tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ chính sách. Trường hợp hồ sơ không đúng theo quy định tại khoản (1) thì chậm nhất là 03 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, Bộ Tư pháp đề nghị bộ, cơ quan ngang bộ lập đề xuất chính sách bổ sung, hoàn thiện hồ sơ.

(3) Bộ Tư pháp tổ chức thẩm định chính sách theo hình thức họp hội đồng thẩm định hoặc cuộc họp thẩm định hoặc lấy ý kiến thẩm định bằng văn bản.

Trường hợp tổ chức họp hội đồng thẩm định hoặc cuộc họp thẩm định, Bộ Tư pháp mời đại diện Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, cơ quan, tổ chức có liên quan, chuyên gia, nhà khoa học tham gia cuộc họp hội đồng thẩm định hoặc cuộc họp thẩm định.

Trường hợp lấy ý kiến thẩm định bằng văn bản, Bộ Tư pháp lấy ý kiến của Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ và cơ quan, tổ chức có liên quan, chuyên gia, nhà khoa học.

(4) Bộ Tư pháp gửi tài liệu đến thành viên hội đồng thẩm định hoặc người được mời tham gia cuộc họp thẩm định ngay sau khi nhận đủ hồ sơ gửi thẩm định.

(5) Trách nhiệm của thành viên hội đồng thẩm định hoặc người tham gia cuộc họp thẩm định:

- Nghiên cứu hồ sơ chính sách, phát biểu ý kiến thẩm định và thể hiện rõ ý kiến về hồ sơ chính sách của luật, pháp lệnh, nghị quyết đủ hay chưa đủ điều kiện trình Chính phủ;

- Chịu trách nhiệm về ý kiến thẩm định thuộc phạm vi quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực của cơ quan mình. Trong đó, đại diện Bộ Ngoại giao có ý kiến về tính tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; đại diện Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có ý kiến về bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh; đại diện Bộ Tài chính có ý kiến về nguồn tài chính; đại diện Bộ Nội vụ có ý kiến về việc phân quyền, phân cấp và nguồn nhân lực;

- Trường hợp không thể tham gia cuộc họp hội đồng thẩm định hoặc cuộc họp thẩm định, thành viên hội đồng thẩm định, người được cử tham gia cuộc họp thẩm định phải gửi ý kiến thẩm định bằng văn bản đến Bộ Tư pháp trong thời hạn chậm nhất là 03 ngày kể từ ngày tổ chức cuộc họp hội đồng thẩm định hoặc cuộc họp thẩm định. Trường hợp thẩm định gấp theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thì thời hạn gửi ý kiến thẩm định theo đề nghị của Bộ Tư pháp. Hết thời hạn gửi ý kiến bằng văn bản mà không có ý kiến thì được hiểu là nhất trí với hồ sơ chính sách.

Trường hợp Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ không có đại diện tham gia cuộc họp hội đồng thẩm định hoặc cuộc họp thẩm định mà không gửi ý kiến thẩm định bằng văn bản thì Bộ Tư pháp có thông báo bằng văn bản gửi Bộ trưởng các Bộ về việc này và kèm theo báo cáo thẩm định.

(6) Hội đồng thẩm định chấm dứt hoạt động và tự giải thể sau khi kết thúc cuộc họp hội đồng thẩm định.

(7) Báo cáo thẩm định của Bộ Tư pháp phải thể hiện rõ hồ sơ chính sách của luật, pháp lệnh, nghị quyết đủ hoặc chưa đủ điều kiện trình Chính phủ; việc tham gia ý kiến thẩm định của Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ. Trường hợp báo cáo thẩm định kết luận hồ sơ chính sách của luật, pháp lệnh, nghị quyết chỉ đủ điều kiện trình Chính phủ sau khi tiếp thu, hoàn thiện thì báo cáo thẩm định phải nêu rõ nội dung, yêu cầu tiếp thu, hoàn thiện.

(8) Trường hợp hồ sơ chính sách chưa đủ điều kiện trình, bộ, cơ quan ngang bộ lập đề xuất chính sách chỉnh lý, hoàn thiện và gửi Bộ Tư pháp thẩm định lại. Việc thẩm định lại được thực hiện theo quy định tại Điều này.

Xem thêm Nghị định 78/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ 01/4/2025.

 

0 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:[email protected]


  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: [email protected]
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;