Sau đây là nội dung hướng dẫn xác định trường hợp thiết bị đo đếm điện không chính xác, ngừng hoạt động.
Hướng dẫn xác định trường hợp thiết bị đo đếm điện không chính xác, ngừng hoạt động (Hình từ Internet)
Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư 13/2025/TT-BCT ngày 01/02/2025 quy định xác định tiền điện thanh toán trong các trường hợp thiết bị đo đếm điện không chính xác, ngừng hoạt động hoặc bị mất.
Theo Điều 2 Thông tư 13/2025/TT-BCT hướng dẫn về xác định trường hợp thiết bị đo đếm điện không chính xác, ngừng hoạt động như sau:
- Quá trình phát hiện, kiểm tra thiết bị đo đếm điện không chính xác, ngừng hoạt động thực hiện như sau:
+ Khi có nghi ngờ hoặc phát hiện thiết bị đo đếm điện hoạt động không chính xác hoặc ngừng hoạt động, bên bán điện hoặc bên mua điện có trách nhiệm thông báo cho bên còn lại và phối hợp lập biên bản làm việc để ghi nhận, giải quyết sự việc. Bên bán điện lập biên bản làm việc bằng văn bản giấy hoặc hình thức thông điệp dữ liệu có giá trị như văn bản theo quy định của pháp luật để bên mua điện ký, xác nhận;
+ Trường hợp người đại diện của bên mua điện vắng mặt thì thực hiện ủy quyền theo quy định của pháp luật có liên quan; nếu bên mua điện sử dụng điện cho mục đích sinh hoạt thì đại diện hợp pháp của bên mua điện theo quy định của pháp luật được quyền ký biên bản. Trường hợp bên mua điện từ chối ký biên bản, bên bán điện ghi rõ lý do trong biên bản và lấy chữ ký của đại diện chính quyền địa phương hoặc cơ quan công an tại địa phương;
+ Trường hợp phải tháo gỡ thiết bị đo đếm điện để kiểm tra, bên bán điện phải thông báo cho bên mua điện biết để cùng chứng kiến việc tháo gỡ, kiểm định thiết bị. Thiết bị đo đếm điện được tháo gỡ phải giữ nguyên niêm phong của tổ chức kiểm định. Thiết bị đo đếm điện, thiết bị khác có liên quan phải được thu giữ, bao gói và niêm phong (giấy niêm phong phải có chữ ký của đại diện bên mua điện và bên bán điện);
+ Trường hợp bên mua điện từ chối ký niêm phong theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 2 Thông tư 13/2025/TT-BCT, bên bán điện phải lấy chữ ký của đại diện chính quyền địa phương hoặc đại diện cơ quan công an tại địa phương chứng kiến việc đại diện bên mua điện không ký giấy niêm phong.
- Biên bản làm việc được lập phải ghi rõ thời gian, địa điểm kiểm tra, mô tả chi tiết hiện trạng, biểu hiện của thiết bị đo đếm điện và lý do tháo gỡ thiết bị đo đếm điện (trong trường hợp phải tháo gỡ).
Trường hợp phải tháo gỡ thiết bị đo đếm điện theo quy định tại điểm c, điểm d khoản 1 Điều 2 Thông tư 13/2025/TT-BCT, sau khi kết thúc tháo gỡ thiết bị đo đếm điện và lập biên bản làm việc, khi thực hiện công tác kiểm định thiết bị đo đếm điện tại tổ chức kiểm định, các bên liên quan có trách nhiệm cùng chứng kiến việc kiểm tra, xác minh thiết bị đo đếm điện của tổ chức kiểm định, nếu vắng mặt trong quá trình kiểm tra mà không có lý do chính đáng thì vẫn phải công nhận kết quả kiểm tra.
- Trường hợp bên mua điện nghi ngờ thiết bị đo đếm điện không chính xác, bên mua điện thực hiện quy định sau:
+ Có quyền thực hiện theo quy định tại khoản 5 Điều 56 Luật Điện lực 2024 và quy định tại Thông tư 13/2025/TT-BCT;
+ Có nghĩa vụ trả chi phí kiểm định theo quy định tại điểm a khoản 6 Điều 56 Luật Điện lực 2024;
+ Phối hợp với bên bán điện lập biên bản làm việc để ghi nhận và giải quyết sự việc theo quy định tại Điều 2 Thông tư 13/2025/TT-BCT.
Theo Điều 3 Thông tư 13/2025/TT-BCT hướng dẫn về xác định trường hợp công tơ điện bị mất như sau:
- Khi phát hiện công tơ điện bị mất, bên bán điện đề nghị cơ quan công an tại địa phương tham gia, xác nhận theo quy định của Thông tư này, quy định khác của pháp luật có liên quan và có trách nhiệm thông báo cho bên còn lại, phối hợp lập biên bản làm việc để ghi nhận và giải quyết sự việc. Bên bán điện lập biên bản làm việc bằng văn bản giấy hoặc hình thức thông điệp dữ liệu có giá trị như văn bản theo quy định của pháp luật để bên mua điện ký, xác nhận.
- Trường hợp người đại diện của bên mua điện vắng mặt thì thực hiện ủy quyền theo quy định của pháp luật có liên quan; nếu bên mua điện sử dụng điện cho mục đích sinh hoạt thì đại diện hợp pháp của bên mua điện theo quy định của pháp luật được quyền ký biên bản. Trường hợp bên mua điện từ chối ký biên bản, bên bán điện ghi rõ lý do trong biên bản và lấy chữ ký của đại diện chính quyền địa phương hoặc cơ quan công an tại địa phương.
- Biên bản làm việc được lập phải ghi rõ thời gian, địa điểm kiểm tra, mô tả chi tiết hiện trạng.
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | [email protected] |