Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin chi tiết về 09 phòng chuyên môn được tổ chức thống nhất ở cấp huyện từ 01/03/2025.
09 phòng chuyên môn được tổ chức thống nhất ở cấp huyện từ 01/03/2025 (Hình từ internet)
Ngày 28/2/2025, Chính phủ đã ban hành Nghị định 45/2025/NĐ-CP quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương.
Theo Điều 15 Nghị định 45/2025/NĐ-CP quy định các phòng chuyên môn được tổ chức thống nhất ở cấp huyện bao gồm:
(1) Phòng Nội vụ
Tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về: Tổ chức hành chính, sự nghiệp nhà nước; chính quyền địa phương, địa giới đơn vị hành chính; cán bộ, công chức, viên chức và công vụ; cải cách hành chính; hội, tổ chức phi chính phủ; thi đua, khen thưởng; văn thư, lưu trữ nhà nước; thanh niên; lao động, tiền lương; việc làm; bảo hiểm xã hội; an toàn, vệ sinh lao động; người có công; bình đẳng giới.
Thực hiện chức năng tham mưu quản lý nhà nước về dân tộc và tín ngưỡng, tôn giáo trong trường hợp không thành lập Phòng Dân tộc và Tôn giáo.
(2) Phòng Tư pháp
Tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về: Công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, theo dõi thi hành pháp luật, kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật; hòa giải ở cơ sở, trợ giúp pháp lý, nuôi con nuôi, hộ tịch, chứng thực, quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và các công tác tư pháp khác theo quy định của pháp luật.
(3) Phòng Tài chính - Kế hoạch
Tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về: Tài chính; kế hoạch và đầu tư; doanh nghiệp, kinh tế hợp tác; quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách.
(4) Phòng Giáo dục và Đào tạo
Tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về: Giáo dục mầm non; giáo dục phổ thông (giáo dục tiểu học và giáo dục trung học cơ sở); giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên (nếu có).
(5) Phòng Kinh tế, Hạ tầng và Đô thị
Tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về: Quy hoạch xây dựng, kiến trúc; hoạt động đầu tư xây dựng; phát triển đô thị; hạ tầng kỹ thuật đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao (bao gồm: cấp nước, thoát nước đô thị và khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao, cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng; chiếu sáng đô thị, cây xanh đô thị; quản lý nghĩa trang, trừ nghĩa trang liệt sĩ; quản lý xây dựng ngầm đô thị; quản lý sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị); nhà ở; công sở; vật liệu xây dựng; giao thông; tiểu thủ công nghiệp; công nghiệp; thương mại.
(6) Phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin
Tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về: Văn hóa; gia đình; thể dục, thể thao; du lịch; quảng cáo; bưu chính; viễn thông; công nghệ thông tin (không bao gồm an toàn thông tin, an ninh mạng); phát thanh truyền hình; báo chí; xuất bản; thông tin cơ sở; thông tin đối ngoại; hạ tầng thông tin; khoa học và công nghệ; kinh tế số, xã hội số và chuyển đổi số.
(7) Phòng Y tế
Tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về: Y tế dự phòng; khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng; y dược cổ truyền; sức khỏe sinh sản; trang thiết bị y tế; dược; mỹ phẩm; an toàn thực phẩm; bảo hiểm y tế; dân số; bảo trợ xã hội; bảo vệ và chăm sóc trẻ em; phòng, chống tệ nạn xã hội (không bao gồm cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy).
Trường hợp không tổ chức riêng Phòng Y tế thì chức năng tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực y tế do Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thực hiện.
(8) Thanh tra huyện
Tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước và thực hiện nhiệm vụ công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực theo quy định của pháp luật.
(9) Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân
Tham mưu, giúp Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp huyện về: Chương trình, kế hoạch công tác của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân; tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện; kiểm soát thủ tục hành chính; tổ chức triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của địa phương; cung cấp thông tin phục vụ quản lý và hoạt động của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và các cơ quan nhà nước ở địa phương; bảo đảm cơ sở vật chất, kỹ thuật cho hoạt động của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp huyện; giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân và các Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo thẩm quyền; quản lý công tác quản trị nội bộ của Văn phòng.
Thực hiện chức năng tham mưu quản lý nhà nước về y tế trong trường hợp địa phương không thành lập Phòng Y tế.
Đối với đơn vị hành chính cấp huyện có đường biên giới lãnh thổ quốc gia trên đất liền, trên biển và hải đảo, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp huyện tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác ngoại vụ, biên giới.
Đối với địa phương không tổ chức Hội đồng nhân dân thì bỏ chức năng tham mưu, giúp Hội đồng nhân dân và tên gọi được đổi thành Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp huyện.
- Phòng chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện làm việc theo chế độ thủ trưởng và theo Quy chế làm việc của Ủy ban nhân dân cấp huyện; bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ.
- Căn cứ các quy định của pháp luật và phân công của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Trưởng phòng ban hành Quy chế làm việc của phòng và chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện.
- Trưởng phòng chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực ở địa phương và các công việc được Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện phân công hoặc ủy quyền; không chuyển công việc thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của mình lên Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện. Đối với những vấn đề vượt quá thẩm quyền hoặc đúng thẩm quyền nhưng không đủ khả năng và điều kiện để giải quyết thì Trưởng phòng phải chủ động làm việc với Trưởng phòng có liên quan để hoàn chỉnh hồ sơ trình Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và chịu trách nhiệm khi để xảy ra tham nhũng, gây thiệt hại trong tổ chức, đơn vị thuộc quyền quản lý của mình.
- Trưởng phòng có trách nhiệm báo cáo với Ủy ban nhân dân cấp huyện về tổ chức, hoạt động của cơ quan mình; báo cáo công tác với cơ quan có thẩm quyền theo quy định.
(Điều 14 Nghị định 45/2025/NĐ-CP)
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | [email protected] |