Tôi muốn biết hành vi nào được bổ sung thêm vào các hành vi vi phạm Bộ luật phòng, chống doping thế giới? - Minh Long (Lâm Đồng)
Bổ sung 01 hành vi vi phạm Bộ luật phòng, chống doping thế giới (Hình từ Internet)
Ngày 21/02/2023, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Thông tư 01/2023/TT-BVHTTDL sửa đổi Thông tư 17/2015/TT-BVHTTDL về phòng, chống Doping trong hoạt động thể thao.
Trong đó, bổ sung 01 hành vi vi phạm Bộ luật phòng, chống doping thế giới so với Thông tư 17/2015/TT-BVHTTDL như sau:
Theo Điều 4 Thông tư 17/2015/TT-BVHTTDL (bổ sung tại khoản 1 Điều 1 Thông tư 01/2023/TT-BVHTTDL), các hành vi vi phạm Bộ luật phòng, chống doping thế giới bao gồm:
(1) Có chất bị cấm hoặc các chất chuyển hóa hoặc các dấu vết của chất bị cấm trong mẫu xét nghiệm của vận động viên.
(2) Sử dụng chất bị cấm hoặc phương pháp bị cấm.
(3) Lảng tránh, từ chối hoặc bỏ lỡ việc lấy mẫu thử mà không phải vì lý do bất khả kháng sau khi có thông báo.
(4) Vi phạm các yêu cầu liên quan đến sự có mặt của vận động viên để kiểm tra doping ngoài thi đấu.
(5) Làm sai lệch hoặc gây cản trở đối với bất kỳ công đoạn nào của việc kiểm tra doping.
(6) Sở hữu chất bị cấm hoặc phương pháp bị cấm.
(7) Buôn bán chất bị cấm hoặc phương pháp bị cấm.
(8) Cho vận động viên uống, sử dụng chất bị cấm hoặc phương pháp bị cấm trong thi đấu hoặc ngoài thi đấu; hỗ trợ, khuyến khích, giúp sức, sai khiến, bao che hoặc dính líu đến bất kỳ hành vi đồng lõa nào khác vi phạm quy định về phòng, chống doping.
(9) Đồng lõa, bao che cho một hoặc nhiều hành vi quy định từ (1) đến (8).
(10) Vận động viên có liên hệ về chuyên môn thể dục thể thao với huấn luyện viên, người hướng dẫn, bác sĩ hoặc bất kỳ ai đang trong thời gian bị kỷ luật do vi phạm quy định về phòng, chống doping.
(11) Kỳ thị, trù dập người tố cáo hành vi vi phạm doping. (Bổ sung thêm)
Như vậy, từ ngày 15/04/2023, sẽ có tất cả 11 hành vi vi phạm Bộ luật phòng, chống doping thế giới.
Việc phòng, chống doping trong hoạt động thể thao phải tuân theo các nguyên tắc được quy định tại Điều 3 Thông tư 17/2015/TT-BVHTTDL, cụ thể như sau:
- Hoạt động phòng, chống doping được tổ chức thường xuyên; chú trọng biện pháp thông tin, giáo dục, truyền thông để nâng cao nhận thức về tác hại của việc sử dụng doping.
- Thực hiện việc phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài, các tổ chức thể thao quốc tế trong phòng, chống doping.
- Đảm bảo tuân thủ các quy định của Tổ chức phòng, chống doping thế giới và các quy định của pháp luật Việt Nam có liên quan đến phòng, chống doping trong hoạt động thể thao.
- Đảm bảo vận động viên được tập luyện và thi đấu trong môi trường không doping và được thông tin đầy đủ về tác hại của doping.
Cụ thể tại Điều 6 Thông tư 17/2015/TT-BVHTTDL, việc tuyên truyền, giáo dục nhằm cung cấp cho vận động viên, các tổ chức và cá nhân liên quan thông tin chính xác về những nội dung sau:
- Bộ luật phòng, chống doping thế giới; các quy định về phòng, chống doping tại Việt Nam.
- Các chất bị cấm hoặc phương pháp bị cấm được đưa vào Danh mục cấm hàng năm do Tổ chức phòng, chống doping thế giới ban hành.
- Các trường hợp vi phạm pháp luật về phòng, chống doping.
- Hậu quả của việc sử dụng doping gồm các mức hình phạt, tổn hại về sức khỏe và xã hội.
- Các quy định về thủ tục tiến hành kiểm tra doping.
- Quyền và trách nhiệm của vận động viên, huấn luyện viên, cán bộ y tế.
- Các trường hợp được miễn trừ do điều trị.
- Kiểm soát các nguy cơ khi sử dụng các chất bổ sung dinh dưỡng.
- Tác hại của doping đối với tinh thần thể thao.
Xem thêm Thông tư 01/2023/TT-BVHTTDL có hiệu lực thi hành từ ngày 15/4/2023.
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | [email protected] |