Cho phép khai quật khảo cổ tại di tích Mán Bạc theo Quyết định 956

Dưới đây là bài viết về sự việc cho phép khai quật khảo cổ tại di tích Mán Bạc theo Quyết định 956/QÐ-BVHTTDL.

Cho  phép  khai  quật  khảo  cổ  tại  di  tích  Mán  Bạc  theo  Quyết  định  956

Cho phép khai quật khảo cổ tại di tích Mán Bạc theo Quyết định 956(Hình từ internet)

Quyết định 956/QÐ-BVHTTDL 2025

Cho phép khai quật khảo cổ tại di tích Mán Bạc theo Quyết định 956

Căn cứ Quyết định 956/QÐ-BVHTTDL 2025 về việc khai quật khảo cổ tại di tích Mán Bạc của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được quy định như sau:

- Cho phép Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình phối hợp với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội khai quật khảo cổ tại di tích Mán Bạc, thôn Bạch Liên, xã Yên Thành, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình.

+ Thời gian khai quật: Từ ngày 22/4/2025 đến ngày 30/6/2025.

+ Diện tích khai quật: 200m2.

+ Chủ trì khai quật: Ông Hoàng Văn Diệp, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.

- Trong thời gian khai quật khảo cổ, cơ quan được cấp giấy phép cần chú ý bảo vệ địa tầng của di tích; có trách nhiệm tuyên truyền cho Nhân dân về việc bảo vệ di sản văn hoá ở địa phương, không công bố kết luận chính thức khi chưa có sự thỏa thuận của cơ quan chủ quản và Cục Di sản văn hóa.

+ Những hiện vật thu thập được trong quá trình khai quật khảo cổ, Bảo tàng tỉnh Ninh Bình, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình có trách nhiệm giữ gìn, bảo quản tránh để hiện vật bị hư hỏng, thất lạc và báo cáo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phương án bảo vệ và phát huy giá trị những hiện vật đó.

- Sau khi kết thúc đợt khai quật khảo cổ, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội phải có báo cáo sơ bộ và đề xuất phương án quản lý, bảo vệ khu vực đã khai quật trong thời gian chậm nhất 01 (một) tháng và báo cáo khoa học trong thời gian chậm nhất 01 (một) năm, gửi về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Trước khi công bố kết quả của đợt khai quật khảo cổ, cơ quan được cấp giấy phép trao đổi, thống nhất với Cục Di sản văn hóa.

Nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về di sản văn hóa

Căn cứ khoản 6 Điều 2 Nghị định 43/2025/NĐ-CP quy định nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về di sản văn hóa như sau:

- Trình Thủ tướng Chính phủ việc xếp hạng, hủy bỏ xếp hạng, bổ sung, chỉnh sửa hồ sơ khoa học và chấp thuận, quyết định ranh giới, điều chỉnh ranh giới khu vực bảo vệ đối với di tích quốc gia đặc biệt; việc đề nghị Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO): Công nhận, hủy bỏ công nhận, chỉnh sửa hồ sơ di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh của Việt Nam, của Việt Nam phối hợp với quốc gia khác là Di sản thế giới; ghi danh, ghi danh bổ sung, hỗ trợ bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, di sản tư liệu của Việt Nam, của Việt Nam phối hợp với quốc gia khác;

- Trình Thủ tướng Chính phủ việc công nhận và hủy bỏ công nhận bảo vật quốc gia; cho phép đưa bảo vật quốc gia, di sản tư liệu được UNESCO ghi danh ra nước ngoài để trưng bày, triển lãm, nghiên cứu hoặc bảo quản và phương án xử lý đối với tài sản là di sản văn hóa theo quy định của pháp luật; phương án thu hồi, mua và đưa di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, di sản tư liệu có giá trị có nguồn gốc Việt Nam ở nước ngoài về nước; cơ chế, chính sách huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực để bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa;

- Thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch và quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di sản thế giới, di tích quốc gia đặc biệt;

- Ban hành Chương trình hành động quốc gia về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể sau khi được UNESCO ghi danh; hướng dẫn báo cáo, thẩm định đề án bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, di sản tư liệu sau khi được ghi danh;

- Hướng dẫn việc tổ chức kiểm kê di sản văn hóa, lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa đề nghị xếp hạng, ghi danh, hủy bỏ quyết định xếp hạng, ghi danh đối với di tích quốc gia, di sản văn hóa phi vật thể và di sản tư liệu vào các danh mục quốc gia;

- Thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch và quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích quốc gia; thẩm định dự án, báo cáo kinh tế - kỹ thuật bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt, di sản thế giới; xác nhận trường hợp di sản thế giới, di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia bị xuống cấp được lập dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; thẩm định kế hoạch quản lý, quy chế bảo vệ di sản thế giới; cho ý kiến thẩm định về sự phù hợp với yêu cầu và phát huy giá trị di sản văn hóa đối với việc sửa chữa, cải tạo, xây dựng, xây dựng lại công trình và thực hiện các hoạt động: trực tiếp phục vụ bảo vệ và phát huy giá trị di tích, di sản thế giới, nhà ở riêng lẻ, công trình kinh tế - xã hội, sử dụng khu vực biển để thực hiện hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên biển, thực hiện hoạt động kinh tế - xã hội theo quy định của các luật chuyên ngành;

- Chấp thuận, quyết định ranh giới, điều chỉnh ranh giới khu vực bảo vệ di tích quốc gia; quyết định việc đưa thêm, di dời, thay đổi hiện vật trong di sản thế giới, di tích quốc gia đặc biệt;

- Xếp hạng, xếp lại hạng bảo tàng hạng I; xác nhận đủ điều kiện đối với việc thành lập bảo tàng công lập; có ý kiến xếp hạng, xếp lại hạng bảo tàng hạng II, hạng III theo quy định của pháp luật; có ý kiến về đề cương trưng bày, dự án đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp công trình kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật và trưng bày bảo tàng công lập; quyết định giao di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia cho bảo tàng công lập hoặc cơ quan, tổ chức của Nhà nước có chức năng, nhiệm vụ phù hợp theo quy định của pháp luật;

- Cấp giấy phép thăm dò, khai quật khảo cổ và đồng ý người chủ trì thăm dò, khai quật khảo cổ; hướng dẫn thủ tục đăng ký di vật, cổ vật và hoạt động của cơ sở kinh doanh giám định di vật, cổ vật, cơ sở kinh doanh di vật, cổ vật; quyết định đưa cổ vật ra nước ngoài để trưng bày, nghiên cứu hoặc bảo quản; quyết định đưa bảo vật quốc gia đi trưng bày, nghiên cứu hoặc bảo quản có thời hạn ở trong nước; cấp giấy phép nhập khẩu di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia có nguồn gốc Việt Nam ở nước ngoài về nước; cấp giấy phép làm bản sao bảo vật quốc gia; cho ý kiến đối với việc người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành nghiên cứu, sưu tầm, tư liệu hóa di sản văn hóa phi vật thể, di sản tư liệu ở Việt Nam phân bố trên địa bàn từ 02 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên theo quy định của pháp luật;

- Xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa;

- Hướng dẫn, kiểm tra hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Nguyễn Tùng Lâm

0 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:[email protected]


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: [email protected]
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;