Cải tiến mạnh mẽ trong tư duy xây dựng, hoàn thiện pháp luật

Cải tiến mạnh mẽ trong tư duy xây dựng, hoàn thiện pháp luật
Quốc Tuấn

Bài viết dưới đây sẽ làm rõ sự cải tiến mạnh mẽ trong tư duy xây dựng, hoàn thiện pháp luật.

Cải tiến mạnh mẽ trong tư duy xây dựng, hoàn thiện pháp luật

Cải tiến mạnh mẽ trong tư duy xây dựng, hoàn thiện pháp luật (Hình từ Internet)

Chính phủ thảo luận, cho ý kiến đối với 4 dự án luật, đề nghị xây dựng Luật

Ngày 01/4/2025 Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 69/NQ-CP Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 3 năm 2025.

Tại Phiên họp, Chính phủ thảo luận và cho ý kiến đối với các dự án luật, đề nghị xây dựng Luật:

- Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi); 

- Luật Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; 

- Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp; 

- Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Xây dựng tại Phiên họp, Chính phủ thống nhất chưa xem xét, cho ý kiến đối với các dự án Luật Cấp thoát nước và Luật Quản lý, phát triển đô thị.

1. Dự án Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo

Chính phủ đánh giá cao Bộ Khoa học và Công nghệ đã tích cực khẩn trương phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan xây dựng, hoàn thiện dự án Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo. Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp thu đầy đủ ý kiến các Thành viên Chính phủ để hoàn thiện dự thảo Luật theo hướng:

- Tiếp tục nghiên cứu, rà soát bám sát Nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị liên quan đến khoa học và công nghệ, đặc biệt Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, kế thừa các chính sách tại Nghị quyết 193/2025/QH15 của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia đảm bảo thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối chỉ đạo trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.

- Xây dựng các cơ chế, chính sách của Luật theo hướng nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo cần tạo không gian nghiên cứu, sáng tạo mở cho các nhà khoa học, chấp nhận đổi mới, rủi ro, có độ trễ trong nghiên cứu khoa học và bảo hộ sở hữu trí tuệ.

Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan và trực tiếp làm việc với các Bộ chuyên ngành để rà soát hoàn thiện cơ chế, chính sách, báo cáo Thường trực Chính phủ; thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến và thông qua đối với dự án Luật này tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng chỉ đạo xây dựng dự án Luật này.

2. Dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi)

Chính phủ cơ bản thống nhất nội dung dự thảo Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) và đánh giá cao việc Bộ Khoa học và Công nghệ đã tích cực, chủ động phối hợp các Bộ, cơ quan, địa phương trong việc xây dựng dự án Luật. Yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp thu tối đa ý kiến các Thành viên Chính phủ, ý kiến các cơ quan liên quan, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật đáp ứng các yêu cầu sau:

- Nội dung dự thảo Luật phải đúng thẩm quyền của Quốc hội, đúng với chủ trương về đổi mới công tác xây dựng pháp luật, phù hợp thực tiễn; bổ sung nội dung về trường hợp có các quy định pháp luật khác nhau về cùng một vấn đề liên quan đến lĩnh vực năng lượng nguyên tử thì ưu tiên áp dụng Luật này để tạo điều kiện triển khai nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam; các quy định phải ngắn gọn, cụ thể, dễ hiểu, dễ làm, dễ kiểm tra, giám sát; bảo đảm tính ổn định, lâu dài, thông thoáng và khả thi trong tổ chức thực hiện để các doanh nghiệp, nhà đầu tư yên tâm áp dụng.

- Tiếp tục rà soát, nghiên cứu một số vấn đề cụ thể: 

- Các khoản, điều, chương, mục dự thảo Luật, bảo đảm tính logic, không mâu thuẫn, quy định rõ trong Luật các điều khoản nào sẽ có hiệu lực ngay; bổ sung quy định về bảo đảm an toàn, an ninh các cơ sở hạt nhân như nhà máy điện hạt nhân, lò phản ứng nghiên cứu, quy định về cơ quan pháp quy hạt nhân và giải trình cụ thể về sự cần thiết; 

- Các quy định liên quan đến quyền con người, quyền công dân để quy định rõ trong dự thảo Luật; 

- Kinh nghiệm, pháp luật của các nước phát triển trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, các khuyến cáo của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) để luật hóa các nội dung phù hợp với nhu cầu phát triển và đặc thù của Việt Nam, bảo đảm tuân thủ các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết.

Giao Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình Quốc hội để xem xét, thông qua đối với dự án Luật này tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng chỉ đạo xây dựng dự án Luật này.

3. Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

Chính phủ đánh giá cao Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan hoàn thiện hồ sơ Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Bộ Công Thương nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến của Thành viên Chính phủ, ý kiến của các cơ quan liên quan hoàn thiện Hồ sơ dự án Luật bảo đảm đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và trình bày rõ tại Tờ trình Chính phủ về 06 yêu cầu cần làm rõ được nêu tại Nghị quyết này. Trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật lưu ý thêm các nội dung sau:

Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả có phạm vi, đối tượng rộng, cần được triển khai trong tất cả các công đoạn: sản xuất điện, truyền tải điện, phân phối điện và sử dụng điện (bao gồm cả sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng). Do đó, dự thảo Luật cần rà soát, nghiên cứu kỹ, quy định đầy đủ cho các đối tượng trong các công đoạn nói trên để đảm bảo việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được triển khai đồng bộ.

Giao Bộ trưởng Bộ Công Thương thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến thông qua đối với dự án Luật này tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.

Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn chỉ đạo xây dựng dự án Luật này.

4. Dự án Luật đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp

Chính phủ thống nhất sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp nhằm thể chế đầy đủ các định hướng, quan điểm của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thực thi các quy định của Luật Doanh nghiệp, phù hợp với thực tiễn; thực hiện đúng các cam kết của Việt Nam với Lực lượng đặc nhiệm tài chính (FATF).

Bộ Tài chính nghiên cứu tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, các Bộ, cơ quan liên quan, hoàn thiện các chính sách của dự án Luật, đáp ứng các yêu cầu sau:

Cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt bỏ các quy định không còn hợp lý; thiết kế chính sách cần thông thoáng tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, bảo đảm tăng về số lượng doanh nghiệp, nâng cao về chất lượng, tăng cường tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, chủ động, tiên phong trong nghiên cứu chuyển giao khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy cho nền kinh tế nước ta phát triển nhanh, mạnh và bền vững.

Trong công tác quản lý, cần chuyển mạnh từ "tiền kiểm" sang "hậu kiểm" gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan chủ động soạn thảo nội dung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trước ngày 05 tháng 4 năm 2025 để kịp thời báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025 tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XV.

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng chỉ đạo xây dựng dự án Luật này.

Phạm Việt Trinh

0 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:[email protected]


  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: [email protected]
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;