Bài viết sau có nội dung về các tiêu chuẩn đánh giá về hiệu quả phát triển ngành điện từ 03/3/2025.
Các tiêu chuẩn đánh giá về hiệu quả phát triển ngành điện từ 03/3/2025 (Hình từ Internet)
Ngày 03/3/2025, Chính phủ ban hành Nghị định 56/2025/NĐ-CP hướng dẫn Luật Điện lực 2024 về quy hoạch phát triển điện lực, phương án phát triển mạng lưới cấp điện, đầu tư xây dựng dự án điện lực và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án kinh doanh điện lực
Theo quy định tại Điều 19 Nghị định 56/2025/NĐ-CP thì các tiêu chuẩn đánh giá về hiệu quả phát triển ngành điện bao gồm:
- Đối với dự án đầu tư kinh doanh điện lực có khung giá do Bộ Công Thương ban hành, tiêu chuẩn đánh giá về hiệu quả phát triển ngành điện là giá điện, thực hiện như sau:
+ Mức trần giá điện trong hồ sơ mời thầu là mức giá tối đa của khung giá phát điện tương ứng loại hình nguồn điện do Bộ Công Thương ban hành tại năm đấu thầu;
+ Nhà đầu tư đề xuất giá điện trong hồ sơ dự thầu không cao hơn mức trần giá điện được quy định tại hồ sơ mời thầu;
+ Giá điện trúng thầu là giá điện tối đa để Bên mua điện đàm phán giá hợp đồng mua bán điện với nhà đầu tư trúng thầu.
- Đối với dự án đầu tư kinh doanh điện lực không có khung giá do Bộ Công Thương ban hành, thực hiện như sau:
+ Tiêu chuẩn đánh giá về hiệu quả phát triển ngành điện là giá trị tối thiểu bằng tiền nộp ngân sách nhà nước hằng năm. Nhà đầu tư đề xuất giá trị này trong hồ sơ dự thầu không thấp hơn mức tối thiểu quy định tại hồ sơ mời thầu;
+ Giá trị quy định tại điểm a khoản 2 Điều 19 Nghị định 56/2025/NĐ-CP độc lập với nghĩa vụ của nhà đầu tư đối với ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật;
+ Việc nộp vào ngân sách nhà nước giá trị quy định tại điểm a khoản 2 Điều 19 Nghị định 56/2025/NĐ-CP được thực hiện như sau: giá trị nộp ngân sách nhà nước hằng năm được xác định căn cứ giá trị do nhà đầu tư đề xuất tại hồ sơ dự thầu; hình thức, tiến độ và thời hạn nộp giá trị quy định tại điểm a khoản 2 Điều 19 Nghị định 56/2025/NĐ-CP được quy định cụ thể tại hợp đồng dự án đầu tư kinh doanh.
Việc đàm phán, giao kết hợp đồng mua bán điện với nhà đầu tư trúng thầu thực hiện theo quy định cụ thể tại Điều 20 Nghị định 56/2025/NĐ-CP như sau:
- Thời gian tối đa để nhà đầu tư trúng thầu phải phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng dự án điện lực kể từ ngày ký hợp đồng dự án đầu tư kinh doanh được quy định như sau:
+ Đối với dự án thủy điện, nhiệt điện khí, nhiệt điện than và điện gió, thời gian tối đa là 15 tháng;
+ Đối với dự án điện sinh khối, điện mặt trời, thời gian tối đa là 06 tháng.
- Trên cơ sở kết quả đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án đầu tư kinh doanh điện lực và Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng dự án đầu tư kinh doanh điện lực được phê duyệt, Bên mua điện và nhà đầu tư trúng thầu có trách nhiệm và nghĩa vụ đàm phán, giao kết hợp đồng mua bán điện. Thời gian tối đa để thực hiện đàm phán, giao kết hợp đồng mua bán điện kể từ ngày nhà đầu tư nộp hồ sơ hợp lệ đến Bên mua điện là 03 tháng.
- Bên mua điện và nhà đầu tư trúng thầu chịu trách nhiệm về thời gian đàm phán, giao kết hợp đồng mua bán điện để bảo đảm tiến độ thực hiện dự án theo quy hoạch phát triển điện lực, quy hoạch tỉnh và an ninh cung cấp điện.
Xem thêm tại Nghị định 56/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 03/3/2025.
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | [email protected] |