Dưới đây là bài viết về việc hoàn thiện chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống lãng phí
Hoàn thiện chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống lãng phí (Hình từ Internet)
Ngày 22/04/2025 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 806/QĐ-TTg về Chiến lược quốc gia về phòng, chống lãng phí đến năm 2035.
Bước vào giai đoạn phát triển mới, đứng trước cơ hội lịch sử để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, công tác phòng, chống lãng phí cần được triển khai quyết liệt, đồng bộ với những giải pháp hữu hiệu, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, trở thành tự nguyện, tự giác của mỗi cán bộ, đảng viên và người dân, văn hóa ứng xử trong thời đại mới. Kế thừa những thành tựu đã đạt được và tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống lãng phí đáp ứng yêu cầu của giai đoạn mới, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia phòng, chống lãng phí đến năm 2035.
Trong đó, nhiệm vụ về hoàn thiện chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống lãng phí như sau:
- Đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế, xã hội và phòng, chống lãng phí theo hướng: đảm bảo dân chủ, minh bạch, kịp thời, hiệu quả, dễ áp dụng, tiết kiệm thời gian và chi phí, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, khơi thông nguồn lực, khắc phục điểm nghẽn và tạo đà cho sự phát triển.
- Rà soát, bổ sung các quy định về cơ chế quản lý kinh tế - xã hội, các định mức kinh tế - kỹ thuật không còn phù hợp với thực tiễn phát triển của đất nước; tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh lãng phí như: quản lý ngân sách nhà nước, tài sản công; quản lý, sử dụng vốn đầu tư công; quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp; xây dựng; đất đai, tài nguyên (bao gồm cả tài nguyên tái tạo), khoáng sản, năng lượng; tín dụng, ngân hàng; tổ chức bộ máy, quản lý nguồn nhân lực…, cụ thể một số nội dung như sau:
+ Hoàn thiện thể chế, sửa đổi, bổ sung pháp luật về ngân sách nhà nước theo hướng tăng cường trách nhiệm kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước.
+ Tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật về quản lý nợ công; rà soát, đánh giá, tổng kết thi hành Luật Quản lý nợ công 2017, đề xuất các nội dung sửa đổi Luật.
+ Tiếp tục rà soát, hoàn thiện đồng bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, trong đó tập trung rà soát, hoàn thiện các quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công; sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản quy định cụ thể việc quản lý, sử dụng và khai thác đối với một số loại tài sản kết cấu hạ tầng theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017 và các quy định pháp luật chuyên ngành có liên quan.
+ Tiếp tục rà soát, sửa đổi Luật Đầu tư công 2024 để khơi thông, đảm bảo căn cứ về nguồn vốn thực hiện các dự án đặc biệt, nhất là các dự án khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo đòi hỏi phải có cơ chế phê duyệt và triển khai nhanh chóng; ưu tiên, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công quan trọng; nâng cao tính sẵn sàng và khả năng hấp thụ vốn của các dự án, nhất là các dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A có yêu cầu đặc biệt về công nghệ; tăng cường chế tài xử lý, tạo kỷ luật, kỷ cương để đảm bảo tiến độ giải ngân vốn, tránh lãng phí, không phát huy được tối đa nguồn lực.
+ Rà soát, bổ sung và hoàn thiện các Luật chuyên ngành về tài nguyên, môi trường và các văn bản hướng dẫn, hướng tới khơi thông, phân bổ và phát huy nguồn lực tài nguyên, bảo vệ môi trường bền vững trong tầm nhìn dài hạn theo xu hướng quản trị chiến lược; đồng thời, lồng ghép các quy định để ngăn ngừa việc sử dụng lãng phí các nguồn lực tài nguyên.
+ Sửa đổi toàn diện Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp năm 2014, tạo môi trường và hành lang pháp lý đầy đủ, ổn định cho hoạt động quản lý, đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
+ Tập trung rà soát, sửa đổi, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá trong lĩnh vực xây dựng.
+ Tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật về tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế theo yêu cầu tại các Nghị quyết, Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
+ Tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách về tín dụng đầu tư của Nhà nước góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động cho vay tín dụng đầu tư tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam, qua đó hỗ trợ phát triển các dự án đầu tư hạ tầng, đóng góp vào thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
+ Nghiên cứu sửa đổi, hoàn thiện các quy định về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả để giải quyết những bất cập phát sinh, đồng thời giúp thúc đẩy hiệu quả sử dụng năng lượng trong giai đoạn tới.
- Hoàn thiện pháp luật về phòng, chống lãng phí theo hướng tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, đồng bộ cho giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, phát hiện, xử lý mạnh, có tính răn đe cao đối với các hành vi lãng phí, trong đó chú trọng hoàn thiện các quy định nhận diện hành vi lãng phí và xử lý hành vi lãng phí trong từng lĩnh vực cụ thể; rà soát, cụ thể hóa quy định về trách nhiệm thủ trưởng các cấp, các ngành và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống lãng phí ở địa phương, bộ, ngành, lĩnh vực, cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách.
- Hoàn thiện thể chế trong ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, tạo sự đồng bộ trong chuyển đổi số để giảm thiểu lãng phí, tạo nền tảng để Việt Nam nắm bắt cơ hội từ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Thường xuyên rà soát, sửa đổi kịp thời các quy định không còn phù hợp, tạo hành lang cho các mô hình kinh tế mới như kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, trí tuệ nhân tạo... đảm bảo khung pháp lý không trở thành rào cản của sự phát triển, đồng thời bảo đảm an ninh quốc gia, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp.
Nguyễn Thị Mỹ Quyền
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | [email protected] |